Sầu riêng Mon Thong

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Sầu riêng Mon Thong hay Monthonggiống sầu riêng thuộc loài Durio zibethinus trong chi Durio. Tên và mã số của giống là D159, tên trong tiếng Thái là หมอนทอง – Mon Thong [mɔ̌ːn tʰɔːŋ] nghĩa là Chiếc gối vàng. Giống có nguồn gốc từ Thái Lan[1] và hiện là giống sầu riêng được trồng phổ biến nhất tại nhiều nước châu Á.[2] Người Việt Nam thường đọc là Mõm thon, Mon thon.

Phân loại[sửa | sửa mã nguồn]

Sầu riêng Mon Thong là một giống trồng thuộc loài D. zibethinus, thuộc phân loài Palatadurio của chi Durio.[3]

Palatadurio

D. lanceolatus

D. carinatus

D. graveolens

D. kutejensis

D. dulcis

D. oxleyanus

D. lowianus

D. zibethinus___Monthong

Trồng trọt[sửa | sửa mã nguồn]

Phân bố[sửa | sửa mã nguồn]

Đây là một trong 3 giống sầu riêng trồng cho mục đích thương mại phổ biến nhất tại Thái Lan bao gồm Xà Ni, Kan Yao và Mon Thong.[4] Mon Thong và Xà Ni chiếm đến 90% diện tích trồng sầu riêng tại Thái Lan.[5] Vùng Nonthaburi là vùng đất trồng sầu riêng Mon Thong nổi tiếng nhất Thái Lan.[6]

Tại Việt Nam, Mon Thong, Ri6 và Cơm vàng hạt lép là ba giống phổ biến nhất. Mon Thong được trồng ở các tỉnh miền Tây Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long,...trồng ở các tỉnh miền Đông Bình Dương, Bình Phước.[4] Cho đến 2023, diện tích trồng sầu riêng ở Việt Nam là 131.000 ha, trong đó tốc độ trồng nhanh nhất là ở Tây Nguyên, hiện tại đã chiếm gần 70.000 ha.[7] Giống sầu riêng Mon Thong chiếm 50% diện tích trồng, giống Ri6 cũng có diện tích gần tương đương, cả hai là các giống sầu riêng trồng nhiều nhất Việt Nam.[8] Tại Tiền Giang, diện tích sầu riêng là 17.000 ha, tập trung ở Thị xã Cai Lậy, huyện Cai Lậy, Cái Bè, Châu Thành.[9]

Trồng cây[sửa | sửa mã nguồn]

Một cây con.

Đối với giống sầu riêng Mon Thong có thể trồng bằng phương pháp chiết ghép.[10] Điểm yếu của Mon Thong là cây trồng không có khả năng kháng các bệnh như thối rễ, thối thân, ung thư thân,[11] trong đó cây dễ bị thối các phần trên thân và chảy mạch nhựa, hay còn gọi là xì mủ, nguyên dân do nấm Phytophthora palmivora gây ra.[12] Cây sẽ chết khi tình trạng chuyển biến nghiêm trọng.

Hoa[sửa | sửa mã nguồn]

Hoa của Mon Thong có khả năng sống sót tương đối cao, khoảng 90%, cao hơn giống sầu riêng Kradumthong (Kradoomthong), chỉ khoảng 83%, nhưng thấp hơn giống Xà Ni, 94% và Kan Yao 96%. Các thay đổi thời tiết mạnh như mưa, sương và nhiệt độ dưới 18°C sẽ làm hỏng khả năng tồn tại của phấn hoa.[13] Mon Thong giống như một số giống sầu riêng chẳng hạn như giống Kob và giống E - Nak, chúng mất nhiều thời gian, thường là 120 đến 140 ngày để trái phát triển đầy đủ từ khi đậu quả thành công. Trong khi đó, các giống Kan Yao, Chompoose, Tongyoichat mất 105 đến 120 ngày; các giống Kradoomthong, Xà Ni, Luang, Khcow Sa-ard chỉ mất 95 đến 105 ngày.[14]

Quả[sửa | sửa mã nguồn]

Cây trồng đến năm thứ 4 hoặc thứ 5 là đã có thể bắt đầu thu hoạch quả mùa đầu tiên.[1] Sầu riêng Xà Ni có thời gian chín quả sớm hơn Mon Thong,[15] quả khi chín có màu vàng đậm và có mùi nồng hơn Mon Thong.[16] Tuy nhiên, quả của Mon Thong có thịt quả chứa hàm lượng polyphenol[a] cao hơn các giống sầu riêng khác,[18] trong khi các giống có hàm lượng polyphenol từ 21,44 đến 374,30 mg thì Mon Thong có hàm lượng cao nhất 374,30 mg cho mỗi 100 g thịt quả tươi.[19] Quả có cân nặng trung bình 2,5 đến 3 kg.[20] Thịt quả của Mon Thong ngọt, giòn, thơm và mùi không hăng quá mức.[21]

Thu hoạch và bảo quản[sửa | sửa mã nguồn]

