Thiện Thiện
Thiện Thiện (tiếng Trung: 鄯善; bính âm: Shànshàn; tiếng Duy Ngô Nhĩ: پىچان, chuyển tự Pichan, nguyên văn 'Piqan') là một vương quốc từng tồn tại khoảng từ năm 200 TCN-1000 ở rìa đông bắc sa mạc Taklamakan. Vương quốc có hồ Lop Nur, một hồ nước mặn lớn song ngày nay nó hầu như đã khô cạn.
Năm 126 TCN, sứ thần Trung Quốc là Trương Khiên (張騫) đã mô tả Lâu Lan là một thành vững chắc gần Lop Nur.[1]
Năm 77 TCN, sứ thần Trung Quốc là Phó Giới Tử (傅介子) giết chết vua Lâu Lan là An Quy (安歸). Vương quốc này sau đó trở thành một nước bù nhìn của nhà Hán và được đổi tên thành Thiện Thiện, với vị vua được nhà Hán dựng lên là Úy Đồ Kỳ (尉屠耆).[2] Vị vua mới được lập đề nghị nhà Hán cử quân đóng tại Y Tuần (伊循), do lo sợ sự trả thù từ phía các con của vị vua bị ám sát. Quân đội nhà Hán vì thế đã chiếm đóng khu vực này.[3]
Vương quốc Thiện Thiện bao gồm một thành Lâu Lan chiến lược có tường bao bọc gần góc tây bắc của Lop Nur, gần đó là dòng chảy của sông Tarim vào Lop Nur. Di chỉ Lâu Lan bao phủ 10,8 ha (26,8 mẫu Anh) với một tượng Phật cao khoảng 10 mét (33 ft), một số ngôi nhà và mương máng thủy lợi.[4]
Do có vị trí nằm trên tuyến đường chính từ Trung Nguyên sang Tây Vực, kiểm soát cả tuyến đường phía nam giữa Đôn Hoàng và Khotan, là tuyến đường chính của Con đường tơ lụa từ Đôn Hoàng tới Korla Kucha và Kashgar vào thời Tây Hán và Đông Hán nên nhà Hán và Hung Nô thường xuyên xung đột với nhau để kiểm soát vương quốc. Hán thư thuật lại: "nó nằm gần với Hán và phải đối mặt với các đống đất Bạch Long. Người dân địa phương thiếu nước và đồng cỏ, và thường phải đi xa để lấy nước. Ngoài ra, vương quốc thường xuyên bị cướp phá, bị trách phạt hoặc bị tàn phá bởi các viên quan hay binh lính và nhận thấy đất nước không có lợi khi giữ tiếp xúc với Hán. Về sau nhà nước này lại tiến hành do thám cho Hung Nô, thường chặn và giết chết các sứ thần Hán."[2] Hung Nô nhiều lần giao tranh với người Hán để kiểm soát khu vực cho đến khi bước vào thế kỷ 2,[5] và được Ngụy lược (魏略) thuật lại là một vương quốc độc lập.[6]
Theo sử sách, vào giai đoạn khoảng năm 25 Thiện Thiện liên minh với Hung Nô. Năm 73, tướng Hán là Ban Siêu tới Thiện Thiện với một đội quân nhỏ 36 người, được Thiện Thiện vương tên là Quang tiếp đón trang trọng nhưng ngày hôm sau lại đột nhiên lãnh đạm do một đoàn sứ thần của Hung Nô vừa tới. Ban Siêu triệu tập binh sĩ cùng nhau uống rượu và nói với họ "bất nhập hổ huyệt, yên đắc hổ tử" (不入虎穴,焉得虎子 = "chẳng vào hang hổ, sao bắt được hổ con"); nhân ban đêm tập kích, phóng hóa, chém giết toàn bộ đoàn sứ thần Hung Nô trên 100 người để dâng đầu của đoàn sứ thần này cho Thiện Thiện vương, làm cho ông ta phải cam kết thần phục nhà Hán.[7]
Một đội quân đồn trú gồm 1.000 lính được nhà Hán lập ra tại Lâu Lan vào năm 260. Nơi này bị bỏ hoang vào năm 330 do thiếu nước khi nguồn nước cung cấp nước chính là sông Tarim đổi dòng, quân đồn trú buộc phải di chuyển 50 km về phía nam để đến Hải Đầu (海頭). Thành Doanh Bàn (营盘) ở phía tây bắc vẫn nằm dưới quyền kiểm soát của người Hán cho đến thời nhà Đường.[8]
Nhà sư hành hương Trung Quốc là Pháp Hiển (法顯), đã ở lại Thiện Thiện trong một tháng sau chuyến đi kéo dài 17 ngày từ Đôn Hoàng vào năm 399. Ông đã mô tả vương quốc này là "gồ ghề và đồi núi, với một lớp đất đai mỏng và cằn cỗi. Trang phục của dân thường là vải thô, và giống như trang phục trên đất Hán, một số mặc đồ nỉ và vải xéc thô khác.... Nhà vua ban hành luật lệ, và tại vương quốc này có thể có trên bốn nghìn sư tăng, tất cả đều tu học Tiểu thừa.... (các sư tăng)...đều tu học bằng sách chữ Phạn và tiếng Phạn."[9]
Tuy nhiên, từ thế kỷ 5 trở đi, vùng đất này thường xuyên bị các sắc dân du mục như Thổ Dục Hồn, Nhu Nhiên và Đinh Linh xâm lược, và vì thế nó dần dần bị bỏ rơi. Đến mùa xuân năm 442, Thư Cừ An Chu đưa dân tàn dư của Bắc Lương xâm lược Thiện Thiện, quốc vương Thiện Thiện phải chạy trốn đến Thả Mạt,[4] và sau đó Thiện Thiện được cai quản từ Thả Mạt.[10]
Khoảng năm 630 (bắt đầu thời nhà Đường), những người Thiện Thiện còn lại, dưới sự lãnh đạo của Thiện Phục Đà (鄯伏陁), đã di cư đến Cáp Mật tại vùng phía Bắc.[11] Nhà sư Huyền Trang đã đi qua khu vực này vào năm 644 khi từ Thiên Trúc trở về Đại Đường, ông đã đến một thị trấn được gọi là Nạp Phược Ba (納縛波, được cho là Charklik), tức Lâu Lan, và ông cũng viết về Thả Mạt: "Tồn tại một thành quách, song không có dấu hiệu của một người nào".[12]
Chú thích
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ Watson (1993), p. 233.
