Vua tiếng Việt (mùa 3)

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Vua tiếng Việt (mùa 3)
Soạn nhạcLưu Hà An
Quốc gia Việt Nam
Ngôn ngữTiếng Việt
Sản xuất
Thời lượng60 phút (bao gồm quảng cáo)
Đơn vị sản xuấtĐài Truyền hình Việt Nam
Trình chiếu
Kênh trình chiếuVTV3
Phát sóng1 tháng 3 năm 2024 (2024-03-01) – nay
Thông tin khác
Chương trình trướcVua tiếng Việt (Mùa 2)
Chương trình sauVua tiếng Việt (Mùa 4)

Mùa thứ ba của chương trình Vua tiếng Việt do Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất, được phát sóng vào lúc 20:30 thứ sáu hàng tuần trên kênh VTV3 từ ngày 1 tháng 3 năm 2024. Mùa này đã có sự thay đổi nhỏ về luật chơi.[1]

Luật chơi[sửa | sửa mã nguồn]

4 người chơi tham gia chương trình trong mỗi tập sẽ phải trải qua 4 vòng thi để giành được phần thắng chung cuộc; sau mỗi vòng, người có số điểm thấp nhất sẽ bị loại. Điểm số không được cộng dồn qua các vòng mà được đặt lại về 0 khi bắt đầu mỗi vòng mới.

Vòng 1: Phản xạ[sửa | sửa mã nguồn]

Thí sinh có 90 giây để trả lời một gói câu hỏi gồm 14 câu với các yêu cầu khác nhau (chọn từ đúng chính tả, ghép các chữ cái thành một từ/cụm từ, đếm số danh từ/động từ/tính từ trong 1 câu, viết từ đúng, điền từ trong câu ca dao/tục ngữ, điền một chữ vào từ, xác định chữ cái, giải nghĩa từ,...). Mỗi câu trả lời đúng sẽ giúp người chơi có 1 điểm. Người chơi có quyền bỏ qua, nhưng trả lời sai sẽ không được cộng điểm và không được quay trở lại; nếu người chơi còn thời gian nhưng đã hết bộ câu hỏi, MC sẽ công bố đáp án câu cuối cùng khi hết giờ. Phần chơi sẽ kết thúc khi hết giờ hoặc khi trả lời xong tất cả 14 câu.

Mỗi một lượt, khi có yêu cầu, ánh sáng sân khấu sẽ chạy quanh ngẫu nhiên để chọn 1 người chơi.

Trong trường hợp có từ 2 người chơi trở lên bằng điểm nhau và thấp điểm nhất, (các) câu hỏi phụ sẽ được đưa ra (theo cách thức chơi của vòng Phản xạ, không giới hạn thời gian nhưng không tính điểm) để xác định những người được đi tiếp. Người chơi trả lời đúng sẽ được lọt vào vòng 2. Việc này sẽ lặp lại cho đến khi chỉ còn 1 người chơi, và người này sẽ bị loại. Số câu hỏi phụ bằng số thí sinh phải tham gia trừ đi 1.

Vòng 2: Giải nghĩa[sửa | sửa mã nguồn]

3 người chơi vượt qua vòng 1 sẽ thay phiên nhau thực hiện các vai trò sau: 1 người miêu tả một từ mà MC chọn (nằm trong cuốn từ điển 36.000 từ của Viện Ngôn ngữ học Việt Nam), 2 người còn lại đoán. Mỗi người có 2 lượt, cứ sau mỗi 2 từ thì phần miêu tả sẽ được chuyển cho người chơi kế tiếp (theo thứ tự chứ cái trong tên). Người miêu tả sẽ có 60 giây để miêu tả từ được yêu cầu (không được dùng ngôn ngữ cơ thể), 2 người còn lại bấm chuông để giành quyền trả lời. Nếu trả lời sai, đồng hồ sẽ chạy tiếp và người miêu tả vẫn tiếp tục diễn tả từ được yêu cầu cho đến khi hết giờ hoặc ai đó trả lời đúng, khi đó đồng hồ sẽ dừng lại và cả người miêu tả và người trả lời đúng sẽ nhận được một số điểm như sau:

