Bước tới nội dung

Vương quốc Bagratuni

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Vương quốc Armenia
Tên bản ngữ
  • Բագրատունեաց Հայաստան
    Բագրատունիների թագաւորութիւն
    Անիի թագավորություն
    Բագրատունիներ
885–1045
Quốc huy nhà Bagratuni theo truyền thống phương Tây Armenia
Quốc huy nhà Bagratuni theo truyền thống phương Tây
Vương quốc Armenia khoảng năm 1000
Vương quốc Armenia khoảng năm 1000
Tổng quan
Vị thếĐộc lập
Thủ đôBagaran (885–890)
Shirakavan (890–929)
Kars (929–961)[1]
Ani (961–1045)
Ngôn ngữ thông dụngTiếng Armenia
Tôn giáo chính
Tông truyền Armenia
Chính trị
Chính phủQuân chủ
Triều đại Bagratuni 
• 885–890
Ashot I
• 890–914
Smbat I
• 914–928
Ashot II
• 928–953
Abas I
• 953–977
Ashot III
• 977–989
Smbat II
• 989–1020
Gagik I
• 1020–1040
(1021–1039)
Hovhannes-Smbat III
Ashot IV (đồng trị)
• 1042–1045
Gagik II
Lịch sử
Thời kỳTrung cổ
• Thành lập
885
• Giải thể
1045
Dân số 
• ~ năm 1000
5.000.000—6.000.000[2]
Kinh tế
Đơn vị tiền tệHyperpyron Đông La Mã
Dinar Abbas
Mã ISO 3166AM
Tiền thân
Kế tục
Arminiya
Đông La Mã
Vương quốc Syunik
Vương quốc Artsakh
Vương quốc Tashir-Dzoraget

Vương quốc Bagratuni hay Armenia thời nhà Bagratuni (tiếng Armenia cổ: Բագրատունեաց Հայաստան, chuyển tự Bagratuneats Hayastan) (các tên khác Vương quốc Ani, Armenia Bagratuni, Vương quốc Shirak)[3] là một nhà nước phong kiến Armenia tồn tại từ năm 885 đến năm 1045.

457 năm sau khi Đại Armenia sụp đổ, Ashot I thành lập vương quốc dưới triều đại Bagratuni trong bối cảnh Đế quốc Đông La Mã và Khalip Hồi giáo đang cạnh tranh chiến lược với nhau. Nhà Bagratuni đã khôi phục lại danh xưng chủ quyền "Đại Armenia" làm tên chính thức.

Vương quốc Armenia được phục hồi đánh dấu sự khởi đầu "thời đại hoàng kim" mới trong lịch sử Armenia. Vương quốc đạt đến đỉnh cao vào thế kỷ 10-11 dưới thời trị vì của Gagik I. Năm 1045, Đông La Mã chiếm được kinh đô Ani khiến vương quốc cáo chung và chia tách thành các lãnh địa nhỏ hơn.

Nguồn gốc

[sửa | sửa mã nguồn]
Armenia vào đầu thế kỷ 9, bản đồ năm 1878

Năm 387, người Armenia mất địa vị cư dân quốc gia độc lập khi Đại Armenia bị chia cắt giữa Đế quốc La Mã và Ba Tư nhà Sasan. Phần phía Tây nhỏ hơn nằm dưới quyền cai trị của La Mã. Phần chính thuộc về Ba Tư, các vua người Armenia từ triều đại Aršakuni tiếp tục cai trị cho đến năm 428. Sau thời Hỏa giáo áp bức, đến giữa thế kỷ thứ 7, Armenia lại rơi vào tay người Ả Rập.[4] Trong suốt thế kỷ 8-9, người Armenia liên tục nổi dậy chống lại ách thống trị Ả Rập. Bối cảnh đầu thế kỷ 9 đã tạo ra những điều kiện tiên quyết thực sự cho việc khôi phục vương quốc Armenia.

Từ đầu thế kỷ thứ 9, Khalip nhà Abbas bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu dần dẫn tới sụp đổ về sau. Khalip suy yếu không còn cai trị nổi đã kéo theo chính sách linh hoạt hơn cho Armenia.[4] Năm 804, khalip trao quyền cho thân vương Ashot Msaker (Kẻ ăn nuốt) cai trị Armenia.[5] Khalip cũng phong cho con trai ông là Bagrat II Bagratuni danh hiệu batrīg al-bātdriga tức "chúa các chúa" trên toàn bộ tiểu vương quốc Armenia. Trước việc người Armenia ngày càng bất tuân, khalip sai Bugha al-Kabir dẫn quân chinh phạt vào năm 851-852, nhưng người Ả Rập đã không thể hiện được sức mạnh qua cuộc hành quân này. Ibn al-Athir viết:

Tình hình khiến khalip hiểu rằng phải dựa vào giới quý tộc Armenia, đặc biệt là nhà Bagratuni.[7] Ngay từ nửa sau thế kỷ 9, trong quá trình đấu tranh chống nền thống trị của Ả Rập, Armenia có xu hướng thống nhất thành một quốc gia.[8] Năm 862, gia tộc Bagratuni đã thâu tóm hầu hết các lãnh thổ Armenia thuộc quyền khalip. Về sau, khalip Al-Musta'in công nhận Ashot Bagratunibatrīg al-bātdriga trên toàn Armenia, gồm cả các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất.[9][5] Phó vương Ả Rập ở Armenia Alī ibn Yaḥyā al-Armanī đích thân đề nghị phong tước vị này cho Ashot.[10] Ashot I cũng được quyền thu thuế. Nếu đến cuối thế kỷ 8, tổng số tiền mà Armenia cống nạp là 13 triệu dirham, thì riêng đến giữa thế kỷ 9 chỉ là 4 triệu,[11] phần lớn tiền thuế được giữ lại trong nước để phát triển kinh tế. Đông La Mã cũng cố gắng kéo Armenia về phía mình, lợi dụng giáo lý tôn giáo của Thượng phụ Constantinopolis Photius I để giáo hội Armenia chấp nhận Nhị tính thuyết. Khoảng năm 862, công đồng do katholicos Zakaria I Dzagetsi họp tại Nhà thờ Shirakavan khước từ điều này,[9] nhưng Ashot đề xuất liên minh chính trị với Đông La Mã.[12] Theo sử gia trung cổ Areveltsi, "Ashot chỉ thiếu vương miện, thứ mà các thân vương Armenia mơ tưởng".[13] Năm 875, giới quý tộc Armenia tôn Ashot lên làm vua.[14][a]

Giai đoạn Ả Rập thống trị không dẫn đến bất kỳ thay đổi lớn nào về thành phần dân cư tại Armenia.[16] Như Encyclopaedia Hồi giáo ghi nhận dân Armenia bản địa vẫn chiếm đa số.[17]

Lịch sử tổng quan

[sửa | sửa mã nguồn]

Cuối thế kỷ 9 - nửa đầu thế kỷ 10

[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 885, Al-Mu'tamid của Khalip Ả RậpBasíleios I đại diện cho Đông La Mã công nhận Aramenia độc lập,[18][19] trao ngôi báu cho Ashot Bagratuni.[20][21][22] Tuyên cáo pháp lý này hợp lý hóa xác nhận nền độc lập thực tế của Armenia thực ra đã có được từ thập niên 860.[4] Ashot I được katholicos Gevorg II Garnetsi đội miện phong vương tại kinh đô Bagaran.[23] Khoảng 450 năm sau khi Đại Armenia sụp đổ, nhà nước Armenia được khôi phục.[18] Sử gia thời Bagratuni Stepanos Taronetsi gọi đây là "Lần đổi mới thứ ba của vương quốc Armenia nhờ vào Ashot Bagratuni".[24] Sử gia Mkhitar Ayrivanetsi cũng viết: "Năm 885, Ashot Bagratuni lên trị vì Armenia sau thời Aršakuni 434 năm."[25] Còn Tovma Metsopetsi viết: "Sau nhà Aršakuni, họ (nhà Bagratuni) trở thành vua [dân] Ani và các dân Armenia khác."[26]

Nằm trong lưu vực sông Axuryan, Shirak (tiếng Armenia: Շիրակ) trở thành trung tâm quốc gia.[27] Ashot Đại đế không chỉ cố gắng thống nhất Armenia mà còn cả miền đông Gruzia với Albania.[22][28] Ông đã thu được một lãnh thổ rộng lớn,[23] biên giới Armenia mở rộng về phía nam đến quanh Hồ Van, phía đông đến sông Kura và phía bắc là Gugark đến Tbilisi.[29] Nhà nước quân chủ mới ở miền trung Armenia đã bao trùm tất cả các vùng hạ Armenia và Armenia Nam Kavkaz.[30] Khát vọng thống nhất tất cả các lãnh thổ Armenia trước kia thành một quốc gia duy nhất là lý do nhà Bagratuni khôi phục lại tên cổ "Đại Armenia".[31] Trước khi độc lập, cùng với các lãnh thổ của nhà Bagratuni, các vùng quan trọng của Armenia là VaspurakanSyunik cũng đang nằm dưới sự cai trị của ArtsruniSyuni.[18]

