Rồng đá, hay là Mũi uốn ván

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Rồng đá, hay là Mũi uốn ván
Thông tin sách
Tác giảVũ Ngọc Tiến & Lê Mai
Quốc gia Việt Nam
Ngôn ngữTiếng Việt
Tiếng Anh
Thể loạiTập truyện ngắn
Nhà xuất bảnNhà xuất bản Đà Nẵng
Ngày phát hành2008
Kiểu sáchIn (bìa mềm)
Số trang207

Rồng đá, hay là Mũi uốn ván là nhan đề tập truyện ngắn của đồng tác giả Vũ Ngọc TiếnLê Mai[1], phát hành tháng 06 năm 2008 tại Đà Nẵng.

Lịch sử[sửa | sửa mã nguồn]

Trước thời điểm công bố tập truyện Rồng đá, hay là Mũi uốn ván[2], hai tác giả Vũ Ngọc TiếnLê Mai đều là những tác gia có tên tuổi trong giới văn bút Hà Nội. Nhưng trong quá trình gửi thủ bản tới các nhà xuất bản phía Bắc, không cơ quan nào nhận ấn hành vì nội dung được cho là "nhạy cảm" đương thời. Mãi sau đó, thông qua quan hệ thân tình với văn sĩ Hòa Vang, tác phẩm gửi tới Nhà xuất bản Đà Nẵng và được ban biên tập chấp nhận. Đến tháng 06 năm 2008, tập truyện chính thức được phát hành.

Tuy nhiên, sang đầu tháng 11 cùng năm, Vụ Thông Tin trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành quyết định thâu hồi ấn bản, nêu đích danh 3 thiên truyện "có vấn đề" (Âm bản chiến tranh, Vị phồn thực, Chù Mìn Phủ và tôi), nhưng không nêu lí do cụ thể. Một số cơ quan báo chí cũng đăng báo giấy đả kích. Đồng thời, giám đốc Nguyễn Hữu Chiến và phó giám đốc Nguyễn Đức Hùng (tác gia Đà Linh) của Nhà xuất bản Đà Nẵng bị Ủy ban Nhân dân Thành phố Đà Nẵng đình chỉ công tác để "kiểm điểm làm rõ đúng, sai trong việc quản lý biên tập, xuất bản tập truyện “Rồng đá hay là Mũi uốn ván” của hai tác giả Vũ Ngọc Tiến và Lê Mai tại NXB Đà Nẵng", riêng phó giám đốc kiêm trưởng ban biên tập Nguyễn Đức Hùng bị khiển trách nặng nề; toàn thể Nhà xuất bản Đà Nẵng cũng phải tạm dừng hoạt động để "kiện toàn lại về tổ chức và hoạt động của nhà xuất bản theo quy định của Luật xuất bản". Ngay sau đó, tác giả chính Vũ Ngọc Tiến công bố nội dung bức thư ngỏ gửi Nhà xuất bản Đà Nẵng và phó giám đốc Đà Linh, với lời trần tình và cảm thông ban biên tập.

Ít lâu sau, trang Việt Nam thư quán đã xúc tiến mua bản quyền đăng miễn phí tập truyện trên diễn đàn của họ. Cũng nhân sự kiện này, trong các lần tái bản điện tử sau, tuyển tập được đổi nhan đề là Rồng đá, hay là Chù Mìn Phủ và tôi.

Nội dung[sửa | sửa mã nguồn]

Nguyên bản Rồng đá, hay là Mũi uốn ván gồm 7 truyện Vũ Ngọc Tiến và 6 truyện Lê Mai, kèm bài phi lộ. Ấn bản điện tử có thêm bài Thư ngỏ gửi Nhà xuất bản Đà Nẵng của Vũ Ngọc Tiến.

