Bước tới nội dung

Kitsune

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Hoàng tử Hanzoku bị một con cáo chín đuôi (cửu vĩ hồ, kyūbi no kitsune) làm khiếp sợ. Tranh in của Utagawa Kuniyoshi, thời kỳ Edo, thế kỷ 19.
Một con cửu vĩ hồ, từ bản in đời nhà Thanh của cuốn cổ kinh Sơn Hải Kinh

Kitsune ( (キツネ), キツネ (hồ)? IPA: [kitsu͍ne] ), theo nghĩa đen, là một từ tiếng Nhật để chỉ loài cáo, hay hồ ly tinh trong văn hóa dân gian Nhật Bản. Loài cáo là một chủ đề phổ biến của văn hoá dân gian Nhật Bản. Trong tiếng Anh, kitsune là từ dùng để chỉ chúng trong ngữ cảnh này. Những câu chuyện miêu tả chúng như những sinh vật vừa thông minh vừa có những ma lực ám ảnh tăng dần theo độ tuổi và trí tuệ của chúng. Theo văn hóa dân gian Yōkai, tất cả các con cáo đều có năng lực biến hóa thành hình dạng con người. Trong khi một số câu chuyện dân gian kể rằng kitsune sử dụng năng lực của chúng để lừa người – như những con cáo trong văn hóa dân gian vẫn thường làm – thì những câu chuyện khác lại miêu tả chúng như là những vệ sĩ trung thành, người bạn, người tình và người vợ.

Cáo và loài người đã sống cùng nhau trong thời tiền sử ở Nhật Bản; sự đồng hành đã làm nảy sinh những truyền thuyết về các sinh vật này. Kitsune có liên hệ mật thiết với Inari, một kami hoặc thần linh trong Thần đạo, và phụng sự như là những sứ giả của vị thần. Vai trò này đã làm tăng ý nghĩa siêu nhiên của loài cáo. Một con kitsune có càng nhiều đuôi – chúng có thể có đến chín cái đuôi – thì nó càng già, càng thông thái, và càng mạnh. Bởi vì tiềm lực và sự ảnh hưởng của chúng, một số người còn cúng tế cho chúng như những vị thần. Ngược lại, những con cáo cũng thường được coi như là những "loài vật phù thủy", đặc biệt trong là thời kỳ Edo (1603–1867) đầy mê tín, và là những con yêu tinh lọc lừa (tương tự như với lửng và mèo).[1]

Nguồn gốc

[sửa | sửa mã nguồn]

Những huyền thoại Nhật Bản về loài cáo có nguồn gốc từ cửu vĩ hồ trong thần thoại Trung Hoa,[2][3] cũng có trong các câu chuyện khắp Đông Á. Những chuyện cổ dân gian của Trung Quốc kể về những thần cáo gọi là hồ ly tinh (tiếng Trung: 狐狸精) có thể có tới chín đuôi; chúng đã được đưa vào văn hóa Nhật Bản với tên gọi kyūbi no kitsune ('cửu vĩ hồ',[4] được trình bày chi tiết hơn bên dưới). Nhiều câu chuyện còn sót lại sớm nhất được ghi lại trong Konjaku Monogatarishū, một tuyển tập văn học Nhật Bản từ thế kỷ 11 các câu chuyện truyền miệng của Nhật Bản, Trung QuốcẤn Độ.[5]

Smyers (1999) ghi nhận rằng ý tưởng về loài cáo chuyên đi quyến rũ và mối liên hệ của những huyền thoại về chúng với Phật giáo đã được đưa vào văn hóa dân gian Nhật Bản thông qua những câu chuyện tương tự của Trung Quốc, nhưng bà vẫn tin rằng một số câu chuyện về loài cáo có chứa những chất liệu đặc trưng riêng của Nhật Bản.[6]

Từ nguyên

[sửa | sửa mã nguồn]
Tượng cáo trong ngôi đền Thần Đạo ở Nhật Bản
Nhật Bản là nơi sinh sống của 2 phân loài cáo đỏ: cáo Hokkaido (Vulpes vulpes schrencki, hình), và cáo đỏ Nhật Bản (Vulpes vulpes japonica), cả hai đều không có chín đuôi.

