Bước tới nội dung

Lưu Trọng Lư

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Lưu Trọng Lư
Thông tin cá nhân
Sinh
Ngày sinh
19 tháng 6 năm 1911
Nơi sinh
Quảng Bình, Liên bang Đông Dương
Mất
Ngày mất
10 tháng 8, 1991(1991-08-10) (80 tuổi)
Nơi mất
Hà Nội, Việt Nam
Giới tínhnam
Quốc tịch Việt Nam
Nghề nghiệpNhà thơ, nhà viết kịch
Gia đình
Con cái
Lưu Trọng Ninh
Lĩnh vựcvăn học nghệ thuật, Thơ Việt Nam, kịch
Sự nghiệp văn học
Giai đoạn sáng tác1932 - 1991
Tác phẩmTiếng thu, Trăng lên, Nắng mới

Lưu Trọng Lư (19 tháng 6 năm 191110 tháng 8 năm 1991), là một nhà thơ, nhà văn, nhà soạn kịch Việt Nam.

Tiểu sử

[sửa | sửa mã nguồn]

Lưu Trọng Lư là người làng Cao Lao Hạ, xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ông sinh trưởng trong một gia đình quan lại xuất thân nho học. Thuở nhỏ, ông học trường tỉnh, rồi học ở Huế (đến năm thứ 3 tại Quốc học Huế) và Hà Nội. Sau đó, ông bỏ học đi dạy tư, làm văn và làm báo để kiếm sống.

Năm 1932, ông là một trong những nhà thơ khởi xướng và tích cực cổ vũ cho phong trào Thơ mới.

Năm 1933-1934, ông chủ trương mở Ngân Sơn tùng thư ở Huế.

Năm 1941, ông và thơ ông được Hoài Thanh và Hoài Chân giới thiệu trong quyển Thi nhân Việt Nam.

Sau Cách mạng Tháng Tám (1945), ông tham gia Văn hóa cứu quốc ở Huế. Những năm kháng chiến chống Pháp, ông tham gia hoạt động tuyên truyền, văn nghệ ở Bình Trị Thiên và Liên khu IV.

Sau 1954, ông công tác ở Bộ Văn hóa và làm Tổng Thư ký Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. Năm 1957, ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Ngày 10 tháng 8 năm 1991, Lưu Trọng Lư mất tại Hà Nội, thọ 80 tuổi. Sau khi mất, ông được an táng tại Nghĩa trang Văn Điển. Năm 1996, hài cốt ông được đưa về an táng tại Tân Thuận Tây, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh. Ông đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật năm 2000.

Con trai thứ 9 của ông là đạo diễn Lưu Trọng Ninh.

Tác phẩm

[sửa | sửa mã nguồn]

Sân khấu

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Nữ diễn viên miền Nam (cải lương)
  • Cây thanh trà (cải lương)
  • Xuân Vỹ Dạ (kịch nói)
  • Anh Trỗi (kịch nói)
  • Hồng Gấm, tuổi hai mươi tới rồi (kịch thơ,1973)

Văn xuôi

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Người sơn nhân (tập truyện ngắn, 1933)
  • Những nét đan thanh (truyện ngắn, 1934)
  • Huyền Không động (truyện ngắn, 1935)
  • Cô Nguyệt (truyện ngắn, 1937)
  • Con đười ươi (truyện ngắn, 1938)
  • Huế - một buổi chiều (truyện ngắn, 1938)
  • Một người đau khổ (truyện ngắn, 1939)
  • Chạy loạn (truyện ngắn, 1939)
  • Cô gái tân thời (truyện ngắn, 1939)
  • Một tháng với ma (truyện ngắn, 1940)
  • Chiếc cáng xanh (truyện dài, 1941)
  • Khói lam chiều (truyện dài, 194l)
  • Cô Nhung (truyện ngắn, 1941)
  • Mẹ con (truyện ngắn, 1942)
  • Em là gái trong khung cửa (truyện ngắn, 1942)
  • Dòng họ (truyện ngắn, 1943)
  • Hổ với Mọi (truyện ngắn, 1944)
  • Chiến khu Thừa Thiên (truyện vừa, 1952)
  • Truyện cô Nhụy (truyện vừa, 1962)
  • Mùa thu lớn (tuỳ bút, hồi ký, 1978)
  • Nửa đêm sực tỉnh (hồi ký, 1989)

Đánh giá

[sửa | sửa mã nguồn]

Là một trong những người tiên phong của Phong trào Thơ mới, những bài thơ của ông mà "nhiều bài thực không phải là thơ, nghĩa là những công trình nghệ thuật, mà chính là tiếng lòng thổn thức cùng hòa theo tiếng thổn thức của lòng ta"[1] đã góp phần khẳng định vị thế của Thơ mới. Hình ảnh:

...Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô...
(Tiếng thu)

hay người mẹ với:

...Nét cười đen nhánh sau tay áo
Trong nắng trưa hè trước dậu thưa
(Nắng mới)

trong thơ Lưu Trọng Lư đã trở thành những biểu tượng vượt thời gian.

Thơ Lưu Trọng Lư

[sửa | sửa mã nguồn]

Trích giới thiệu:

Tiếng thu
Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức?
Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ?
Em không nghe rừng thu,
Lá thu kêu xào xạc,
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp lên lá vàng khô?
Mắt buồn
Đôi mắt em lặng buồn
Nhìn thôi mà chẳng nói,
Tình đôi ta vời vợi
Có nói cũng không cùng.
Yêu hết một mùa đông
Không một lần đã nói,
Nhìn nhau buồn vời vợi
Có nói cũng không cùng.
Trời hết một mùa đông
Gió bên thềm thổi mãi,
Qua rồi mùa ân ái:
Đàn sếu đã sang sông.
Em ngồi trong song cửa
Anh đứng dựa tường hoa,
Nhìn nhau mà lệ ứa,
Một ngày một cách xa...

Bài thơ Tiếng thu đã được các nhạc sĩ Lê Thương, Phạm Duy, Hữu Xuân phổ nhạc thành bài hát cùng tên, còn bài Một mùa đông cũng được nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ thành bài Mắt buồn.

Sách tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Thi nhân Việt Nam 1932-1941, Hoài Thanh-Hoài Chân

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]