Thành viên:Ltn12345/nháp,,,

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Biểu tình của sinh viên Nhật Bản 1968–1969
Ngày1968–1969
Địa điểm
Nguyên nhânSự trỗi dậy của chủ nghĩa Cánh tả mới ở Nhật Bản (新左翼)
Hình thứcChiếm đóng khuôn viên trường đại học
Các phe trong cuộc xung đột dân sự
Nhân vật thủ lĩnh
Không có lãnh đạo tập trung:
Takaaki Yoshimoto
Kan'ichi Kuroda
Yoshitaka Yamamoto
Mitsuko Tokoro
Akehiro Akita
Satō Eisaku (Thủ tướng Nhật Bản)
Hirokichi Nadao (Bộ trưởng Bộ Giáo dục đến tháng 11 năm 1968)
Michita Sakata (Bộ trưởng Bộ Giáo dục từ tháng 11 năm 1968)

Biểu tình của sinh viên Nhật Bản 1968–1969 (大学紛争, daigaku funsō[1] hoặc 大学闘争, daigaku tōsō[2]) là một loạt các cuộc biểu tình diễn ra từ năm 1968–1969 ở Nhật Bản, dẫn đến việc đóng cửa nhiều trường đại học trên toàn quốc. Các cuộc biểu tình này là một phần của phong trào biểu tình trên toàn thế giới vào năm 1968,[3] và rộng hơn là phong trào biểu tình vào cuối những năm 1960 của Nhật Bản nói chung, bao gồm biểu tình Anpo năm 1970[4] và cuộc đấu tranh chống lại việc xây dựng Sân bay quốc tế Narita.[5] Ban đầu sinh viên biểu tình chống lại các vấn đề trong các trường đại học, và sau đó cuối cùng tự thành lập tổ chức Zenkyōtō vào giữa năm 1968. Các cuộc biểu tình đã được giải tán vào năm 1969 theo "Đạo luật về biện pháp tạm thời liên quan đến quản lý đại học".

Các cuộc biểu tình ban đầu do tranh chấp về việc thực tập không lương tại Đại học Y khoa Tōkyō. Các tổ chức sinh viên Cánh tả mới sau đó bắt đầu chiếm các tòa nhà xung quanh khuôn viên trường. Một trường hợp nổi bật khác là các buộc biểu tình bắt nguồn từ Đại học Nihon, bắt đầu từ sự bất bình của sinh viên về cáo buộc tham nhũng. Tại Đại học Nihon, các cuộc biểu tình ít bị thúc đẩy bởi ý thức hệ và nhiều hơn bởi chủ nghĩa thực dụng do bản chất truyền thống và bảo thủ ở nơi đây. Từ đó, phong trào lan sang nhiều trường đại học khác nhau ở Nhật Bản, bạo lực leo thang cả trong khuôn viên nhà trường và trên đường phố. Giai đoạn cuối năm 1968 được coi là đỉnh cao của phong trào biểu tình, với hàng ngàn sinh viên gây bạo loạn ở ga Shinjuku. Đấu tranh nội bộ giữa phe phái (uchi-geba, 内ゲバ)[6][7] xảy ra khá phổ biến, tràn lan, khó kiểm soát. Vào tháng 1 năm 1969, cảnh sát bao vây Đại học Tokyo và buộc chấm dứt các cuộc biểu tình, làm bùng cháy lại ngọn lửa biểu tình ở các trường đại học khác, nơi các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục diễn ra. Tuy nhiên, với việc ý kiến dư luận đi xuống và cảnh sát gia tăng nỗ lực đàn áp cuộc biểu tình, phong trào biểu tình sinh viên bắt đầu suy yếu. Việc thông qua "Đạo luật về biện pháp tạm thời liên quan đến quản lý đại học" năm 1969 đã thiết lập cơ sở pháp lý cho lực lượng cảnh sát để giải tán phần lớn phong trào biểu tình một cách bạo lực, mặc dù một số các nhóm nhỏ Cánh tả mới, chẳng hạn như Hồng quân Thống nhất, vẫn tiếp tục cho đến những năm 1970.

Những người biểu tình lấy cảm hứng từ tác phẩm của các nhà lý luận Mác xít như Karl MarxLev Davidovich Trotsky, các nhà triết học hiện sinh người Pháp như Jean-Paul SartreAlbert Camus, và triết lý của nhà thơ, nhà phê bình Nhật Bản Takaaki Yoshimoto.[8] Quan điểm về "tính tự lập" (jiritsusei) và "tính chủ thể" (shutaisei) của Yoshimoto dựa trên sự chỉ trích của ông về cách diễn giải những ý tưởng này của các trí thức Nhật Bản khác, chẳng hạn như Maruyama Masao, những người Yoshimoto cho là đạo đức giả.[9] Sự tôn sùng đối với shutaisei cuối cùng sẽ dẫn đến sự tan rã của phong trào, khi họ ngày càng tập trung vào "tự phủ định" (jiko hitei) và "tự phê bình" (hansei).[8]

Những cuộc biểu tình đã mở ra một cánh cửa mới cho chủ nghĩa nữ quyền, mở đường cho phong trào Giải phóng Phụ nữ (Ūman Ribu) của Tanaka Mitsu. Trong khi hầu hết đã lắng xuống vào những năm 1970 và nhiều sinh viên tham gia cuộc biểu tình đã tái hòa nhập vào xã hội, sự kiện đã xâm nhập vào lĩnh vực văn hóa, truyền cảm hứng cho nhiều nhà văn như Murakami HarukiMurakami Ryu. Các yêu cầu chính trị của sinh viên đã đặt cải cách giáo dục lên hàng đầu trong chương trình nghị sự của chính phủ, điều mà nhà nước đã cố gắng giải quyết thông qua các tổ chức như Hội đồng Giáo dục Trung ương. Cuộc biểu tình cũng thành chủ đề của các tác phẩm văn hóa đại chúng hiện đại, chẳng hạn như bộ phim Jitsuroku Rengōsekigun Asama-Sansō e no Dōtei năm 2007 sản xuất bởi Kōji Wakamatsu.

