Thành viên:Phu Nguyem/Festival Huế

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Cảnh rước vua về Trai Cung tại lễ tế Nam Giao Huế, một trong những chương trình của Festival Huế 2008

Festival Huế được tổ chức 2 năm một lần, là một sự kiện văn hóa lớn được tổ chức tại Huế vào các năm chẵn nhằm mục đích tưởng nhớ về những giá trị truyền thống tại cố đô Huế. Tham gia lễ hội này, du khách sẽ được thưởng thức những màn biểu diễn nghệ thuật đường phố, ngâm thơ, các buổi trưng bày đầy màu sắc, hòa nhạc, chơi trống và xem các bộ phim lịch sử.

Lịch sử[sửa | sửa mã nguồn]

Festival Huế đầu tiên có tên là Festival Việt-Pháp được tổ chức năm 1992. Cho đến năm 2000 thì đổi tên là Festival Huế.

Quy mô[sửa | sửa mã nguồn]

Nhân vật vua triều Nguyễn tại lễ tế đàn Nam Giao được phục dựng trong Festival Huế 2008

Là một trong những lễ hội lớn, Festival Huế với nhiều chương trình lễ hội cộng đồng được tái dựng với một không gian rộng lớn cả trong và ngoài thành phố, góp phần làm sống lại các giá trị văn hóa của Huế.

Nhiều chương trình như: Đêm Hoàng cung, lễ tế Nam Giao, lễ Truyền lô và Vinh qui bái tổ, lễ hội áo dài, lễ hội biển, thả diều, thả thơ, diễn thơ, chợ quê ngày hội, cờ người, đua trải...

Thành phố Huế còn phục dựng những lễ hội khác như: Tái hiện lễ hội Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế lấy niên hiệu Quang Trung, tổ chức lễ hội thi Tiến sĩ võ, khai thác không gian văn hóa tại khu Hổ Quyền - Voi Ré... Từ những lễ hội này, có nhiều ngành nghề thủ công truyền thống đang dần hồi phục, tạo được dấu ấn riêng khá rõ và góp phần làm giàu thêm cho vùng đất Cố Đô.

Festival Huế 2006 có 22 đoàn nghệ thuật Việt Nam (với 1171 diễn viên) và 22 đoàn, còn nhóm nghệ thuật quốc tế (269 diễn viên, nghệ sĩ nước ngoài), biểu diễn 138 suất diễn tại hơn 40 điểm diễn cùng với hơn 40 hoạt động trình diễn nghệ thuật, hội thi, hội chợ, triển lãm, hội thảo khoa học cùng các hoạt động hưởng ứng khác đã thu hút 1 triệu 500 nghìn khách tại Việt Nam và 150 nghìn khách quốc tế đến từ 50 quốc gia.

Chương trình biểu diễn nghệ thuật mang đậm sắc thái văn hóa của 5 châu lục đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới: Pháp, Trung Quốc, Anh, Ý, Tây Ban Nha, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Brasil... cùng sự tham gia của các thành phố, tỉnh, vùng kết nghĩa với Thừa Thiên Huế như Québec, Quang Chu, Hawaii, Nord Pas de Calais, Poitou Charentes, Chiết Giang...

Festival Huế 2000[sửa | sửa mã nguồn][sửa | sửa mã nguồn]

Festival Huế 2000 diễn ra 12 ngày đêm, với sự tham gia của trên 30 đơn vị nghệ thuật của Việt Nam và Pháp với trên 1000 nghệ sĩ, diễn viên chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp, thu hút hơn 410.000 lượt người tham dự Festival, trong đó có 41.000 lượt khách du lịch, với 6000 lượt khách quốc tế... Đây thực sự là ngày hội văn hóa, nghệ thuật và du lịch có quy mô quốc gia và quốc tế, một đợt tổng diễn tập hoạt động giao lưu có tính chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, thúc đẩy sự hồi sinh của tỉnh Thừa Thiên Huế sau cơn lũ lịch sử năm 1999, phát huy được lợi thế so sánh của tỉnh Thừa Thiên Huế trên lĩnh vực văn hóa - du lịch.

Festival Huế 2002[sửa | sửa mã nguồn][sửa | sửa mã nguồn]

Festival Huế 2002 tiếp tục phát triển chủ đề “Khám phá nghệ thuật sống của cố đô Huế” đi liền với mở rộng giao lưu quốc tế, diễn ra 12 ngày đêm và 1 tháng trước ngày khai mạc được khởi động bằng Trại Sáng tác Điêu khắc Quốc tế “Ấn tượng Huế - Việt Nam” với sự tham gia của 33 đoàn nghệ thuật tiêu biểu đến từ các nước Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan, Lào, Campuchia và các đoàn trong nước gồm 1554 nghệ sĩ, diễn viên, cán bộ kỹ thuật, thu hút trên 1 triệu lượt người tham dự, 75.000 lượt khách du lịch, trong đó có 18.000 lượt quốc tế (tăng gấp 3 lần so với Festival Huế 2000). Festival Huế 2002 đã tạo được tiếng vang lớn, mang tầm vóc quốc gia và quốc tế, tạo tiền đề để xây dựng Huế trở thành thành phố Festival của Việt Nam.

Festival Huế 2004[sửa | sửa mã nguồn][sửa | sửa mã nguồn]

Festival Huế 2004 với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển” diễn ra trong 9 ngày đêm gắn với 1 tháng khởi động của Trại Sáng tác Điêu khắc Quốc tế “Ấn tượng Huế - Việt Nam”, Trại Điêu khắc Dân gian, Festival Thơ Huế và nhiều hoạt động dạo đầu, đã quy tụ 15 đoàn nghệ thuật nước ngoài đến từ các nước Pháp, Trung Quốc, Argentina, Úc, Ấn Độ, Đức, Mỹ; 25 đoàn nghệ thuật trong nước với 1.300 diễn viên chuyên nghiệp, gần 2.000 diễn viên không chuyên và đội ngũ cán bộ kỹ thuật từ nhiều lực lượng tham gia phục vụ Festival, thu hút 1,2 triệu lượt người tham dự, 101.950 lượt khách du lịch, trong đó có 11.950 lượt khách quốc tế. Đây là một lễ hội văn hóa du lịch có quy mô quốc gia và quốc tế, giới thiệu được những giá trị nghệ thuật đặc sắc của Việt Nam, của Huế và nhiều quốc gia trên thế giới, đồng thời là dịp tôn vinh Nhã nhạc Cung đình Huế - kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại vừa được UNESCO công nhận, tiếp tục tạo ra động lực thúc đẩy kinh tế du lịch và văn hóa phát triển, khẳng định lợi thế của một thành phố Festival của Việt Nam.

Festival Huế 2006[sửa | sửa mã nguồn][sửa | sửa mã nguồn]

Festival Huế 2006 với chủ đề “700 năm Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế, Di sản Văn hóa với Hội nhập và Phát triển” - quy tụ 1.440 nghệ sĩ, diễn viên của 22 đoàn nghệ thuật trong nước (1171 diễn viên) và 22 đoàn nghệ thuật quốc tế (269 diễn viên) đến từ các nước: Pháp, Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Anh, Argentina, Indonesia, Úc. Festival Huế 2006 tiếp tục phát huy được những kết quả và các kinh nghiệm của các kỳ Festival trước, đã đạt được các yêu cầu đặt ra, thu hút 1,5 triệu lượt người tham dự vào các hoạt động tại Festival Huế. Một tháng khởi động trước khai mạc và 9 ngày đêm liên tục từ 3/6 đến 11/6/2006, Festival Huế 2006 đã mang đến cho công chúng 138 suất diễn, trên 40 hoạt động văn hóa và lễ hội cộng đồng. Chương trình đã được công luận đánh giá là một lễ hội mang đậm chất dân tộc, hiện đại, hoành tráng, hấp dẫn và an toàn, thể hiện được đẳng cấp của một Festival chuyên nghiệp và có tính quốc tế của Việt Nam. Đặc biệt, Festival Huế 2006 đã tiếp tục đánh thức, khơi dậy những giá trị văn hóa Việt Nam, văn hóa Huế, tiếp thị một cách có hiệu quả với bạn bè năm châu hình ảnh của cố đô Huế, thành phố Festival của Việt Nam.

Một vài hình ảnh Festival Huế 2008[sửa | sửa mã nguồn]

Festival Huế 2010[sửa | sửa mã nguồn]

Sau nhiều lần tổ chức với những thành công vượt bậc, Festival đã trở thành thương hiệu riêng của Huế. Thành phố hiền hòa nằm bên bờ sông Hương thơ mộng mỗi mùa festival về, được đón bạn bè khắp năm châu lại sôi động hẳn lên. Và năm nay nhân kỷ niệm thủ đô tròn 1000 năm tuổi, cố đô sẽ đãi bạn bằng những “đặc sản” độc đáo hứa hẹn một mùa festival với những ấn tượng khó phai.

Với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”, Festival Huế 2010 sẽ khai mạc vào ngày 5/6 và bế mạc vào ngày 13/6. So với những lần trước, Festival lần này sẽ có sự góp mặt của đoàn nghệ thuật các quốc gia ở cả 5 châu lục, là nơi gặp gỡ đầy ấn tượng của các thành phố vốn là cố đô, các thành phố có di sản thế giới. Theo ông Ngô Hòa-Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện đã có 31 quốc gia đăng ký tham gia với tổng số hơn 40 nhóm nghệ sĩ và đoàn nghệ thuật sẽ biểu diễn 31 chương trình gồm nhiều thể loại phong phú: ca múa nhạc, xiếc, sân khấu, nghệ thuật đường phố, nghệ thuật sắp đặt, rối, điện ảnh, triển lãm….

Các đoàn nghệ thuật trong nước cũng hội tụ khá đông đủ với những đơn vị nghệ thuật danh tiếng ở Trung ương và địa phương như: nhà hát ca múa nhạc Thăng Long, Bông Sen, đoàn ca múa nhạc An Giang, Đắc Lắc, Đà Nẵng, Huế, thành phố Hồ Chí Minh ….

Festival năm nay tập trung khai thác không gian văn hóa truyền thống của các kỳ festival Huế trước, đặc biệt sẽ mở rộng ra các vùng lân cận, các khu thị trấn, thị tứ, các khu đô thị mới…, tận dụng và khai thác tối đa không gian văn hóa của các công trình văn hóa, thể thao mới được hình thành.

Như thường lệ, điểm nhấn của Festival lần này chính là lễ khai mạc với chương trình nghệ thuật đặc biệt, hội tụ sắc màu văn hóa của 5 châu. Trước ngày khai mạc sