Bước tới nội dung

Frederick Douglass: Diễn văn Tưởng niệm Abraham Lincoln

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Tượng đài Giải phóng Nô lệ, tại địa điểm nầy Frederick Douglass đọc Diễn văn Tưởng niệm Abraham Lincoln.

Diễn văn Tưởng niệm Abraham Lincoln là một trong những bài diễn văn nổi tiếng của Frederick Douglass, được tác giả đọc tại lễ khánh thành Tượng đài Giải phóng Nô lệ vào ngày 14 tháng 4 năm 1876, mười một năm sau khi Abraham Lincoln, Tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ, bị ám sát.

Trong bài diễn văn, Douglass gọi Lincoln là "Tổng thống tử đạo đầu tiên của Hoa Kỳ" và miêu tả Lincoln là người "có khí chất anh hùng", từ thời niên thiếu đã được tôi luyện trong một môi trường sống nghiệt ngã để trở thành một chính khách đủ sức đảm đương sứ mạng người dân Mỹ phó thác qua lá phiếu, ông đã lãnh đạo đất nước trải qua một giai đoạn căng thẳng và phức tạp, ông phải đứng trước một quyết định khó khăn, "hoặc là đem đất nước này thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng rồi sẽ được thịnh vượng, hay là để nó bị chia cắt rồi sẽ bị suy tàn".

Đồng thời, Douglass đưa ra những nhận xét thẳng thắn về vị tổng thống quá cố, kể cả những điều tiêu cực. Gọi Lincoln là "tổng thống của người da trắng", Douglass chỉ trích Lincoln vì thái độ chần chừ đối với cuộc đấu tranh giải phóng nô lệ, lại ghi nhận rằng mặc dù Lincoln chống đối việc mở rộng chế độ nô lệ, trong giai đoạn đầu ông vẫn không chịu ủng hộ việc loại bỏ chế độ nô lệ.

Mặt khác, Douglass cũng nhắc đến niềm tin và sự kỳ vọng của người da đen hướng về Lincoln mặc dù những khiếm khuyết ấy của nhà lãnh đạo, bởi vì họ "khẳng định rằng thời cơ và con người đều hội tụ nơi Abraham Lincoln" để họ còn có cơ may được giải phóng khỏi chế độ nô lệ.[1]

Hai con người, hai tính cách

[sửa | sửa mã nguồn]
Abraham Lincoln.

Trong khi Abraham Lincoln nổi tiếng là "Nhà Giải phóng Vĩ đại", người đã cống hiến đời mình để chấm dứt chế độ nô lệ cũng như kết thúc cuộc Nội chiến thì Frederick Douglass, một nô lệ đào thoát, được biết đến như là một nhà hoạt động xã hội không mệt mỏi cho phong trào bãi nô và quyền bình đẳng cho người Mỹ gốc Phi cùng quyền bầu cử cho phụ nữ.

Mặc dù chia sẻ với nhau những điểm chung - là nô lệ hoặc đến từ một giai tầng nghèo khó ở vùng biên địa, cả hai đều tự học và tự lập thân, đều là những nhà hùng biện xuất chúng, đều là bậc thầy trong nghệ thuật sử dụng ngôn từ để cổ xúy và quảng bá những lý tưởng cao đẹp - và cùng theo đuổi mục tiêu tranh đấu cho một xã hội bình đẳng, Lincoln và Douglass lại lớn lên trong những môi trường sống hoàn toàn khác biệt, điều này ảnh hưởng đến tiến trình hình thành nhận thức của mỗi người.[2]

Lập trường ban đầu của Lincoln

[sửa | sửa mã nguồn]

Dù căm ghét chế độ nô lệ từ khi còn niên thiếu,[3] giai đoạn đầu trong hoạt động chính trường, Lincoln vẫn giữ lập trường ủng hộ chính sách phân biệt màu da, tách riêng người da đen khỏi người da trắng, và duy trì chế độ nô lệ tại những nơi nó đang hiện hữu. Dù tin rằng chế độ nô lệ tự nó sẽ lụi tàn, Lincoln ủng hộ sử dụng biện pháp trấn áp nếu nô lệ tự đấu tranh giành tự do,[4] ông cũng không ủng hộ sự bình đẳng chủng tộc, kêu gọi trục xuất người da đen,[5] lại còn lập kế hoạch đưa người da đen (cả nô lệ lẫn tự do) trở về châu Phi. Lincoln tin quyết rằng người da trắng và người da đen không nên sống chung với nhau trên lãnh thổ Hoa Kỳ.[6]