Cả Đông La Mã lẫn khalip Hồi giáo đều tìm cách thiết lập quan hệ ngoại giao thân thiện với Armenia, coi nước này là đồng minh. Ngoài việc công nhận Armenia độc lập, khalip còn đặt Ashot I quyền cai trị tối cao trên toàn bộ Nam Kavaz, không phân biệt Cơ Đốc giáo hay Hồi giáo.[23] Từ cuối thế kỷ 9 đến đầu thế kỷ 10, đế chế Đông La Mã cũng công nhận Armenia có vị thế bá chủ chính trị tại Nam Kavkaz, ít nhất là đối với các nước theo Cơ Đốc giáo.[32] Các vua Armenia Ashot I, Smbat IAshot II còn được gọi là archon ton archonton (vua trên các vua),[33] chứng tỏ quyền lực cao nhất trong quan hệ với các thủ lĩnh Đông La Mã khác tại Nam Kavkaz.[34] Hoàng đế Đông La Mã Konstantinos VII nói rằng vua Armenia đầu tiên Ashot I "nắm trong tay tất cả các nước phương Đông".[33] Còn khalip trao danh hiệu Shahanshah nghĩa là "vua các vua", giúp cho vua Armenia có thẩm quyền tối cao trên các vua chúa khác tại Armenia và Nam Kavkaz.[35]

Lăng mộ vua Ashot III tại Homoros

Năm 890, Smbat I kế vị Ashot I, tiếp tục được khalip công nhận thẩm quyền hoàng gia.[36] Giống như cha mình, Smbat I theo đuổi chính sách tập trung quyền lực mạnh mẽ. Dưới thời ông, biên giới Armenia được mở rộng thêm nữa.[32][37] Thập niên 890, ông đánh bại Muhammad ibn Abu Saj nhà Sajid, thu hồi DvinNakhichivan.[36] Vài năm sau, nhà Sajid tái chiếm Dvin, dựng lên một tiểu vương quốc làm tiền đồn quân sự quan trọng chống Armenia. Trong hơn hai thập kỷ, Sajid là kẻ thù chính của Armenia. Khi ấy, các vị vua Armenia đầu tiên của nhà Bagratuni có thẩm quyền tuyệt đối trên toàn bộ lãnh thổ Armenia. Ví dụ, sử chép năm 904, Smbat I tách Nakhichivan khỏi Vaspurakan và sáp nhập vào Syunik.[38] Dưới thời Smbat I, kinh đô được chuyển từ Bagaran đến Shirakavan. Dù đã công nhận độc lập, Ả Rập vẫn coi Armenia là nước chư hầu và có trách nhiệm triều cống.[39] Lo ngại về sự hùng mạnh của Armenia, khalip sai tổng đốc Sajid Emir Yusuf lên kế hoạch chiến lược có hệ thống để chinh phục Armenia. Năm 908, lợi dụng mâu thuẫn giữa hai nhà Bagratuni và Artsruni, khalip phong thân vương Vaspurakan Gagik I Artsuni làm "vua Armenia" đối đầu với Smbat I.[14] Một năm sau, Yusuf phối hợp với Vaspurakan đánh Smbat I. Đại bại trong trận Dzknavachar vùng Nig, Smbat I bị Yusuf bắt làm tù binh. Năm 914,[23] Smbat I không chịu kêu gọi quân phòng thủ thành Alinjakala đầu hàng nên bị hành quyết.[14] Thi thể ông bị đóng đinh trên thập giá tại Dvina. Sau khi Smbab I chết, tiểu vương quốc Kaysikov thần phục làm chư hầu Đông La Mã.[23]

Shahinshah (Vua các vua) Ashot II Thép

Ashot II kế vị Smbat I và khôi phục vị thế độc lập hoàn toàn cho Armenia.[14][40] Năm 918-920, Thượng phụ Constantinopolis Nicholas I đàm phán với katholicos Armenia Hovhannes Draskhanakertsi nhằm thành lập liên minh Nam Kavkaz chống Hồi giáo. Đỉnh điểm ngoại giao là việc Ashot II thực hiện chuyến viếng thăm Constantinopolis năm 921, từ đó dẫn đến viện trợ quân sự từ Đông La Mã. Ngay trước đó, Ả Rập tìm cách chống lại Ashot II và tiêu diệt vương quốc Armenia, đưa cháu trai ông là Ashot Shapukhyan lên làm vua. Khi về nước, Ashot II chiến đấu giải phóng phần lớn lãnh thổ,[19][23] lần lượt thu hồi Bagrevand, Shirak, Gugark, thung lũng Aghstev và toàn bộ miền bắc Armenia.[9] Năm 921 diễn ra Trận Sevan mang tính quyết định. Với chiến thắng này, năm 922, Ashot II được khaliph Al-Muqtadir trao danh hiệu Shahinshah[40][32] và được công nhận là vua Armenia.[19] Khắp Kavkaz công nhận ông là bá chủ.[32] Ashot cũng thành công trong việc dập tắt ý định ly khai của các lãnh chúa vùng biên. Từ đó, Sahak SevadaGardman, Tslik Amram ở Tavush, các thân vương nhà Samshvilde ở cực bắc của Gugarak đều lệ thuộc vào Ashot.[23] Ashot Shapukhyan vẫn được ban Vagharshapat và vùng phụ cận nhưng không còn được nắm quyền, còn Gagik Artsruni tiếp tục được cai quản Vaspurakan.

Armenia phát triển đến đỉnh cao văn hóa chính trị trong thời những người kế vị Ashot II. Em trai ông là Abas I lên ngôi vua năm 928/929 và dời đô từ Shirakavan đến Kars.[23] Tình trạng đất nước khi ấy kiệt quệ vì chiến tranh kéo dài. Vua Abas tạo nên thời hòa bình và ổn định.[41] Stepanos Taronetsi viết "Abas thiết lập hòa bình và thịnh vượng trên đất Armenia".[42] Ông cũng tìm cách tập trung quyền lực thế tục khiến thần quyền giáo hội cũng phải phụ thuộc vào.[43]

Nửa sau thế kỷ 10 - đầu thế kỷ 11

[sửa | sửa mã nguồn]

Từ nửa sau thế kỷ 10, chính sách hiếu chiến và chiến lược mở rộng về phía đông của Đông La Mã đe dọa đến an ninh vương quốc Armenia.[44] Ngay từ năm 949, Đông La Mã chiếm đóng Karin, từ đó tiếp tục thôn tính các vùng đất Armenia.[45] Năm 966, công quốc Taron của Bagratuni bị sáp nhập vào Đông La Mã.[46] Vài năm sau, tiểu vương quốc Manazkert[b] của Kaysik thần phục đế chế.[23] Tuy vậy, biên giới Đông La Mã cũng dừng lại tại đây trong thế kỷ 10.[45]

Smbat II (phải) và em trai Gurgen I bên tác phẩm điêu khắc Tu viện Haghpat, 976-991

Năm 952, Ashot III trở thành Shahanshah tại Armenia.[48][c] Giống như các vua tiền nhiệm, ông theo đuổi chính sách tập trung quyền lực, tạo ra một đội quân chính quy mạnh mẽ[19] lên đến 80.000 binh lính.[23] Ông đã chiến thắng khi đối đầu với các tộc cao nguyên Kavkaz và tiểu vương quốc Hamdanid, nhưng lại thất bại khi nỗ lực giải phóng Dvin.[50] Ít nhất trong những năm đầu trị vì, Ashot III thống nhất toàn bộ đất nước, tỏ rõ uy quyền với các thân vương.[9] Chỉ từ giữa thế kỷ 10, vương quốc Armenia bắt đầu rạn nứt là điểm đặc trưng cho giai đoạn lịch sử tiếp theo. Năm 961, Ashot III chuyển kinh đô từ Kars đến Ani. Em trai vua là Mushegh Bagratuni được giao quyền cai trị Kars, đến năm 963 thì tuyên bố Vanand trở thành vương quốc. Ashot III nhượng lại Kars và toàn bộ phụ cận cho Musghegh. Năm 974, hoàng đế Đông La Mã Ioannes I Tzimiskes tiến đánh biên giới Armenia. Các thủ lĩnh Armenia tại Vaspurakan, Syunik, Tashir Dzoraget tập hợp quanh Shahanshah,[23] đạo binh lên tới 80.000 quân đóng ở Kharka gần biên giới.[48] Hoàng đế Đông La Mã cho dừng các hoạt động quân sự nhưng cũng chấm dứt liên minh với Armenia.[23]

