Mary Scott, Bá tước thứ 3 xứ Buccleuch
Nữ Bá tước xứ Buccleuch | |
---|---|
Tranh minh họa Mary Scott, Nữ Bá tước thứ 4 xứ Buccleuch của William Fraser trong The Scotts of Buccleuch (1878) | |
Bá tước xứ Buccleuch | |
Tại vị | 22 tháng 11 năm 1651 – 12 tháng 3 năm 1661 (9 năm, 110 ngày) |
Tiền nhiệm | Francis Scott |
Kế nhiệm | Anna Scott |
Bá tước phu nhân xứ Tarras | |
Tại vị | 4 tháng 9 năm 1660 – 12 tháng 3 năm 1661 (189 ngày) |
Thông tin chung | |
Tên đầy đủ | Mary Scott |
Các tước hiệu khác |
|
Sinh | Dundee, Vương quốc Scotland | 31 tháng 8 năm 1647
Mất | 12 tháng 3 năm 1661 Lâu đài Wemyss | (13 tuổi)
An táng | Dalkeith |
Phối ngẫu | Walter Scott, Bá tước xứ Tarras (cưới 1659–1661) |
Cha | Francis Scott, Bá tước thứ 2 xứ Buccleuch |
Mẹ | Margaret Leslie |
Phù hiệu áo giáp | |
Mary Scott, Bá tước thứ 3 xứ Buccleuch (31 tháng 8 năm 1647 – 11 tháng 3 năm 1661) là một nữ thừa kế và là Nữ Bá tước người Scotland, con gái của Francis Scott, Bá tước thứ 2 xứ Buccleuch và Margaret Leslie. Mary trở thành Bá tước phu nhân xứ Tarras sau khi chồng được phong tước vào năm 1660. Mary cũng là chị gái của Anna Scott, Công tước thứ 1 xứ Buccleuch, con dâu của Charles II của Anh.
Thân thế
[sửa | sửa mã nguồn]Mary Scott sinh vào thứ năm, ngày 31 tháng 8 năm 1647 tại Lâu đài Dalkeith, Midlothian, là con gái đầu lòng của Francis Scott, Bá tước thứ 2 xứ Buccleuch và Margaret Leslie, con gái của John Leslie, Bá tước thứ 6 xứ Rothes và Anne Erskine.[1][2] Mary có một người em trai là Walter Scott[3] và hai người em gái là Margaret và Anna.[4]
Nữ Bá tước xứ Buccleuch
[sửa | sửa mã nguồn]Ngày 22 tháng 11 năm 1651, cha của Mary qua đời vì một cơn bệnh khi chưa đầy 25 tuổi.[5] Với tư cách là trưởng nữ, và vì em trai Walter Scott đã qua đời một năm trước đó, cô bé 4 tuổi Mary trở thành Nữ Bá tước thứ 3 xứ Buccleuch.[6][1][7] Với tước hiệu mới, Mary ngay lập tức trở thành một trong những đối tượng kết hôn đáng mơ ước nhất vương quốc.[8][9]
Tuổi thơ
[sửa | sửa mã nguồn]Mary và em gái Anna dành những năm đầu đời tại Lâu đài Dalkeith và Dinh thự Sheriffhall.[10][11] Trên thực tế, sau khi Francis qua đời, Lâu đài Dalkeith đã bị chính quyền Anh chiếm lấy vì họ cho rằng Lâu đài thuộc quyền sở hữu của Vương quyền và gia đình của Mary chỉ lấy lại được quyền sỡ hữu vời thời kỳ Trung hưng quân chủ Anh.[10] Vì thế George Monck, Công tước thứ 1 xứ Albemarle, với cương vị là Tổng Tư lệnh của Scotland từ năm 1654 đến 1660, đã trả tiền thuê: 110 đồng sterling cho công viên và vườn cây ăn quả và đồng threepence cho nhà ở.[10] Dù vậy, nơi ở chính của hai chị em và mẹ là ở Dinh thự Sheriffhall, gần Dalkeith. Dinh thự là phần tài sản mà ngài Bá tước quá cố đã sắp xếp cho Margaret cư trú. Dù được các giám hộ chi trả tiền để trang trải, cũng như theo di chúc của chồng, các giám hộ không thể làm bất kỳ việc gì mà không có sự cho phép của Thái Bá tước phu nhân, nhưng Margaret lo ngại rằng không thể đảm bảo các giám hộ luôn hành động theo ý muốn của mình. Vì thế Margaret mong muốn tái hôn.[10] Ngày 13 tháng 1 năm 1653, 14 tháng sau cái chết của Bá tước Francis, Margaret Leslie tái giá với David Wemyss, Bá tước thứ 2 xứ Wemyss, một người cũng đã hai lần kết hôn như Margaret, và đưa các con gái, gồm có Katherine Leslie (con gái từ cuộc hôn nhân đầu),[12][7] Mary và Anna Scott đến Lâu đài Wemyss ở Fife sinh sống.[10][11][13][7] Hai chị em cũng yêu thương, kính trọng và coi David như là cha của mình.[14]