- ^ a b Hulsewé (1979), p. 89-91.
- ^ Hulsewé 1979, p. 91-92
- ^ a b Hill (2009), p. 88.
- ^ Hill (2015), Vol I, p. 3 and nn.
- ^ Draft annotated translation of the Weilüe by John Hill.
- ^ Rafe de Crespigny (ngày 14 tháng 5 năm 2014). A Biographical Dictionary of Later Han to the Three Kingdoms (23-220 AD). Brill Academic Publishers. tr. 4–5. ISBN 9789047411840.
- ^ Baumer (2000), pp. 125-126, 135-136.
- ^ Legge (1896), pp. 12-14.
- ^ Ngụy thư-quyển 102: 真君三年,鄯善王比龍避沮渠安周之難,率國人之半奔且末,後役屬鄯善。 Dịch: Năm Chân Quân thứ ba, Thiện Thiện vương Bỉ Long nhằm tránh nạn Thư Cừ An Chu, đã mang theo một nửa quốc nhân trốn đến Thả Mạt, sau chiến tranh lại kiểm soát Thiện Thiện.
- ^ Makiko Onishi and Asanobu Kitamoto. “Hedin, the Man Who Solved the Mystery of the Wandering Lake: Lop Nor and Lou-lan”. Digital Silk Raod.
- ^ Da Tang Xiyu Ji Original text: 从此东行六百余里至折摩驮那故国。即涅末地也。城郭岿然人烟断绝。复此东北行千余里至纳缚波故国。即楼兰地也。
Tham khảo
[sửa | sửa mã nguồn]- Baumer, Christoph. (2000). Southern Silk Road: In the Footsteps of Sir Aurel Stein và Sven Hedin. Bangkok, White Orchid Books.
- Brough, J. 1965. "Comments on third century Shan-shan and the history of Buddhism." Bulletin of the School of Oriental and African Studies. XXVIII, 3, pp. 582–612.
- Brough, J. 1970. "Supplementary Notes on Third-Century Shan-Shan." Bulletin of the School of Oriental and African Studies. XXXIII, pp. 39–45.
- Hill, John E. (2009) Through the Jade Gate to Rome: A Study of the Silk Routes during the Later Han Dynasty, 1st to 2nd Centuries CE. BookSurge, Charleston, South Carolina. ISBN 978-1-4392-2134-1.
- Hulsewé, A. F. P. and Loewe, M. A. N. 1979. China in Central Asia: The Early Stage 125 BC – AD 23: an annotated translation of chapters 61 and 96 of the History of the Former Han Dynasty. E. Brill, Leiden. ISBN 90-04-05884-2.
- Legge, James. Trans. and ed. 1886. A Record of Buddhistic Kingdoms: being an account by the Chinese monk Fâ-hsien of his travels in India and Ceylon (A.D. 399-414) in search of the Buddhist Books of Discipline. Reprint: Dover Publications, New York. 1965.
- Loewe, Michael 1969. "Chinese Relations with Central Asia." Bulletin of the School of Oriental and African Studies, 32, pp. 91–103.
- Noble, Peter S. 1930-32 "A Kharoṣṭhī Inscription from Endere." Bulletin of the Society of Oriental Studies, VI, (1930-32), pp. 445–455.
- Stein, Aurel M. 1907. Ancient Khotan: Detailed report of archaeological explorations in Chinese Turkestan, 2 vols. Clarendon Press. Oxford. [1]
- Stein, Aurel M. 1921. Serindia: Detailed report of explorations in Central Asia and westernmost China, 5 vols. London & Oxford. Clarendon Press. Reprint: Delhi. Motilal Banarsidass. 1980. [2]
- Stein Aurel M. 1928. Innermost Asia: Detailed report of explorations in Central Asia, Kan-su and Eastern Iran, 5 vols. Clarendon Press. Reprint: New Delhi. Cosmo Publications. 1981. [3]
- Thomas, F. W. 1943-46. "Some Notes On Central-Asian Kharosthī Documents." Bulletin of the Society of Oriental Studies, 11, pp. 513–549.
- Watson, Burton, trans. (1993). Records of the Grand Historian: Han Dynasty II - Revised Edition. Columbia University Press, New York. ISBN 0-231-08166-9 and ISBN 0-231-08167-7 (pbk)
Liên kết ngoài
[sửa | sửa mã nguồn]- Silk Road Seattle (The Silk Road Seattle website contains many useful resources including a number of full-text historical works)
- Soka Gakkai Dictionary of Buddhism: Lou-lan Lưu trữ 2005-03-12 tại Wayback Machine
- Downloadable article: "Evidence that a West-East admixed population lived in the Tarim Basin as early as the early Bronze Age" Li et al. BMC Biology 2010, 8:15. [4]