Người ta vẫn chưa biết từ nguyên đầy đủ của từ này. Cách sử dụng từ lâu đời nhất được biết đến là trong văn bản Shin'yaku Kegonkyō Ongi Shiki, có niên đại năm 794. Các nguồn cũ khác bao gồm Nihon Ryōiki (810–824) và Wamyō Ruijushō (k. 934). Những nguồn cũ này được viết bằng chữ Man'yōgana, trong đó xác định rõ dạng lịch sử của từ này (khi được chuyển âm sang dạng Latin) là ki1tune. Sau một số thay đổi âm vị trong lịch sử, nó trở thành kitsune.

Nhiều đề xuất từ nguyên đã được đưa ra, mặc dù không có sự thống nhất chung:

  • Myōgoki (1268) cho rằng nó được gọi như vậy vì nó "luôn (tsune) có màu vàng (ki)".
  • Tác phẩm Mizukagami vào đầu thời kỳ Kamakura chỉ ra rằng nó có nghĩa là "đến (ki) [tiếp vĩ ngữ thể hoàn thành tsu] phòng ngủ (ne)", từ một truyền thuyết rằng kitsune có thể mang hình dáng phụ nữ, kết hôn với đàn ông và sinh con.
  • Arai Hakuseki trong Tōga (1717) cho rằng ki có nghĩa là 'mùi hôi thối', tsu là tiếp vĩ ngữ sở hữu cách (possessive particle), và ne có liên quan tới inu, từ có nghĩa là 'chó'.
  • Tanikawa Kotosuga trong Wakun no Shiori (1777–1887) cho rằng ki có nghĩa là 'màu vàng', tsu là tiếp vĩ ngữ sở hữu cách, và ne có liên quan tới neko, từ có nghĩa là 'mèo'.
  • Ōtsuki Fumihiko trong Daigenkai (1932–1935) đề xuất rằng từ này xuất phát từ kitsu, là từ tượng thanh chỉ tiếng sủa của con cáo, và ne, có thể là một kính ngữ đề cập đến một người hầu của đền thờ Inari.
  • Nozaki cũng gợi ý rằng từ này ban đầu là từ tượng thanh: kitsu đại diện cho tiếng kêu ăng ẳng của cáo và trở thành từ chung cho 'cáo'; -ne biểu thị một dạng thức thân mật.[7]

Kitsu là từ tượng thanh cổ; trong tiếng Nhật hiện đại, tiếng sủa của cáo được phiên âm là kon kon hoặc gon gon.

Từ nguyên dân gian được biết đến rộng rãi của từ này[8] liên quan đến việc đi ngủ và trở về nhà: trong tiếng Nhật cổ điển, kitsu-ne có nghĩa là 'đến ngủ', và ki-tsune có nghĩa là 'luôn luôn đến'.[9] Điều này dường như gắn liền với một câu chuyện cụ thể; nó là một trong những câu chuyện cổ nhất còn sót lại về kitsune,[8] và không giống như hầu hết những câu chuyện trong đó kitsune có hình dạng của một người phụ nữ và kết hôn với đàn ông, câu chuyện này không kết thúc một cách bi thảm.[5][9] Từ bản dịch của Hamel:[8]

Ono, người quê Mino (cho biết rằng đây là một truyền thuyết cổ của Nhật Bản vào năm 545 sau Công nguyên), bấy lâu luôn tơ tưởng đến hình tượng người phụ nữ trong mộng của mình. Anh gặp cô vào một buổi tối trên một cánh đồng hoang rộng lớn và kết hôn với cô. Cùng lúc với sự ra đời của đứa con trai, Ono nhận nuôi một con chó con, càng lớn nó càng biểu lộ sự căm ghét người phụ nữ kia. Cô cầu xin chồng giết nó đi, nhưng anh từ chối. Cuối cùng, một ngày nọ, con chó xông vào cắn cô dữ dội, đến nỗi cô mất can đảm, trở lại lốt cáo, nhảy qua hàng rào và bỏ trốn. "Em có thể là cáo," Ono gọi theo, "nhưng em là mẹ của con trai tôi, và tôi sẽ luôn yêu thương em. Hãy trở lại khi thoải mái; em luôn được chào đón." Thế là tối nào cô cũng lén trở về và ngủ trong vòng tay anh.