Bàn luận hôn nhân
[sửa | sửa mã nguồn]John Hay, Bá tước thứ 2 xứ Tweeddale mong muốn được giám hộ hai chị em Mary và Anna, từ đó sẽ cho con trai của mình là John Hay kết hôn với Mary. Trước tình hình này, Sir Gideon Scott xứ Highchester thuyết phục Bá tước phu nhân xứ Wemyss về âm mưu của Bá tước xứ Tweeddale.[15] Thế nhưng chính Gideon cũng có một người con trai 9 tuổi, vô cùng lý tưởng cho Nữ Bá tước 7 tuổi Mary khi Mary đủ tuổi kết hôn.[16] Về phần Margaret, khi biết về âm mưu của cậu em rể cũ,[a] đã nhờ chồng đi về phía nam, gửi đơn kiến nghị cho Bảo hộ công Oliver Cromwell, mong muốn Bảo hộ công ủng hộ yêu cầu của mình rằng được tiếp tục nuôi dưỡng "những đứa con nhỏ tuổi và ốm yếu"[b] cho đến khi hai con được 11 hoặc 12 tuổi trước các giám hộ. Margaret có lý do chính đáng để lo ngại vì theo luật Scotland, người mẹ sẽ mất quyền giám hộ con gái khi đứa trẻ được 7 tuổi. May mắn cho Margaret, Bảo hộ công đã chấp nhận thỉnh cầu của Bá tước phu nhân và mong các giám hộ thuận theo Margaret.[18][19]
Năm 1657, Bá tước xứ Tweeddale cố gắng tìm cách để con trai kết hôn với Mary lần nữa.[20] Thậm chí các giám hộ khác cũng có toan tính của riêng mình với phần lãnh địa Buccleuch.[21] Trong khoảng thời gian này, sức khỏe của Mary không được tốt: cánh tay của Mary từng xuất hiện năm vết lở, sau đó chỉ còn một và cũng thường xuyên đau ốm. Trong tháng 12 năm 1658, Margaret đã phải chi trả 2.400 bảng Anh để chữa bệnh cho con. Thế nhưng, dù khỏe mạnh hay đau yếu, Mary phải nhanh chóng kết hôn vì nếu Nữ Bá tước qua đời mà không có con thì Anna sẽ kế nhiệm chị gái và Bá tước xứ Tweeddale sẽ có nhiều thời gian hơn để thực hiện kế hoạch của mình.[21]
Tuy nhiên, trong lá thư gửi cho em chồng cũ là Jean Scott, Bá tước phu nhân xứ Tweeddale, Margaret đã trả lời rằng còn quá sớm để bàn luận về hôn nhân của Mary. Đầu tháng 1 năm 1659, David Wemyss Bá tước thứ 2 xứ Wemyss đã viết thư đề nghị Gideon Scott xứ Highchester đưa con trai đến Lâu đài Wemyss trong vài ngày. Tại đó, Mary thể hiện sự yêu thích đối với Walter Scott xứ Highchester, con trai của Gideon. Nhân cơ hội này, Gideon và Margaret tuyên bố rằng Mary muốn cuộc hôn nhân với Walter diễn ra sớm nhất có thể.[22]
Một trở ngại để cho Mary kết hôn là phía nhà thờ. Theo luật Giáo hội, mọi cuộc hôn nhân sẽ được rao hôn phối trong ba Chúa nhật liên tiếp trước khi có thể chính thức cử hành. Tuy nhiên Sir Gideon và Phu nhân Wemyss không thể đợi lâu như vậy vì cuộc hôn nhân của Mary và Walter trên thực tế sẽ được cử hành một cách bất hợp pháp. Theo luật của Giáo hội và quốc gia thì không nữ giới nào được phép kết hôn khi chưa đủ 12 tuổi và Mary chỉ tròn 12 tuổi khi đến ngày 31 tháng 8 năm 1659.[23] Tuy nhiên, trưởng lão có thể đình chỉ hoạt động rao hôn phối trong "những trường hợp khẩn cấp". Margaret và Gideon Scott đã lợi dụng điều khoản này. Ngày 9 tháng 2, Bá tước xứ Wemyss và Gideon Elliott đã xin phép Trưởng lão Kirkcaldy cho phép Giáo xứ Wemyss cử hành hôn lễ của Mary và Walter. Dù cuộc hôn nhân là trái luật, nhưng trưởng lão Kirkcaldy đã cho phép cử hành hôn lễ.[24]
