Quốc kỳ Liên Xô

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Liên Xô
TênNgọn cờ Hồng[1]
Sử dụngDân sựcờ nhà nước, Cờ hiệu dân sựnhà nước
Tỉ lệ1:2
Ngày phê chuẩn12 tháng 11 năm 1923 (mẫu đầu tiên)
19 tháng 8 năm 1955 (mẫu cuối cùng được sử dụng)
Thiết kếCờ đỏ cùng búa liềm vàng và sao đỏ viền vàng ở phía trên.
Biến thể của Liên Xô
Sử dụngQuân kỳ
Tỉ lệ2:3
Thiết kếCờ đỏ với một sao đỏ lớn viền vàng ở giữa
Cờ biến thể của Liên Xô
Sử dụngCờ hiệu hải quân
Thiết kếCờ trắng với một sao đỏ, búa liềm và một dải màu lam bên dưới.

Quốc kỳ Liên Xô có địa vị chính thức từ năm 1923 đến năm 1991. Hiệu kỳ này cũng là một biểu tượng của toàn thể phong trào cộng sản trên thế giới. Hiệu kỳ có nền đỏ cùng với một biểu tượng màu vàng độc nhất ở góc kéo cờ phía trên. Lá cờ đỏ là một biểu tượng cách mạng có từ trước năm 1917, và hiệu kỳ này được chọn nhằm vinh danh ý nghĩa quốc tế của cuộc cách mạng lao động. Hiệu kỳ đầu tiên với sao đỏ và búa liềm được chọn vào ngày 12 tháng 11 năm 1923. Năm 1955, một đạo luật về quốc kỳ được thông qua với kết quả là thay đổi chiều dài của cán búa và hình thù của liềm. Sửa đổi cuối cùng được tiến hành vào năm 1980, khi màu sắc được làm cho tươi hơn.

Biểu tượng và thiết kế[sửa | sửa mã nguồn]

Màu đỏ luôn là một biểu tượng mang tính tích cực trong văn hóa Nga. Trong tiếng Nga, từ đỏ (красный, krasny) về mặt từ nguyên có liên hệ với từ đẹp. Có thể nhận thấy điều này tại Quảng trường ĐỏMoskva và lễ Phục sinh đỏ của Chính Thống giáo Nga.

Nền đỏ tượng trưng cho máu mà công nhân và nông dân đổ xuống trong cuộc đấu tranh giải phóng của họ. Nó tôn vinh lá cờ đỏ của Công xã Paris vào năm 1871.[2] Ý thức hệ cộng sản có thể nhận thấy thông qua lá cờ. Ngôi sao đỏ và biểu tượng búa liềm cũng là biểu tượng của chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa xã hội. Quốc kỳ Liên Xô bao gồm một lá cờ đỏ trơn cùng một búa-liềm vàng chéo nhau, phía trên nó là một ngôi sao viền vàng.

Búa tượng trưng cho người lao động công nghiệp trong khi liềm tượng trưng cho người lao động nông nghiệp, họ tạo thành giai cấp vô sản, hình thành nên nhà nước Liên Xô. Ngôi sao đỏ đại diện cho Đảng Cộng sản Liên Xô, vị trí phía trên búa liềm thể hiện vai trò lãnh đạo của Đảng trong xã hội xã hội chủ nghĩa nhằm thống nhất và soi sáng cho công nhân và nông dân trên con đường xây dựng chủ nghĩa cộng sản.

Bản dựng hình quốc kỳ theo điều luật năm 1955.

Thiết kế của quốc kỳ được luật hóa vào năm 1955, đưa ra một phương pháp rõ ràng về đặc điểm của cờ. Điều này dẫn đến một sự thay đổi về chiều dài cán búa và hình thù của liềm. Đạo luật được thông qua ghi rằng:[3]

  1. Tỷ lệ chiều rộng với chiều dài của cờ là 1:2.
  2. Búa và liềm nằm trong một ô hình vuông có cạnh bằng ¼ chiều cao của cờ. Đỉnh nhọn của liềm nằm ở trung tâm cạnh trên của ô, cán của búa và phần còn lại của liềm nằm ở các góc phía dưới của ô. Chiều dài của búa và quai của nó là ¾ đường chéo của ô.
  3. Ngôi sao năm cánh nằm trong một đường tròn có bán kính bằng ⅛ chiều cao của cờ, vòng tròn tiếp xúc với cạnh trên của ô vuông.
  4. Khoảng cách từ trục thẳng đứng của nôi sao, búa liềm từ cột cờ là ⅓ chiều cao của cờ. Khoảng cách cờ cạnh trên của cờ đến trung tâm của ngôi sao là ⅛ chiều cao của cờ.

Thiết kế cuối cùng của quốc kỳ được thông qua vào năm 1980. Thiết kế này chỉ thay đổi về màu sắc nền, chuyển từ màu đỏ thắm gần như rượu vang Burgundy thành màu đỏ vừa và sáng. Đây vẫn là Quốc kỳ của Liên Xô cho đến năm 1991, khi lá cờ tam sắc được lựa chọn làm quốc kỳ CHXHCNXV Liên bang Nga.

Hiện nay[sửa | sửa mã nguồn]

Cùng với Sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu, lá cờ này hiện tại không còn đại diện cho bất kì chính thể và không được bất kỳ quốc gia nào trên thế giới và Liên Hợp Quốc công nhận.

Các mẫu quốc kỳ trong lịch sử[sửa | sửa mã nguồn]

Cờ Thời điểm Sử dụng Mô tả
1922 - 1923 Quốc kỳ Nền đỏ, có quốc huy Liên Xô ở giữa
1923 - 1924 Quốc kỳ Có viền vàng quanh búa liềm
1924 - 1936 Quốc kỳ Không có viền vàng
1936 - 1955 Quốc kỳ Thay đổi hình dáng liềm
1955 - 1980 Quốc kỳ Búa liềm thay đổi hình dạng và nhỏ hơn
1980 - 1991 Quốc kỳ Màu đỏ nhạt hơn màu đỏ của phiên bản cờ 1955 - 1980.

Xem thêm[sửa | sửa mã nguồn]

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Whitney Smith (2008). “Flag of Union of Soviet Socialist Republics”. Encyclopædia Britannica. Truy cập ngày 5 tháng 11 năm 2008.
  2. ^ "Story of the Red Flag", Revolution, 05-19-2006. Truy cập 12-02-2007.
  3. ^ Đoàn chủ tịch Xô viết Tối cao (1955). “Положение о государственном флаге СССР” (bằng tiếng Nga). Truy cập ngày 5 tháng 11 năm 2008.