Bước tới nội dung

Ngày thế giới phòng chống bệnh AIDS

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Ngày thế giới phòng chống bệnh AIDS
Ngày thế giới phòng chống bệnh AIDS
Dải băng đỏ là biểu tượng toàn cầu cho tình đoàn kết với những người nhiễm HIV và những người bệnh AIDS.
Tên chính thứcWorld AIDS Day
Cử hành bởiThành viên Liên Hợp Quốc
Ngày1 tháng 12
Hoạt độngLiên Hợp Quốc
Cử hànhNâng cao nhận thức về bệnh, và đoàn kết với người bệnh AIDS
Tần suấthàng năm

Ngày thế giới phòng chống bệnh AIDS (World AIDS Day) là ngày lễ quốc tế được cử hành vào ngày 1 tháng 12 hàng năm, nhằm nâng cao nhận thức về nạn dịch AIDS do việc lây nhiễm HIV, và để tưởng nhớ các nạn nhân đã chết vì HIV/AIDS.

Tính từ năm 1981 tới 2007, bệnh AIDS đã giết chết hơn 25 triệu người,[1] và tới năm 2007 ước tính có khoảng 33,2 triệu người trên khắp thế giới bị nhiễm HIV,[2] làm cho HIV/AIDS trở thành một trong các dịch bệnh phá hoại nhất trong lịch sử. Mặc dù gần đây, việc điều trị và phòng chống HIV đã được cải thiện ở nhiều vùng trên thế giới, nhưng chỉ riêng năm 2007, đã có khoảng 2 triệu người bị chết vì bệnh AIDS,[3] trong đó có khoảng 270.000 trẻ em.[4]

Lịch sử

[sửa | sửa mã nguồn]
Tem thư của Nga, 1993

"Ngày thế giới phòng chống bệnh AIDS" được James W. Bunn và Thomas Netter, hai viên chức thông tin đại chúng cho "Chương trình toàn cầu về bệnh AIDS" của Tổ chức Y tế Thế giới tại Genève, Thụy Sĩ nghĩ ra lần đầu trong tháng 8 năm 1987.[5][6] Bunn và Netter nêu ý kiến của họ cho Dr. Jonathan Mann, Giám đốc Chương trình toàn cầu về bệnh AIDS (nay gọi là Chương trình chung của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS). Dr. Mann thích sáng kiến này, đã chấp thuận và đồng ý với khuyến nghị về việc tổ chức "Ngày thế giới phòng chống bệnh AIDS" đầu tiên vào ngày 1 tháng 12 năm 1988.

Bunn – nguyên là một nhà báo của đài truyền hình KPIX ở San Francisco, Hoa Kỳ, tạm nghỉ phép – đã tiến cử ngày 1 tháng 12 vì tin rằng ngày này sẽ được các phương tiện truyền thông phương Tây theo dõi loan tin tối đa. Vì năm 1988 là năm bầu cử ở Hoa Kỳ, Bunn cho rằng các phương tiện truyền thông sẽ chán loan tin hậu bầu cử (sau đầu tháng 11) và hăm hở tìm chuyện mới để loan tin. Bunn và Netter xác định là ngày 1 tháng 12 đủ xa sau sự kiện bầu cử và đủ sớm trước kỳ nghỉ lễ Giáng sinh, trên thực tế, là một điểm chết trong lịch tin tức và do đó là thời gian thích hợp nhất cho (việc loan tin về) Ngày thế giới phòng chống bệnh AIDS.

Ngày 18.6.1986 chương trình "AIDS Lifeline" của đài truyền hình KPIX - một dự án giáo dục cộng đồng – có vinh dự được tổng thống Ronald Reagan nêu ra như một dẫn chứng về sáng kiến trong khu vực tư nhân. Do vai trò đồng sáng tạo chương trình "AIDS Lifeline" Bunn được Dr. Mann yêu cầu – nhân danh chính phủ Hoa Kỳ - nghỉ phép 2 năm (ở đài truyền hình KPIX) để theo Dr. Mann, một nhà dịch tễ học làm việc ở các Trung tâm kiểm soát bệnh, để phụ tá trong việc sáng tạo "Chương trình toàn cầu về bệnh AIDS" cho Tổ chức Y tế Thế giới của Liên Hợp Quốc. Bunn đồng ý và được bổ nhiệm làm Viên chức thông tin đại chúng thứ nhất cho Chương trình toàn cầu về bệnh AIDS. Cùng với Netter, Bunn đã nghĩ ra, thiết kế và thực hiện lễ khai mạc "Ngày thế giới phòng chống bệnh AIDS" đầu tiên – nay là nhận thức và sáng kiến phòng chống bệnh kéo dài nhất trong lịch sử y tế công cộng.

