Hiệu ứng Odagiri

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Diễn viên Joe Odagiri, người được lấy tên để đặt cho "hiệu ứng Odagiri".

Hiệu ứng Odagiri là một hiện tượng truyền hình trong đó một chương trình thu hút một lượng khán giả nữ lớn hơn mong đợi do chương trình có các nam diễn viên hoặc nhân vật nam hấp dẫn. Hiện tượng này được đặt tên theo nam diễn viên người Nhật Bản Joe Odagiri, từng tham gia chương trình tokusatsu năm 2000 Kamen Rider Kuuga.[1][2] Hiệu ứng này nay được sử dụng một cách có chủ đích trong một số chương trình, và được sử dụng phổ biến nhất trong các bộ phim anime có chủ đề về thể thao và idol.[3][4]

Nguồn gốc[sửa | sửa mã nguồn]

Thuật ngữ "hiệu ứng Odagiri" có nguồn gốc từ Kamen Rider Kuuga, một chương trình nhắm tới đối tượng trẻ em. Tuy nhiên, các nhà sản xuất của chương trình đã phát hiện ra rằng chương trình đang thu hút được hai nhóm khán giả lớn: trẻ em có độ tuổi từ 4 đến 12, đối tượng mà chương trình ban đầu muốn nhắm tới; và phụ nữ có độ tuổi khoảng 30. Chương trình đang thu hút cả các bà mẹ của những đứa trẻ, những người bị hấp dẫn bởi nam diễn viên chính Joe Odagiri. Sau chương trình này, Odagiri tiếp tục tiến lên sự nghiệp cao hơn, trong khi series tiếp sau, Kamen Rider Agito đã cố gắng tạo lại hiệu ứng này bằng cách đưa vào ba nam diễn viên chính điển trai. Một lần nữa, chương trình lại thu hút lượng lớn khán giả nữ, mặc dù các khán giả lâu năm, chủ yếu là đàn ông, lại không thích.[1][2]

Sử dụng trong anime[sửa | sửa mã nguồn]

Hiệu ứng Odagiri được sử dụng rộng rãi trong các series anime có chủ đề về thể thao và idol. Trong số các chương trình được cho là có sử dụng hiệu ứng này bao gồm có Kuroko's Basketball, Haikyuu!! Free!, Yowamushi Pedal, Days (manga), The Prince of Tennis, Prince of Stride, All Out!!, Cheer Boys!!, Yuri on Ice, Hetalia:Axis PowersCute High Earth Defense Club Love!.[3][5][6] Nhiều chương trình trong số này đã thu hút được các fujoshi, những người hâm mộ yaoi, và một số ít hơn các đàn ông đồng tính.[4]

Sử dụng trong truyền thông phương Tây[sửa | sửa mã nguồn]

Ian Wolf từ Anime UK News đã cho rằng hiệu ứng Odagiri là có thể thấy rõ trong các chương trình TV và các phương tiện truyền thống khác ở phương Tây. Các ví dụ bao gồm series Poldark năm 2015 của BBC đã thu hút được lượng lớn khán giả do hình ảnh cởi trần của nam diễn viên chính Aidan Turner; miniseries The Night Manager năm 2016 của BBC trong đó xuất hiện một cảnh cặp mông trần của Tom Hiddleston có thể nhìn thấy được trên màn ảnh; và cuốn tiểu thuyết về tình dục Fifty Shades of Grey.[6] Anh cũng cho rằng vai diễn của Benedict Cumberbatch trong series truyền hình Sherlock đã khiến hiệu ứng Odagiri xảy ra trong cả các series khác mà anh có xuất hiện ví dụ như series phát thành Cabin Pressure.[7]

Song song với các ví dụ gốc, chương trình thiếu nhi của kênh CBeebies, Mr Bloom's Nursery, một chương trình truyền hình tại Anh có sự xuất hiện của diễn viên Ben Faulks trong vai chính, đã trở nên phổ biến với một lượng khán giả nữ trưởng thành.[8]

Tác động tích cực và tiêu cực[sửa | sửa mã nguồn]

Hiệu ứng này được cho là có cả tác động tích cực và tiêu cực. Trong khi các chương trình như vậy thu hút được lượng khán giả lớn hơn, một số nhà phê bình cho rằng họ đang "chơi an toàn" và: "Những hành trình biến đổi tiêu cực của nhân vật về chấn thương hay thiếu tinh thần thể thao được giải quyết nhanh và gọn, và cho dù tình bạn vẫn còn đó, những câu chuyện tình cảm phụ lại không thấy đâu. Không thể chấp nhận rủi ro khi loại bỏ bất kì nhóm đối tượng khán giả nào, nên các chương trình lại tránh nói về những chủ đề phức tạp."[3] Một tác động tích cực khác của hiệu ứng Odagiri đối với các nhà sản xuất anime là những người hâm mộ nữ có khả năng chi tiêu cao hơn, có nghĩa là họ có khả năng cao hơn mua các món đồ có liên quan tới series.[4]

Cũng có một số ý kiến cho rằng hiệu ứng này đang cho thấy sự phân biệt giới tính trong quá trình sản xuất chương trình. Các lý do được đưa ra bao gồm hiệu ứng tương tự mà trong đó đàn ông cũng bị thu hút bởi các chương trình truyền hình có các nữ diễn viên hoặc nhân vật hấp dẫn sẽ được bình luận một cách khác hẳn. Họ cũng cho rằng hiệu ứng này cho thấy đang không có đủ các chương trình được sản xuất dành cho phụ nữ.[6]

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ a b Clements, Jonathan; Tamamuro, Motoko (2003). The Dorama Encyclopedia: A Guide to Japanese Drama Since 1953. Stone Bridge Press. tr. 182. ISBN 1880656817.
  2. ^ a b Clements, Jonathan (2013). Anime: A History. British Film Institute, Palgrave Macmillan. tr. 142. ISBN 978-1-84457-390-5.
  3. ^ a b c Orsini, Lauren (ngày 18 tháng 2 năm 2015). “Sports anime and the Odagiri Effect”. Otaku Journalist. Truy cập ngày 15 tháng 12 năm 2016.
  4. ^ a b c Orsini, Lauren (ngày 21 tháng 12 năm 2016). “What is a Fujoshi?”. Anime News Network. Truy cập ngày 21 tháng 12 năm 2016.
  5. ^ Orsini, Lauren (ngày 18 tháng 7 năm 2016). “DAYS: Episodes 1–3”. Anime News Network. Truy cập ngày 15 tháng 12 năm 2016.
  6. ^ a b c Wolf, Ian (ngày 5 tháng 1 năm 2017). “Feature: A Guide to the Odagiri Effect”. Anime UK News. Bản gốc lưu trữ ngày 8 tháng 2 năm 2017. Truy cập ngày 6 tháng 1 năm 2017.
  7. ^ Wolf, Ian (ngày 13 tháng 2 năm 2017). “LGBT TV - Yuri!!! On Ice”. On The Box. Truy cập ngày 13 tháng 2 năm 2017.
  8. ^ Raeside, Julia (ngày 23 tháng 8 năm 2011). “Mr Bloom, the sex god of CBeebies”. The Guardian. Truy cập ngày 23 tháng 9 năm 2017.