Tượng Gagik I cao 2 mét. Trên tay bức tượng là mô hình nhà thờ. 1001-1010

Không lâu sau, các vấn đề khác khiến vương quốc lung lay. Năm 977, Ashot III băng hà, em trai ông là Mushegh tranh ngôi báu với con trai ông Smbat II. Smbat giành chiến thắng, đem lại hòa bình cho cả hai phe. Năm 978, em trai Smbat là Gurgen được ban Tashir và vùng phụ cận, lập vương quốc Tashir-Dzoraget làm nước chư hầu.[51][52] Sau chiến dịch Ravvadid Abu-l-Haij đánh Dvin và Abu Dulaf al-Shaybani chiếm được Dvin năm 987, Smbat II buộc phải triều cống.[53] Khi Armenia tạm thời suy yếu, lãnh chúa Smbat tại Syunik tuyên bố ly khai nhưng chỉ một năm sau lại quay lại thần phục Smbat II.[54] Nói chung, Smbat II đã ổn định được quốc nội.[55]

Năm 989, Gagik I lên ngôi Shahanshah[55] làm "vua của người Armenia và người Gruzia".[21] Thời Gagik I trị vì được coi là thịnh vượng nhất lịch sử nhà Bagratuni.[56] Ông thành công khi theo đuổi chính sách thống nhất Armenia và tập trung quyền lực.[57] Năm 1001, ông đàn áp cuộc nổi dậy của cháu trai mình là vua Tashir-Dzoraget David I, buộc "David phải vâng phục như với cha mình" như sử gia Stepanos Taronetsi ghi lại.[58] Vua cũng sáp nhập các vùng Syunik, Vaspurakan, Parisos, Khachen.[57][59] Sau một thời gian, cuối cùng Gagik cũng thu hồi được Dvin.[55] Đất nước nhanh chóng hồi phục tạo điều kiện cho những thắng lợi tiếp theo.[60] Tháng 10 năm 998, liên quân Armenia-Gruzia giáng một đòn nặng nề vào đạo quân Mamlan I nhà Ravvadid,[53] chặn đứng đà tiến quân vào Armenia.[61] Năm 1001, sau cái chết của David Kuropalat, Đông La Mã sáp nhập Công quốc Tao-Klardzhet, tiến sát đến biên giới và trở thành mối đe dọa trực tiếp cho Armenia. Cùng năm, Gagik I sáp nhập các vùng Tsaghkotn và Kogovit từ Vaspurakan.

Sau khi Gagik I băng hà năm 1020, vương quốc Armenia dần suy tàn.[60] Người kế vị chính thức Hovhannes-Smbat bị anh trai là Ashot IV nổi loạn tranh đoạt ngôi báu. Được Senekerim Artsruni từ Vaspurakan mang quân trợ giúp, Ashot bao vây kinh đô Ani. Thua trận, Hovhannes-Smbat buộc phải nhượng bộ. Năm 1022, vua Gruzia Giorgi I đứng ra hòa giải. Hai bên ký hòa ước, theo đó Hovhannes-Smbat cai trị Ani và vùng xung quanh, còn Ashot nhận các lãnh thổ giáp với Ba Tư và Gruzia:

Sai lầm chính trị lớn của Hovhannes-Smbat là ủng hộ vua Gruzia Giorgi I đánh Đông La Mã. Thua trận, năm 1022,[63] Hovhannes-Smbat buộc phải chấp thuận chuyển Ani cho Đông La Mã sau khi mình qua đời.[64] Đàm phán giữa katholicos Petros II Getadarts và Hoàng đế Basíleios II kết thúc bằng ký kết thỏa thuận gọi là Hiệp ước Trabzon.[55] Sử gia thế kỷ 11 Aristakes Lastivertzi gọi đó là "văn kiện khai tử Armenia".[65] Hiệp ước gây ra bất mãn dữ dội tại Ani, Getadarts buộc phải rời đi hai lần, lần đầu tới Sevastia, còn lần sau là đến Vaspurakan. Đến năm 1025, phần lớn miền trung và miền tây Armenia nằm dưới quyền Đông La Mã cai trị,[28][66] lãnh thổ hoàng gia Armenia chủ yếu còn ở Shirak. Năm 1041, khi Hovhannes-Smbat qua đời, hoàng đế Đông La Mã Mikhael IV yêu cầu thực hiện hiệp ước. Triều đình Aremenia chia làm hai phe: katholicos Petros I Getadarts và thân vương Sarkis Hykazn ủng hộ Đông La Mã, còn đa phần giới quý tộc tập hợp quanh thân vương Vahram Pahlavouni nắm quân đội đưa cháu trai Ashot IV mới 17 tuổi[67] lên ngôi, tức Gagik II. Gagik II khước từ việc thực hiện Hiệp ước Trabzon. Được sparapet (tổng tư lệnh) Vahram Pahlavuni và Grigor Magistros giúp đỡ, Gagik II đánh bại quân Đông La Mã tại tường thành kinh đô.[68] Khi ấy, Đông La Mã cũng xúi Abu-l-Asvar nhà Sheddadid là thủ lĩnh Dvin tiến đánh từ phía đông nam buộc Gagik II phải thỏa hiệp.[69] Sử gia Ioannes Skylitzes chép rằng Asvar được hứa hẹn "làm chủ tất cả thành lũy và làng mạc thuộc Kakikya, những nơi bị chiếm theo lệ chiến tranh".[70] Tình hình càng trầm trọng hơn khi David I đánh Ani từ phía bắc nhằm tiếm ngôi Armenia năm 1041, song bất thành.[67] Không giải quyết được bằng quân sự, Hoàng đế Konstantinos IX Monomachos giả mời Gagik II đến Constantinopolis hòa đàm. Gagik II bị Sarkis Hykazn và katholicos Petros I Getnadarets thuyết phục đi dự. Tại Constantinopolis, vua Armenia được yêu cầu đầu hàng, phải dâng vương quốc cho Đông La Mã. Katholicos và Sarkis Hykazn báo tin về kinh đô Armenia. Năm 1045, parakimomen Nicholas chỉ huy bao vây, thành Ani thất thủ.[71] Đông La Mã cũng nuốt lời chiếm luôn các nơi đã hứa cho Abu-l-Aswar khi trước.[70] Vương quốc Ani cáo chung.[72] Cũng có bằng chứng cho thấy Sarkis Hykazn mơ tưởng tới ngôi báu Armenia. Tác gia đương thời Aristakes Lastivertzi mô tả lại trong "Tường thuật thảm họa của người Armenia":

Gagik II cùng với các quý tộc Armenia tại triều đình Constantine IX. Hình minh họa bản thảo Lịch sử của Skylitzes

Năm 1045, Armenia cùng với Taik tạo thành théma "Armenia và Iviria" có thủ phủ Ani.[74] Gagik II được đền bù lãnh địa Cappadocia thuộc théma HarsianLykand.[69] Sau một thời gian, ông bị sát hại.[75] Dù Armenia đã nhập vào đế chế, vị thế Đông La Mã tại đây vẫn còn mong manh.[76]

Về cơ bản chính nhà Bagratuni đã góp phần vào sự tan rã của nhà nước tập quyền Armenia. Thay vì một thể thống nhất, họ chia lãnh thổ cho nhiều thị tộc, thành lập các tiểu quốc như Kars và Tashir-Dzoraget. Ý kiến khác cho rằng bổ nhiệm người nội tộc Bagratuni cai trị một số vùng nhất định để đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ. Nhưng sau một đời, các thân vương ở xa thường ly khai độc lập.[43] Đông La Mã và Khalip lại khuyến khích và ủng hộ những kiểu ly khai này.[72] Xung đột thần quyền và thế quyền càng làm nhà nước suy yếu. Có những lúc thân vương Vaspurakan và Syunik từ các nhà ArtsruniSyuni được quyền độc lập riêng.[75] Từ thế kỷ 11, Byzantium bắt đầu kích động gây hấn Armenia bằng quân sự,[72] thay vì tạo ra vùng đệm giữa hai nước, họ tiến hành lấn chiếm.[75] Tình hình nghiêm trọng hơn khi dân du mục Oghuz tiến đánh năm 1016. Năm 1021, khi Basílieos II mở chiến dịch tấn công, vua Vaspurakan là Senekerim buộc phải cắt đất cống nạp.[72]