Chương trình chung của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (Joint United Nations Programme on HIV/AIDS) (UNAIDS) đã bắt đầu hoạt động vào năm 1996, và nắm việc quy hoạch và xúc tiến Ngày thế giới phòng chống bệnh AIDS.[7] Thay vì tập trung vào một ngày duy nhất, Chương trình chung của Liên Hợp Quốc về HIV/AID đã lập ra "Chiến dịch thế giới phòng chống AIDS" vào năm 1997 để tập trung vào thông tin, phòng chống và giáo dục về HIV/AIDS quanh năm.[7][8]

Trong 2 năm đầu, chủ đề của Ngày thế giới phòng chống bệnh AIDS tập chú vào các trẻ em và người trẻ. Các chủ đề trên lúc đó đã bị chỉ trích mạnh mẽ vì đã lờ đi sự kiện là người ta thuộc mọi lứa tuổi đều có thể bị nhiễm HIV và bệnh AIDS.[7] Tuy nhiên, các chủ đề đã thu hút sự chú ý tới nạn dịch HIV/AIDS, giúp giảm bớt một số kỳ thị xung quanh căn bệnh này, và giúp thúc đẩy sự nhìn nhận vấn đề là một bệnh gia đình.[7]

Năm 2004, "Chiến dịch thế giới phòng chống bệnh AIDS" đã trở thành một tổ chức độc lập.[7][8][9]

Hàng năm, các giáo hoàng Gioan Phaolô IIgiáo hoàng Biển Đức XVI đều gửi điện văn chào mừng tới các bệnh nhân và các thầy thuốc trong Ngày thế giới phòng chống bệnh AIDS.[10][11][12][13][14][15]

Việc chọn chủ đề

[sửa | sửa mã nguồn]

Từ khi bắt đầu cho tới năm 2004, Chương trình chung của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS, cơ quan dẫn đầu chiến dịch Ngày thế giới phòng chống bệnh AIDS, đã lựa chọn các chủ đề hàng năm có tham khảo ý kiến các tổ chức y tế toàn cầu khác.

Tính đến năm 2008, chủ đề Ngày thế giới phòng chống bệnh AIDS mỗi năm đều do Ban Chỉ đạo toàn cầu của Chiến dịch thế giới phòng chống bệnh AIDS lưa chọn sau khi tham khảo ý kiến rộng rãi với những người, tổ chức và cơ quan chính phủ tham gia trong công tác phòng chống và điều trị HIV/AIDS.[7] Đối với mỗi Ngày thế giới phòng chống bệnh AIDS từ năm 2005 đến năm 2010, thì chủ đề là "Hãy chặn đứng bệnh AIDS. Hãy giữ vững cam kết", với một chủ đề phụ, hàng năm.[7] Chủ đề bao quát này được thiết kế để khuyến khích các nhà lãnh đạo chính trị giữ cam kết của họ cho mọi người được quyền tiếp cận việc phòng chống, điều trị HIV/AIDS, chăm sóc, và hỗ trợ vào năm 2010.[7]

Các chủ đề Ngày thế giới phòng chống bệnh AIDS từ năm 1988–tới nay[16]

[sửa | sửa mã nguồn]
Một dải băng đỏ treo giữa các cột ở cổng phía bắc của Nhà Trắng nhân Ngày thế giới phòng chống bệnh AIDS, 30.11.2007
Một bao cao su dài 67 m trên Obelisk of Buenos Aires (Cột hình tháp của thành phố Buenos Aires), Argentina, là một phần chiến dịch nhận thức cho Ngày thế giới phòng chống bệnh AIDS năm 2005
Năm Chủ đề
2023 Hãy để cộng đồng dẫn dắt - LED COMMUNITY LEAD
2022 Bình đẳng - Equalize
2021 Chấm dứt sự bất bình đẳng. Chấm dứt dịch bệnh AIDS- End inequalities. End AIDS
2020 ĐOÀN KẾT VÀ CHIA SẺ TRÁCH NHIỆM
2019 Cùng hành động để kết thúc dịch AIDS
2018 Biết rõ tình trạng của bạn
2017 Sức khỏe của tôi, Quyền của tôi
2016 Giơ tay lên vì #Phòng ngừa HIV[17]
2015 Trên đường đua nhanh chóng kết thúc AIDS[18]
2014 Đóng khoảng cách[19]
2013 Không phân biệt đối xử[20]
2012 Cùng nhau chúng ta sẽ kết thúc AIDS [21]
2011 Hãy đạt số 0[22]
2010 Quyền đạt được cho mọi người và Nhân quyền[23]
2009 Quyền đạt được cho mọi người và Nhân quyền[23]
2008 Hãy chặn đứng AIDS. Hãy giữ lời cam kết – Lãnh đạo – Trao sức mạnh và Sự tin tưởng – Cứu giúp [24]
2007 Hãy chặn đứng AIDS. Hãy giữ lời cam kết – Sự lãnh đạo
2006 Hãy chặn đứng AIDS. Hãy giữ lời cam kết – Trách nhiệm
2005 Hãy chặn đứng AIDS. Hãy giữ lời cam kết
2004 Phụ nữ, Thiếu nữ, HIV và AIDS
2003 Dấu hiệu ghét bỏ và Sự phân biệt đối xử
2002 Dấu hiệu ghét bỏ và Sự phân biệt đối xử
2001 Tôi quan tâm. Còn anh?
2000 AIDS: Người có ảnh hưởng
1999 Nghe, Học, Sống: Chiến dịch thế giới phòng chống AIDS với trẻ em & người trẻ
1998 Sức mạnh để Thay đổi: Chiến dịch thế giới phòng chống AIDS với các người trẻ
1997 Cuộc sống của trẻ em trong một thế giới có bệnh AIDS
1996 Một thế giới. Một hy vọng
1995 Các quyền chung, Các trách nhiệm chung
1994 Bệnh AIDS và gia đình
1993 Hành động
1992 Cam kết của Cộng đồng
1991 Chia sẻ sự Thách thức
1990 Phụ nữ và bệnh AIDS
1989 Giới trẻ
1988 Truyền thông