Nguồn gốc của phong trào[sửa | sửa mã nguồn]

Ba trong số các nhà lãnh đạo chính của Đảng Cộng sản Nhật Bản đang ngồi và mỉm cười. Bên trái là Tokuda Kyuichi, ở giữa là Nosaka Sanzo, và bên phải là Yoshio Shiga.
Các nhà lãnh đạo JCP Kyuichi Tokuda, Sanzō Nosaka và Yoshio Shiga (từ trái sang phải) sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc

Việc Đồng minh chiếm đóng Nhật Bản từ cuối Chiến tranh thế giới thứ hai đến năm 1952 đã mang lại những thay đổi đáng kể cho nền chính trị Nhật Bản. Các nhà chức trách khu chiếm đóng nhanh chóng bãi bỏ Đạo luật Bảo tồn Hòa bình,[note 1] một điều luật ban hành trước chiến tranh nhắm vào và bắt giữ thành viên các nhóm cánh tả. Các tù nhân cánh tả bị giam giữ theo đạo luật trên đã được trả tự do.[10][11] Đảng Cộng sản Nhật Bản (JCP) và Đảng Xã hội Nhật Bản (JSP) được hợp pháp hóa, và nhanh chóng trở thành nhóm có quyền lực đáng kể trong chính trường Nhật Bản. Trong số các nhóm đối tượng chính mà JCP hy vọng sẽ thu hút là sinh viên, một trọng tâm cuối cùng sẽ dẫn đến sự liên kết của các sinh viên với chủ nghĩa cánh tả.[11] Một điều khác ảnh hưởng đến phong trào vận động xã hội của sinh viên là việc ban hành Hiến pháp thời hậu chiến, một văn bản trao cho các tổ chức chính trị quyền tồn tại và người lao động có quyền tổ chức. Bởi vậy, Hiến pháp mới kể từ khi được tạo ra đã được các nhóm cánh tả ở Nhật Bản ủng hộ, và sinh viên cho rằng họ có nhiệm vụ phải bảo vệ hiến pháp và tự vệ trước những gì họ coi là vi hiến của nhà nước.[12] Việc chiếm đóng cũng tái cấu trúc hệ thống giáo dục Nhật Bản bằng cách hủy bỏ Sắc lệnh Hoàng gia về Giáo dục,[note 2] phân cấp quản lý hệ thống giáo dục và đưa vào hệ thống trường học 6-3-3-4 dựa trên cơ sở của Mỹ (6 năm tiểu học, 3 năm trung học cơ sở, 3 năm trung học phổ thông, 4 năm đại học).[13] Các cơ quan quản lý nghề nghiệp đã áp dụng giáo dục bắt buộc 9 năm, [14] với việc học trung học phổ thông vẫn còn hiếm và cạnh tranh. Hệ thống giáo dục đại học cũng được mở rộng thông qua Luật thành lập trường học quốc gia năm 1949, dẫn đến việc các cơ sở giáo dục đại học địa phương được hợp nhất thành các trường đại học quốc gia, đảm bảo sự tồn tại của các trường đại học do nhà nước hỗ trợ ở mọi tỉnh.[15] Việc chuẩn hóa này đã dẫn đến việc ngày càng có nhiều học sinh chọn học trung học phổ thông, thúc đẩy Bộ Giáo dục thành lập thêm nhiều trường phổ thông tư thục. Số học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông do đó đã tăng lên 90% vào những năm 1960, gây áp lực lên các cơ sở giáo dục đại học và các cơ sở giáo dục trung học phải mở rộng.[16]

Nhóm các nhà lãnh đạo Zengakuren ngồi trên sân khấu, với một nhà lãnh đạo Zengakuren mặc đồ đen phát biểu trước đám đông sinh viên.
Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương của Zengakuren (1956)

Thiện cảm đối với cánh tả gia tăng trong giới sinh viên đã dẫn đến việc thành lập Zengakuren,[note 3] một tổ chức sinh viên xã hội chủ nghĩa vào năm 1948. Zengakuren được thành lập sau cuộc biểu tình năm 1947–48 phản đối việc tăng học phí đại học của sinh viên đại học trên toàn quốc..[17] Vào những năm 1950, phong trào Cánh tả mới[note 4] từ Zengakuren và những người không liên kết với JCP đã nổi lên trong phong trào sinh viên. Ví dụ, một số thủ lĩnh sinh viên của Zengakuren đã tách khỏi JCP để thành lập Kyōsandō,[note 5] một nhóm theo chủ nghĩa Lenin còn được biết đến với tên gọi là "The Bund",[note 6] lấy theo tên của Bund der Kommunisten, một đảng chính trị quốc tế được thành lập bởi Karl Marx, Friedrich EngelsKarl Schapper vào năm 1847 tại London. Một số nhóm theo lý thuyết của Leon Trotsky đã cùng nhau thành lập Kakukyōdō,[note 7] và một số nhà lãnh đạo Zengakuren ít cấp tiến hơn trong Kyōsandō đã thành lập Shagakudō (Shakai Gakusei Dōmei).[18] Các phe phái này giành quyền kiểm soát Zengakuren từ JCP cho Cánh tả mới.[19]

Năm 1960, một liên minh rộng lớn của các nhóm cánh tả bao gồm JCP, JSP, Zengakuren và liên đoàn thương mại Sōhyō đại diện cho các công đoàn Nhật Bản đã tiến hành các cuộc biểu tình lớn chống lại việc gia hạn Hiệp ước Hợp tác và An ninh lẫn nhau giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản.[note 8][20] Đối với Zengakuren, Anpo đánh dấu một sự đổi mới và củng cố chương trình chính trị và sự lu mờ của Cánh tả Cũ so với Cánh tả mới.[21] Trong các cuộc biểu tình Anpo năm 1960, đã có sự chia rẽ giữa hai trí thức cánh tả hàng đầu - Masao Maruyama và Takaaki Yoshimoto. Maruyama coi cuộc biểu tình là một ví dụ về việc thực hiện khái niệm shutaisei (tính chủ thể), hay nói cách khác là ý tưởng về quyền tự trị của xã hội khỏi nhà nước và bản thân, và như một ngọn hải đăng sáng chói cho các lý tưởng dân chủ. Tuy nhiên, Yoshimoto coi cuộc biểu tình là một phản ứng chống lại sự tha hóa của tư bản, không phải là một hành động bảo vệ nền dân chủ. Do đó, Yoshimoto đã buộc tội Maruyama và những người ủng hộ ông là giả tạo, đạo đức giả và đi ngược lại shutaisei bằng cách tự lừa dối mình tin rằng họ chống lại chiến tranh và tin rằng họ là sứ giả của nền dân chủ đại chúng.[22][23] Cánh tả mới, đặc biệt là The Bund, tiếp thu ý tưởng của Yoshimoto và sự phê phán của ông đối với Maruyama và chủ nghĩa tiến bộ Nhật Bản. Zengakuren đã tấn công JCP, những người theo chủ nghĩa tiến bộ và bất cứ tổ chức nào mà họ coi là đe dọa shutaisei bằng cách phá hủy quyền tự chủ của bản thân và thay thế nó bằng tiên phong. Điều này đánh dấu sự chuyển hướng của Cánh tả mới Nhật Bản chống lại chủ nghĩa tiến bộ cũng như chủ nghĩa Stalin.[24]