  • Trả lời đúng trong 0 đến 15 giây: 4 điểm
  • Trả lời đúng trong 16 đến 30 giây: 3 điểm
  • Trả lời đúng trong 31 đến 45 giây: 2 điểm
  • Trả lời đúng trong 46 đến 60 giây: 1 điểm
  • Sau giây thứ 60: 0 điểm

Người miêu tả sẽ bị coi là phạm luật nếu nói ra bất cứ phần tiếng nào của từ được yêu cầu, đồng thời tiếng còi "việt vị" sẽ vang lên và từ nói trên sẽ bị bỏ đi. Sau 6 từ (không phạm quy), người chơi có điểm số thấp nhất trong vòng thi này sẽ bị loại.

Trong trường hợp có 2 người chơi bằng điểm nhau và thấp điểm nhất, một từ phụ sẽ được đưa ra và giải nghĩa bởi người chơi còn lại (không giới hạn thời gian và có tính điểm) để xác định 2 người được đi tiếp.

Vòng 3: Xâu chuỗi[sửa | sửa mã nguồn]

2 người chơi sẽ sắp xếp các từ đã được sắp xếp lộn xộn trước đó để tạo thành câu đúng và có nghĩa. Có tất cả 9 câu hỏi, mỗi câu hỏi có 30 giây suy nghĩ và trả lời. Người chơi bấm chuông để giành quyền trả lời, trả lời đúng sẽ được 1 điểm. Phần chơi này sẽ kết thúc theo một trong bốn trường hợp sau:

  • Một người chơi đạt 5 câu trả lời đúng trước tiên, người đó sẽ thắng ngay lập tức;
  • Không ai đạt đủ 5 câu trả lời đúng sau 9 câu, khi đó người nhiều điểm hơn (ví dụ: 3 - 2, 4 - 3,...) sẽ thắng;
  • Một người chơi dẫn trước một số điểm mà đối phương không thể cân bằng ở các câu hỏi còn lại (ví dụ: A được 4 điểm còn B được 1 điểm sau 7 câu, A thắng vì B chỉ có thể thêm tối đa 2 điểm);
  • Tỉ số hòa sau 9 câu hỏi chính, người trả lời đúng câu hỏi phụ (cũng là một dãy từ; không giới hạn thời gian và không tính điểm) trước sẽ thắng.

Sau cùng, người chiến thắng sẽ lọt vào vòng Soán ngôi, người còn lại sẽ bị loại.

Vòng 4: Soán ngôi[sửa | sửa mã nguồn]

Có 3 bảng gồm 3 ô chữ với các kích thước khác nhau (4x4, 5x5 và 6x6). Ở mỗi ô chữ, thí sinh sẽ trả lời lần lượt các từ hàng ngang để tìm ra một từ hàng dọc (được đánh dấu bằng ký hiệu hình vương miện); số lượng từ hàng ngang cần phải giải cũng tương ứng với kích thước của từng bảng (4, 5 hoặc 6 từ).

Cứ mỗi 15 giây, người dẫn chương trình sẽ cung cấp một dữ kiện liên quan đến từng từ hàng ngang; dựa vào đó, thí sinh sẽ viết vào bảng từ hàng ngang tương ứng.[a] Tổng cộng mỗi bảng sẽ có tổng số thời gian khác nhau, lần lượt là 60 giây (bảng 4x4), 75 giây (bảng 5x5) và 90 giây (bảng 6x6). Thí sinh phải hoàn thành tất cả các từ hàng ngang của ô chữ trước để trả lời ô chữ tiếp theo. Chỉ cần giải sai một từ ở bất kỳ ô chữ nào sẽ khiến phần chơi kết thúc ngay lập tức.