Tháng nhận thức bệnh AIDS

[sửa | sửa mã nguồn]

Nhiều chính phủ và nhiều tổ chức đã công bố lấy các tháng khác nhau làm Tháng nhận thức bệnh AIDS. Tháng được chọn nhiều nhất là tháng 10 và tháng 12. Tháng 12 được chọn vì trùng với Ngày thế giới phòng chống bệnh AIDS.

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Joint United Nations Programme on HIV/AIDS (UNAIDS), Report on the Global HIV/AIDS Epidemic 2008, (Geneva, Switzerland: UNAIDS, July 2008; English original), p. 15.
  2. ^ Joint United Nations Programme on HIV/AIDS (UNAIDS), Report on the Global HIV/AIDS Epidemic 2008, (Geneva, Switzerland: UNAIDS, July 2008; English original), p. 32.
  3. ^ Joint United Nations Programme on HIV/AIDS (UNAIDS), Report on the Global HIV/AIDS Epidemic 2008, (Geneva, Switzerland: UNAIDS, July 2008; English original), p. 30.
  4. ^ Joint United Nations Programme on HIV/AIDS (UNAIDS), Report on the Global HIV/AIDS Epidemic 2008, (Geneva, Switzerland: UNAIDS, July 2008; English original), p. 37.
  5. ^ U.S. Centers for Disease Control and Prevention, International News, "World AIDS Day Co-Founder Looks Back 20 Years Later", CDC HIV/Hepatitis/STD/TB Prevention News Update, ngày 12 tháng 12 năm 2007
  6. ^ "AIDS Day Co-Founder Looks Back after 20 Years" By Rose Hoban, Voice of America, 06 December, 2007
  7. ^ a b c d e f g h Speicher, Sara (ngày 19 tháng 11 năm 2008). "World AIDS Day Marks 20th Anniversary Of Solidarity." Medical News Today”. Medicalnewstoday.com. Bản gốc lưu trữ ngày 22 tháng 2 năm 2011. Truy cập ngày 5 tháng 12 năm 2013.
  8. ^ a b van Soest, Marcel. "Accountability: Main Message on World AIDS Day." Joint United Nations Programme on HIV/AIDS. Oct 20, 2006.
  9. ^ Yearbook of the United Nations 2005. Vol. 59 Geneva, Switzerland: United Nations Publications, 2007. ISBN 9211009677
  10. ^ First World AIDS Day in 1988
  11. ^ “Message for the World AIDS Day”. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 13 tháng 10 năm 2011.
  12. ^ Pope: "I feel near to people with AIDS and their families"
  13. ^ Message of Caritas Internationalis On Occasion of World AIDS Day 2006[liên kết hỏng]
  14. ^ “Pope skirts condoms issue in World AIDS Day statement”. Bản gốc lưu trữ ngày 24 tháng 4 năm 2010. Truy cập ngày 13 tháng 10 năm 2011.
  15. ^ “Message from the Pope on World AIDS Day”. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 3 năm 2020. Truy cập ngày 13 tháng 10 năm 2011.
  16. ^ World AIDS Day Lưu trữ 2016-12-01 tại Wayback Machine, Minnesota Department of Health, 2008
  17. ^ World AIDS Day 2016 UNAids
  18. ^ World AIDS Day 2015 UNAids
  19. ^ World AIDS Day 2014 UNAids
  20. ^ World AIDS Day 2013 UNAids
  21. ^ World AIDS Day 2012 UNAids
  22. ^ World AIDS Day 2011 Lưu trữ 2015-07-01 tại Wayback Machine World AIDS Campaign
  23. ^ a b World AIDS Day Lưu trữ 2015-10-16 tại Wayback Machine avert.org
  24. ^ Dr. Peter Piot, "2008 World AIDS Day statements," Joint United Nations Programme on HIV/AIDS (UNAIDS), ngày 30 tháng 11 năm 2008.

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]