Vào cuối những năm 1960, số lượng sinh viên đại học và các trường đại học đạt mức cao nhất, với 52 trường đại học ở Tokyo là nơi trú ẩn an toàn cho những người Cánh tả mới. Việc thiếu kiểm duyệt xuất bản sau chiến tranh,[10] việc in các văn bản của chủ nghĩa Mác với giá cả phải chăng, cùng với nhiều thời gian rảnh rỗi ở trường đại học đã đã dẫn đến việc nhiều sinh viên trở nên cấp tiến. Thế hệ sinh ra trong Thế hệ bùng nổ trẻ sơ sinh sau chiến tranh đã đến tuổi vào đại học. Các trường đại học đã đáp ứng sự thay đổi này bằng cách mở rộng diện tích. Căng thẳng gia tăng, và phong trào sinh viên hầu như không hoạt động kể từ khi các cuộc biểu tình ở Anpo. Tình hình trong các trường đại học ngày càng trở nên bất ổn, tạo tiền đề cho các cuộc biểu tình năm 1968.[25]

Các cuộc xung đột ban đầu[sửa | sửa mã nguồn]

Giảng đường Yasuda, một trong những tòa nhà mang tính biểu tượng nhất của khu Hongō thuộc Đại học Tokyo
Giảng đường Yasuda, một trong những tòa nhà mang tính biểu tượng nhất của khu Hongō thuộc Đại học Tokyo

Tình trạng bất ổn bắt đầu bùng phát vào khoảng năm 1965 và 1966, với các cuộc biểu tình tại Đại học Keio vào năm 1965 và Đại học Waseda năm 1966 là nơi đầu tiên sử dụng cái tên "Zenkyōtō" (Zengaku kyōtō kaigi[26]) để chỉ các tổ chức điều phối các cuộc biểu tình.[27] Tuy nhiên, sự kiện ở Waseda chỉ kéo dài 150 ngày, và phong trào hoạt động của sinh viên lắng dịu trên toàn quốc.[28] Một cuộc cải cách gây tranh cãi do Đại học Tokyo liên quan đến thực tập y khoa vào cuối năm 1967, điều được coi là sáu năm lao động miễn phí, đã dẫn đến một cuộc đình công của sinh viên tại trường đại học này vào đầu năm 1968.[29] Tranh cãi về cải cách thực tập đã dẫn đến một vụ ẩu đả vào ngày 19 tháng 2 giữa một gia sư và sinh viên, khiến 17 người bị kỉ luật và 4 người bị đuổi học.[30] Một số hình phạt được cho là vô lý, và các sinh viên y khoa bắt đầu các hành động phản đối. Lúc đầu, những sinh viên này đã làm gián đoạn buổi lễ tốt nghiệp tại trường đại học vào tháng Ba, nhưng sau khi cảnh sát chống bạo động được gọi đến, các sinh viên đã chiếm Giảng đường Yasuda vào tháng Sáu. Đại học Tokyo đã quyết định thực hiện các biện pháp để lấy lại Giảng đường Yasuda. Tuy nhiên, điều này đã dẫn đến sự phẫn nộ trong cộng đồng sinh viên, dẫn đến việc nhiều học sinh chiếm lại tòa nhà và kêu gọi tổng đình công.[31]

Các cuộc biểu tình của sinh viên y khoa Đại học Tokyo đã lan sang các trường đại học khác. Một trong những nơi bị ảnh hưởng đầu tiên là Đại học Nihon, nơi chứng kiến ​​10.000 trong số tổng cộng 86.000 sinh viên của trường biểu tình vào tháng 5 năm 1968 về việc sử dụng đáng ngờ khoản tiền 2 tỷ yên của ban giám đốc nhà trường.[32] Hội đồng quản trị bị buộc tội "kiếm tiền" bằng một "trường đại học sản xuất hàng loạt".[33] So sánh giữa hai trường hợp cho thấy cả điểm giống và khác nhau - cả hai đều được sử dụng các chiến thuật tương tự như chiếm đóng các tòa nhà đại học quan trọng, trong khi bản chất là khác nhau. Đại học Tokyo có lịch sử sinh viên có thiện cảm với cánh tả, trong khi Đại học Nihon bảo thủ và đàn áp hơn, không có bầu không khí tiến bộ hay sự nghiêm khắc trong học tập ở Tokyo. Những điểm tương đồng trong cuộc biểu tình sau này đã dẫn đến việc thành lập các nhóm Zenkyōtō[note 9] ở các trường đại học khác nhau.[34]

Zenkyōtō và sự lan rộng của phong trào[sửa | sửa mã nguồn]

Mũ bảo hiểm có từ Zenkyōtō
Mũ bảo hiểm có từ Zenkyōtō

Vào tháng 7 năm 1968, Zenkyōtō Đại học Tokyo được thành lập để điều phối các cuộc biểu tình tại các trường đại học khác nhau trên toàn quốc. Một sinh viên sau đại học không thuộc phái nào, Yoshitaka Yamamoto được bầu làm thủ lĩnh của Zenkyōtō.[31] Mặc dù Zenkyōtō đã tồn tại trước đó, Đại học Tokyo đã phổ biến mô hình này và việc diễn giải Zenkyōtō ở nơi đây được coi là cách diễn giải chủ đạo cho ý tưởng Zenkyōtō kể từ thời điểm đó.[27] Zenkyōtō đưa hành động của các nhà hoạt động không phe phái[note 10] (những người không theo bất kỳ con đường nào đã định, không liên kết với cả Zengakuren và JCP) ra ánh sáng, trái ngược với tình hình trước đó, khi mà các nhà hoạt động chia thành 39 nhóm khác nhau có liên kết với Zengakuren, chống lại JCP và có 1 nhóm ủng hộ JCP. Zenkyōtō cũng giúp mở rộng phạm vi của những người biểu tình. Trong khi chỉ có sinh viên chưa tốt nghiệp tham gia biểu tình Anpo vào năm 1960 thì Zenkyōtō bao gồm các sinh viên sau đại học và thậm chí một số nhân viên nhà trường.[36] Zenkyōtō tại Đại học Nihon đã giúp đẩy lùi ảnh hưởng của những tư tưởng bảo thủ đối với phong trào sinh viên.[37]

