Thái Văn A

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Thái Văn A (19422001) là một Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam.

Tiểu sử[sửa | sửa mã nguồn]

Thái Văn A quê ở xã Trung Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Ông nhập ngũ năm 1962, là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 1965. Trong Chiến tranh Việt Nam, Thái Văn A là chiến sĩ trinh sát trên đảo Cồn Cỏ, nơi bị máy bay và tàu chiến đánh phá ác liệt. Ông làm nhiệm vụ quan sát tại đỉnh 63 trên đồi cao nhất đảo để xác định vị trí máy bay hay tàu chiến đối phương, rồi thông báo cho các đơn vị pháo cao xạ bắn vào mục tiêu[1]. Dù có lúc chân đài quan sát bị gãy, đài bị nghiêng, bản thân nhiều lần bị thương, Thái Văn A vẫn không rời vị trí. Trong ba năm làm nhiệm vụ trên đảo, Thái Văn A đã góp phần cùng đơn vị bắn rơi 20 máy bay Mỹ (riêng tổ trinh sát trực tiếp bắn rơi một chiếc) và xác định các vị trí có bom địch chưa nổ để công binh xử lý (máy bay địch thường trút bom ở đây trước khi về hạ cánh trên tàu sân bay). Tên tuổi của ông gắn liền với hòn đảo này từ xưa đến nay.

Cấp bậc cao nhất của ông trước khi nghỉ hưu là đại tá (năm 1988).

Vinh danh[sửa | sửa mã nguồn]

Vì những thành tích trong chiến đấu nên Thái Văn A được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 1967[2]. Ngoài ra ông còn được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhì.

Tên ông được đặt cho một ngọn đồi trên đảo Cồn Cỏ[3]. Năm 2012, tên ông được đặt cho một con đường ở thành phố Đà Nẵng[4].

Hình tượng trong văn học nghệ thuật[sửa | sửa mã nguồn]

Thái Văn A được làm đề tài cho một số tác phẩm văn học nghệ thuật như bài hát Thái Văn A đứng đó của nhạc sĩ Văn An[5], ký sự Chúng tôi ở Cồn Cỏ của nhà văn Hồ Phương.

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Chung Tử (6 tháng 6 năm 2013). “Đến với huyện đảo nhỏ nhất thế giới”. Báo Công an nhân dân điện tử. Truy cập ngày 23 tháng 1 năm 2014.
  2. ^ “Những phần thưởng của Bác Hồ tặng Đảng bộ và nhân dân Quảng Bình”. Trang thông tin điện tử tỉnh Quảng Bình. Truy cập ngày 23 tháng 1 năm 2014.
  3. ^ Lê Mạnh Thường (4 tháng 12 năm 2012). “Trong sắc nắng Cồn Cỏ”. Hội nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh. Bản gốc lưu trữ ngày 2 tháng 2 năm 2014. Truy cập ngày 23 tháng 1 năm 2014.
  4. ^ “Nghị quyết Đặt tên đường và công trình công cộng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đợt 2, năm 2012”. thuvienphatluat.vn. 6 tháng 12 năm 2012. Truy cập ngày 23 tháng 1 năm 2014.
  5. ^ Thanh Giang (1 tháng 9 năm 2011). “Nhạc sĩ Văn An, tác giả bài "Lá cờ Đảng" qua đời”. Báo điện tử VietnamPlus. Truy cập ngày 23 tháng 1 năm 2014.

Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]