Ngay cả lúc vận động tranh cử Tổng thống năm 1860, Lincoln muốn có một cam kết theo đó liên bang không can thiệp vào vấn đề nô lệ tại các tiểu bang đang duy trì chế độ này. Tuy nhiên, đến thời điểm chấm dứt cuộc Nội chiến, Lincoln hoàn toàn trở thành một con người khác.

Cuộc đấu tranh của Douglass

[sửa | sửa mã nguồn]
Frederick Douglass.

Một trong những tác nhân giúp Lincoln thay đổi quan niệm về chủng tộc là Frederick Douglass. Là một nô lệ tự học và đào thoát khỏi tiểu bang Maryland để lên phương Bắc tìm kiếm một nơi trú ẩn an toàn, Douglass đến New York trong năm 1863. Trước khi bùng nổ cuộc nội chiến, Douglass hoạt động tích cực cho phong trào bãi nô. Ông thường xuyên được mời diễn thuyết về sự tự do cũng như quyền của người da đen. Ông thuật lại trải nghiệm của mình khi còn là nô lệ. Chẳng bao lâu, Douglass trở nên một diễn giả nổi tiếng đi khắp miền Bắc để vận động chống chế độ nô lệ, dù ông gặp không ít khó khăn khi đối diện với những đám đông người da trắng chống đối. Douglass cũng xuất bản tờ nhật báo North Star trình bày và cổ xúy cho lập trường bãi nô.[7]

Trong khi Douglass đấu tranh chống chế độ nô lệ thì Lincoln vận động để trở thành Tổng thống Hoa Kỳ. Khi Lincoln đắc cử, các tiểu bang miền Nam tuyên bố rút khỏi Liên bang bởi vì Lincoln không cho phép chế độ nô lệ bành trướng sang những vùng lãnh thổ miền Tây mặc dù ông ủng hộ việc duy trì chế độ nô lệ ở miền Nam. Tháng 4 năm 1861, chiến tranh bùng nổ, và cùng với những diễn biến của cuộc nội chiến, dần dà chính kiến của Lincoln cũng thay đổi.

Khởi thủy, Lincoln chỉ quan tâm đến việc bảo vệ sự thống nhất của Liên bang, Frederick Douglass bước vào, công khai chỉ trích Tổng thống, chính phủ, cũng như mục tiêu hàng đầu của Tổng thống là bảo vệ Liên bang. Nỗi sợ lớn nhất của Lincoln là Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ bị giải thể.[8]

Đó là lúc Douglass tích cực vận động nhằm thay đổi lập trường của Lincoln và chính phủ của ông, cố thuyết phục họ rằng mục tiêu của cuộc chiến là chống lại chế độ nô lệ. Đó cũng là thời điểm khởi đầu mối quan hệ gây nhiều ảnh hưởng giữa Abraham Lincoln và Frederick Douglass. Tháng 6 năm 1861, Douglass lên tiếng chỉ trích những người như Tổng thống Lincoln vì đã im lặng trong vấn đề nô lệ để duy trì sự đoàn kết ở miền Bắc. Trong một bài diễn văn đọc vào tháng 1 năm 1862, ông lại công khai phê phán Tổng thống về chính sách giao trả nô lệ chạy trốn cho chủ nô cũng như quyết định vô hiệu hóa mệnh lệnh của Tướng John C. Freemont giải phóng nô lệ đang bị cầm giữ ở Missouri.[8]

Douglass tiếp tục những chuyến đi diễn thuyết khắp miền Bắc để tìm kiếm sự ủng hộ cho phong trào bãi nô. Ông kêu gọi cho phép người nô lệ gia nhập quân đội để chiến đấu cho Liên bang, và gia tăng áp lực trên Lincoln. Ông nói Tổng thống đã không theo kịp diễn biến của thời cuộc. Trong suốt mùa xuân và mùa hè năm 1862, Douglass không che giấu nỗi thất vọng đối với Lincoln vì đã không chịu tập trung vào mục tiêu giải phóng nô lệ.[7]