Vào tháng 7, Zenkyōtō tại Đại học Tokyo đã yêu cầu tất cả các nhân viên y tế cấp cao trong trường phải từ chức, dẫn đến việc giám đốc Bệnh viện Đại học Tokyo và Chủ nhiệm Khoa Y từ chức vào ngày 10 tháng 8.[38] Tuy nhiên, trong cùng tháng, các cuộc đàm phán bị phá vỡ, bạo lực trong khuôn viên trường tái diễn, và Zenkyōtō dần mất kiểm soát vào tay các tổ chức khác nhau. Vào tháng 11, các thành viên của Kakumaru-ha, một tổ chức ly khai của Kakukyōdō, một nhóm Cộng sản Nhật Bản theo chủ nghĩa Trotsky, đã bắt 9 giáo sư làm con tin, trong đó có Trưởng khoa Văn học Kentarō Hayashi. Hayashi, khi nói về các cuộc biểu tình, đã kể về việc nhiều giáo sư như ông đã bị thẩm vấn tàn nhẫn trong nhiều ngày và bị lạm dụng bằng lời nói bởi các sinh viên.[39] Shaseidō Kaihō-ha, một tổ chức Zengakuren khác, cũng như Minsei Dōmei, một nhóm Zengakuren liên kết với JCP, cũng tham gia. Sự chia rẽ bè phái đã dẫn đến những cuộc ẩu đả trong đó các sinh viên trung lập không theo phái nào can thiệp. Xung đột nội bộ ba bên chủ yếu diễn ra trong khu Komaba của Đại học Tokyo. Vào tháng 12, xảy ra một cuộc xung đột giữa Shaseidō Kaihō-ha và Kakumaru-ha tại Đại học Waseda do cáo buộc ăn cắp giấy tờ. Cuộc xung đột này lan sang Đại học Tokyo, nơi các phe phái chiếm các tòa nhà khác nhau thuộc Khoa Văn học của trường và xây dựng rào chắn. Cuộc tranh chấp này kéo dài 3 tuần, dẫn đến việc Kakumaru-ha phải rút lui khỏi Zenkyōtō.[40] Kể từ đó, các phe Zengakuren khác nhau kiểm soát các tòa nhà khác nhau.[41]

Trong khi đó, các cuộc biểu tình đã lan rộng ra nhiều trường đại học ở Nhật Bản. Sinh viên tại các trường đại học khác nhau biểu tình phản đối những điều khác nhau. Tại Đại học Kwansei GakuinĐại học Tohoku, sinh viên phản đối việc tăng học phí. Tại Đại học Kanagawa và Đại học Beppu, sinh viên đã kêu gọi dân chủ hóa. Tại Đại học Doshisha và Đại học Waseda, sinh viên muốn tham gia vào quá trình bầu chọn hiệu trưởng, trong khi ở Đại học Nagasaki và Đại học Hanazono, sinh viên muốn giành quyền kiểm soát các tòa nhà của hiệp hội sinh viên.[38] Đại học Sophia đã đóng cửa hoàn toàn khuôn viên trường trong 6 tháng, trong khi ở Đại học Kyushu, một máy bay phản lực của Mỹ đã lao vào trung tâm máy tính, làm dấy lên các cuộc biểu tình chống Mỹ nhằm đóng cửa Căn cứ Không quân Brady.[42] Vào cuối năm 1968, sinh viên đã nắm quyền kiểm soát 67 trường học, với hàng trăm nơi có tình trạng bất ổn đáng kể.[43] Trên đường phố, học sinh cũng bắt đầu có hành động, hàng nghìn sinh viên đã bước vào Ga Shinjuku vào ngày 21 tháng 10 (Ngày Quốc tế Chống Chiến tranh)[44] và tổ chức bạo động,[45] dẫn đến việc cảnh sát sử dụng Đạo luật hình sự về hội họp bạo loạn.[46] Quy mô của cuộc bạo động đã tạo ra phản ứng dữ dội của công chúng, làm tăng sự ủng hộ đối với cảnh sát, từ đó dẫn đến việc cảnh sát sử dụng nhiều vũ lực và thậm chí bắt đầu tấn công các trường học bị chiếm đóng. Ví dụ, việc chiếm đóng Đại học Sophia đã kết thúc vào tháng 12 năm 1968 sau một cuộc bao vây của cảnh sát.[47]

Bạo lực leo thang vào mùa thu năm 1968. Cho đến thời điểm này, cảnh sát vẫn coi sinh viên là một phần của phong trào chống LDP rộng rãi bao gồm các đảng đối lập và liên đoàn lao động. Tuy nhiên, với việc bạo lực ngày càng gia tăng, dẫn đến sự ủng hộ của công chúng đối với phong trào đi xuống, cảnh sát phải chú ý đặc biệt tới những sinh viên cực đoan.[48] Các sinh viên đánh nhau bằng những cây gậy làm bằng gỗ hoặc tre được gọi là gebaruto-bō trong tiếng Nhật (viết tắt là geba-bō) và Gewalt Staves trong tiếng Anh.[49] Từ Gewalt có nghĩa là "bạo lực" hoặc "vũ lực" trong tiếng Đức; và đối với phong trào bểu tình, đây là một phương tiện hợp lý để đạt được mục tiêu chính trị.[50]

Suy yếu[sửa | sửa mã nguồn]

Vào đầu năm 1969, các sinh viên hy vọng rằng họ sẽ chống cự lại lực lượng cảnh sát. Chính phủ đã hủy bỏ kỳ thi tuyển sinh đại học mùa xuân năm 1969 trong bối cảnh bạo lực tiếp diễn.[51] Tại Đại học Tokyo, tình hình rất hỗn loạn. Minsei Dōmei, một nhóm Zengakuren ủng hộ JCP, đang giành thắng thế, gây áp lực buộc Zenkyōtō Đại học Tokyo phải kêu gọi viện trợ từ Đại học Nihon và Đại học Chuo. Bản thân các sinh viên bắt đầu vỡ mộng, nhiều người đã bỏ phiếu để ngăn chặn các cuộc đình công tại Đại học Tokyo. Một số người khác thì tiếp tục cố thủ trong các tòa nhà như Giảng đường Yasuda, sẵn sàng đường đầu với một cuộc bao vây của cảnh sát.[52]