Phía Mary sẵn sàng thực hiện các trình tự pháp lý cần thiết để cho Walter Scott được phong làm Bá tước xứ Buccleuch sau khi kết hôn và cấp cho Walter khoản trợ cấp trọn đời là thu nhập hằng năm có trị giá lên đến 24.000 bảng Anh, bằng một phần năm thu nhập hằng năm của lãnh địa Buccleuch. Nếu như Mary qua đời trước chồng thì khoản tiền sẽ được nhân đôi. Nếu Mary qua đời trong một năm từ khi kết hôn thì Walter sẽ nhận được 120.000 bảng Anh, được chi trả trong ba năm. Trong trường hợp này, việc Mary qua đời quá sớm thì Walter sẽ mất quyền hưởng trợ cấp. Nếu cả Mary và Anna qua đời mà không có hậu duệ thì người thừa kế tiếp theo là Jean Scott, Bá tước phu nhân xứ Tweeddale và con trai sẽ phải chi trả cho Walter thêm một khoản hằng năm trị giá 18.666 bảng Anh cùng 13 đồng sherlling và 4 đồng penny. Nếu Walter và Mary chỉ có con gái thì khi Walter qua đời trước và Mary có con trai từ cuộc hôn nhân tiếp theo thì sẽ có khoản tiền chu cấp cho các con gái.[24] Theo như một thỏa thuận khác, sau khi kết hôn, vợ chồng Mary sẽ ở với vợ chồng Margaret cho đến khi Nữ Bá tước trọn 18 tuổi. Trong khoảng thời gian này, Margaret sẽ nhận được 18.000 bảng Anh hằng năm và Anna sẽ được nhận 3.000 bảng. Bên cạnh đó, Margaret đã có được 8.000 bảng Anh để lo việc tổ chức lễ cưới. Bị mờ mắt bởi lòng tham, Gideon Scott không nhận ra cái bẫy mình đặt chân vào bởi vợ chồng Margaret và anh trai của Bá tước phu nhân. Nếu Mary qua đời sớm, thì họ có thể dựa vào tính bất hợp pháp của cuộc hôn nhân để tiêu hủy cuộc hôn nhân, từ đó tránh được việc phải chi trả trợ cấp cho con trai Gideon.[25]
Kết hôn
[sửa | sửa mã nguồn]Ngày 9 tháng 2 năm 1659, khi chỉ mới được 11 tuổi 5 tháng và 9 ngày, Mary kết hôn với Walter Scott xứ Highchester, bấy giờ được 14 tuổi tại Giáo xứ Wemyss.[25] Vì cuộc hôn nhân là bất hợp pháp nên đã có kiến nghị tách Mary và Anna khỏi mẹ cũng như vô hiệu cuộc hôn nhân của Mary. Ngày 19 tháng 2 năm 1659, Mary bị đưa đến Edinburgh và được đặt dưới sự giám hộ của Margaret Kenedy, Bá tước phu nhân xứ Cassillis. Khi bị thẩm vấn, Nữ Bá tước tuyên bố rằng bản thân tự nguyện kết hôn và cuộc hôn nhân đã hoàn hợp.[26] Ngày 26 tháng 2 năm 1659, mười bảy ngày từ khi kết hôn, Mary được phán quyết sẽ được bảo hộ bởi Đại tướng Monck và ở tại Lâu đài Dalkeith cho đến khi đủ 12 tuổi hoặc khi cuộc hôn nhân được tuyên bố hợp pháp và chỉ phải tránh xa chồng. Nhưng lệnh cách ly cũng không quá nghiêm ngặt vì Walter có thể đến thăm Mary. Trong bảy tháng tới, Mary và Walter vẫn tiếp tục trao đổi thư từ, trong đó thể hiện Mary rất yêu mến chồng.[27][28] Dù rằng trong thư từ, Mary gọi chồng là Bá tước xứ Buccleuch và Walter cũng dùng danh xưng này trong một số sự kiện, nhưng Quốc vương Charles II không thừa nhận danh phận này mà thay vào đó, Walter được phong làm Bá tước xứ Tarras (một tước hiệu không được truyền cho thế hệ sau) vào ngày 4 tháng 9 năm 1660.[1][29]