Trong suốt thời gian trị vì, nhà Bagratuni luôn cố gắng duy trì Armenia độc lập khỏi Hồi giáo và Đông La Mã.[77]

Thành lũy Amberd ở Aragatsotn Tường thành Ani Tàn tích Nhà thờ Đức Bà tại Ani

Hậu quả sụp đổ

[sửa | sửa mã nguồn]

Khi Đông La Mã sáp nhập vương quốc Armenia, cũng như việc các bộ lạc Oghuz-Seljuk gia tăng cướp phá đã khởi đầu việc dân Armenia di cư kéo dài hàng thế kỷ.[78] 400 nghìn người từ Vaspurakan chuyển đến Cappadocia.[55] Dân Armenia cũng di cư đến Gruzia và đặc biệt là Kilikya.[78] Cấu trúc nhà nước Armenia chỉ còn tồn tại ở Syunik (Zangezur), TashirNagorno-Karabakh. Năm 1080, người Armenia thành lập một công quốc độc lập tại Kilikya, chuyển thành vương quốc dưới thời Levon II. Ghi chép của Mkhitar Airivanetsi vào thế kỷ 13:[79]

Khi ấy không thể tái lập nhà nước của người Armenia trên các lãnh thổ mang tính lịch sử. Các chuyên gia Nga cho rằng một nguyên nhân là do việc tái định cư lượng lớn người Thổ Nhĩ Kỳ du mục và trục xuất người Armenia bản địa khỏi quê hương họ. Trong quá trình này, một phần đáng kể các lãnh chúa phong kiến Armenia lớn và vừa cũng bị tiêu diệt, tài sản của họ được chuyển cho các hãn Thổ và Kurd.[80] Việc sáp nhập vương quốc Armenia cũng góp phần vào việc người Seljuk tiến vào Tiểu Á dễ dàng hơn và thôn tính Đông La Mã. Sử gia thế kỷ 12 Matthew thành Edessa viết:

Việc thôn tính Armenia trở thành một trong những giai đoạn quan trọng nhất trong quá trình đông tiến của Đế quốc Đông La Mã vào thế kỷ 9-11.[81]

Tôn giáo

[sửa | sửa mã nguồn]
Nhà thờ Shirakavan do Smbat I xây dựng cuối thế kỷ 9. Cạnh nhà thờ là cung điện hoàng gia.[82]

Vào thời vương quốc nhà Bagratuni thì Armenia đã theo Cơ Đốc giáo từ rất lâu trước đó, phần lớn là hiệp tính thuyết với Giáo hội Tông truyền Armenia. Trước năm 931, Tòa katholicos Armenia ở tại Dvin, rồi chuyển qua tu viện trên đảo Akhtamar, sau đó là thị trấn Argina ở vùng Shirak, còn từ năm 992 là tại kinh đô Ani. Có một số người Armenia theo Công giáo Chalcedonia là tôn giáo chính thức tại Đông La Mã. Nhưng những người này chủ yếu tập trung ở công quốc Tao-Klardzhet,[35] nằm ngoài quyền cai trị các vua Armenia. Đông La Mã nhiều lần ngỏ ý trao đổi các vấn đề giáo lý với Armenia nhưng không thu được kết quả. Giữa thế kỷ thứ 10, phong trào Tondrakia trở thành thách thức mới với vương quyền và giáo hội Armenia. Phong trào này bài cả thế quyền phong kiến. Có ý kiến cho rằng đây là phong trào nhân dân chống bất bình đẳng xã hội được che giấu dưới vỏ bọc tôn giáo.[83] Có lẽ vì vậy mà Ashot III đã mở rộng lãnh địa giáo hội và có nhiều hoạt động tích cực để xây dựng các nhà thờ; song cũng không thể dập tắt được phong trào Tondrakia. Phong trào tiếp tục tồn tại đến giữa thế kỷ 11 với trung tâm là thị trấn Tondrak. Tranh cãi giáo lý khá phổ biến trong xã hội phong kiến trung cổ. Giữa thế kỷ thứ 10, Tổng giám mục Syunik và katholicos Aghvank nỗ lực mang các giáo phận dưới quyền ra khỏi Giáo hội Armenia để chuyển sang Giáo hội Đông La Mã. Katholicos Anania Mokatsi đã thành công khi chặn đứng được việc này, gìn giữ một giáo hội thống nhất trên toàn lãnh thổ. Trong cuộc đấu tranh bảo vệ tín lý hiệp tính thuyết, Mokatsi thậm chí còn thỉnh cầu vua Abas ra lệnh cấm kết hôn với người Chalcedonia.[84]

Để củng cố quyền lực khalip trong thời kỳ chiếm đóng Armenia, các bộ tộc Ả Rập[14] đã định cư ngay tại đó, đáng kể nhất là bộ tộc Kaisik.[46] Từ đó tạo ra một số cộng đồng Hồi giáo nhỏ ngay trong lãnh thổ Armenia. Tác gia Hồi giáo thế kỷ 10 Ibn Hawqal mô tả về Dvin: "Nhà thờ Hồi giáo nằm liền kề ngay giáo đường Thiên Chúa giáo... Phần lớn dân Armenia là Kitô hữu".[85]

Trang sách "Phúc âm Lazarơ" năm 887 có nhắc đến Smbat I trong phần tưởng niệm[10]

Trong suốt thời gian tồn tại, vương quốc Bagratuni ghi dấu phát triển thành công tất cả các loại hình văn hóa,[86] như: lịch sử, triết học, toán học, y học, văn học, kiến trúc, tiểu họa, bích họa, mỹ thuật và thủ công mỹ nghệ cùng các ngành nghệ thuật khác, kể cả khoa học cũng phát triển hơn. Nói chung, thời đại đánh dấu điểm khởi đầu phục hưng văn hóa kéo dài suốt thời Trung cổ gọi là thời Phục hưng Armenia. Sự bùng nổ văn hóa được đặc biệt ghi nhận tại kinh đô chính trị và kinh tế Ani. Ani được gọi là thành phố "40 cổng và 1001 nhà thờ". Văn hóa đô thị phát triển mạnh mẽ.[87] Kiến trúc được nâng tầm trở lại.[88] Các di tích mang phong cách khác nhau trên khắp Armenia - Nhà thờ Ani và nhà thờ tròn Gagik I do kiến trúc sư Trdat xây dựng tại Ani. Rồi đến Tu viện HaghpatSanahin ở Tashir-Dzoraget, Nhà thờ các Thánh Tông đồKars. Bên cạnh đó là các kiến trúc thế tục nổi bật như Cung điện Bagratuni và Lâu đài Amberd kiên cố. Kinh đô có tường thành bao quanh, xây dựng từ thời Ashot III và Smbat II.[89] Tư gia điền trang các thân vương trẻ cũng được dựng ở Marmashen, KecharisKhtskonk. Kiến trúc nở rộ tại các thành bang chư hầu nhà Bagratuni, giờ vẫn còn như các di tích như Nhà thờ Thánh giá tại Vaspurakan, Tatev, Vaganavank ở Syunik... Các kiến trúc sư Armenia được lân bang biết đến và công nhận.[90]

Nhà Bagratuni cũng bảo trợ cho văn hóa viết phát triển.[91] Truyền thống văn học và văn tự Armenia cổ xưa được tiếp nối trong các tu viện Tatev, Sevanavank, Haghpat, Sanahin,... vốn là những trung tâm tri thức, có cả các thư viện lớn, giống như từng có ở Kars. Các tu viện tại Sanahin, Haghpat, Shirak,... cũng là trung tâm giáo dục.[86] Về chép sử, trước hết phải kể đến Hovhannes Draskhanakertsi, Uhtanes, Stepanos Taronatsi đã để lại lượng thông tin vô giá về các sự kiện đương thời. Tác phẩm còn lại có thể kể đến của các tác giả như nhà khoa học kiêm triết gia Grigor Magistros, nhà thần bí học - thi sĩ Grigor Narekatsi, thi sĩ Vardan Anetsi, soạn giả thánh ca Stepanos Aparantsi cùng những người khác. Các nghiên cứu thần học thì có của Khosrov Andzevatsi, Samuel Kamrdjadzoretsi, Anania Sanakhnetsi,... Quốc gia mới trỗi dậy từ cuối thế kỷ 9 đã tạo ra kỷ nguyên phát triển bản thảo sách và vẽ tiểu họa.[92]

Ngay từ đầu thế kỷ 9, chế độ phong kiến Armenia đã phát triển. Dưới thời Bagratuni, Armenia trở thành trung tâm giao thương quan trọng trong thế giới trung cổ, có các tuyến thương vận chạy qua lãnh thổ, cùng sự phát triển mạnh mẽ một số thành phố như Ani, Vagharshapat, Dvin, Kars.[87]