Tuyên ngôn Giải phóng Nô lệ

[sửa | sửa mã nguồn]
Một người da đen đọc tin "Tổng thống giải phóng nô lệ" trên một tờ nhật báo, tranh Henry Louis Stephens (c. 1863)

Chưa bao giờ có cơ hội gặp gỡ Lincoln, Douglass cũng không nghĩ rằng những điều ông nói có tác động đến Tổng thống. Tuy nhiên, Lincoln đã lắng nghe. Tháng 7 năm 1862, Tổng thống trình bày trước nội các phác thảo đầu tiên của bản Tuyên ngôn Giải phóng Nô lệ. Không dễ dàng gì cho Lincoln khi soạn thảo bản Tuyên ngôn bởi vì ông bị chỉ trích từ mọi phía. Tháng 8 năm 1862, khi trao đổi thư tín với Horace Greely, chủ bút tờ New York Tribune, Lincoln trình bày rõ ràng lập trường của ông về vấn đề nô lệ: Sẽ giải phóng tất cả nô lệ nếu điều này cứu được Liên bang, hoặc sẽ không cho nô lệ nào được tự do nếu điều này cũng cứu được Liên bang.[9]

Ngày 22 tháng 9 năm 1862, bản Tuyên ngôn Giải phóng Nô lệ được công bố, văn kiện này có hiệu lực kể từ ngày 1 tháng 1 năm 1863. Sau khi bản Tuyên ngôn được công bố, Thống đốc tiểu bang Massachusetts, John Andrews, thỉnh cầu thành lập một lữ đoàn gồm người da đen. Bộ trưởng Chiến tranh, Edwin Stanton, và Tổng thống đều đồng ý. Theo yêu cầu của Andrews, Douglass tham gia tuyển mộ binh sĩ da đen, trong một bài diễn văn, ông kêu gọi họ "thà chết trong tự do còn hơn sống nô lệ."[10]

Cuối tháng 7 năm 1863, Douglass có cuộc hội kiến đầu tiên với Lincoln tại văn phòng Tổng thống. Lincoln cho biết ông tin rằng cách duy nhất để kết thúc chiến tranh là cho nô lệ được tự do và tuyển dụng họ làm việc cho Liên bang.[10]

Lincoln đắc cử Tổng thống nhiệm kỳ thứ hai. Ngày 4 tháng 3 năm 1865, Douglass đến dự lễ nhậm chức, nhưng sau đó ông bị lính canh ngăn chặn khi muốn vào dự gala mừng lễ nhậm chức, Tổng thống phải đích thân can thiệp, hai người gặp nhau và trò chuyện cách thân tình. Cả Douglass và Lincoln đều không biết rằng đó là gần gặp gỡ cuối cùng của họ.[7]

Lincoln bị ám sát

[sửa | sửa mã nguồn]

Nội chiến kết thúc vào ngày 9 tháng 4 năm 1865 khi Tướng Lee đầu hàng Tướng Grant. Hai ngày sau, trên bãi cỏ của Tòa Bạch Ốc Lincoln đọc bài diễn văn sau cùng của mình, cho biết mục tiêu duy nhất của chính phủ là đem những tiểu bang ly khai trở về với "mối quan hệ chính đáng". Ngày 14 tháng 4, khi đang xem kịch tại Nhà hát Ford, Abraham Lincoln bị ám sát.

