Scylla
Trong thần thoại Hy Lạp, Scylla (/ˈsɪlə/; tiếng Hy Lạp: Σκύλλα) là một nữ thủy quái sống ở eo biển Messina giữa Ý và Sicilia. Scylla ở bên bờ nước Ý, đối diện với Charybdis ở Sicilia. Eo biển này khá hẹp, hẹp đến nỗi nếu các thủy thủ tránh Charybdis ở bờ bên này thì sẽ phải gặp Scylla ở bờ bên kia[1].
Thành ngữ trong tiếng Anh "Between Scylla and Charybdis" (tạm dịch: giữa Scylla và Charybdis) tương tự câu tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa trong tiếng Việt, mang ý nghĩa buộc phải lựa chọn giữa hai tình huống nguy hiểm ngang nhau.
Nguồn gốc
[sửa | sửa mã nguồn]Scylla xuất hiện lần đầu tiên trong tác phẩm Odyssey của nhà thơ Homer. Các nhà thơ Homer, Ovidius, Servius, Apollodorus đều cho rằng, nữ thần Crataeis là mẹ của Scylla[2]. Cả Homer cũng như Ovid đều không nhắc đến cha của Scylla, nhưng Apollodorus cho rằng cha của nàng là Triton hoặc Phorcys[3], hay bất kỳ vị thần nào liên quan đến biển[4][5]. Hesiod lại cho rằng, Apollo và Hecate là cha mẹ của Scylla[6], trong khi Acusilaus thì cho rằng Scylla là con của Hecate và Phorkys[7]. Để giải quyết những mâu thuẫn này, Apollonius của Rhodes đã gán Crataeis là tên gọi khác của Hecate, và cùng với Phorcys là cha mẹ của Scylla[8]. Stesichorus gọi mẹ của Scylla với cái tên là Lamia, là con gái của Poseidon[9]. Còn theo Hyginus, Scylla là con của Typhon và Echidna[10].
Thần thoại
[sửa | sửa mã nguồn]Theo John Tzetzes[11] và Servius[12], Scylla là một naiad xinh đẹp, và được Poseidon sủng ái. Amphitrite, hoàng hậu của ông, nổi cơn ghen tuông và đã biến nàng thành một sinh vật kinh tởm. Còn theo Hyginus[13], Scylla được thần Glaucus cảm mến, nhưng phù thủy Circe lại đem lòng yêu ông, vì thế mà Circe đã hại Scylla. Cả hai câu chuyện đều giống nhau ở chỗ, Scylla bị hãm hại bởi thuốc độc ngấm vào nguồn nước tắm của nàng[4].
Scylla sau đó biến thành một sinh vật đáng sợ có 6 cái đầu với cái cổ dài ngoằn, mỗi chiếc đầu có 3 hàm răng sắc nhọn. Cơ thể của Scylla có 12 xúc tu ở chân; xung quanh eo của nàng mọc ra 6 cái đầu chó. Trong hình hài này, Scylla núp trong một tảng đá, chờ đợi con mồi, là những thủy thủy mất cảnh giác đi ngang qua, sẽ vươn những chiếc cổ dài và bắt họ. Scylla là hiện thân của những mỏm đá ngầm, trong khi Charybdis là những vực nước xoáy[4][14].
Odyssey của Homer
[sửa | sửa mã nguồn]Trong Odyssey XII, Odysseus được Circe khuyên rằng, nên cho tàu đi gần Scylla hơn, và chỉ hy sinh một vài thủy thủ, thay vì Charybdis có thể nhấn chìm toàn bộ con tàu của ông và mất toàn bộ phi hành đoàn. Odysseus cũng được khuyên là hãy hỏi nữ thần sông Crataeis, mẹ của Scylla, để ngăn chặn Scylla. Odysseus vượt thành công qua eo biển, nhưng trong phút chốc lơ là do bị Charybdis đánh lạc hướng, Scylla đã bắt được và nuốt sống 6 tên thủy thủ trên tàu[15].
Metamorphoses của Ovid
[sửa | sửa mã nguồn]Theo Ovidius, Glaucus say mê trước sắc đẹp của Scylla, nhưng nàng đã cự tuyệt ông bởi hình dạng nhân ngư của Glaucus. Scylla sau đó bỏ trốn đến một nơi mà Glaucus không thể đến được. Glaucus đã đến gặp phù thủy Circe và xin một lọ thuốc tình yêu để chiếm được tình cảm của Scylla. Circe phải lòng với Glaucus và cuộc gặp gỡ không thành công. Bà vì thế mà tỏ ra ghen tức với nàng Scylla, và đã đổ một lọ thuốc độc vào hồ tắm của Scylla, biến nàng thành một thứ sinh vật gớm ghiếc và kinh khủng[16].