Nếu thí sinh chưa tìm đúng hết các từ hàng ngang nhưng tìm đúng từ hàng dọc thì sẽ ra về với giải thưởng khuyến khích 5 triệu đồng. Nếu vượt qua ô chữ cuối cùng, thí sinh sẽ trở thành "Vua tiếng Việt" của tuần và nhận tiền thưởng 40 triệu đồng. Thí sinh sau đó sẽ có quyền lựa chọn: dừng cuộc chơi và ra về với số tiền tương ứng với mức thưởng 30 triệu đồng, hoặc đi tiếp bằng việc đeo chiếc nhẫn xanh của chương trình và ngồi lên "ngai vua" để thách đấu những người chơi khác ở tuần tiếp theo và có cơ hội tăng số tiền thưởng.[2]

Khi có người đang tại vị trên "ngai vua", cả người thách đấu và người tại vị sẽ cùng thi đấu (người đang tại vị từ tập trước sẽ chỉ tham gia thi đấu ở vòng này trong tập tiếp theo, còn người thách đấu sẽ là thí sinh còn sót lại trong số 4 thí sinh mới của tập). Trong các ô chữ, đáp án của người thách đấu được kiểm tra trước.

Nếu người tại vị thất bại, họ sẽ phải trả lại nhẫn cho chương trình và ra về với số tiền tương ứng (theo cơ cấu tiền thưởng ở bên dưới). Lúc này, người thách đấu vẫn sẽ tiếp tục giải quyết những ô chữ còn lại để giành vị trí "Vua tiếng Việt". Nếu thành công, người thách đấu sẽ nhận được 40 triệu đồng và đứng trước 1 trong 2 lựa chọn như trên.

Nếu người thách đấu thất bại, người tại vị sẽ thắng ngay lập tức và được tăng gấp đôi số giải thưởng. Lúc này, người tại vị cũng sẽ có quyền lựa chọn 1 trong 2 như trên, ngoại trừ trường hợp giữ ngôi trong 4 tuần liên tiếp (khi đó mặc định họ nhận được giải đặc biệt mà không cần quyết định).

Nhìn chung luật chơi này có lợi cho người tại vị khi không nói gì cũng được tăng tiền thưởng.

Cơ cấu tiền thưởng[sửa | sửa mã nguồn]

Tuần Chiến thắng Dừng chơi Thua cuộc
1 40.000.000 đồng 30.000.000 đồng 0 đồng (5.000.000 đồng nếu tìm đúng từ hàng dọc)
2 80.000.000 đồng 60.000.000 đồng 10.000.000 đồng
3 160.000.000 đồng 120.000.000 đồng 20.000.000 đồng
4 320.000.000 đồng 40.000.000 đồng

Giải thưởng của thí sinh bắt đầu ở mức 40 triệu đồng và sẽ tăng dần theo từng trận thắng. Nếu người soán ngôi chiến thắng vòng đặc biệt chọn tiếp tục thi đấu thì sẽ phải nhận lời thách đấu của tuần tiếp theo để có cơ hội tăng số tiền hiện có, và cứ như vậy cho đến tuần 4 với giải đặc biệt 320 triệu đồng.

Tùy vào việc thí sinh giành chiến thắng, thất bại hoặc dừng cuộc chơi sau vòng 4, họ sẽ được nhận mức giải thưởng tương ứng khác nhau. Mỗi lần thắng, số tiền của người tại vị sẽ tăng gấp đôi; nếu dừng chơi, thí sinh sẽ ra về với 75% số tiền hiện có, còn nếu thua sẽ được nhận 25% số tiền (trừ việc thua ở tuần 1).

Nếu giành chiến thắng tuyệt đối trong chương trình, thí sinh cũng sẽ sở hữu nhẫn thách đấu vĩnh viễn.