Vào ngày 18 tháng 1 năm 1969, hàng ngàn cảnh sát đã di chuyển vào Đại học Tokyo. Nhà văn theo chủ nghĩa dân tộc Yukio Mishima đã rất lo lắng đến nỗi đích thân liên lạc với cảnh sát để yêu cầu họ cẩn thận. Xung đột vẫn xảy ra sau đó giữa các bè phái Zengakuren và Zenkyōtō mặc dù sức mạnh của những nhóm này đã suy giảm đi đáng kể. Bất chấp sự ngoan cố của các nhóm trong Giảng đường Yasuda, tới cuối tuần cảnh sát đã kiểm soát được mái của tòa nhà, nơi trú đóng cuối cùng của phong trào sinh viên ở Đại học Tokyo.[53] Phong trào ở giai đoạn này đã giảm sút, suy yếu, với số trường đại học bị chiếm đóng đã giảm xuống còn 33.[51] Sau cuộc bao vây, Mishima phát biểu trước các sinh viên, chỉ trích họ không đủ tội để chết vì lý tưởng.[54] Tuy nhiên, cuộc giao tranh ở Yasuda, được phát sóng trên truyền hình, chỉ làm thổi bùng lên ngọn lửa của các nhà hoạt động sinh viên ở những nơi khác.[55]

Tình trạng bất ổn nổ ra sau cuộc bao vây dẫn đến số lượng trường bị chiếm đóng tăng vọt từ 33 lên 77 vào tháng 3[55] và 11 vào tháng 4.[36] Tuy nhiên, chính phủ bắt đầu chú ý đến các cuộc biểu tình, với việc cảnh sát củng cố lập trường chống lại các sinh viên.[56] Vào tháng 2, các rào chắn tại Đại học Nihon đã được dỡ bỏ và trường đại học đã mở lại các lớp học và các kỳ thi tuyển sinh được tổ chức dưới sự canh gác nghiêm ngặt của cảnh sát.[57] Sự chú ý chuyển sang Đại học Kyoto, nơi Zenkyōtō Kyoto và phân hội Minsei Dōmei địa phương, được hỗ trợ bởi Đại học Kyoto, đã đánh nhau ác liệt. Sau khi một giao tranh kết thúc với việc các sinh viên thuộc Zenkyōtō ở Đại học Nihon tuyên bố khu vực trung tâm Kyoto là "khu vực giải phóng", cảnh sát chống bạo động đã được điều động đến để đối phó. Kỳ thi tuyển sinh được tổ chức vào tháng 3 tại các trung tâm khẩn cấp ở Kyoto với sự bảo vệ của cảnh sát, sau đó các cuộc biểu tình tại Đại học Kyoto nổ ra.[58] Vào Ngày Okinawa, các sinh viên đã đụng độ với cảnh sát ở trung tâm Tokyo trong bối cảnh một cuộc biểu tình lớn hơn chống lại sự chiếm đóng Okinawa của Mỹ. Cuộc biểu tình của sinh viên lại tăng đột biến vào tháng 6, khi liên minh với nhiều nhóm cánh tả khác để phản đối Chiến tranh Việt Nam.[59]

Cuối năm 1968, Thủ tướng Satō Eisaku bổ nhiệm Michita Sakata, người trước đó đã kêu gọi một cuộc điều tra đặc biệt về các trường đại học vào năm 1968, làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Ông được giao nhiệm vụ đối phó với những lời kêu gọi chính phủ can thiệp vào các trường đại học. Vào tháng 5 năm 1969, ông đã ban hành "Đạo luật về biện pháp tạm thời liên quan đến quản lý đại học".[note 11][60] Chính phủ đã gấp rút thông qua đạo luật ở quốc hội và thi hành vào tháng 8.[61] Đạo luật kêu gọi thành lập Hội đồng Giáo dục Trung ương[62] và cho phép các nhà trường gọi cảnh sát chống bạo động đến để giải quyết tranh chấp với sinh viên.[63] Đạo luật này như một đòn giáng nặng nề đối với những sinh viên vốn đã sa sút nhuệ khí và là một trong những yếu tố chính dẫn đến sự sụp đổ của phong trào.[64]

Đến cuối năm 1969, các nhóm sinh viên dần tan rã. Một số lượng lớn các chướng ngại vật đã bị phá bỏ và bạo lực từ từ kết thúc.[65] Zenkyōtō Quốc gia, được thành lập vào năm 1969 và đạt đỉnh điểm hoạt động vào tháng 9 với một cuộc mít tinh được tổ chức tại Công viên Hibiya,[66] bị sụp đổ do đấu đá nội bộ và các phong trào dần bị cô lập.[67] Mặc dù vậy, các sinh viên vẫn tiếp tục bạo loạn trên đường phố, tập trung nhiều hơn vào những vấn đề như chiến tranh Việt Nam và việc gia hạn sắp tới của hiệp ước Anpo.[68] Tuy nhiên, vào năm 1970, tình hình tại các trường học đã trở lại bình thường.[69]

Phe phái[sửa | sửa mã nguồn]