Câu chuyện này sau đó đã được chuyển thể thành vở opera bi kịch 5 hồi, Scylla et Glaucus (1746), được biên soạn bởi nhà soạn nhạc người Pháp Jean-Marie Leclair.
Endymion của Keats
[sửa | sửa mã nguồn]Dựa theo bản kể lại của John Keats về thần thoại Scylla và Glaucus trong quyển 3 của tập thơ Endymion (1818), Circe không biến Scylla thành quái vật mà đã ra tay sát hại tình địch. Glaucus sau đó đã đưa xác của nàng đến một cung điện pha lê dưới đáy đại dương, nơi chôn cất những người tình đã chết trên biển. Một thiên niên kỷ sau đó, thần Endymion đã hồi sinh Scylla và tác hợp nàng với Glaucus[17].
Tranh vẽ
[sửa | sửa mã nguồn]Tại Tu viện Hoàng gia Corvey ở Đức, một bức tranh tường độc đáo thuộc thế kỷ IX mô tả cuộc chiến của Odysseus với Scylla, một tranh minh họa không được ghi nhận ở bất cứ đâu trong nghệ thuật thời trung cổ. Một bức tranh của J. M. W. Turner (1841) họa lại cảnh bỏ trốn của nàng Scylla khi bắt gặp hình hài kỳ dị của Glaucus, hiện đang nằm ở Bảo tàng Nghệ thuật Kimbell.
Tranh của Eglon van der Neer tại bảo tàng Rijksmuseum cho thấy khoảnh khắc Scylla bắt đầu thay đổi hình dạng sau khi Circe đổ thuốc độc, dưới sự chứng kiến của Glaucus (1695). Còn tranh của John Melhuish Strudwick (1886) cho thấy Circe đang rót thuốc độc vào nước khi Scylla chuẩn bị tắm.
Chú thích
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ Virgil (2007), Aeneid (dịch bởi Frederick Ahl), NXB Oxford University Press, tr.67 ISBN 9780191622779
- ^ Homer, Odyssey 12.124–125; Ovid, Metamorphoses 13.749; Apollodorus, E7.20; Servius on Virgil Aeneid 3.420
- ^ Ogden, sđd, tr.135
- ^ a b c “Scylla and Charybdis”. Ancient History Encyclopedia.
- ^ Fowler, sđd, tr.32
- ^ Megalai Ehoiai, đoạn 13 [1] và [2]
- ^ Acusilaus, đoạn 42 (xem Fowler, sđd, tr.32)
- ^ Apollonius của Rhodes, Argonautica 4. 828–829 (tr.350–351)
- ^ Stesichorus, F220 PMG (Campbell, tr.132–133)
- ^ Hyginus, Fabulae, [1] và [2]
- ^ John Tzetzes, Lycophron 45
- ^ Servius, Aeneid III. 420
- ^ Hyginus, Fabulae, 199
- ^ “Scylla and Charybdis”. Encyclopædia Britannica.
- ^ Robert Fagles (1996), The Odyssey
- ^ Ovid, Metamorphoses, tr.121-122
- ^ Endymion, quyển III, dòng 401
Tham khảo
[sửa | sửa mã nguồn]- Apollodorus, Apollodorus, The Library, with an English Translation by Sir James George Frazer, F.B.A., F.R.S. in 2 Volumes. Cambridge, MA, Harvard University Press; London, William Heinemann Ltd. 1921. Xem trực tuyến
- Apollonius of Rhodes, Apollonius Rhodius: the Argonautica, dịch bởi Robert Cooper Seaton, W. Heinemann, 1912 Internet Archive
- Fowler, R. L., Early Greek Mythography: Volume 2: Commentary, Oxford University Press, 2013. ISBN 978-0198147411
- Hyginus, Gaius Julius, The Myths of Hyginus, biên tập và dịch bởi Mary A. Grant, Lawrence: University of Kansas Press, 1960
- Most, G.W. (2007), Hesiod: The Shield, Catalogue, Other Fragments, Loeb Classical Library, no. 503, Cambridge, MA, ISBN 978-0-674-99623-6
- Ogden, Daniel (2013). Drakon: Dragon Myth and Serpent Cult in the Greek and Roman Worlds. Oxford University Press. ISBN 9780199557325
Liên kết ngoài
[sửa | sửa mã nguồn]- Scylla and Charybdis tại Encyclopædia Britannica
- Scylla and Charybdis tại Ancient History Encyclopedia