Từ nguyên dân gian cho rằng vì con cáo trở về với chồng mỗi đêm với tư cách là một người phụ nữ nhưng lại rời đi vào mỗi buổi sáng với tư cách là một con cáo mà nó được gọi là kitsune.

Đặc trưng

[sửa | sửa mã nguồn]
Tấm obake karuta ('thẻ bài quái vật') từ đầu thế kỷ 19 mô tả một kitsune. Trò chơi thẻ bài liên quan này bao gồm việc kết hợp các manh mối từ văn hóa dân gian đến hình ảnh của các sinh vật cụ thể.

Kitsune được cho là sở hữu trí thông minh vượt trội, sống thọ và có sức mạnh ma thuật. Chúng là một loại yōkai. Từ kitsune đôi khi được dịch là 'tinh linh cáo' ("fox spirit"), thực ra là một thể loại truyện dân gian rộng hơn. Điều này không có nghĩa kitsunema, cũng không phải về cơ bản chúng khác với cáo thông thường. Bởi vì từ tinh linh ("spirit") được sử dụng để phản ánh trạng thái hiểu biết hoặc giác ngộ, tất cả những con cáo sống lâu đều được cho là có được khả năng siêu nhiên.[6]

Có hai cách phân loại phổ biến của kitsune:

  • Zenko (善狐 (thiện hồ)? 'cáo tốt') là những con cáo nhân từ, thánh thiện gắn liền với Inari; chúng đôi khi được gọi đơn giản là "cáo Inari" ("Inari fox") trong tiếng Anh.
  • Mặt khác, yako (野狐 (dã hồ)? 'cáo đồng', cũng gọi nogitsune) có xu hướng tinh quái hoặc thậm chí có ác tâm.[10]

Các truyền thống địa phương bổ sung thêm các loại hình khác.[10] Ví dụ, ninko là một tinh linh cáo vô hình mà con người chỉ có thể nhận thức được khi bị chúng nhập hồn. Kitsune có thể có tới chín đuôi.[11] Nói chung, số lượng đuôi nhiều hơn cho thấy một kitsune già hơn và mạnh mẽ hơn; trên thực tế, một số câu chuyện dân gian nói rằng một con cáo sẽ chỉ mọc thêm đuôi sau khi nó sống được 100 năm.[12] (Trong môi trường hoang dã, tuổi thọ điển hình của cáo thật là từ một đến ba năm, mặc dù các cá thể có thể sống tới mười năm trong điều kiện nuôi nhốt.)

Một, năm, bảy và chín đuôi là những con số phổ biến nhất trong các câu chuyện dân gian.[13] Những kyūbi no kitsune (九尾の狐 (cửu vĩ hồ)? 'cáo chín đuôi') này có khả năng nhìn và nghe bất cứ điều gì xảy ra ở bất cứ đâu trên thế giới. Những câu chuyện khác ghi nhận chúng với trí tuệ vô hạn (toàn trí).[14] Sau khi đạt đến 1.000 tuổi và có đuôi thứ chín, kitsune chuyển sang màu trắng hoặc vàng,[11] trở thành tenko (天狐 (thiên hồ) 'cáo nhà trời'?), dạng mạnh nhất của kitsune, và sau đó bay lên thiên đàng.

Thay đổi hình dạng

[sửa | sửa mã nguồn]
Cosplay về Kitsune

Kitsune có thể biến đổi theo hình dáng con người, một khả năng học được khi nó đạt đến một độ tuổi nhất định – thường là 100 năm, mặc dù một số câu chuyện nói rằng chỉ cần 50 năm.[12] Như một điều kiện tiên quyết chung cho sự biến đổi, con cáo phải để một nhánh lau sậy, một chiếc lá hoặc hộp sọ lên trên đầu.[15] Kitsune thường hoá thành các hình dạng người phụ nữ xinh đẹp, cô gái trẻ, đàn ông đứng tuổi, và ít hơn là các chàng trai trẻ.[16] Những hình dạng này không bị giới hạn bởi độ tuổi hoặc giới tính của con cáo,[6] và một kitsune có thể sao chép vẻ bề ngoài của một người cụ thể.[17] Kitsune đặc biệt nổi tiếng với việc đóng giả phụ nữ xinh đẹp.