Các cuộc đấu tranh ở trường đại học đã bị cản trở bởi cuộc đấu đá nội bộ giữa những người Chống Yoyogi (chống JCP)[note 12], phe Minsei Dōmei và những nhóm khác. Chūkaku-ha và Kakumaru-ha là hai phe chính theo Chủ nghĩa Trotsky.[71] Chūkaku-ha đồng ý với The Bund và cho rằng trường đại học đã được đưa vào chủ nghĩa tư bản từ tình trạng tự do trước đây, và các cuộc đấu tranh đại diện cho những mâu thuẫn trong chủ nghĩa tư bản. Kakumaru-ha tin rằng do bản chất đế quốc của các trường Đại học, sinh viên không bao giờ có thể ảnh hưởng đến xã hội thông qua việc tham gia quản lý [72] (Kakumaru-ha cũng chống Zenkyōtō, đã chiến đấu chống lại Zenkyōtō Đại học Waseda vào cuối năm 1969).[73] Cả hai cũng bất đồng về mặt chính trị - mặc dù cả hai đều theo chủ nghĩa Mác, Kakumaru-ha chủ trương tập trung vào việc thành lập một đảng chống chủ nghĩa Stalin, trong khi Chūkaku-ha tập trung nhiều hơn vào chiến tranh giai cấp và huy động giai cấp vô sản. Chūkaku-ha chỉ trích Kakumaru-ha là tiểu tư sản.[74] Kaihō-ha tin rằng vấn đề của trường đại học chính là tư tưởng giáo dục chuẩn bị cho người học trở thành "nô lệ" trong ngành công nghiệp. Bund có thứ bậc hơn nhiều so với các nhóm sinh viên khác. Về mặt tư tưởng, họ tập trung vào việc bảo vệ nền dân chủ Nhật Bản khỏi chủ nghĩa phát xít thay vì phá hủy trường đại học.[75] Minsei Dōmei, cải cách hơn và liên kết với JCP, tin rằng có thể thỏa hiệp với các giáo sư và rằng cái ác thực sự là lực lượng đàn áp của Bộ Giáo dục.[72] Minsei Dōmei đóng vai trò quan trọng trong việc chống lại Zenkyōtō, phản đối việc họ chiếm các trường học.[69]

Biểu đồ này cho thấy mối quan hệ giữa các phe phái khác nhau trong Cánh tả mới Nhật Bản. Tuy nhiên, đó là sự đơn giản hóa các mối quan hệ này, với nhiều chi tiết không được thể hiện.[note 13] Các nhóm có màu vàng là thành viên của Sanpa Zengakuren, một liên minh chống JCP.[8] Hai phe tách rời của Kakukyōdō cũng có một nhánh Marugakudō (Liên đoàn sinh viên Mác xít) của riêng mình, nhánh học sinh Zengakuren.[77]

Kakukyōdō
(Liên đoàn Cộng sản Cách mạng Nhật Bản)
Đảng Cộng sản Nhật Bản (JCP)Đảng Xã hội Nhật Bản (JSP)
Ủy ban Toàn quốcMinsei Dōmei (Nhật Bản Dân chủ Thanh niên Đồng minh)Kyosandō (Bund)
(Liên đoàn Chủ nghĩa Cộng sản)
Shaseidō Kaihō-ha
(Nhật Bản Xã hội Chủ nghĩa Thanh niên Đồng minh Giải phóng Phái)
Chūkaku-ha (Phái cốt lõi)Kakumaru-ha (Phái theo Chủ nghĩa Cách mạng Marx)Shagakudō
Quốc tế thứ tư Nhật BảnNhóm theo Chủ nghĩa Marx – LeninNhiều tổ chức khác
Bund thứ 2 (tái lập)
Senki-haNhiều tổ chức khác
Kakumei SahaSekigun-ha
(Phe Hồng quân)
Rengo Sekigun
(Hồng quân Thống nhất)
Nhóm YodogōNihon Sekigun
(Hồng quân Nhật Bản)

Triết lý[sửa | sửa mã nguồn]

Bức ảnh Takaaki Yoshimoto
Takaaki Yoshimoto, người đi đầu của phong trào Cánh tả mới

Các sinh viên đã bị ảnh hưởng rất nhiều bởi việc diễn giải về ý tưởng shutaisei. Các cuộc biểu tình, ngay từ khi bắt đầu, đã trở thành một phương tiện để họ lấy lại sự tiến bộ vì đã từ bỏ 'shutaisei trong các Cuộc biểu tình Anpo năm 1960.[78] Những sinh viên này muốn có một bản sắc cá nhân, và muốn tham gia với những người khác đang tìm kiếm shutaisei để khẳng định điều này thông qua việc đấu tranh. William Andrews chỉ ra sự tương đồng giữa cách diễn giải của những sinh viên Nhật Bản về shutaisei với lý thuyết ác ý của Jean-Paul Sartre. Những sinh viên này cho rằng niềm tin cá nhân và quyền tự quyết tự chủ sẽ mang lại sự thay đổi, chứ không phải theo đường lối của bất kỳ đảng phái nào. Điều này dẫn đến việc nhấn mạnh vào việc tự phê bình và tự phủ định (jikohihan) như một cách để trở nên cách mạng hơn.[79]

Khi các sinh viên Đại học Tokyo được hỏi họ đấu tranh vì điều gì, đa số khẳng định rằng đấu tranh để "khẳng định bản thân" hoặc "tự chuyển hóa". Họ bác bỏ bất cứ điều gì mình cho là "cải cách", chẳng hạn như các mục tiêu cải cách cụ thể, và mục tiêu của họ nhìn chung rất mơ hồ.[80] Thưc tế, một số học sinh chỉ đơn giản là muốn tham gia vào đánh nhau.[81] Các học sinh, đặc biệt là những người thuộc The Bund, đã đơn giản hóa cách diễn giải của Takaaki Yoshimoto về shutaisei, điều đã dẫn đến sự sụp đổ của chính phong trào, họ muốn có quyền được tự phủ nhận bản thân của họ.[39]

Những người chỉ trích cách hiểu này, chẳng hạn như Hiệu trưởng Khoa Văn học Đại học Tokyo lúc bấy giờ Hayashi Kentaro, người đã bị bắt làm con tin trong cuộc biểu tình, đã cho rằng suy nghĩ của những học sinh này là "đạo đức giả của sự tự phủ nhận" - mặc dù những học sinh này luôn nói phủ định "Đại học Tokyo trong chúng tôi", họ giữ các đặc quyền khi là sinh viên Đại học Tokyo..[82] Bản thân Yoshimoto đã chỉ trích họ vì bị cuốn vào một "ảo ảnh cộng đồng".[83] Chúng ta có thể đưa ra cái nhìn sâu hơn về triết lý cá nhân của những học snh này khi nhìn vào những cuốn sách có ảnh hưởng đến họ. Một số cuốn sách phổ biến nhất trong giới sinh viên Nhật Bản vào thời điểm đó là các tác phẩm theo chủ nghĩa hiện sinh như The Brothers Karamazov của Dostoevsky và The Stranger của Camus.[84]

Di sản[sửa | sửa mã nguồn]