Ở Armenia, chế độ sở hữu đất đai phong kiến gọi là hayreniq (tiếng Armenia: Հայրենիք). Đất đai và kênh thủy lợi mang tính chiến lược thuộc về các thân vương chư hầu, hoặc thuộc người dưới quyền chính các thân vương này. Nhà thờ cũng là các chủ đất lớn. Ví dụ, tu viện Tatev sở hữu 47 ngôi làng. Các phong trào nông dân chống phong kiến nổ ra, chủ yếu dưới vỏ bọc tôn giáo như phong trào Tondraki cho rằng đất đai phải là tài sản chung trên cơ sở hoàn toàn bình đẳng. Thập niên 910 khi Armenia đang gặp khó khăn, phong trào Tondraki lan rộng khắp toàn bộ Airarat. Từ thập niên 930 càng có nhiều cuộc nông dân nổi dậy.[72]

Tường thành Ani, tranh thế kỷ 19[93]

Với thương mại và thủ công nghiệp phát triển, các thành phố lớn mạnh trên lãnh thổ vương quốc, trong đó kinh đô Ani giữ vị trí quan trọng nhất vào cuối thế kỷ 10. Tại đây sản xuất vải, thảm, đồ sứ, tráng men và đồ kim loại. Ani có khoảng 100.000 dân[72] và là một trong những thành phố lớn nhất thế giới khi ấy.[94] Ani cũng là điểm giao thương trọng yếu trên tuyến đường trung chuyển hàng hóa quốc tế.[89] Bên cạnh đó, các thành phố lớn khác của Armenia như Artsn, Ahlat, Van, Kars và Dvin cũng có vị trí nổi bật. Ví dụ, Dvin nổi tiếng với mặt hàng xuất khẩu phẩm son (chế từ xác một loại rệp son). Nhà địa lý Ả Rập thế kỷ 10 Ibn Haukal đến thăm Dvin (tiếng Ả Rập gọi là Dabil) viết rằng:

Nhờ vào vị trí địa lý, Dvin là điểm giao thương quá cảnh quan trọng. Thành phố Kars cũng có được vị trí quan trọng trên tuyến đô thị ven Biển Đen. Đặc biệt, thành phố tiếp theo trên tuyến đường tới Trebizon là Artsn,[89] nơi tập trung tới 150.000 dân cư.[72] Artsn nổi tiếng với vảithảm, đồ kim loại và đồ sứ. Các thương gia tại đô thị lớn cũng tích cực tham gia thương mại quốc tế.[14] Tác gia Ả Rập thế kỷ 10 Al-Mas'udi viết:

Nhờ liên hệ giao thương rộng rãi giữa các thành phố, nơi đây tập trung buôn bán hàng hóa từ cả thế giới khalip Hồi giáo lẫn Đông La Mã, cho đến chính các mặt hàng Armania, từ đó chuyển đi khắp Nam Kavkaz và thậm chí xa hơn nữa. Theo al-Tabari và Ibn al-Faqih, Armenia xuất khẩu lúa mìgỗ.[89] Nhà du hành al-Istakhri viết: "Một hồ khác ở Armenia được gọi là "Hồ Arjish". Cá "tirrikh" được đánh bắt từ hồ và xuất khẩu sang các nước."[96]

Quân đội

[sửa | sửa mã nguồn]
Tượng đài Ashot III tại Gyumri

Dưới thời Bagratuni, quân số Armenia thường lên tới 100.000, bao gồm bộ binhkỵ binh.[97] Vì vậy, theo sử gia cuối thế kỷ 9 đầu thế kỷ 10 Tovma Artsruni, Smbat I có trong tay đạo binh thiện chiến 100.000 quân. Về lễ đăng cơ của Gagik I tại Ani, Matevos Uṛhayetsi viết: "Ngày hôm ấy, vua cho kiểm kê quân số, 100 nghìn người vũ trang được tuyển chọn, có tiếng trong chiến trận và cực kỳ dũng cảm."[98] Tất nhiên không phải lúc nào cũng có thể duy trì con số này. Chẳng hạn như vua Ashot III huy động 80.000 quân để chống lại Ioannes I Tzimiskes vào năm 974. Sử gia Ottoman Müneccimbaşı Ahmed Dede cho rằng Ashot III sử dụng chủ yếu là lính đánh thuê trong trận vây hãm Dvin.[99] Bộ binh Armenia chủ yếu có nguồn gốc nông dân. Quân đội bao gồm hai quân đoàn chính marzpetakanarkunakan.[97] Marzpetakan tuyển binh trên khắp đất nước, do marzpet hoặc marzpan đứng đầu. Dưới thời Smbat I, marzpan là Gurgen Artsruni, còn chức vụ này thuộc về Ashot dưới thời Gagik I. Sức mạnh quân đội dựa trên kỵ binh. Về quân số, kỵ binh bằng nửa bộ binh, tức là 1/3 toàn quân.[100] Trong thời chia cắt để hình thành các nước chư hầu, mỗi chư hầu ở xa đều có đặc thù riêng như cờ hay quốc huy, thậm chí có marzpan riêng. Ví dụ như cuối thế kỷ 10, marzpan Tigran chỉ huy quân Vaspurakan, marzpan Demeter[101] chỉ huy quân Tashir-Dzoraget. Ghi chép của Stepanos Taronatsi về trang bị của binh lính Kars là rất đáng chú ý. Ông viết về đạo quân Smbat II gửi tới David Kuropalat như sau: "[Cũng có] vua của Kars, Abas trẻ tuổi, cùng với đội quân của mình, trang phục đỏ."[102] Vào thập niên 1040, khi Armenia suy yếu, Vahram Pahlavuni chỉ huy đội quân 30.000 người tập hợp riêng từ Ani và vùng phụ cận:[103]

Vương quốc Armenia được án ngữ phía đông và đông nam bằng các thành lũy Syunik và Artsakh, phía đông và phía nam là Vaspurakan và Mokka, phía tây là Vysokoi và Tsopka. Xung quanh Ani, thành Kars và Artager chốt phía tây, Tignis và Magasaberd phía bắc, các thành lũy Garni, Bjni có tầm quan trọng chiến lược cùng Amberd giữ phía nam và phía đông.

Dưới thời Bagratuni đệ nhất, chức vụ sparapet thuộc về hoàng tộc. Vì vậy, Ashot I có sparapet là hoàng đệ Abas, còn Smbat I cũng dùng em mình là Shapukh rồi tới cháu trai Ashot. Truyền thống này tiếp tục cho đến giai đoạn chia chư hầu từ giữa thế kỷ thứ 10. Dưới thời Ashot III, sparapet là Gor Marzpetuni.[105] Đồng thời, gia tộc Pahlavuni bắt đầu tập trung nhiều quyền lực nên Vahram Pahlavuni trở thành sparapet dưới thời Hovhannes-Smbat và Gagik II.

Chư hầu

[sửa | sửa mã nguồn]

Các chư hầu của nhà Bagratuni gọi là dashink ukhti gồm bốn vương quốc Armenia thành lập vào thế kỷ 10 là Vaspurakan, Kars, Syunik và Tashir-Dzoraget,[106] cùng một số thân vương quốc. Các chư hầu đều can dự vào những vấn đề đối ngoại của Bagratuni.[54] Song quan hệ này thường đầy mưu mô làm trầm trọng thêm bối cảnh chính trị.[107]

Có những thời điểm nhất định, các kaisik cai trị Erciş trên bờ bắc hồ Van trong vùng Aliovit lịch sử thuộc Armenia,[35] cũng như KambechanShaki trên tả ngạn sông Kura, tất cả đều thần phục nhà Bagratuni.[108] Theo Litavrin, dòng tộc Bagratuni tại Taika cũng là chư hầu của Bagratuni tại Armenia.[35]

Vương quốc Vaspurakan

[sửa | sửa mã nguồn]

Lãnh thổ này thuộc về gia tộc Artsruni từ xưa. Năm 908, vương quốc hình thành dưới thời Gagik Artsruni. Lãnh thổ chủ yếu nằm ở lưu vực phía đông hồ Van, biên giới chạy đến vùng Nakhichevan[14] dọc theo sông Araks, phía nam đến hồ Urmia. Đầu thế kỷ 11 dưới thời vua Senekerim, vương quốc có 10 thành phố, 72 pháo đài, 115 tu viện.[109] Khi Seljuk bắt đầu xâm lược, cùng với quân Đông La Mã tấn công, Senekerim buộc phải thần phục Đông La Mã năm 1021.

