Tính đảng

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia


Tính đảng (tiếng Pháp: l'esprit de parti) là biểu hiện đầy đủ nhất khuynh hướng tư tưởng của văn học, là sự bảo vệ và đấu tranh một cách tự giác cho những lợi ích chính trị của một giai cấp hoặc lực lượng xã hội nhất định trong sáng tác.

Khi các mâu thuẫn xã hội biểu hiện thành xung đột giữa các khuynh hướng trào lưu tư tưởng, thì đó là sự biểu hiện tự giác của các khuynh hướng đó trong văn học, triết học, báo chí,…

Các giai cấp khác nhau đều có tính đảng khác nhau. Nhưng các đảng vô sản, do ý thức được sứ mệnh lịch sử, công khai tuyên bố tính đảng của mình, nên trong thực tế, thuật ngữ tính đảng trong văn học thường hàm nghĩa hẹp, là chỉ tính đảng Cộng sản.

Khái niệm[sửa | sửa mã nguồn]

Với nghĩa hẹp, tính đảng là khái niệm phản ánh mối liên hệ giữa văn học với sự nghiệp của giai cấp vô sản và đảng của nó. Phát triển những tư tưởng về tính khuynh hướng xã hội chủ nghĩa của Mác và Ăng-ghen, Lê-nin là người đầu tiên xác định mối quan hệ này thành hai nguyên tắc cơ bản về tư tưởng và về tổ chức trong bài báo Tổ chức Đảng và văn học có tính đảng viết năm 1905. Một mặt Lê-nin chỉ rõ: “Sự nghiệp văn học phải trở thành một bộ phận trong sự nghiệp chung của giai cấp vô sản”, “một bộ phận khăng khít của công tác có tổ chức, có kế hoạch và thống nhất của Đảng Xã hội – Dân chủ.“.

Mặt khác, trong khi đòi hỏi văn học phải chịu sự lãnh đạo và giám sát của Đảng, Lê-nin cũng lưu ý đến những đặc điểm riêng của hoạt động văn nghệ, cho nên Đảng phải có phương pháp và thái độ lãnh đạo thích hợp, không được “bình quân máy móc“, không được “dựa vào đa số thống trị thiểu số” mà phải “tuyệt đối đảm bảo một khoảng trống rộng lớn nhất nhất cho sáng kiến riêng, cho thiên hướng cá nhân, cho tư duy và tưởng tượng, cho hình thức và nội dung“.

Khái niệm tính đảng trong văn học ngày càng được cụ thể hóa bằng kinh nghiệm và thực tiễn nghệ thuật của các nhà văn và các nhà lý luận. Là một phạm trù tư tưởng – chính trị, tính đảng Cộng sản thể hiện trước hết trên ba bình diện: ý thức hệ, nhận thức luận và thi pháp.

Theo tinh thần ấy, trong thực tế, tính đảng có quan hệ mật thiết với tính chân thực, tính tư tưởngtính nghệ thuật.

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]