Bước tới nội dung

Whitfordiodendron

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Whitfordiodendron
Phân loại khoa học
Giới (regnum)Plantae
(không phân hạng)Angiospermae
(không phân hạng)Eudicots
(không phân hạng)Rosids
Bộ (ordo)Fabales
Họ (familia)Fabaceae
Phân họ (subfamilia)Faboideae
Tông (tribus)Wisterieae
Chi (genus)Whitfordiodendron
Elmer, 1910[1]
Loài điển hình
Whitfordiodendron scandens
Elmer, 1910[2]
Các loài
4. Xem bài.
Danh pháp đồng nghĩa
  • Whitfordia Elmer, 1910 nom. illeg.

Whitfordiodendron là một chi thực vật có hoa thuộc họ Fabaceae.[3] Nó thuộc phân họ Faboideae.

Lịch sử[sửa | sửa mã nguồn]

Whitfordiodendron được Adolph Daniel Edward Elmer thiết lập năm 1910, tại trang 689 ông ghi là Witfordia, với loài mô tả duy nhất là Witfordia scandens. Tuy nhiên, tại phần sửa lỗi (errata) ở trang 743 ông đã sửa lại như sau: "for Witfordia read Whitfordiodendron" (với Whitfordia đọc thành Whitfordiodendron).[1]

Năm 1911, Stephen Troyte Dunn thiết lập chi Adinobotrys. Ông chuyển loài cây gỗ Millettia atropurpurea cùng 2 loài Millettia là dây leo thân gỗ khác gồm M. eriantha, M. nieuwenhuisii sang chi này thành A. atropurpureus, A. erianthus, A. nieuwenhuisii; đồng thời mô tả 2 loài dây leo thân gỗ mới là A. filipesA. myrianthus.[4]

Năm 1912, Dunn lại thừa nhận độ ưu tiên cao hơn của Whitfordiodendron và chuyển cả 5 loài nói trên về chi này.[5] Năm 1934, Elmer Drew Merrill hợp lệ hóa Whitfordiodendron khi mô tả loài mới W. sumatranum. Theo Merrill thì Whitfordiodendron gồm 6 loài (không bao gồm W. filipes của Dunn).[6]

Năm 1984, trong chuyên khảo Scala Millettiearum, Robert Geesink coi cả Whitfordiodendron, AdinobotrysPadbruggea đều là đồng nghĩa muộn của Callerya.[7] Năm 1994, Anne M. Schot tổ hợp các danh pháp C. atropurpurea, C. pilipes, C. nieuwenhuisii, C. eriantha, C. scandens, C. sumatrana và đồng nhất hóa A. myrianthus / W. myrianthus với C. nieuwenhuisii.[8]

Năm 2019, Compton et al. phục hồi lại các chi Whitfordiodendron, AdinobotrysPadbruggea.[9]

Từ nguyên[sửa | sửa mã nguồn]

Tên chi bao gồm Whitford và tiếng Hy Lạp δένδρον (déndron - nghĩa là cây gỗ), để vinh danh Harry Nichols Whitford (1872–1941), nhà lâm nghiệp học kiêm nhà thực vật học người Mỹ, vụ trưởng Vụ Điều tra thuộc Cục Lâm nghiệp Hoa Kỳ (nay là Cục Kiểm lâm thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ), tác giả về kinh tế của cây cao su và về cây rừng bản địa Philippines.[1][9]

Phân bố[sửa | sửa mã nguồn]

Các loài trong chi này có tại Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, nam Thái Lan.[3]

Mô tả[sửa | sửa mã nguồn]

Dây leo bò trườn 10–20 (– 40) m. Thân cây màu xám hay nâu, thon búp măng, nhẵn nhụi hoặc có lông tơ nhỏ mịn màu xám. Lá 3–13 lá chét, thường xanh, nhẵn bóng mặt trên, nhẵn nhụi hoặc thưa lông tơ, lá kép lẻ, trục cuống lá 9–25 cm. Lá kèm 1–4 mm, hình tam giác hẹp, sớm rụng (bền ở W. erianthum). Không lá kèm con. Lá chét to, 4–15 (– 25) x 2–9 (– 12) cm, hình trứng, elip hẹp hoặc trứng ngược, đỉnh nhọn thon tới có mấu nhọn, mép lá nguyên, đáy thuôn tròn hoặc tù hoặc nhọn. Cụm hoa là chùy hoa đầu cành, dài 5–20 cm, cuống hoa có lông lụa (mọc ở thân cây và sau nhẵn nhụi, dài 20–60 cm ở W. nieuwenhuisii). Hoa 8–23 mm, xuất hiện tháng 2-11 (tháng 5-1 năm sau ở W. nieuwenhuisii). Lá bắc hoa 2–7 mm, hình trứng, trứng ngược hay elip, sớm rụng. Lá bắc con tại đáy hoặc trên đài hoa, dài 2–7 mm, hình trứng ngược, nhọn hay nhọn thon, bền. Cuống hoa 0,5–2 mm, có lông tơ hoặc lông lụa. Đài hoa 2–9 × 3–5 mm, hình chuông, lệch, có lông tơ hay lông lụa màu gỉ sắt, vàng kim hay trắng bạc ở mặt ngoài, 5 thùy, các răng không đều, dài (0,5 –) 2–4 mm, nhọn thon, lông tơ trên các răng. Cánh cờ 8–18 × 9–16 mm, gần tròn hay elip, mặt trong màu hồng ánh xám, trắng ửng tía, đỏ, nâu hạt dẻ hay đỏ rượu vang, đường dẫn mật màu vàng hay xanh lục, lưng cánh cờ rậm lông lụa màu đỏ hay vàng kim-nâu, đỉnh nhọn hoặc tù. Thể chai dạng gờ hay vấu. Các cánh bên 8–18 × 2–5 mm, thưa lông tơ hoặc lông rung dọc theo mép dưới (lông lụa ở đỉnh ở W. erianthum), dài bằng cánh lưng, hình trứng ngược rộng, rời với cánh lưng, đỉnh tù, các vuốt ở đáy dài 2–4 mm. Cánh lưng 8–10 × 3–5 mm, lông lụa mặt ngoài, đặc biệt dọc theo mép dưới, hình trứng ngược, vuốt dài 2–4 mm, đỉnh tù. Nhị hai bó, 9 nhị hợp lại cùng nhau, nhị cờ rời, tất cả cong hướng lên ở đỉnh. Bầu nhụy có lông lụa, vòi nhụy dài 2–4 mm, có lông rung, cong hướng lên ở đỉnh, đầu nhụy có mạch hỗ. Quả đậu 4–10 × 2–5 cm, phồng lên, hình trứng hay trứng ngược, với 2 mép dày lên ở hai bên đường ráp ở cả hai bên quả đậu, nứt, bề mặt nhăn nheo hoặc có nội nhũ cứng bị các ống không đều chứa vật chất mềm xuyên qua hoặc thưa lông tơ hoặc có lông nhung màu nâu nhạt, gần cắt vách. Hạt 1–3, hình elipxoit rộng hoặc hình trứng, 12–45 × 14–35 × 8–30 mm (thường hợp cùng nhau khi có trên 1 hạt), rốn hạt trung tâm, hình elip rộng 3–5 × 1–2 mm.[9]

Các loài[sửa | sửa mã nguồn]

Plants of the World Online ghi nhận 4 loài:[9][3]

Lưu ý[sửa | sửa mã nguồn]

Whitfordia Elmer, 1910 là danh pháp không hợp lệ (nom. illeg.) do Whitfordia Murrill, 1908 đã được thiết lập trước để chỉ một chi nấm đảm. Hiện nay Whitfordia Murrill, 1908 được coi là đồng nghĩa của Amauroderma Murrill, 1905 thuộc họ Ganodermataceae.[10]

Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ a b c Adolph Daniel Edward Elmer, 1910. A new genus and new species of Leguminosae: Whitfordiodendron. Leaflets of Philippine Botany 2(art 40): 689-702, xem Witfordia tại trang 689, Whitfordiodendron, sửa lỗi tại trang 743.
  2. ^ Adolph Daniel Edward Elmer, 1910. A new genus and new species of Leguminosae: Whitfordiodendron scandens. Leaflets of Philippine Botany 2(art 40): 689-702, xem Witfordia scandens tại trang 689-691, Whitfordiodendron, sửa lỗi tại trang 743.
  3. ^ a b c Whitfordiodendron trong Plants of the World Online. Tra cứu ngày 19 tháng 10 năm 2022.
  4. ^ S. T. Dunn, 1911. Adinobotrys and Padbruggea. Bulletin of Miscellaneous Information (Royal Botanic Gardens, Kew) 4: 193-198.
  5. ^ S. T. Dunn, 1912. Adinobotrys or Whitfordiodendron. Bulletin of Miscellaneous Information (Royal Botanic Gardens, Kew) 8: 363-364.
  6. ^ Elmer Drew Merrill, 1934. New Sumatran plants: Whitfordiodendron sumatranum. Papers of the Michigan Academy of Science, Arts and Letters 19: 159-160.
  7. ^ Geesink R., 1984. Scala Millettiearum. A survey of the genera of the Millettieae (Legum.-Pap.) with methodological considerations. E. J. Brill / Nhà in Đại học Leiden. (Leiden Botanical Series, vol. 8, viii + 131 pp., 5 plates, 18 tables, 5 figs). Xem trang 83.
  8. ^ Schot A. M., 1994. A revision of Callerya Endl. (including Padbruggea and Whitfordiodendron) (Papilionaceae: Millettieae). Blumea 39(1/2): 1-40.
  9. ^ a b c d James A. Compton, Brian D. Schrire, Kálmán Könyves, Félix Forest, Panagiota Malakasi, Sawai Mattapha & Yotsawate Sirichamorn, 2019. The Callerya Group redefined and Tribe Wisterieae (Fabaceae) emended based on morphology and data from nuclear and chloroplast DNA sequences. PhytoKeys 125: 1-112, doi:10.3897/phytokeys.125.34877.
  10. ^ Amauroderma Murrill, 1905.

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]