Các tập phát sóng[sửa | sửa mã nguồn]

Chú thích:
  •   Người chiến thắng ở vòng 4 (nếu là người thách đấu lần đầu) hoặc bảo vệ thành công "ngai vua" (nếu là người tại vị).
  • ? Thí sinh là người nước ngoài (tên tiếng Việt kèm theo, nếu có, sẽ được để ở hàng dưới).
# Ngày phát sóng Thí sinh Người giữ "ngai vua"
Bị loại ở vòng 1 Bị loại ở vòng 2 Bị loại ở vòng 3 Vòng cuối cùng
1 1 tháng 3, 2024 Hạp Thị Như Nguyệt Nguyễn Thành Long Trần Vĩnh Khang Vũ Minh Huệ Không có
2 8 tháng 3, 2024 Đỗ Thị Lan Anh Lê Thị Thúy Hằng Nguyễn Quốc Huy Nguyễn Quang Tuấn Không có
3 15 tháng 3, 2024 Phạm Gia Chừng Nguyễn Hồng Nhung Đỗ Xuân Mạnh Phan Quỳnh Vân Không có
4 22 tháng 3, 2024 Vũ Thị Ngọc Hà Tạ Việt Anh Lý Thu Hằng Tạ Văn Quân Không có
5 29 tháng 3, 2024 Nguyễn Hoàng Hiệp Trần Nữ Quế Nhi Trần Hải Nam Lê Mạnh Toàn Không có
6 5 tháng 4, 2024 Nguyễn Thị Trâm Vũ Văn Công Võ Kim Anh Đỗ Viết Hưng Đỗ Viết Hưng
7 12 tháng 4, 2024 NgaViệt Nam An

(Nguyễn Anh Minh)

Phạm Huy Cường Đinh Mai Trang Nguyễn Thành Lâm
8 19 tháng 4, 2024 Khổng Việt Dũng Nguyễn Thị Thanh Hòa Lê Thùy Dung Phan Đức Long
9 26 tháng 4, 2024 Nguyễn Đăng Kiên Nguyễn Văn Phác Nguyễn Thị Lan Oanh Nguyễn Quỳnh Oanh
10 3 tháng 5, 2024

Tranh cãi[sửa | sửa mã nguồn]

  • Trong tập 3 (phát sóng ngày 15 tháng 3), ở vòng Soán ngôi, người chơi Phan Quỳnh Vân nhận được gợi ý ở hàng ngang thứ hai "tt. vui vẻ biểu lộ ra bên ngoài vì được như ý" và đã viết câu trả lời là "hỉ hả". Đáp án chương trình đưa ra là "hể hả", tuy nhiên trong cuốn Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên, hai từ "hể hả" và "hỉ hả" được giải thích giống nhau (từ "hể hả" được giải nghĩa giống như gợi ý ở trên, còn từ "hỉ hả" được định nghĩa là "như hể hả". Trả lời Tuổi Trẻ, PGS.TS Tạ Văn Thông (Viện Từ điển học Việt Nam) cho rằng "hể hả" và "hỉ hả" là hai từ đồng nghĩa, đồng thời khuyên ban cố vấn chương trình "không nên đưa ra một đáp án đóng khung, sẽ dễ gây thiệt thòi cho thí sinh".[3]

Ghi chú[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Thí sinh cũng có thể viết nhiều hơn một từ ở mỗi hàng ngang (miễn là phù hợp với kích thước của ô chữ và với các chữ cái cho sẵn trong bảng), nhưng chỉ có một đáp án duy nhất do thí sinh lựa chọn sẽ được sử dụng để so sánh kết quả.

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Bảo, Hân (27 tháng 2 năm 2024). “Vua Tiếng Việt mùa 3: Luật chơi mới lạ, giải thưởng 320 triệu đồng”. BAO DIEN TU VTV. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 2 năm 2024. Truy cập ngày 27 tháng 2 năm 2024.
  2. ^ VTV, BAO DIEN TU (27 tháng 2 năm 2024). “Vua Tiếng Việt mùa 3: Luật chơi mới lạ, giải thưởng 320 triệu đồng”. BAO DIEN TU VTV. Truy cập ngày 3 tháng 3 năm 2024.
  3. ^ ONLINE, TUOI TRE (16 tháng 3 năm 2024). “Vua tiếng Việt lại bị bắt lỗi: Hể hả có giống hỉ hả?”. TUOI TRE ONLINE. Truy cập ngày 17 tháng 3 năm 2024.