Bước tới nội dung

Lễ hội gầu tào

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Lễ hội Gầu tào là một lễ hội của người đồng bào dân tộc H'Mông. Nội dung chính cho lễ hội là Cầu phúc hoặc cầu mệnh.

  • Hội cầu phúc: Một gia chủ nào đó không có con, thưa con hoặc sinh con một bề, sẽ làm lễ nhờ thầy cúng bói xin cho mở hội Gầu tào nhằm cầu mong có con.
  • Hội cầu mệnh: Một gia chủ nào đó bị ốm đau bệnh tật, con cái yếu ớt, thậm chí có con bị chết, mùa màng, vật nuôi lụi dần, cũng nhờ thầy cúng bói xin mở hội Gầu tào.

Thời gian, địa điểm[sửa | sửa mã nguồn]

Thời gian mở hội Gầu Tào thường trong khoảng từ ngày mồng 1 Tết đến ngày 15 tháng giêng. Nếu hội tổ chức 3 năm liền thì mỗi năm tổ chức 3 ngày liền, hội làm gộp một năm sẽ tổ chức vào 9 ngày. Lễ hội Gầu Tào gồm 2 phần lễ và phần hội. Hội thường được UBND các địa phương tổ chức tại tất cả các làng, các huyện nơi có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống.[1]

Địa điểm làm Gầu Tào đó là một quả đồi thấp, dốc thoải, đỉnh đồi bằng phẳng tạo nên một bãi rộng. Quả đồi này lại được bao quanh bởi những quả đồi cao hơn. Đồi Gầu Tào phải nằm theo hướng Đông là hướng mặt trời mọc để khi dựng cây nêu có thể đón được ánh nắng mặt trời. Người Mông quan niệm quả đồi Gầu Tào tượng trưng cho gia chủ. Phúc mệnh của gia chủ nằm cả ở đồi Gầu Tào.[2]

Hoạt động[sửa | sửa mã nguồn]

Ngay từ cuối tháng chạp, khi được thầy cúng bói xin mở hội. Gia đình mở hội cầu phúc hay cầu mệnh, trong gia đình cử ra một người chặt cây làm cây nêu. Cây nêu trong Lễ hội Gầu Tào mang biểu tượng cây thiêng nối trời với đất. Cây được trồng trên bãi đất rộng, bằng phẳng, ngọn cây bao giờ cũng hướng về hướng Đông - là hướng sinh với mong muốn cầu sinh con, cũng là hướng của mặt trời với mong ước mùa màng bội thu.[3]

Chuẩn bị[sửa | sửa mã nguồn]

Đầu tiên lễ dựng nêu được tổ chức. Nơi trồng cây nêu (cũng là địa điểm mở hội). Cây nêu được chôn nơi cao nhất thường là đỉnh đồi. Khi dựng xong, gia chủ còn làm lễ cúng ở ngay chân cột nêu mời tổ tiên các thần phù hộ cho có con, mọi thành viên đều khỏe mạnh, bằng an kế tục việc làm ăn, làm mặc theo dòng họ. Cây nêu được dựng lên, các làng gần, làng xa biết rằng tết năm nay sẽ mở hội Gầu tào. Mọi người đều hiểu chuẩn bị dự hội.

Vào hội[sửa | sửa mã nguồn]

Sau phần của thầy mo, làm những thủ tục lễ bái, hầu hết là dùng những từ hoa mỹ (pàng lỳ) thanh cao, những câu ví mỹ miều, những câu tục ngữ (lù txà) khoa trương. Mọi người tụ tập đến bãi mở hội. Khắp bãi dựng thêm nhiều lều lợp lá cây cho người già ăn uống chúc tụng. Bãi bằng nhất được dọn ra cho trẻ em đánh quay.

Các nơi khác trong bãi, tổ chức các trò chơi cho ngày hội được quy định trước. Các nơi này mỗi nơi đều có quán xử (chủ sự) quản lý chung. Ngoài ra cần có xừ quan (quản lý) chăm lo việc ăn uống, có hấu pầu tờ (quản củi đuốc), hấu pầu giê (trông nom xay giã dần sàng) cùng với xừ quan.

  • Nơi bắn nỏ
  • Nơi bắn cung
  • Sân múa khèn
  • Đường đua ngựa
  • Đám bắn thi cung nỏ
  • Đám chọi quay
  • Đám hát gầu plềnh, hát tình ca, đối đáp, trao duyên, hát vui hội hè

Kết thúc lễ hội[sửa | sửa mã nguồn]

Chủ nhà làm lễ, cây nêu được hạ xuống. Thầy mo đốt thẻ giấy, hốt than cho vào gáo nước, vừa đi vừa cầu khấn. Sau mỗi đoạn khấn vái, thầy lại hấp một ngụm nước phun ra xung quanh. Mảnh vải đỏ thì mang về treo trong nhà cầu mong hồng phúc đời đời.

Văn hóa[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 2020, Lễ hội Gầu Tào được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Tỉnh ủy Lai Châu cũng đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 17/02/2021 về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030. Theo đó, lễ hội Gầu Tào được nâng cấp tổ chức với quy mô cấp huyện từ năm 2023.[4]


Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ “Lễ hội Gầu Tào độc đáo của dân tộc Mông ở Cao nguyên đá”. https://dangcongsan.vn. Truy cập ngày 11 tháng 6 năm 2024. Liên kết ngoài trong |website= (trợ giúp)
  2. ^ Vietnam+ (VietnamPlus) (18 tháng 2 năm 2024). “Gầu Tào: Lễ hội độc đáo của người Mông ở tỉnh biên giới Lai Châu”. Vietnam+ (VietnamPlus). Truy cập ngày 11 tháng 6 năm 2024.
  3. ^ “Lễ hội Gầu Tào của người Mông ở Mai Châu - Hoà Bình”. VOH. Truy cập ngày 11 tháng 6 năm 2024.
  4. ^ “Đặc sắc văn hóa Mông qua lễ hội Gầu Tào”. Báo Nhân Dân điện tử. 19 tháng 2 năm 2024. Truy cập ngày 11 tháng 6 năm 2024.