Thập mục ngưu đồ
Bài viết này cần thêm chú thích nguồn gốc để kiểm chứng thông tin. |
Thập mục ngưu đồ (zh. 十牧牛圖, ja. jūgyū-no-zu) là mười bức tranh chăn trâu nổi tiếng trong Thiền tông, tương ứng với quá trình hành đạo của một người phát nguyện đạt Giác ngộ. Mười bức tranh này có thể xem là biểu hiện cô đọng nhất, trình bày tinh hoa của Phật giáo Đại thừa.
Quá trình hình thành
[sửa | sửa mã nguồn]Các bức tranh chăn trâu được sáng tạo trong thời nhà Tống (960-1279) và ngay từ đầu đã được xem như những bức hoạ tiêu biểu, trình bày tinh hoa, cốt tuỷ của Thiền Trung Quốc. Có nhiều bộ tranh - có thuyết nói là bốn, thuyết khác nói là 5, 6 chăn trâu khác nhau - nhưng có lẽ nổi danh nhất và cũng bao hàm ý nghĩa nhiều nhất là bộ với mười bức tranh của Thiền sư Khuếch Am Sư Viễn (zh. kuòān shīyuǎn 廓庵師遠, ja. kakuan shion, ~1150, tông Lâm Tế), được lưu lại trong bản sao của họa sĩ người Nhật tên Châu Văn (周文, ja. shūbun, ?-1460).
Một bộ khác với sáu bức tranh cũng thường được nhắc đến. Ban đầu, Thiền sư Thanh Cư Hạo Thăng (zh. qīngjū 清居, ja. seikyo, tông Tào Động) chỉ vẽ có năm bức nhưng sau, Thiền sư Tự Đắc Huệ Huy (tông Tào Động) vẽ thêm bức tranh thứ sáu. Trong bộ này, con trâu dần dần trắng ra và cuối cùng thì trắng hoàn toàn, một biểu tượng cho chân tâm thanh tịnh, vô cấu.
Mười bức tranh sau được xem là của Thiền sư Khuếch Am Sư Viễn. Những bức tranh này cũng được chú thích rất rõ, rất hay trong Thiền luận của Daisetz Teitaro Suzuki, bản dịch của Trúc Thiên và Thích Tuệ Sỹ. Bài tụng của Thiền sư Khuếch Am được Thích Thanh Từ dịch.
Tìm trâu
[sửa | sửa mã nguồn]- ① 尋牛
- 茫茫撥草去追尋。
- 水闊山遙路更深。
- 力盡神疲無處覓。
- 但聞風樹晩蟬吟。
- Tầm ngưu
- Mang mang bát thảo khứ truy tầm
- Thủy khoát sơn dao lộ cánh thâm
- Lực tận thần bì vô xứ mịch
- Đãn văn phong thụ vãn thiền ngâm
- Nao nao vạch cỏ kiếm tìm trâu
- Núi thẳm đường xa nước lại sâu
- Kiệt sức mệt nhoài tìm chẳng thấy
- Chỉ nghe réo rắt giọng ve sầu.
Thấy dấu
[sửa | sửa mã nguồn]- ② 見跡
- 水邊林下跡偏多。
- 芳草離披見也麼。
- 縱是深山更深處。
- 遼天鼻孔怎藏他。
- Kiến tích
- Thủy biên lâm hạ tích thiên đa
- Phương thảo li phi kiến dã ma
- Túng thị thâm sơn cánh thâm xứ
- Liêu thiên tị khổng chẩm tàng tha
- Ven rừng bến nước dấu liên hồi
- Vạch cỏ ruồng cây thấy được thôi
- Ví phải non sâu lại sâu thẳm
- Ngất trời lỗ mũi hiện ra rồi.