Ngày 31 tháng 8 năm 1659, Mary chính thức tròn 12 tuổi. Nhân cơ hội này, vào ngày 2 tháng 9, tại Leith, Mary và chồng tuyên bố phê chuẩn cuộc hôn nhân và ký kết vào sổ sách của tòa án, bao gồm cả sổ của ủy ban. Theo một nguồn tin, tại Leith, lễ cưới thứ hai giữa Mary và Walter được cử hành. Sau khi cuộc hôn nhân được phê chuẩn, Mary và chồng ở tại Lâu đài Wemyss.[30][31]
Qua đời
[sửa | sửa mã nguồn]Vốn có sức khỏe yếu ớt nên Margaret luôn chú trọng Anna không kém Mary. Thế nhưng, Bá tước phu nhân xứ Wemyss cũng luôn cố gắng chữa trị cho Nữ Bá tước. Ngày 26 tháng 4 năm 1660, Mary được mô tả có vết loét ở phần xương bên tay trái, bắt đầu từ khuỷu tay và được gọi là khối u.[30] Đầu tháng 6 năm 1661, Mary quá yếu để thăm mẹ chồng nên đã gửi mẹ chồng tấm ảnh thu nhỏ của mình mà "con hy vọng mẹ sẽ đeo lên người để nhớ đến con."[c] Thậm chí Mary còn không đủ sức tự viết thư gửi mẹ chồng mà phải nhờ cậy người khác. Thế nhưng vài ngày sau, cho rằng con gái đủ khỏe mạnh, Margaret đưa Mary đến Luân Đôn, phần vì nếu Mary đi cùng thì chi phí đi lại sẽ được trả bằng tiền thu nhập của lãnh địa Buccleuch, nhưng chủ yếu là vì hy vọng con gái sẽ được chữa khỏi bệnh bằng phép màu: cái chạm của quân vương.[32][31] Mary đã viết thư gửi chồng rằng: "Cánh tay của em trông rất khỏe mạnh. Em nghĩ rằng chính nhờ cái chạm tay của Bệ hạ đã chữa lành tay của em."[d][32]
Thế nhưng không phép màu nào xảy ra cả. Sau khi trở về, Mary mắc phải bệnh sởi, theo sau đó là cơn sốt. Một mùa đông trôi qua và sức khỏe của Nữ Bá tước không hề được cải thiện.[33] Ngày 12 tháng 3 năm 1661, khi được 13 tuổi, Nữ Bá tước xứ Buccleuch qua đời ở Lâu đài Wemyss và được chôn cất ở Dalkeith vào ngày 17 tháng 4 năm 1661. Vì không có con cái, tước hiệu của Mary được truyền lại cho em gái là Anna Scott.[1][31][34] Do đó, Anna trở thành Bá tước thứ 4 xứ Buccleuch, Lãnh chúa Scott thứ 5 xứ Buccleuch và Lãnh chúa Scott thứ 4 xứ Whitchester và Eskdail cũng như là nữ thừa kế danh giá nhất Scotland.[35][36][37][31] Bên cạnh đó, sau khi Mary qua đời, Margaret tìm cách vô hiệu cuộc hôn nhân của con gái với Bá tước xứ Tarras với lý do là con gái chưa đủ tuổi kết hôn và thỏa thuận hôn nhân không công bằng.[35]
Tước hiệu và nhã xưng
[sửa | sửa mã nguồn]- Ngày 31 tháng 8 năm 1647 – 22 tháng 11 năm 1651: Lady Mary Scott (Công nương Mary Scott)
- Ngày 22 tháng 11 năm 1651 – 11 tháng 3 năm 1661: The Right Honourable The Countess of Buccleuch (Quý ngài rất đáng kính Nữ Bá tước xứ Buccleuch)
Tổ tiên
[sửa | sửa mã nguồn]Ghi chú
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ John Hay, Bá tước thứ 2 xứ Tweeddale là chồng của Jean Scott, em gái của Francis Scott, Bá tước thứ 2 xứ Buccleuch, chồng của Margaret Leslie.[17]
- ^ Nguyên văn: "tender and weakly children."