Niềm tin phổ biến ở Nhật Bản thời Trung cổ là bất kỳ phụ nữ nào bị bắt gặp một mình, đặc biệt là vào lúc chạng vạng hoặc ban đêm, đều có thể là một kitsune.[18] Từ kitsune-gao ('mặt cáo') dùng để chỉ những phụ nữ có khuôn mặt hẹp với đôi mắt gần nhau, lông mày mỏng và gò má cao. Theo truyền thống, cấu trúc khuôn mặt này được coi là hấp dẫn, và một số câu chuyện cho rằng nó giống những con cáo ở dạng người.[19] Các biến thể trong chủ đề cho thấy kitsune giữ lại các đặc điểm khác của loài cáo, chẳng hạn như lớp phủ mịn của lông cáo, có bóng mang hình dạng cáo hoặc phản chiếu cho thấy hình dạng thật của nó.[20]

Trong một số câu chuyện, kitsune vẫn giữ lại – và gặp khó khăn trong việc – che giấu đuôi của chúng khi chúng ở hình dạng con người. Muốn tìm ra đuôi cáo thì có lẽ lúc chúng say rượu hoặc bất cẩn là phương pháp phổ biến để thấy rõ bản chất thật sự của chúng.[21] Một người đặc biệt sùng đạo có thể nhìn thấu được lớp ngụy trang của cáo chỉ bằng cách cảm nhận chúng.[22] Kitsune cũng có thể bị lộ diện khi ở trong lốt con người bởi nỗi sợ hãi và căm hờn chó. Một số còn trở nên bối rối trước sự hiện diện của chó đến mức quay trở lại dạng cáo và bỏ chạy.

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Casal, U.A. The Goblin Fox and Badger and Other Witch Animals of Japan. Nanzan University Press. tr. 1–93.
  2. ^ Gubler, Greg. “Kitsune: The Remarkable Japanese Fox”. Southern Folklore Quarterly. 38 (2): 121–134.
  3. ^ Bargen, Doris G. (1997). A woman's weapon: spirit possession in the Tale of Genji. Honolulu: University of Hawaii Press. tr. 292. ISBN 9780824818586.
  4. ^ Wallen, Martin (2006). Fox. London: Reaktion Books. tr. 69–70. ISBN 9781861892973.
  5. ^ a b Goff, Janet (tháng 4 năm 1997). “Foxes in Japanese culture: beautiful or beastly?” (PDF). Japan Quarterly. 44 (2).
  6. ^ a b c Smyers. 127–128
  7. ^ Nozaki 1961, tr. 3
  8. ^ a b c Hamel 2003, tr. 89
  9. ^ a b Smyers 1999, tr. 72
  10. ^ a b Hearn, tr. 154
  11. ^ a b Smyers 1999, tr. 129
  12. ^ a b Hamel 2003, tr. 91
  13. ^ “Kitsune, Kumiho, Huli Jing, Fox”. ngày 28 tháng 4 năm 2003. Truy cập ngày 14 tháng 12 năm 2006.
  14. ^ Hearn, tr. 159
  15. ^ Nozaki 1961, tr. 25–26
  16. ^ 民俗学研究所編 biên tập (1951). 民俗学辞典. 東京堂. tr. 137–8. NCID BN01703544.
  17. ^ Hall 2003, tr. 145
  18. ^ Tyler 1987, tr. xlix
  19. ^ Nozaki 1961, tr. 95, 206
  20. ^ Hearn, tr. 155
  21. ^ Ashkenazy 2003, tr. 148
  22. ^ Heine, Steven (1999). Shifting Shape, Shaping Text: Philosophy and Folklore in the Fox Koan. University of Hawaii Press. tr. 153. ISBN 978-0-8248-2150-0.

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]

Đọc thêm

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Bathgate, Michael. The Fox's Craft in Japanese Religion and Folklore: Shapeshifters, Transformations, and Duplicities. New York: Routledge, 2004. ISBN 0-415-96821-6

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]