Vương quốc Syunik

[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 987, nhân lúc Armenia suy yếu,[18] được Abu-l-Haij nhà Ravvadid và các thân vương Artsakh ủng hộ, lãnh chúa Smbat I Sahakyan tuyên bố Syunik trở thành vương quốc riêng. Chỉ một năm sau, năm 988,[54] sau khi Abu-l-Haij qua đời, Smbat I Sahakyan quay lại thần phục Smbat II của Armenia. Lãnh thổ luôn được gia tộc lâu đời Syuni cai trị. Đầu thập niên 990, Gagik I sáp nhập một số vùng vào vương quốc Armenia, gồm cả Vayots Dzor. Nhìn chung, các thân vương Syuni vẫn luôn là đồng minh trung thành của nhà Bagratuni.[107]

Vương quốc Kars

[sửa | sửa mã nguồn]
Gagik xứ Kars cùng gia đình, tiểu họa đầu thế kỷ 11

Vương quốc được thành lập năm 963, hai năm sau khi Armenia chuyển kinh đô từ Kars sang Ani. Người cai trị đầu tiên là Mushegh, em trai Ashot III Thương Xót. Lãnh thổ gồm Kars và vùng Vanand. Tại đây, không chỉ Bagratuni nắm quyền bá chủ, mà còn thuộc cả azgapet là những quan lại cấp cao. Nơi đây đóng vai trò tiền đồn trong chiến tranh với Đông La Mã. Kars đạt đến đỉnh cao thời vua Abas, chịu thần phục Smbat II.[110] Nhưng vua kế nhiệm là Gagik năm 1064 buộc phải nhượng vương quốc của mình cho Đông La Mã khi Seljuk bắt đầu xâm lược.[81]

Vương quốc Tashir-Dzoraget

[sửa | sửa mã nguồn]

Ngay từ cuối thế kỷ 9, lãnh thổ này đã thuộc Armenia do các tổng đốc thuộc gia tộc Gntuni nắm giữ.[29] Năm 978, sau khi Ashot III băng hà, người con út là Kyurike I vốn được phong ban Tashir và các vùng xa đã lập nên vương quốc này. Ông lập ra chi tộc mới theo tên mình là nhà Kyuriki. Ngoài quyền tối cao của vua nhà Bagratuni còn có các azgapet là các quan lại cấp cao cắm ở đây.[110] Matevos Uṛhayetsi cho rằng "...họ xuất thân hoàng tộc Armenia và thần phục nhà Shirak." Ban đầu, trung tâm vương quốc là thành lũy Samshvilde rồi từ năm 1065 chuyển tới thành Lori. Năm 1001, David I Bezzemel định thoát khỏi tầm ảnh hưởng của nhà Bagratuni nên bị đàn áp dã man.[52]

Thân vương quốc Khachen

[sửa | sửa mã nguồn]
Đường từ Barda đến Dabil đi qua đất Armenia, mọi thành trên đường đều thuộc vương quốc của Smbat, con trai Ashot.

al-Istakhri, thế kỷ 10[111]

Thân vương quốc Khachen là lãnh thổ tỉnh Artsakh của Armenia cổ đại và Albania Kavkaz thời trung cổ. Cùng khoảng thời Ashot I, hậu duệ nhà Mihranid là thân vương Grigor-Amam đã tái lập vương quốc tại đây và xưng là "Vua Aluank".[112] Chỉ vài năm sau, vào giữa thập niên 890, sau khi ông qua đời, các hoàng tử chia nhau lãnh thổ. Từ đầu thế kỷ 10, tất cả đều là chư hầu của nhà Bagratuni.[113][114] Sử có chép vụ thân vương Gardman Sahak Sevada nổi dậy, bị Ashot II bắt giữ và chọc mù. Cuối thế kỷ 10, Gagik I đã sáp nhập lãnh thổ này.[57]

Vương quốc Sheki

[sửa | sửa mã nguồn]

Đầu thế kỷ 9, vùng Sheki cùng với vùng phía tây Cambisen thuộc về thân vương quốc Smbatyan là chư hầu của vương quốc Armenia.[108]

  1. ^ Trong bản thảo tu viện Sevan năm 874, Ashot tự xưng là vua (tagavor) Armenia, còn bản thảo Garni năm 879 gọi vợ ông là Katranide với danh hiệu Công nương Armenia.[15]
  2. ^ Năm 979, Đông La Mã ban lãnh thổ này cho David III Kuropalat làm thái ấp.[47] Phần lớn dân số là người Armenia.[35]
  3. ^ Trong thư Hoàng đế Đông La Mã Ioannes I Tzimiskes gửi Ashot III đã gọi ông là "vua các vua Đại Armenia".[49]