Văn chương từ cổ đã lệch về cái đẹp: “Hồng lô nhất điểm tuyết, Thượng uyển nhất chi mai, Quảng hàn nhất phiến nguyệt” (Mạc Đĩnh Chi).
Quả có thế nên các văn nhân, thi sĩ thường để hồn vất vưởng cành cây, thả mình trong gió - trăng - mây - tuyết... Nếu có bi thương lắm, họ cũng thường chỉ mượn chim sa, cá nhảy, nguyệt khuyết, hoa tàn mà tỏ bầy.
Hẹn nhau từ đã lâu rằng sẽ cùng ra chung tập sách, hai đứa tôi có hiểu điều ấy không mà lại đặt tên cho sách in chung là “Mũi uốn ván” chứ không phải là “Hoa tóc tiên” (Lê Mai) hay “Vị phồn thực” (Vũ Ngọc Tiến) ?
Ơ hay, “Mũi uốn ván” ! Văn chương gì mà thoáng đọc đã thấy sần sật như âm thanh cảm nhận được, khi nàng y tá xinh đẹp trong cơn bực bội không chích ngừa vào bắp tay, lại mắm môi phóng mũi tiêm vào mông gã trai tội nghiệp. Mũi uốn ván ! Văn chương gì không viết về y học mà đọc lên lại thấy sực nức mùi kinh nhân của ê-te, cồn thuốc...
Theo thiển ý riêng của những người viết, mũi uốn ván chỉ là đưa một liều vacxin phòng chống uốn ván vào cơ thể người, cũng như tiêm phòng dịch hạch, thổ tả và bệnh dại cho nhân loại. Còn tập sách “Mũi uốn ván” có làm được công việc của mình không, xin cậy nhờ bạn đọc minh xét.

— Lời bâng quơ

  • Lời Bâng Quơ
  • Truyện ngắn Vũ Ngọc Tiến
  1. Rồng đá
  2. Gà ô tử mỵ
  3. Âm bản chiến tranh
  4. Vị phồn thực
  5. Đêm thiên thần của nhạc jazz
  6. Chù Mìn Phủ và tôi
  7. Ngoại tình tuổi năm mươi
  • Truyện ngắn Lê Mai
  1. Cún khóc
  2. Cho nó có đạo đức
  3. Người đóng thuế
  4. Tìm cha trong gương
  5. Ngày vô vi
  6. Hoa tóc tiên

Văn hóa[sửa | sửa mã nguồn]

Tác phẩm Rồng đá, hay là Mũi uốn ván phát hành ở thời kì văn nghệ Việt Nam nhìn chung đã suy đồi trước các trào lưu mạng xã hội và đang trong quá trình tìm phương thức biểu đạt mới, mà thậm chí cả hình thức kiểm duyệt nghệ thuật cũng lỗi thời. Vì thế, quyết định đình chỉ xuất bản lại càng khiến tập truyện ngắn tưởng như bình thường này được dư luận chú ý, các hãng truyền thông Anh, PhápMỹ đăng bài phản ánh.

  • Văn sĩ Đà Linh (tổng biên tập): "Chính cái điều này chúng tôi cũng bất ngờ lắm, bởi vì các cơ quan chủ quản mới có một thông tin một chiều thôi, thành ra là cũng có thể chưa nắm bắt được đâu, cái công việc và cái bản chất sự việc, thế cho nên là chính chúng tôi cũng kiểm tra và rà soát lại. Chúng tôi đã khẳng định rõ, nếu mà có cái quyết định tạm ngưng mà dựa vào cái này, thì tôi cho rằng nó là một quyết định nó không phù hợp".
  • Văn sĩ Bùi Minh Quốc: "Tôi thấy qua cái vụ mà đối xử của vụ Thông Tin, và nói chung những cơ quan quản lý về văn hóa tư tưởng, đối với các cái hoạt động báo chí và xuất bản, là nó rất quá đáng và cái này nó o ép báo chí văn nghệ một cách có hệ thống, thì mới diễn ra nhiều cái việc cách chức tổng biên tập này, tổng biên tập kia rồi cấm cuốn sách này, thu hồi cuốn sách kia một cách có hệ thống, từ đó đến nay, thì cái việc mà đối với Nhà xuất bản Đà Nẵng, nó là một cái chuỗi, nó nằm trong một cái chuỗi như thế. Nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đó là một cái nhu cầu lớn nhất của bất cứ một xã hội nào mà cần phát triển một cách lành mạnh, bao giờ cũng phải nhìn được rõ cái sự thật của tình hình đất nước và tình hình xã hội, và nói rõ được cái sự thật ấy lên. Ra báo chí tư nhân và xuất bản tư nhân là hết sức bức thiết, bởi vì cái này là hiến pháp đã quy định rồi, đã có rồi, có từ lâu rồi".

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

Liên kết[sửa | sửa mã nguồn]

Tài liệu
Tư liệu