Trong ba giống Xà Ni, Kan Yao và Mon Thong thì Mon Thong là giống được nông dân chuộng trồng hơn,[22] sau đó là đến giống Xà Ni.[23] Do Mon Thong có nhiều lợi ích, quả thơm bùi, hạt nhỏ và bảo quản được lâu hơn. Ngoài ra, thời gian thu hoạch có thể kéo dài.[22] Điều này có lợi cho việc chờ và nắm bắt giá cả thị trường. Nó đã được xử lý để có thêm mùa vụ nghịch quả.[24] Mon Thong được thu hoạch khi quả chín 75-85%, rồi được xử lý sau thu hoạch bằng ethephon hoặc methylcyclopropene, sau đó bảo quản ở nhiệt độ thấp.[25] Nhiệt độ bảo quản là 14°C khi cần bảo quản 20 ngày, 20°C khi bảo quản 10-15 ngày, 25°C khi cần bảo quản 7 ngày và 30°C khi cần bảo quản 4-5 ngày.[26]

Lịch sử[sửa | sửa mã nguồn]

Vùng Nonthaburi- vùng đất trồng sầu riêng Mon Thong nổi tiếng nhất ghi nhận giống cây được trồng ở đây lần đầu vào năm 1983.[27] Một thông tin về giống trồng này cho biết tại miền Nam Thái Lan vào năm 1992 có 1 triệu cây Mon Thong.[28]

Mon Thong đã được đăng ký Chỉ dẫn địa lý (GI) với Cục Sở hữu trí tuệ Thái Lan ngày 21 tháng 02 năm 2011.[29]

Vào năm 2022, nghành sầu riêng Thái Lan cho ra mắt sầu riêng Pak Chong-Khao Yai, một giống thuộc dòng sầu riêng Mon Thong ở tỉnh Nakhon Ratchasima phía đông bắc Thái Lan. Giống con này cho quả có thịt không mùi, thành quả giống cây trồng này nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ của thực khách không thích mùi quá nồng.[30]

Thương mại[sửa | sửa mã nguồn]

Mon Thong được ưa chuộng do thịt quả dày, béo ngậy, vị ngọt nhẹ, mùi tương đối vừa phải và hạt nhỏ. Quả có thể dùng ăn tươi hoặc chế biến thịt quả thành các thành phẩm khác.[23] Theo tiêu chuẩn xuất khẩu của Thái Lan, một quả sầu riêng Xà Ni hàng loại I phải nặng từ 2-3 kg, Kan Yao và Mon Thong thì tiêu chuẩn cao hơn, một quả tươi hàng loại I phải nặng từ 3 đến 4,5 kg mới được xuất khẩu.[31] Mon Thong được đánh giá cao nhất trên thị trường,[32] và được ưa chuộng tại nhiều nước,[33] đặc biệt được ưa chuộng tại thị trường Trung Quốc.[24] Năm 2021, Thái Lan xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc hơn 800.000 tấn sầu riêng, đạt giá trị 3,1 tỷ USD.[8]

Nông dân Việt Nam ưa chuộng trồng Mon Thong hơn Ri6 dù chất lượng gần như nhau nhưng do trọng lượng quả nặng hơn nên có lợi về thương mại. Sầu riêng Mon Thong là mặt hàng sầu riêng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Trung Quốc, đem đến giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, việc xuất khẩu thường xuyên biến động chủ yếu do việc đóng cửa khẩu của Trung Quốc. Điều này dẫn đến giá cả lên xuống mạnh và ngành sản xuất liên tục thăng trầm. Vào khoảng tháng 11 năm 2022, giá sầu riêng Mon Thong là gần 100.000 VND/kg.[9] Đến tháng 4 năm 2023, giá chung tụt xuống chạm mức 85.000 VND/kg, Hàng loại 1 giá từ 120.000 tụt xuống 95.000 trong thời gian chỉ có 2 tuần. So với tháng 2 năm 2023, giá giảm gần 50%.[34]

Năm 2022, Thái Lan xuất khẩu sang Trung Quốc 825.000 tấn sầu riêng, chiếm 94,55% sầu riêng nhập vào Trung Quốc, và đạt trị giá 4,03 tỷ USD. Tuy nhiên, thị trường thương mại của sầu riêng cũng bắt đầu có sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa nhiều nước Đông Nam Á. Hàng các nước đều hướng đến Trung Quốc. Việc xuất khẩu của Thái Lan đang dần bị đe dọa bởi sự cạnh tranh từ Việt Nam và Philippine. Giá sầu riêng giữa các nước biến động không ngừng, đồng thời cũng có sự biến động của sản lượng.[35]

Xem thêm[sửa | sửa mã nguồn]

Ghi chú[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Xem polyphenol. Chúng có tầm quan trọng lớn đối với dinh dưỡng của con người.[17]

Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ a b Murdijati Gardjito 2015, tr. 53.
  2. ^ Patcharee Samrongyen (พัชรี สำโรงเย็น) 2022, tr. A-10.
  3. ^ Nyffeler, Reto; Baum, David A. (2001). “Systematics and character evolution in Durio s. lat. (Malvaceae/Helicteroideae/Durioneae or Bombacaceae-Durioneae)”. Organisms Diversity & Evolution (bằng tiếng Anh). 1 (3): 165–178. doi:10.1078/1439-6092-00015. ISSN 1439-6092. OCLC 199110722.
  4. ^ a b Lê Quốc Sử 2001, tr. 72.
  5. ^ Dr. Mohamad Reza Tirtawinata, Dr. Panca Jarot Santoso, Leni H. Apriyanti, S.P. 2016, tr. 77.
  6. ^ Insight Guides 2017, tr. xem trang.
  7. ^ Thi Hà (ngày 25 tháng 10 năm 2023). “Diện tích trồng sầu riêng tăng trưởng mạnh”. Vnexpress. Truy cập ngày 28 tháng 11 năm 2023.
  8. ^ a b Minh Đảm (ngày 9 tháng 3 năm 2023). “Bảo vệ bản quyền giống để nông sản bước ra biển lớn”. báo Nông nghiệp. Truy cập ngày 28 tháng 11 năm 2023.
  9. ^ a b Nhật Trường (ngày 23 tháng 11 năm 2022). “Sầu riêng giá cao kỷ lục, người dân Tiền Giang ồ ạt mở rộng diện tích”. VOV. Truy cập ngày 1 tháng 12 năm 2023.
  10. ^ Rodame M. Napitupulu 2010, tr. 89.
  11. ^ Nugroho H. Prastowo 2006, tr. 6.
  12. ^ Greg I. Johnson, E. Highley, Daryl C. Joyce 1998, tr. 217-219.
  13. ^ Sumeru Ashari 2017, tr. 144.
  14. ^ T. K. Bose, S. K. Mitra, D. Sanyal 2001, tr. 637.
  15. ^ Sueli Rodrigues, Ebenezer de Oliveira Silva, Edy Sousa de Brito 2018, tr. 171.
  16. ^ Wojciech J. Florkowski, Nigel H. Banks, Robert L. Shewfelt 2021, tr. 287.
  17. ^ Nguyễn Hà (ngày 11 tháng 9 năm 2018). “Polyphenol là gì? Vì sao cơ thể cần polyphenol?”. báo Dân trí. Truy cập ngày 20 tháng 10 năm 2023.
  18. ^ Kornkarn Phamornprawat (กรณ์กาญจน์ ภมรประวัติ) 2010, tr. xem trang.
  19. ^ Michael E. Netzel, Yasmina Sultanbawa 2020, tr. 10.
  20. ^ Ngài. Nông nghiệp hữu cơ 2023, tr. 122.
  21. ^ Ban Biên tập Công nghệ Làng (3) 2023, tr. 33.
  22. ^ a b Bill Pritchard 2021, tr. 88.
  23. ^ a b Jules Janick 2010, tr. 147.
  24. ^ a b Ban Biên tập Công nghệ Làng (1) 2019, tr. 68.
  25. ^ Muhammad Siddiq, Jasim Ahmed, Maria Gloria Lobo 2012, tr. 593.
  26. ^ Greg I. Johnson 2000, tr. 97.
  27. ^ Ban Biên tập Công nghệ Làng (số 691) 2019, tr. 51.
  28. ^ Dēchā Siriphat 2008, tr. 142.
  29. ^ Ban Biên tập Công nghệ Làng (4) 2023, tr. 33.
  30. ^ Lam Vũ (ngày 19 tháng 7 năm 2022). “Thái Lan giới thiệu giống sầu riêng 'không mùi'. báo Thanh niên. Truy cập ngày 1 tháng 12 năm 2023.
  31. ^ Thanākhān Krung Thēp 1988, tr. 473.
  32. ^ F. Mencarelli, P. Tonutti 2005, tr. 587.
  33. ^ Ban Biên tập Công nghệ Làng (2) 2023, tr. 36.
  34. ^ Khánh Trung (ngày 6 tháng 4 năm 2023). “Đồng bằng sông Cửu Long: Sầu riêng giảm giá mạnh, giá ớt chỉ thiên giảm, giá dưa hấu tăng”. Tạp chí Kinh tế nông thôn. Truy cập ngày 1 tháng 12 năm 2023. Chú thích journal cần |journal= (trợ giúp)
  35. ^ “Thái Lan: 'Xuất khẩu sầu riêng Thái Lan sang Trung Quốc đang bị đe dọa bởi Việt Nam, Philippines”. TRUNG TÂM WTO VÀ HỘI NHẬP LIÊN ĐOÀN THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM. ngày 31 tháng 5 năm 2023. Truy cập ngày 1 tháng 12 năm 2023.

Sách tiếng Anh[sửa | sửa mã nguồn]

Sách tiếng Indonesia[sửa | sửa mã nguồn]

Sách và tạp chí tiếng Thái[sửa | sửa mã nguồn]

Sách tiếng Việt[sửa | sửa mã nguồn]