Khâm Tấn Tường

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia


Khâm Tấn Tường (? - ?) là quan nhà Nguyễn và là một thủ lĩnh trong phong trào kháng Pháp ở nửa sau thế kỷ 19 tại Tây Ninh, Việt Nam.

Tiểu sử[sửa | sửa mã nguồn]

Không rõ thân thế của Khâm Tấn Tường. Chỉ biết khi triều đình nhà Nguyễn hạ lệnh bãi binh theo Hòa ước Nhâm Tuất (1862), lúc bấy giờ, ông đang là viên quan trấn nhậm ở phủ Tây Ninh (thuộc Gia Định). Không tuân lệnh ấy, ông rút quân về An Cơ (nay thuộc Châu Thành, Tây Ninh) lập căn cứ kháng chiến.

Căn cứ An Cơ nằm trên khu đất cao, mặt trước có bờ thành cao với lũy tre dày kiên cố; dưới thành là rạch Sóc Om (còn gọi là rạch Vịnh) tạo thành hào thiên nhiên bao quanh. Tại đây, nghĩa quân dưới sự chỉ huy của Khâm Tấn Tường, đã dùng chiến thuật "bẫy gỗ"[1] và cung tên "hỏa hổ"[2], đẩy lui nhiều cuộc tấn công của quân Pháp.

Sau đó, để triệt hạ căn cứ, thực dân Pháp cử viên sĩ quan tên là Larcleauze [3] dốc toàn lực bao vây, đánh phá, có cộng sự là người Việt chỉ lối. Khâm Tấn Tường cùng nghĩa quân chiến đấu kiên cường. Cuối cùng, ông tuẫn tiết [4], căn cứ An Cơ tan vỡ.

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  • Nhiều người soạn (Nguyễn Ngọc Dũng chủ biên), Lịch sử địa phương tỉnh Tây Ninh. Nhà xuất bản Giáo dục, 2011.

Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Chiến thuật bẫy gỗ: nghĩa quân dung những khúc gỗ tròn, treo sẵn trên thành cao. Khi quân Pháp đến thì họ chặt đứt dây, gỗ lăn xuống làm quân đối phương bị thương hoặc chết.
  2. ^ Cung tên "hỏa hổ": nghĩa quân lấy dầu từ cây dầu, nấu sôi, rồi dùng ống thụt, thụt dầu sôi vào quân Pháp.
  3. ^ Ngày 7 tháng 6 năm 1866, nghĩa quân Trương Quyền tiến đánh đồn Pháp ở thị xã Tây Ninh, và đã giết chết Larcleauze (lúc bấy giờ mang quân hàm Đại úy).
  4. ^ Sách Lịch sử địa phương tỉnh Tây Ninh (tr. 10) không cho biết Khâm Tấn Tường mất vào năm nào.