Phan Ngọc Bích

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Phan Ngọc Bích
Sinh(1911-08-15)15 tháng 8, 1911
Xuân Phước, Đồng Xuân, Phú Yên, Trung Kỳ, Liên bang Đông Dương
Mất16 tháng 4, 2017(2017-04-16) (105 tuổi)
Phú Yên, Việt Nam
Quốc tịch Việt Nam
Tên khácViệt Hồng
Đảng phái chính trịĐảng Cộng sản Việt Nam
Giải thưởngxem Tôn vinh

Phan Ngọc Bích (15 tháng 8 năm 1911 – 16 tháng 4 năm 2017) là một trong những người thọ trên trăm tuổi ở Việt Nam. Ông cũng là nhà hoạt động cách mạng Việt Nam, là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên nhận Huy hiệu 85 năm tuổi Đảng.

Tiểu sử[sửa | sửa mã nguồn]

Sự nghiệp cách mạng[sửa | sửa mã nguồn]

Phan Ngọc Bích sinh ngày 15 tháng 8 năm 1911 ở xã Xuân Phước, huyện miền núi Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên.[1][2] Ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 30 tháng 10 năm 1930.[1] Ông có bí danh Việt Hồng.[3] Phan Ngọc Bích là một trong 8 người (Phan Lưu Thanh, Bùi Xuân Cảnh, Phan Ngọc Bích (Việt Hồng), Nguyễn Thạnh, Nguyễn Phục Hưng, Nguyễn Hữu Tánh, Nguyễn Diệp, Nguyễn Thị Hảo)[3] tham gia thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên ở tỉnh Phú Yên vào ngày 5 tháng 10 năm 1930.[1][2] Chi bộ này thành lập ở nhà ông Phan Lưu Thanh (sau này giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên), ở thôn Đồng Bé, xã Xuân Long, nay là khu phố Long Bình, thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên.[1] Phan Lưu Thanh cũng được bầu làm Bí thư chi bộ.[3]

Phan Ngọc Bích tham gia cách mạng chống Pháp trước ngày 1 tháng 1 năm 1945 (cán bộ tiền khởi nghĩa). Ông tham gia lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền ở khu Đồng Bò và huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên.[2] Phan Ngọc Bích cùng Trương Dụng Quyền, hai đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, đã lãnh đạo cuộc đấu tranh của công nhân và người dân khu vực Nhà máy đường Đồng Bò, huyện Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên giành được thắng lợi.[4] Ông là người trực tiếp gây dựng phong trào cộng sản ở đồng bằng Tuy Hòa, Phú Yên. Ông cũng là người công bố quyết định thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản Nhạn Tháp, tiền thân của Đảng bộ thành phố Tuy Hòa sau này.[2]

Sau Hiệp định Genève, 1954, ông và các đồng đội của mình theo mệnh lệnh của Tỉnh ủy Phú Yên đã bắt đầu hành trình tập kết ra miền Bắc Việt Nam theo đường rừng ở huyện miền núi Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên.[5] Sau nửa tháng ông vượt qua vĩ tuyến 17sông Bến Hải, Quảng Trị vào địa phận Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Buổi đầu, Phan Ngọc Bích đảm nhiệm việc cải cách ruộng đất ở các tỉnh Thanh Hóa, Thái Bình. Sau đó, ông tình nguyện về xây dựng Nông trường Lệ Ninh ở huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Nông trường này chuyên canh sản xuất cao su, hồ tiêu. Ông từng giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc nông trường Lệ Ninh. Năm 1971, Phan Ngọc Bích nghỉ hưu.[5]

Sau khi Việt Nam thống nhất vào năm 1975, Phan Ngọc Bích trở về quê hương Phú Yên.[5] Lúc này cha mẹ và nhiều người thân của ông đã qua đời. Năm 1976, ông mua lại một ngôi nhà nhỏ ở số 246 đường Nguyễn Công Trứ, thị xã Tuy Hòa (nay là thành phố Tuy Hòa) để ở. Ông giữ chức Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường 6, thị xã Tuy Hòa cho đến năm 1979 thì nghỉ hẳn.[5]

Cuối đời[sửa | sửa mã nguồn]

Sáng ngày 7 tháng 11 năm 2014, Ban thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên đã tổ chức buổi lễ trao Huy hiệu 85 năm tuổi Đảng Cộng sản Việt Nam cho Phan Ngọc Bích. Tính tới thời điểm đó, ông là người đầu tiên ở Việt Nam nhận Huy hiệu 85 năm tuổi Đảng Cộng sản Việt Nam. Lúc này ông 103 tuổi[1] (người thứ hai nhận Huy hiệu này là bà Phạm Thị Trinh, vợ Trung tướng Nguyễn Chánh, vào năm 2015).[6][7] Cuối đời, ông được điều trị, an dưỡng ở Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Phú Yên.[4] Phan Ngọc Bích qua đời vào 6 giờ 50 phút ngày 16 tháng 4 năm 2017 (âm lịch ngày 20 tháng 3 năm Đinh Dậu) tại Phú Yên do tuổi cao sức yếu, thọ 107 tuổi.[8] Ông được an táng tại Nghĩa trang Thọ Vức, xã Hòa Kiến, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.[8]

Tôn vinh[sửa | sửa mã nguồn]

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ a b c d e Thiên Lý (ngày 7 tháng 11 năm 2014). “Người duy nhất được trao huy hiệu 85 năm tuổi Đảng”. VnExpress. Truy cập ngày 3 tháng 10 năm 2018.
  2. ^ a b c d Lạc Việt (ngày 17 tháng 4 năm 2017). “Đồng chí lão thành cách mạng Phan Ngọc Bích từ trần”. Báo Phú Yên. Truy cập ngày 3 tháng 10 năm 2018.
  3. ^ a b c Phan Thanh (ngày 5 tháng 10 năm 2015). “Người cộng sản đầu tiên, chi bộ đầu tiên và Tỉnh ủy Phú Yên đầu tiên”. Báo Phú Yên. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 7 năm 2021. Truy cập ngày 3 tháng 10 năm 2018.
  4. ^ a b CTV Lê Biết Trí Thanh VOV miền Trung (ngày 2 tháng 2 năm 2015). “Người đảng viên 85 năm sắt son với Đảng”. Đài Tiếng nói Việt Nam. Truy cập ngày 3 tháng 10 năm 2018.
  5. ^ a b c d Phan Thế Hữu Toàn (ngày 10 tháng 2 năm 2010). “Cụ già bách tuệ 80 năm tuổi Đảng”. Báo Công an nhân dân. Truy cập ngày 3 tháng 10 năm 2018.
  6. ^ “Trao Huy hiệu 85 tuổi Đảng cho đồng chí Phạm Thị Trinh”. Truy cập ngày 4 tháng 10 năm 2018.
  7. ^ “Người gieo mầm cộng sản ở đồng bằng Tuy Hòa”. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 10 năm 2018. Truy cập ngày 4 tháng 10 năm 2018.
  8. ^ a b c d e f g Lạc Việt (ngày 18 tháng 4 năm 2017). “Tiễn đưa đồng chí Phan Ngọc Bích về nơi an nghỉ cuối cùng”. Báo Phú Yên. Truy cập ngày 3 tháng 10 năm 2018.