Mười một năm sau, ngày 14 tháng 4 năm 1876, trong buổi lễ khánh thành Tượng đài Giải phóng Nô lệ, trước sự hiện diện của Tổng thống Ulysses S. Grant, nhiều viên chức chính phủ, và đông đảo người da đen, Douglass đọc bài diễn văn tưởng niệm Abraham Lincoln. Cử tọa, chịu cảm động bởi bài diễn văn, đã đứng lên hoan hô Douglass. Mary Todd Lincoln, phu nhân của vị tổng thống quá cố, tặng Frederick Douglass chiếc gậy đi đường của chồng bà. Trong bức thư cảm ơn gởi bà Lincoln, Douglass viết, "Tôi chắc rằng kỷ vật vô giá này sẽ ở bên cạnh tôi trong khi tôi còn sống như là một vật thiêng liêng, không chỉ là bằng chứng để tôi có lý do hiểu rằng Tổng thống xem tôi là thân tình mà còn cho thấy sự quan tâm của ông đối với phúc lợi của toàn thể chủng tộc của tôi".[11]

Trích dẫn

[sửa | sửa mã nguồn]

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Frederick Douglass (ngày 14 tháng 4 năm 1876). “Oration in Memory of Abraham Lincoln”.
  2. ^ Oakes, James. The Radical and The Republican: Federick Douglass, Abraham Lincoln, and the Triumph of Antislavery Politics, p. 90
    Lincoln và Douglass là những con người rất khác nhau... Cả hai đều lớn lên trong nghèo khó, và đều tự học. Trong thế hệ của những nhà hùng biện tài năng, họ là hai người vĩ đại nhất; trong thế kỷ của những người tự lập, cả hai có thể coi cuộc đời mình như là những hình mẫu. Tuy nhiên, họ là những con người khác biệt, không chỉ đơn giản vì một người là da trắng, sinh ra là người tự do, còn người kia là da đen, chào đời trong kiếp nô lệ; họ khác nhau trong tư tưởng. Dù cả hai đều căm ghét chế độ nô lệ, họ ghét nó theo những cách khác nhau, và không phải lúc nào cũng có cùng một lý do chung. Họ cũng khác nhau trong tính cách. Douglass là con người dữ dội của trào lưu lãng mạn thế kỷ mười chín. Ông thường lớn tiếng khi nói chuyện, giọng nam trung vang vang cùng đôi tay luôn vung vẩy. Abraham Lincoln là đứa con rụt rè của phong trào Khai sáng thế kỷ mười tám. Ông đứng yên khi diễn thuyết, tay để sau lưng, giọng nói cao và rõ đủ để truyền đạt cho cử tọa đông đảo.
  3. ^ Machoukas, Ryan. “Friends at Last: How Abraham Lincoln and Frederick Douglass Influenced Each Other's Political Ideas” (PDF). Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 5 tháng 8 năm 2012. Truy cập ngày 15 tháng 9 năm 2014.
    Trong thư gởi một người bạn, Mary Speed, Lincoln kể lại những suy nghĩ của mình khi chứng kiến một đoàn nô lệ bị trói dẫn đi như một bầy súc vật: họ nghĩ gì khi "bị dứt bỏ vĩnh viễn khỏi khung cảnh sống thời thơ ấu, khỏi bạn bè, cha mẹ, anh chị em, nhiều người bị chia cách với vợ con, để sống kiếp nô lệ không lối thoát dưới những lằn roi tàn bạo không ngưng nghỉ của chủ nô."
  4. ^ Michael Lind 2004, tr. 16
  5. ^ Michael Lind 2004, tr. 149
  6. ^ Michael Lind 2004, tr. 112
  7. ^ a b c Machoukas, Ryan. “Friends at Last: How Abraham Lincoln and Frederick Douglass Influenced Each Other's Political Ideas” (PDF). Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 5 tháng 8 năm 2012. Truy cập ngày 15 tháng 9 năm 2014.
  8. ^ a b McFeely, William S. (1991). Frederick Douglass. Norton & Company, 1991; p. 212.
  9. ^ Cothran, Helen. Abraham Lincoln. Greenhaven Press, Inc., 2002; p. 22.
  10. ^ a b Miller, Douglas T. (1988). Frederick Douglass and the Fight for Freedom. Faces on File Publication, 1988; p. 102.
  11. ^ Frederick Douglass Thanks Mary Todd Lincoln for Abraham Lincoln’s Walking Stick
nguồn dẫn
  • Michael Lind (2004), The Values and Conversations of America's Greatest President: What Lincoln Believed., Random House line feed character trong |title= tại ký tự số 76 (trợ giúp)

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]

Bản mẫu:Abraham Lincoln