Chu kỳ biểu tình cuối những năm 1960 là một đòn giáng mạnh vào dư luận Nhật Bản - trong cuộc tổng tuyển cử năm 1969 ở Nhật Bản, JSP đã mất 51 ghế. Sự suy giảm ảnh hưởng, quyền lực và hình ảnh công chúng của cánh tả, cũng như sự giám sát của cảnh sát gia tăng, cuối cùng đã dẫn đến thất bại của các cuộc biểu tình ở Anpo năm 1970.[65]

Các cuộc biểu tình đã ảnh hưởng lớn đến văn hóa và truyền thông Nhật Bản. Trong tâm lý của thế hệ năm 1968, thất bại của các cuộc biểu tình đã tạo ra một cuộc khủng hoảng về bản sắc cá nhân. Sự thiếu hiểu biết về bản thân là một trong những nguồn cảm hứng chính cho nhà văn Haruki Murakami[85] – một số cuốn sách của ông thậm chí còn đề cập trực tiếp đến kết cục của các cuộc biểu tình vào những năm 1970, chẳng hạn như Hear the Wind Sing.[86] Những cuốn sách nổi tiếng khác lấy cảm hứng từ các cuộc biểu tình bao gồm cuốn tiểu thuyết Boku tte nani năm 1977 của Masahiro Mita, và 69 của Ryū Murakami (tiếp tục được chuyển thể thành phim năm 2004).[87] Các sự kiện tại Yasuda cuối cùng đã dẫn đến sự ra đời của một thể loại văn học mới tên là Zenkyōtō bungaku (văn học Zenkyōtō), bao gồm những cuốn sách được xuất bản trong những năm 1970 và 1980 lấy bối cảnh trong các cuộc biểu tình. Những tác phẩm này bao gồm hình ảnh mãnh liệt về cảm xúc mạnh mẽ, thất vọng, bối rối và thất bại.[88] Nhà triết học và ký hiệu học Roland Barthes thậm chí còn dành một phần trong cuốn sách Empire of Signs của mình cho các sinh viên Zengakuren.[89]

Các cuộc biểu tình của sinh viên không tạo ra bất kỳ phong trào chính trị cải cách nào, chẳng hạn như Đảng Xanh ở Đức. Oguma xác định ba lý do cho điều này - việc sinh viên từ chối bất kỳ mục tiêu cụ thể nào và mục tiêu đạo đức của riêng họ, việc tăng trưởng kinh tế tiếp tục ở Nhật Bản dẫn đến các nhà hoạt động đều có việc làm, và cấu trúc cứng nhắc và bản chất chủ nghĩa Mác của các tổ chức sinh viên này.[90] Tuy nhiên, một số sinh viên khác đã tạo ra các phong trào mới của riêng mình, chẳng hạn như Rengo Sekigun (Hồng quân thống nhất) hoặc Nihon Sekigun (Hồng quân Nhật Bản). Đối với họ, cuộc biểu tình của sinh viên chỉ là một bước đi đúng hướng, và không phải là dấu chấm hết cho cuộc đấu tranh vũ lực.[67] Sekigun và các nhóm còn lại khác của các nhóm sinh viên tham gia biểu tình phải chịu trách nhiệm cho các vụ việc như Sự cố cướp Yodogō[91] và Sự kiện Sơn trang Asama.[92] Sự phát triển của các nhóm này từ các cuộc biểu tình là chủ đề của bộ phim Jitsuroku Rengōsekigun Asama-Sansō e no Dōtei [note 14] năm 2007 sản xuất bởi Kōji Wakamatsu.[93]

Các cuộc biểu tình cũng dẫn đến sự trỗi dậy của nữ quyền Nhật Bản. Phụ nữ bị hạn chế khả năng biểu tình trong khoảng thời gian diễn ra phong trào, đặc biệt là trong xã hội Nhật Bản, nơi mà vai trò của phụ nữ khá truyền thống vào thời điểm đó. Tuy nhiên, họ đã được trải nghiệm về quyền tự quyết và hành động công khai.[94] Việc các học sinh nữ không được đối xử bình đẳng trong các cuộc biểu tình đã khiến phụ nữ nhận thức rõ hơn về bất bình đẳng giới trong khuôn viên trường học. Nhận thức mới này đã khiến Mitsu Tanaka viết tác phẩm "No More Toilets" năm 1970, một tác phẩm tiêu biểu trong phong trào Ūman ribu.[95] Tanaka chỉ trích cuộc đấu đá nội bộ trong Cánh tả mới là quá nam tính và tư bản.[96]

Ghi chú[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Tiếng Nhật: 治安維持法, Chian iji hō
  2. ^ Tiếng Nhật: 教育ニ関スル勅語, Kyōiku ni Kansuru Chokugo
  3. ^ Tiếng Nhật: 全日本学生自治会総連合, Zen Nihon Gakusei Jichikai Sō Rengō, phiên âm: Toàn Nhật Bản Học sinh Tự trị Hội Tổng Liên đoàn
  4. ^ Tiếng Nhật: 新左翼, shin-sayoku
  5. ^ Tiếng Nhật: 共産主義者同盟, Kyо̄sanshugisha Dо̄mei, phiên âm: Cộng sản Chủ nghĩa giả Đồng minh.
  6. ^ Tiếng Nhật: ブント, Bunto
  7. ^ Tiếng Nhật: 日本革命的共産主義者同盟, Nihon Kakumeiteki Kyōsanshugisha Dōmei, phiên âm: Nhật Bản Cách mệnh đích Cộng sản Chủ nghĩa giả Đồng minh
  8. ^ Tiếng Anh: Treaty of Mutual Cooperation and Security between the United States and Japan, Tiếng Nhật: 日本国とアメリカ合衆国との間の相互協力及び安全保障条約, Nihon-koku to Amerika-gasshūkoku to no Aida no Sōgo Kyōryoku oyobi Anzen Hoshō Jōyaku, còn gọi là U.S.-Japan Security Treaty, Anpo jōyaku (安保条約) hoặc là Anpo (安保)
  9. ^ Tiếng Nhật: 全学共闘会議, Zengaku kyōtō kaigi, tiếng Anh: All-Campus Joint Struggle Committees, phiên âm: Toàn học Cộng đấu Hội nghị tạm dịch: “Ủy ban Đấu tranh chung toàn trường”.
  10. ^ Những nhà hoạt động này được gọi là nonpori, có nghĩa là phi chính trị.[35]
  11. ^ Tiếng Nhật: 大学の運営に関する臨時措置法, Daigaku no Un'ei ni Kansuru Rinjisochihō
  12. ^ Đặt tên như vậy vì JCP có trụ sở chính tại Yoyogi.[70]
  13. ^ Biểu đồ này dựa trên biểu đồ đơn giản của Andrews. Ông lưu ý rằng hàng chục nhóm chính trị không được hiển thị và một số vụ hợp nhất cũng như liên kết giữa các phe phái đã bị bỏ qua.[76]
  14. ^ Tiếng Nhật: 実録・連合赤軍 あさま山荘への道程, tạm dịch: “Thực lục・Hành trình đến sơn trang Asama của Hồng quân Thống nhất”.