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Bloom & Blair 2009, tr. 371.
  2. ^ Poghosyan 1975, tr. 427–428.
  3. ^ Gospolitizdat 1957, bản đồ 3.
  4. ^ a b c Skazkin 1967, chương 5.
  5. ^ a b Whittow 1996, tr. 214.
  6. ^ Ibn al-Athir 1940, VII, 20-21.
  7. ^ Parsamyan 1976, tr. 16.
  8. ^ Shleev 1960, Искусство Армении.
  9. ^ a b c d Kazhdan 1991, tr. 210.
  10. ^ a b Yuzbashyan 1975, tr. 35–36.
  11. ^ Parsamyan 1976, tr. 18.
  12. ^ Parsamyan 1976, tr. 19.
  13. ^ Vardan 1861, tr. 109.
  14. ^ a b c d e f g Rybakov 1997, Закавказье в IV-XI вв..
  15. ^ Parsamyan 1976, tr. 22.
  16. ^ Stopka 2016, tr. 85.
  17. ^ Houtsma và đồng nghiệp 1913, tr. 437.
  18. ^ a b c d Yarshater 1989, T.3 tr. 419-422.
  19. ^ a b c d Prokhorov 1970, tr. 473.
  20. ^ Yarshater 1989, T.2 tr. 520-522.
  21. ^ a b Houtsma và đồng nghiệp 1913, tr. 439.
  22. ^ a b Vasiliev 1902, tr. 83.
  23. ^ a b c d e f g h i j k l Bury 1923, tr. 158-159.
  24. ^ Emin 1864, tr. 106.
  25. ^ Mkhitar 1869, 885. А. 334.
  26. ^ T'ovma Metsobets'i, The History of Tamerlane and His Successors [Lịch sử Tamerlane và những người kế vị] (bằng tiếng Anh), Robert Bedrosian biên dịch, lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 4 năm 2022, truy cập ngày 24 tháng 11 năm 2022
  27. ^ Prokhorov 1970, tr. 29.
  28. ^ a b Whittow 1996, tr. 217.
  29. ^ a b Runciman 1988, tr. 152.
  30. ^ Yarshater 1989, T.3 tr. 150-151.
  31. ^ Akopyan, Muradyan & Yuzbashyan 1987, tr. 326.
  32. ^ a b c d Suny 1994, tr. 31—32.
  33. ^ a b Moravcsik 1967, tr. 198.
  34. ^ Stepanenko 1978, tr. 43-51.
  35. ^ a b c d e Litavrin, Геннадий Григорьевич Литаврин, Комментарий к главам 44—53 трактата «Об управлении империей» [Bình giảng chương 44-53 của De Administrando Imperio] (bằng tiếng Nga), lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 4 năm 2022, truy cập ngày 25 tháng 11 năm 2022
  36. ^ a b Frye 1975, tr. 228—229.
  37. ^ Hovhannes 1986, ch.XXXI.
  38. ^ Jones 2007, tr. 65.
  39. ^ Yuzbashyan 1988, tr. 70.
  40. ^ a b Rosser 2012, tr. 71.
  41. ^ Eremyan 1971, tr. 6.
  42. ^ Emin 1864, tr. 117.
  43. ^ a b Eremyan 1971, tr. 7.
  44. ^ Parsamyan 1976, tr. 141.
  45. ^ a b Parsamyan 1976, tr. 108.
  46. ^ a b Bartikyan 2000, tr. 132—133.
  47. ^ Eremyan 1961, tr. 102-106.
  48. ^ a b Stepanenko 1978, tr. 45.
  49. ^ Kuciuk-Ioannesov, Христофор Иванович Кучук-Иоаннесов, “Письмо императора Иоанна Цимисхия к армянскому царю Ашоту III” [Thư hoàng đế Ioannes Tzimiskes gửi vua Armenia Ashot III], ХРОНОГРАФИЯ (bằng tiếng Nga), lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 4 năm 2022, truy cập ngày 26 tháng 11 năm 2022
  50. ^ Parsamyan 1976, tr. 116.
  51. ^ Minorsky 1953, tr. 41.
  52. ^ a b Prokhorov 1976, tr. 307.
  53. ^ a b Frye 1975, tr. 237.
  54. ^ a b c Stepanenko 1978, tr. 46.
  55. ^ a b c d e Stepanenko 1975, tr. 124-125.
  56. ^ Rosser 2012, tr. 199.
  57. ^ a b c Prokhorov 1971, tr. 625.
  58. ^ Emin 1864, tr. 203.
  59. ^ Minorsky 1953, tr. 71.
  60. ^ a b Bury 1923, tr. 163.
  61. ^ Ryzhov 2004, tr. 338-339.
  62. ^ Smbat, Смбат Спарапет (1974), Летопись [Biên niên sử] (bằng tiếng Nga), А. Г. Галстяна biên dịch, Ер., lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 4 năm 2022, truy cập ngày 27 tháng 11 năm 2022
  63. ^ Yuzbashyan 1979, tr. 79.
  64. ^ Bury 1923, tr. 164.
  65. ^ Yuzbashyan 1968, tr. 63.
  66. ^ Skazkin 1967, bản đồ 1.
  67. ^ a b Yuzbashyan 1979, tr. 81.
  68. ^ Bury 1923, tr. 165.
  69. ^ a b Gibb và đồng nghiệp 1986, tr. 638.
  70. ^ a b Yuzbashyan 1979, tr. 77.
  71. ^ Yuzbashyan 1979, tr. 85.
  72. ^ a b c d e f g Gospolitizdat 1957, ch. 33.
  73. ^ Yuzbashyan 1968, tr. 79.
  74. ^ Bartikyan 1974, tr. 73.
  75. ^ a b c Bury 1923, tr. 166.
  76. ^ Skazkin 1967, ch.10.
  77. ^ Rosser 2012, tr. 62.
  78. ^ a b Novoseltsev, Pashuto & Tcherepnine 1972, tr. 47.
  79. ^ Mkhitar 1869, А. 493. 1045.
  80. ^ Rybakov 1983, А. П. Новосельцев.
  81. ^ a b Yuzbashyan 1979, tr. 78.
  82. ^ “Armenian Architecture — Virtual Ani” [Kiến trúc Armenia - Ani ảo] (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 5 năm 2011. Truy cập ngày 29 tháng 11 năm 2022.
  83. ^ Prokhorov 1977, tr. 71-72.
  84. ^ Bách khoa thư Chính thống giáo 2000, tr. 223.
  85. ^ Karaulov 1908, tr. 92—93.
  86. ^ a b Desnitskaya & Katsnelson 1981, tr. 28.
  87. ^ a b Desnitskaya & Katsnelson 1981, tr. 27.
  88. ^ Ching, Jarzombek & Prakash 2011, tr. 364.
  89. ^ a b c d Hakob Hamazaspi Manandian (1965), The trade and cities of Armenia in relation to ancient world trade [Thương mại và các thành Armenia trong mối quan hệ với giao thương thế giới cổ đại] (bằng tiếng Anh), Nina Garsoïan biên dịch, Lisbon, Bản gốc lưu trữ ngày 26 tháng 9 năm 2013
  90. ^ Bury 1923, tr. 162.
  91. ^ Al-Bakhit, Bazin & Cissoko 2003, tr. 260.
  92. ^ Lazarev 1986, tr. 83–84.
  93. ^ “The Ruins of Ani” [Phế tích Ani], The Graphic (bằng tiếng Anh), 26 tháng 9 năm 1885, lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 11 năm 2022, truy cập ngày 4 tháng 12 năm 2022
  94. ^ Mokyr 2003, tr. 157.
  95. ^ a b Karaulov 1908, tr. 95.
  96. ^ Karaulov 1901, tr. 25.
  97. ^ a b Parsamyan 1976, tr. 273.
  98. ^ Matthew of Edessa 2020, tr. 2.
  99. ^ , А. Д. Мамедов biên dịch, “Ахмед ибн Лютфуллах (Мунадджим-Баши) "Джами ад-Дувал"; Ибн ал-Азрака ал-Фарики из "Истории Майяфарикина" [Ahmed ibn Lutfullah (Müneccimbaşı) "Jami ad-Duwal"; Ibn al-Azraq al-Fariqi từ "Lịch sử Mayafarikin"], Труды института истории (bằng tiếng Nga), Баку, XII, 1957, lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 5 năm 2021
  100. ^ Parsamyan 1976, tr. 274.
  101. ^ Parsamyan 1976, tr. 275.
  102. ^ Emin 1864, tr. 181.
  103. ^ Parsamyan 1976, tr. 276.
  104. ^ Matthew of Edessa 2020, tr. 32.
  105. ^ Parsamyan 1976, tr. 277.
  106. ^ Prokhorov 1970, tr. 32.
  107. ^ a b Runciman 1988, tr. 126-127.
  108. ^ a b Yarshater 1989, T.4 tr. 726.
  109. ^ Prokhorov 1971a, tr. 329.
  110. ^ a b Stepanenko 1975, tr. 125.
  111. ^ Karaulov 1901, tr. 33.
  112. ^ Minorsky 1953a, tr. 506.
  113. ^ Bách khoa thư Chính thống giáo 2000, tr. 455-464.
  114. ^ Shnirelman 2003, tr. 198.