Thấy trâu
[sửa | sửa mã nguồn]- ③ 見牛
- 黄鶯枝上一聲聲。
- 日暖風和岸柳青。
- 只此更無廻避處。
- 森森頭角畫難成。
- Kiến ngưu
- Hoàng oanh chi thượng nhất thanh thanh
- Nhật noãn phong hoà ngạn liễu thanh
- Chỉ thử cánh vô hồi tị xứ
- Sâm sâm đầu giác hoạ nan thành
- Hoàng anh cất tiếng hót trên cành
- Nắng ấm gió hoà bờ liễu xanh
- Chỉ thế không nơi xoay trở lại
- Đầu sừng rành rõ vẽ khôn thành
Bắt trâu
[sửa | sửa mã nguồn]- ④ 得牛
- 竭盡神通獲得渠,
- 心强力壯卒難除。
- 有時才到高原上,
- 又入煙雲深處居。
- Đắc ngưu
- Kiệt tận thần thông hoạch đắc cừ
- Tâm cường lực tráng tốt nan trừ
- Hữu thời tài đáo cao nguyên thượng
- Hựu nhập yên vân thâm xứ cư
- Dùng hết thần công bắt được y
- Tâm hùng sức mạnh khó khăn ghì
- Có khi vừa hướng cao nguyên tiến
- Lại xuống khói mây mãi nằm ì
Chăn trâu
[sửa | sửa mã nguồn]- ⑤ 牧牛
- 鞭索時時不離身。
- 恐伊縱歩惹埃塵。
- 相將牧得純和也。
- 羈鎖無拘自逐人。
- Mục ngưu
- Tiên sách thời thời bất li thân
- Khủng y túng bộ nhạ ai trần
- Tướng tương mục đắc thuần hoà dã
- Ki toả vô câu tự trục nhân
- Nắm chặt dây roi chẳng lìa thân
- Ngại y chạy sổng vào bụi trần
- Chăm chăm chăn dữ thuần hoà dã
- Dây mũi buông rồi vẫn theo gần
Cưỡi trâu về nhà
[sửa | sửa mã nguồn]- ⑥ 騎牛歸家
- 騎牛沫汁欲還家。
- 霞笛聲聲送晩霞。
- 一拍一歌無限意。
- 知音何必鼓唇牙。
- Kị ngưu quy gia
- Kị ngưu mạt trấp dục hoàn gia
- Hà địch thanh thanh tống vãn hà
- Nhất phách nhất ca vô hạn ý
- Tri âm hà tất cổ thần nha
- Cưỡi trâu thong thả trở về nhà
- Tiếng sáo vi vu tiễn vãn hà
- Một nhịp một ca vô hạn ý
- Tri âm nào phải động môi à
Quên trâu còn người
[sửa | sửa mã nguồn]- ⑦ 忘牛存人
- 騎牛已得到家山。
- 牛也空兮人也閑。
- 紅日三竿猶作夢。
- 鞭繩空頓草堂間。
- Vong ngưu tồn nhân
- Kị ngưu dĩ đắc đáo gia san
- Ngưu dã không hề nhân dã nhàn
- Hồng nhật tam can do tác mộng
- Tiên thằng không đốn thảo đường gian
- Cưỡi trâu về thẳng đến gia san
- Trâu đã không rồi người cũng nhàn
- Mặt nhật ba sào vẫn say mộng
- Dây roi dẹp bỏ bên cạnh sàng
Người, trâu đều quên
[sửa | sửa mã nguồn]- ⑧ 人牛俱忘
- 鞭索人牛盡屬空。
- 碧天遼闊信難通。
- 紅爐焰上爭容雪。
- 到此方能合祖宗。
- Nhân ngưu câu vong
- Tiên sách nhân ngưu tận thuộc không
- Bích thiên liêu khoát tín nan thông
- Hồng lô diệm thượng tranh dung tuyết
- Đáo thử phương năng hợp tổ tông
- Roi gậy, người trâu thảy đều không
- Trời xanh thăm thẳm tin chẳng thông
- Lò hồng rừng rực nào dung tuyết
- Đến đó mới hay hiệp Tổ Tông
Trở về nguồn cội
[sửa | sửa mã nguồn]- ⑨ 返本還源