Trích dẫn[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Schoppa 2002, tr. 46.
  2. ^ Shiozawa 2017, tr. 545.
  3. ^ Evans 2009, tr. 334.
  4. ^ Weiss & Aspinall 2012, tr. 66.
  5. ^ Kapur 2018, tr. 152.
  6. ^ Andrews 2016, tr. 75.
  7. ^ Tsuzuki 1970, tr. 515.
  8. ^ a b c Kapur 2018, tr. 151.
  9. ^ Kapur 2018, tr. 151, 166–167.
  10. ^ a b Harris et al. 1964, tr. 536.
  11. ^ a b Weiss & Aspinall 2012, tr. 59.
  12. ^ Weiss & Aspinall 2012, tr. 59–60.
  13. ^ Shibata 2005, tr. 83–87.
  14. ^ Leestma và đồng nghiệp 1987, tr. 5.
  15. ^ Anderson 1959, tr. 56.
  16. ^ Weiss & Aspinall 2012, tr. 60–61.
  17. ^ Dowsey & Ikeda 2012, tr. 47–48.
  18. ^ Weiss & Aspinall 2012, tr. 63–64.
  19. ^ Schieder 2021, tr. 25.
  20. ^ Kapur 2018, tr. 19.
  21. ^ Andrews 2016, tr. 41.
  22. ^ Kersten 2009, tr. 232–34.
  23. ^ Jesty 2018, tr. 29–30.
  24. ^ Kersten 2009, tr. 234.
  25. ^ Weiss & Aspinall 2012, tr. 67–69.
  26. ^ Andrews 2016, tr. xxi.
  27. ^ a b Shigematsu 2012, tr. 213.
  28. ^ Andrews 2016, tr. 83.
  29. ^ Tsurumi 1970, tr. 104.
  30. ^ Dowsey & Ikeda 2012, tr. 137.
  31. ^ a b Andrews 2016, tr. 85.
  32. ^ Tsurumi 1970, tr. 107–108.
  33. ^ Tsuzuki 1970, tr. 517.
  34. ^ Sunada 1969, tr. 469–70.
  35. ^ Marotti 2009, tr. 98.
  36. ^ a b Tsurumi 1970, tr. 108.
  37. ^ Sunada 1969, tr. 470.
  38. ^ a b Fuse 1969, tr. 332.
  39. ^ a b Kersten 2009, tr. 240.
  40. ^ Dowsey & Ikeda 2012, tr. 148–50.
  41. ^ Andrews 2016, tr. 85–86.
  42. ^ Dowsey & Ikeda 2012, tr. 135.
  43. ^ Marotti 2009, tr. 130.
  44. ^ Dowsey & Ikeda 2012, tr. 134.
  45. ^ Oguma 2015, tr. 3.
  46. ^ Andrews 2016, tr. 113.
  47. ^ Marotti 2009, tr. 134.
  48. ^ Weiss & Aspinall 2012, tr. 70.
  49. ^ Schieder 2021, tr. 99.
  50. ^ Marotti 2009, tr. 131.
  51. ^ a b Beer 2009, tr. 114.
  52. ^ Andrews 2016, tr. 87.
  53. ^ Andrews 2016, tr. 88.
  54. ^ Shigematsu 2012, tr. 53.
  55. ^ a b Sunada 1969, tr. 472.
  56. ^ Sunada 1969, tr. 473.
  57. ^ Dowsey & Ikeda 2012, tr. 169.
  58. ^ Dowsey & Ikeda 2012, tr. 170.
  59. ^ Andrews 2016, tr. 114–5.
  60. ^ Schoppa 2002, tr. 81.
  61. ^ Dowsey & Ikeda 2012, tr. 171.
  62. ^ Dowsey & Ikeda 2012, tr. 174–75.
  63. ^ Daliot-Bul 2014, tr. 52.
  64. ^ Tsuzuki 1970, tr. 521.
  65. ^ a b Oguma 2015, tr. 5.
  66. ^ Andrews 2016, tr. 92.
  67. ^ a b Andrews 2016, tr. 123.
  68. ^ Andrews 2016, tr. 113-114.
  69. ^ a b Andrews 2016, tr. 94.
  70. ^ Tsuzuki 1970, tr. 508.
  71. ^ Andrews 2016, tr. 148.
  72. ^ a b Dowsey & Ikeda 2012, tr. 142–43.
  73. ^ Andrews 2016, tr. 152.
  74. ^ Andrews 2016, tr. 149.
  75. ^ Kapur 2018, tr. 153.
  76. ^ Andrews 2016, tr. xv.
  77. ^ Andrews 2016, tr. xix.
  78. ^ Kersten 2009, tr. 235.
  79. ^ Andrews 2016, tr. 70–71.
  80. ^ Oguma 2015, tr. 13.
  81. ^ Daliot-Bul 2014, tr. 51–52.
  82. ^ Kersten 2009, tr. 241.
  83. ^ Kapur 2018, tr. 158.
  84. ^ Andrews 2016, tr. 71.
  85. ^ Strecher 1999, tr. 264.
  86. ^ Strecher 1999, tr. 266.
  87. ^ Andrews 2016, tr. 73–74.
  88. ^ Steinhoff 2013, tr. 150.
  89. ^ Andrews 2016, tr. 76.
  90. ^ Oguma 2015, tr. 20–22.
  91. ^ Andrews 2016, tr. 127.
  92. ^ Andrews 2016, tr. 141–42.
  93. ^ Andrews 2016, tr. 138.
  94. ^ Evans 2009, tr. 338.
  95. ^ Evans 2009, tr. 344.
  96. ^ Shigematsu 2012, tr. 53–54.

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

Sách

Tạp chí học thuật

Đọc thêm[sửa | sửa mã nguồn]