- ^ Nguyên văn: which I hope you will wear in rememberance of me."
- ^ Nguyên văn: "My arm looks very well. We think the virtue of his Majesty's touch is like to cause the fresh bone cast out of rotten."
Tham khảo
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ a b c d Cokayne 1889, tr. 47.
- ^ Fraser 1880, tr. 1.
- ^ Lee 1996, tr. xii, 9.
- ^ Lee 1996, tr. 9–10.
- ^ Lee 1996, tr. 13.
- ^ Lee 1996, tr. 9, 13.
- ^ a b c Taylor 1889, tr. 213.
- ^ Fraser 1880, tr. 265.
- ^ Taylor 1889, tr. 214.
- ^ a b c d e Lee 1996, tr. 14.
- ^ a b Fraser 1880, tr. 83.
- ^ Lee 1996, tr. xiii.
- ^ Fraser 1888, tr. 264–265.
- ^ Lee 1996, tr. 15.
- ^ Lee 1996, tr. 25–26.
- ^ Lee 1996, tr. 26.
- ^ Lee 1996, tr. x.
- ^ Lee 1996, tr. 27.
- ^ Fraser 1888, tr. 265.
- ^ Lee 1996, tr. 29.
- ^ a b Lee 1996, tr. 30.
- ^ Lee 1996, tr. 32.
- ^ Lee 1996, tr. 32–33.
- ^ a b Lee 1996, tr. 33.
- ^ a b Lee 1996, tr. 34.
- ^ Lee 1996, tr. 35.
- ^ Lee 1996, tr. 34–36.
- ^ Taylor 1889, tr. 214–215.
- ^ Fraser 1880, tr. 67–68.
- ^ a b Lee 1996, tr. 42.
- ^ a b c d Taylor 1889, tr. 215.
- ^ a b Lee 1996, tr. 43.
- ^ Lee 1996, tr. 50.
- ^ Fraser 1888, tr. 272.
- ^ a b Lee 1996, tr. 52.
- ^ a b Cokayne 1889, tr. 46–47.
- ^ Paul 1904–1914, tr. 237.
- ^ Lee 1996, tr. xii–xiii.
- ^ Cokayne 1890, tr. 271.
- ^ Cokayne 1895, tr. 434–435.
- ^ Cokayne 1887, tr. 231–235.
Nguồn tài liệu
[sửa | sửa mã nguồn]- Cokayne, George Edward (1889). The Complete Peerage (Edition 1, Volume 2).
- Cokayne, George Edward (1890). The Complete Peerage (Edition 1, Volume 3).
- Cokayne, George Edward (1895). The Complete Peerage (Edition 1, Volume 6).
- Cokayne, George Edward (1887). Complete peerage of England, Scotland, Ireland, Great Britain and the United Kingdom. Harvard University. London, G. Bell & sons.
- Lee, Maurice (1996). The heiresses of Buccleuch: marriage, money, and politics in seventeenth-century Britain. East Linton, East Lothian: Tuckwell Press. ISBN 978-1-898410-49-2.
- Fraser, Sir William (1880). The Two Heiresses of Buccleuch: Ladies Mary and Anna Scott and Their Husbands, Walter Scott, Earl of Tarras, and James, Duke of Buccleuch and Monmouth, 1647-1732 (bằng tiếng Anh).
- Fraser, William (1888). Memorials of the family of Wemyss of Wemyss. Edinburgh : [s.n.]
- Taylor, James (1889). The Great Historic Families of Scotland. 2. J.S. Virtue & Co Ltd. tr. 213–215.
- Paul, James Balfour (1904–1914). The Scots peerage: founded on Wood's ed. of Sir Robert Douglas's Peerage of Scotland; containing an historical and genealogical account of the nobility of that kingdom. Robarts - University of Toronto. Edinburgh: D. Douglas.Quản lý CS1: định dạng ngày tháng (liên kết)