- 返本還源已費功,
- 爭如直下若盲聾。
- 庵中不見庵前物,
- 水自茫茫花自紅。
- Phản bản hoàn nguyên
- Phản bản hoàn nguyên dĩ phí công
- Tranh như trực hạ nhược manh lung
- Am trung bất kiến am tiền vật
- Thủy tự mang mang hoa tự hồng
- Phản bản hoàn nguyên đã phí công
- Đâu bằng thẳng đó tợ mù câm
- Trong am chẳng thấy ngoài vật khác
- Nước tự mênh mông hoa tự hồng
Thõng tay vào chợ
[sửa | sửa mã nguồn]- ⑩ 入廛垂手
- 露胸跣足入鄽來,
- 抹土涂灰笑滿腮。
- 不用神仙真秘訣,
- 直教枯木放花開。
- Nhập triền thuỳ thủ
- Lộ hung tiển túc nhập triền lai
- Mạt thổ đồ khôi tiếu mãn tai
- Bất dụng thần tiên chân bí quyết
- Trực giáo khô mộc phóng hoa khai
- Chân trần bày ngực thẳng vào thành
- Tô đất trét bùn nụ cười thanh
- Bí quyết thần tiên đâu cần đến
- Cây khô cũng khiến nở hoa lành
Lúc còn trụ tại Quy Sơn, Thiền sư Trường Khánh Đại An dạy chúng: "... Sở dĩ, Đại An này ở tại Quy Sơn ba mươi năm, ăn cơm Quy Sơn, đại tiện Quy Sơn mà không học thiền Quy Sơn, chỉ coi chừng con trâu. Nếu nó lạc đường hay vào trong cỏ liền lôi nó lại. Nếu nó ăn lúa mạ của người liền đánh đập điều phục nó… Bây giờ nó đã trở thành con trâu trắng đứng trước mặt, trọn ngày hiện sờ sờ đuổi cũng chẳng đi...".
Mã Tổ hỏi đệ tử mình là Thạch Củng Huệ Tạng: "Làm việc gì?" Thạch Củng thưa: "Chăn trâu." Tổ hỏi: "Làm sao chăn?" Thạch Củng đáp: "Một khi vào cỏ thì nắm mũi kéo lại." Tổ nghe bảo: "Con thật là khéo chăn trâu."
Tham khảo
[sửa | sửa mã nguồn]- Fo Guang Ta-tz'u-tien 佛光大辭典. Fo Guang Ta-tz'u-tien pien-hsiu wei-yuan-hui 佛光大辭典編修委員會. Taipei: Fo-Guang ch'u-pan-she, 1988. (Phật Quang Đại Từ điển. Phật Quang Đại Từ điển biên tu uỷ viên hội. Đài Bắc: Phật Quang xuất bản xã, 1988.)
- Das Lexikon der Östlichen Weisheitslehren, Bern 1986.
- Dumoulin, Heinrich:
- Geschichte des Zen-Buddhismus I. Indien und China, Bern & München 1985.
- Geschichte des Zen-Buddhismus II. Japan, Bern & München 1986.
Bảng các chữ viết tắt |
---|
bo.: Bod skad བོད་སྐད་, tiếng Tây Tạng | ja.: 日本語 tiếng Nhật | ko.: 한국어, tiếng Triều Tiên | pi.: Pāli, tiếng Pali | sa.: Sanskrit संस्कृतम्, tiếng Phạn | zh.: 中文 chữ Hán |
Liên kết ngoài
[sửa | sửa mã nguồn]Wikimedia Commons có thêm hình ảnh và phương tiện truyền tải về Thập mục ngưu đồ. |
- Mười bức tranh chăn trâu Lưu trữ 2007-09-18 tại Wayback Machine, bài viết trên trang "Thư viện Hoa sen"