Thư mục

[sửa | sửa mã nguồn]
Sách
  • Akopyan, A. A. Акопян; Muradyan, П. М. Мурадян; Yuzbashyan, К. Н. Юзбашян (1987), К изучению истории Кавказской Албании (По поводу книги Ф. Мамедовой «Политическая история и историческая география Кавказской Албании (III в. до н. э. — VIII в. н. э.)») [Nghiên cứu lịch sử Albania Kavkaz (Về cuốn sách "Lịch sử chính trị và địa lý lịch sử của Albania Kavkaz (thế kỷ 3 TCN - thế kỷ 8)" của F. Mamedov)] (bằng tiếng Nga), Ист.-филол. журн
  • Al-Bakhit, М. А. Аль-Бахит; Bazin, Л. Базен; Cissoko, С. М. Сиссоко biên tập (2003), История человечества. VII—XVI века [Lịch sử nhân loại. Thế kỷ 7-16] (bằng tiếng Nga), IV, UNESCO, ISBN 9789234028134
  • Bloom, Jonathan M.; Blair, Sheila biên tập (2009), The Grove Encyclopedia of Islamic Art and Architecture [Bách khoa toàn thư nghệ thuật và kiến trúc Hồi giáo của Grove] (bằng tiếng Anh), 3, Oxford: Oxford University Press, ISBN 9780195309911
  • Bury, J. B. (1923), Tanner, J. R.; Previté-Orton, C. W.; Brooke, Z. N. (biên tập), The Cambridge Medieval History [Lịch sử trung cổ của Cambridge] (bằng tiếng Anh), 4, New York: The Macmillan Company
  • Ching, Francis D. K.; Jarzombek, Mark M.; Prakash, Vikramaditya (2011), A Global History of Architecture [Lịch sử kiến trúc toàn cầu] (bằng tiếng Anh) (ấn bản thứ 2), Hoboken, NJ: John Wiley & Sons, ISBN 9780470902486
  • Desnitskaya, Агния Васильевна Десницкая; Katsnelson, Соломон Давидович Кацнельсон (1981), История лингвистических учений. Средневековый Восток [Lịch sử các học thuyết ngôn ngữ học. Phương đông trung cổ] (bằng tiếng Nga), Л.: Наука
  • Emin, Н. Эмин (1864), Всеобщая история [Lịch sử tổng quan] (bằng tiếng Nga), dịch từ bản tiếng Armenia của Stepanos Taronsky Asohik, М.: Типогр. Лазарев. Инст. восточ. языков
  • Frye, Richard Nelson biên tập (1975), The Cambridge History of Iran [Lịch sử Iran của Cambridge] (bằng tiếng Anh), 4, Cambridge University Press, ISBN 9780521200936
  • Gibb, H. A. R.; Kramers, J. H.; Lévi-Provençal, E.; Schacht, J. (1986), The Encyclopedia of Islam [Bách khoa thư Hồi giáo] (bằng tiếng Anh), 1, Leiden: E. J. Brill
  • Houtsma, M. Th.; Arnold, T. W.; Basset, R.; Hartmann, R. biên tập (1913), The Encyclopaedia Of Islam [Bách khoa thư Hồi giáo] (bằng tiếng Anh), 1, London: Luzac & Co.
  • Hovhannes, Հովհաննես Դրասխանակերտցի (1986), История Армении [Lịch sử Armenia] (bằng tiếng Nga), М. О. Дарбинян-Меликян biên dịch, Ереван
  • Ibn al-Athir (1940), Материалы по истории Азербайджана из Тарих-ал-камиль (полного свода истории) Ибн-ал-Асира [Tư liệu lịch sử Azerbaijan từ Tarikh-al-Kamil (trọn bộ tuyển tập lịch sử) của Ibn al-Athir] (bằng tiếng Nga), пер. Пантелеймон Крестович Жузе biên dịch, Баку: АзФан
  • Jones, Lynn (2007), Between Islam and Byzantium: Aght'amar and the Visual Construction of Medieval Armenian Rulership [Giữa Hồi giáo và Đông La Mã: Aght'amar và xây dựng trực quan chế độ cai trị Armenia trung cổ] (bằng tiếng Anh), Ashgate Publishing, ISBN 9780754638520
  • Kazhdan, Alexander Petrovich biên tập (1991), The Oxford Dictionary Of Byzantium [Từ điển Đông La Mã của Oxford] (bằng tiếng Anh), 1, Oxford: Oxford University Press, ISBN 9780195046526
  • Lazarev, Виктор Никитич Лазарев (1986), История византийской живописи [Lịch sử mỹ thuật Đông La Mã] (bằng tiếng Nga)
  • Matthew of Edessa (2020), Matthew of Edessa's Chronicle [Biên niên sử Matevos thành Edessa] (bằng tiếng Anh), Robert Bedrosian biên dịch, dịch từ tiếng Armenia cổ, Sophene, ISBN 9781925937381
  • Minorsky, Vladimir Fyodorovich (1953), Studies in Caucasian History [Nghiên cứu lịch sử Kavkaz] (bằng tiếng Anh), London
  • Mkhitar, Մխիթար Այրիվանեցի (1869), Хронографическая история, составленная отцом Мехитаром, вардапетом Айриванкским [Biên niên sử do Cha Mkhitar, vardapet xứ Ayrivanetsi, biên soạn] (bằng tiếng Nga), К. Патканов biên dịch, СПб.
  • Moravcsik, Gyula biên tập (1967), Constantine Porphyrogenitus De Administrando Imperio [De Administrando Imperio của Konstantinos VII] (bằng tiếng Hy Lạp và Anh), Romilly James Heald Jenkins biên dịch, Dumbarton Oaks, ISBN 9780884020219
  • Mokyr, Joel (2003), The Oxford Encyclopedia of Economic History [Bách khoa thư lịch sử kinh tế của Oxford] (bằng tiếng Anh), Oxford University Press, ISBN 9780190282998
  • Novoseltsev, Анатолий Петрович Новосельцев; Pashuto, Владимир Терентьевич Пашуто; Tcherepnine, Лев Владимирович Черепнин (1972), Пути развития феодализма [Con đường phát triển chế độ phong kiến] (bằng tiếng Nga), М.: Наука
  • Parsamyan, Вардан Арамович Парсамян (1976), История армянского народа [Lịch sử dân tộc Armenia] (bằng tiếng Nga) , Ереван: Луйс
  • Poghosyan, Սերոբ Պողոսյան (1975), Ստեփան Մելիք-Բախշյան (biên tập), Հայ ժողովրդի պատմություն․ Սկզբից մինչև XVIII դարի վերջը [Lịch sử người Armenia: Từ ban đầu đến cuối thế kỷ 18] (PDF) (bằng tiếng Armenia), Երևան: Երևանի Պետական Համալսարան
  • Prokhorov, А.М. Прохоров biên tập (1970), Большая советская энциклопедия [Đại bách khoa toàn thư Xô Viết] (bằng tiếng Nga), 2, Москва: Издательство «Советская Энциклопедия»
  • —— biên tập (1971a), Большая советская энциклопедия [Đại bách khoa toàn thư Xô Viết] (bằng tiếng Nga), 4, Москва: Издательство «Советская Энциклопедия»
  • —— biên tập (1971), Большая советская энциклопедия [Đại bách khoa toàn thư Xô Viết] (bằng tiếng Nga), 5, Москва: Издательство «Советская Энциклопедия»
  • —— biên tập (1976), Большая советская энциклопедия [Đại bách khoa toàn thư Xô Viết] (bằng tiếng Nga), 25, Москва: Издательство «Советская Энциклопедия»
  • —— biên tập (1977), Большая советская энциклопедия [Đại bách khoa toàn thư Xô Viết] (bằng tiếng Nga), 26, Москва: Издательство «Советская Энциклопедия»
  • Rosser, John Hutchins (2012), Historical Dictionary of Byzantium [Từ điển lịch sử Đông La Mã] (bằng tiếng Anh), Scarecrow Press, ISBN 9780810875678
  • Runciman, Steven (1988), The Emperor Romanus Lecapenus and his reign: a study of tenth-century Byzantium [Hoàng đế Romanus Lecapenus và thời trị vì: nghiên cứu Đông La Mã thế kỷ 10] (bằng tiếng Anh), Cambridge; New York: Cambridge University, ISBN 9780521357227
  • Rybakov, Ростислав Борисович Рыбаков biên tập (1983), Куликовская битва в истории и культуре нашей Родины [Trận Kulikovo trong lịch sử văn hóa Tổ quốc] (bằng tiếng Nga), М.: Издательство Московского университета
  • —— biên tập (1997), История Востока [Lịch sử phương Đông] (bằng tiếng Nga), М.: Восточная литература РАН
  • Ryzhov, Константин Владиславович Рыжов (2004), Все монархи мира. Мусульманский Восток VII—XV вв. [Quân vương thế giới. Hồi giáo phương Đông thế kỷ 7-15] (bằng tiếng Nga), М.: Вече
  • Shleev, В. В. Шлеев (1960), Б. В. Веймарна; Ю. Д. Колпинского (biên tập), Всеобщая история искусств [Lịch sử nghệ thuật tổng quát] (bằng tiếng Nga), 2, кн. 1, М.: Искусство
  • Shnirelman, Виктор Александрович Шнирельман (2003), Войны памяти: мифы, идентичность и политика в Закавказье [Cuộc chiến ký ức: Huyền thoại, bản sắc và chính trị Nam Kavkaz] (bằng tiếng Nga), М.: Академкнига, ISBN 9785946281188
  • Skazkin, С.Д.Сказкин biên tập (1967), Сборник 'История Византии' [Tuyển tập "Lịch sử Đông La Mã"] (bằng tiếng Nga), 2, Москва: Наука
  • Stopka, Krzysztof (2016), Armenia Christiana: Armenian Religious Identity and the Churches of Constantinople and Rome (4th–15th Century) [Armenia Christiana: Bản sắc tôn giáo Armeniavới các giáo hội Constantinopolis và Roma (thế kỷ 4–15)] (bằng tiếng Anh), Wydawnictwo UJ, ISBN 9788323395553
  • Suny, Ronald Grigor (1994), The Making of the Georgian Nation, Second Edition [Tạo lập dân tộc Gruzia, ấn bản thứ hai] (bằng tiếng Anh), Indiana University Press, ISBN 9780253209153
  • Vardan, Վարդան Արևելցի (1861), Всеобщая история Вардана Великого [Tổng hợp lịch sử của Vardan] (bằng tiếng Nga)
  • Vasiliev, Александр Александрович Васильев (1902), Византия и Арабы Политические отношения за время Македонской династии [Quan hệ chính trị Đông La Mã và Ả Rập dưới triều đại Macedonia] (bằng tiếng Nga), СПб.
  • Whittow, Mark (1996), The making of Byzantium, 600-1025 [Tạo dựng Đông La Mã, 600-1025] (bằng tiếng Anh), Berkeley: University of California Press, ISBN 9780520204966
  • Yarshater, Ehsan Ollah biên tập (1989), Encyclopædia Iranica [Bách khoa thư người Iran] (bằng tiếng Anh), Routledge & Kegan Paul, ISBN 9780710091215
  • Yuzbashyan, К. Н. Юзбашян (1968), Повествование вардапета Аристакэса Ластиверци [Tường thuật của vardapet Aristakes Lastivertsi] (bằng tiếng Nga), М.
  • —— (1988), Армянские государства эпохи Багратидов и Византия [Các nước Armenia thời Bagratuni và Đông La Mã] (bằng tiếng Nga), М.: Наука
  • Всемирная история. Энциклопедия [Lịch sử thế giới. Bách khoa thư] (bằng tiếng Nga), 3, Москва: Государственное издательство политической литературы, 1957
  • Православная энциклопедия [Bách khoa thư Chính thống giáo] (bằng tiếng Nga), 2, Москва, 2000
Tạp chí

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]