Tây sương

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Tây sương (西廂, Mái Tây) là một truyện thơ Việt Nam bằng chữ Nôm, ra đời vào thời Nguyễn. Theo nhiều nhà nghiên cứu văn học thì đây là "một tác phẩm ca ngợi tình yêu tự do táo bạo, vượt ra ngoài lễ giáo phong kiến."[1]

Nguồn gốc và tác giả[sửa | sửa mã nguồn]

Tây sương ký nguyên là một vở kịch nổi tiếng ở Trung Quốc do Vương Thực Phủ đời Nhà Nguyên viết. Sau, Lý Văn Phức (hoặc là Nguyễn Lê Quang) đã dựa theo vở kịch ấy mà viết thành một truyện thơ Nôm, dài 1.744 câu lục bát, lấy nhan đề là Tây sương (Mái Tây). Hiện có hai người được cho tác giả của truyện thơ Tây sương, đó là:

Ông là người làng Hồ Khẩu, nay là phường Bưởi, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội. Năm Quý Mão (1819), ông thi đỗ Hương tiến, được bổ chức quan, lần lượt trải đến chức Tham tri bộ Lễ. Trước sau ông đi công cán ở nước ngoài 7 lần (Yên Kinh, Quảng Đông, Phúc Kiến, Lữ Tống, Singapore, Macao, Tiểu tây dương). Ông mất khi còn tại chức (1849).

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Phương Chi, thì truyện Tây sương do Lý Văn Phức viết trong những năm cuối đời, tức từ sau chuyến đi Yên Kinh năm 1841 cho đến khi ông mất .[2]

  • Nguyễn Lê Quang:

Không rõ tiểu sử, chỉ biết ông làm quan (được người đương thời gọi là Thị độc Nguyễn), và là bạn đồng liêu với Lý Văn Phức. Ông mất vào thời vua Tự Đức. Theo Hoàng Hữu Yên thì ông là tác giả truyện Tây sương. Lý Văn Phức chỉ là người nhuận sắc.[3]

Lược kể tác phẩm[sửa | sửa mã nguồn]

Câu chuyện kể trong truyện Tây sương đại lược như sau:

Thôi Oanh Oanh cùng mẹ là Trịnh phu nhân đưa linh cửu của cha là quan tướng quốc về quàn tại chùa Phổ Cứu. Cùng ở trọ ở chùa có một thư sinh tên là Trương Quân Thụy. Say mê nhan sắc của nàng Thôi, Quân Thụy tìm cách lân la.

Trong miền có tên tướng cướp Tôn Phi Hổ, nghe tiếng Thôi Oanh Oanh xinh đẹp, bèn đưa quân vây chùa, đòi lấy nàng làm vợ. Nghe vậy, một mặt Quân Thụy bày kế hẹn ngày đưa dâu để hoãn binh, một mặt chàng viết thư cầu cứu người bạn là tướng quân Đỗ Xác. Đỗ tướng quân đem binh lại đánh tan quân cướp. Nhưng sau đó Trịnh phu nhân lật lọng, định gả con gái cho Trịnh Hằng, một người có quyền thế và giàu có.

Trương Quân Thụy ốm tương tư. Người hầu gái của nàng Thôi là Hồng nương lấy làm thương xót, nên sắp đặt Oanh oanh đến thăm bệnh Quân Thụy ở mái tây chùa Phổ Cứu, và chung chăn gối với chàng. Chuyện vỡ lở, Trịnh phu nhân buộc phải đồng ý gả, nhưng bà đặt điều kiện là Quân Thụy phải đỗ đạt mới cho cưới.

Trương Quân Thụy về kinh thi đỗ Hội nguyên, được bổ quan ở địa phương chùa Phổ Cứu. Quân Thụy làm lễ thành hôn với Oanh Oanh và sống hạnh phúc bên nàng.

Nhận xét[sửa | sửa mã nguồn]

Cốt truyện Tây sương về cơ bản giống với kịch bản Tây sương ký của Vương Thực Phủ. Tuy vậy, tác giả cũng đã thay đổi ít nhiều. Như chi tiết Hồng nương đã thuyết phục Thôi phu nhân cho đôi trẻ kết duyên, khiến cho tình yêu tự do thắng thế. Hình tượng những nàng hầu (và tiểu đồng) đại diện cho lớp người ở dưới đáy xã hội, ấy là nét mới mẻ xuất hiện trong hàng loạt truyện thơ Nôm ở giai đoạn này. Như nhân vật nhà sư Pháp Bản ở Tây sương ký có thái độ từ bi, thì trong Tây sương ông đã trở thành "sư hổ mang". Lão cũng đã mê mẩn tâm thần khi nhìn thấy nàng Thôi xinh đẹp. Điều này phản ánh sự sa sút của Phật giáo ở thế kỷ 19.

Tuy có đôi chút khác biệt, nhưng cốt lõi của Tây sương vẫn là một câu chuyện tình vượt ra ngoài khuôn khổ phong kiến. Tác giả ca ngợi tình yêu chân chính, ca ngợi tự do luyến ái, đồng thời tố cáo những luật lệ phong kiến hà khắc làm cản trở hạnh phúc lứa đôi...

Văn chương trong Tây sương trau chuốt, rèn giũa (chịu ảnh hưởng sâu sắc Truyện Kiều) song vẫn còn nhiều từ cổ. Có nhiều đoạn tả cảnh, tả tình khá thành công. Tác giả có cố gắng trong việc kết hợp giữa văn chương bác học và văn học dân gian. Ông sử dụng vốn tục ngữ, ca dao Việt, và Việt hóa một số điển cố và thành ngữ chữ Hán. Nhờ vậy, câu thơ trong Tây sương đã đạt đến độ khá nhuần nhuyễn. Một sáng tạo khác, đó là tác giả đã cải biên tính cách một số nhân vật sao cho phù hợp với con người Việt. Nhờ vậy, tuy là lấy cốt truyện từ nước ngoài, song ở Tây sương vẫn là một đời sống xã hội Việt, và đã phản ánh ước mơ và đấu tranh của nhân dân Việt...

Cùng với Truyện Kiều, Phan Trần...Tây sương đã góp thêm tiếng nói tích cực vào trào lưu văn học vì quyền sống, quyền hạnh phúc của con người đã nổi lên mạnh mẽ ở Việt Nam từ giữa thế kỷ 18[4].

Xem thêm[sửa | sửa mã nguồn]

Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Trần Hải Yến và Nguyễn Phương Chi, Từ điển văn học, bộ mới, tr. 928 và 1615.
  2. ^ Nguyễn Phương Chi, Từ điển văn học (bộ mới, tr. 1615). Trần Hải Yến (Từ điển văn học, bộ mới, tr. 927) và GS. Thanh Lãng (tr. 815) đều nói tác phẩm này là của Lý Văn Phức.
  3. ^ Văn học thế kỷ 19, tr.193.
  4. ^ Phần nhận xét lược theo Nguyễn Phương Chi, Từ điển văn học (bộ mới), tr. 1615.

Sách tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  • Hoàng Hữu Yên (chủ biên), Văn học thế kỷ 19. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2004.
  • Nguyễn Phương Chi, mục từ "Tây sương" trong Từ điển văn học (bộ mới). Nhà xuất bản Thế giới, 2004.
  • Trần Hải Yến, mục từ "Lý Văn Phức" trong Từ điển văn học (bộ mới). Nhà xuất bản Thế giới, 2004.
  • Thanh Lãng, Bảng lược đồ văn học Việt Nam (Quyển Thượng). Nhà xuất bản Trình bày, Sài Gòn, không đề năm xuất bản.