Chaetodontoplus meredithi

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Chaetodontoplus meredithi
Tình trạng bảo tồn
Phân loại khoa học
Giới (regnum)Animalia
Ngành (phylum)Chordata
Lớp (class)Actinopterygii
Bộ (ordo)Perciformes
Họ (familia)Pomacanthidae
Chi (genus)Chaetodontoplus
Loài (species)C. meredithi
Danh pháp hai phần
Chaetodontoplus meredithi
Kuiter, 1990

Chaetodontoplus meredithi là một loài cá biển thuộc chi Chaetodontoplus trong họ Cá bướm gai. Loài này được mô tả lần đầu tiên vào năm 1990.

Từ nguyên[sửa | sửa mã nguồn]

Từ định danh của loài được đặt theo tên của John G. Meredith, hướng dẫn viên lặn biển và là một người chơi thủy sinh, cũng là người đã thu thập mẫu gốc của loài này[2].

Phạm vi phân bố và môi trường sống[sửa | sửa mã nguồn]

C. meredithi là một loài đặc hữu của Úc. Phạm vi của loài này trải dài từ bờ biển bang Queensland đến New South Wales, bao gồm đảo Lord Howe ngoài khơi (ít được nhìn thấy ở rạn san hô Great Barrier)[1].

Loài này sống tập trung gần các rạn san hô, đặc biệt là những nơi có sự phát triển của hải miên (bọt biển) và san hô mềm, ở độ sâu khoảng từ 10 đến 50 m[1]; cá con sống ở vùng nước nông hơn cá trưởng thành (trong đầm phá)[3].

Mô tả[sửa | sửa mã nguồn]

C. meredithi có chiều dài cơ thể tối đa được biết đến là 30 cm[4]. Hầu hết phần thân của C. meredithi là màu đen, trừ phần trán và ngực có màu vàng. Hai bên đầu có màu xanh lam xám, lốm đốm các vệt vàng. Vây bụng và vây đuôi màu vàng tươi. Vây ngực có màu đen với viền vàng. Vây lưng và vây hậu môn tiệp màu với thân, có viền màu xanh óng[5][6]. Kiểu màu cơ thể của C. meredithi rất giống với Chaetodontoplus personifer, cũng là một loài đặc hữu của Úc nhưng có phạm vi ở ngoài khơi Tây Úc, nhưng C. personifer có thêm một vạch đen ngay giữa vây đuôi[5].

Cá con có màu đen với một vệt vàng từ cằm băng ngược lên gáy. Một dải sọc vàng từ vây lưng trước băng qua gốc vây ngực xuống đến vây bụng. Rìa sau của vây lưng và vây hậu môn có màu vàng. Đuôi màu vàng như cá trưởng thành[4].

Số gai vây lưng: 13; Số tia vây ở vây lưng: 17–19; Số gai vây hậu môn: 3; Số tia vây ở vây hậu môn: 17–19[6].

Sinh thái học[sửa | sửa mã nguồn]

Thức ăn chủ yếu của C. meredithihải miên (bọt biển) và những loài thuộc phân ngành Sống đuôi. C. meredithi có thể sống đơn độc, bơi theo cặp hoặc hợp thành những nhóm nhỏ[3].

C. meredithi còn được ghi nhận là đã lai tạp với Chaetodontoplus conspicillatus ngoài khơi bang Queensland, Úc và tại đảo Lord Howe[7].

C. meredithi là một loài cá cảnh thường được xuất khẩu trong ngành buôn bán cá cảnh[1].

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ a b c d R. Pyle; R. Myers; L. A. Rocha (2010). Chaetodontoplus meredithi. Sách đỏ IUCN về các loài bị đe dọa. 2010: e.T165891A6158885. doi:10.2305/IUCN.UK.2010-4.RLTS.T165891A6158885.en. Truy cập ngày 15 tháng 5 năm 2021.Quản lý CS1: sử dụng tham số tác giả (liên kết)
  2. ^ Scharpf, C.; Lazara, K. J. (2021). “Order ACANTHURIFORMES (part 1)”. The ETYFish Project Fish Name Etymology Database. Truy cập ngày 15 tháng 5 năm 2021.
  3. ^ a b Ranier Froese và Daniel Pauly (chủ biên). Thông tin Chaetodontoplus meredithi trên FishBase. Phiên bản tháng 10 năm 2021.
  4. ^ a b Chaetodontoplus meredithi Pomacanthidae”. Reef Life Survey. Truy cập ngày 15 tháng 5 năm 2021.
  5. ^ a b Dianne J. Bray (2018). “Queensland Yellowtail Angelfish, Chaetodontoplus meredithi Kuiter 1990”. Fishes of Australia. Truy cập ngày 15 tháng 5 năm 2021.
  6. ^ a b John E. Randall; Gerald R. Allen; Roger C. Steene (1998). The Fishes of the Great Barrier Reef and Coral Sea. Nhà xuất bản Đại học Hawaii. tr. 241. ISBN 978-0824818951.
  7. ^ Yi-Kai Tea và cộng sự (2020). “Angels in disguise: sympatric hybridization in the marine angelfishes is widespread and occurs between deeply divergent lineages” (PDF). Proceedings of the Royal Society B: Biological Sciences. 287 (1932): 1–8. doi:10.1098/rspb.2020.1459.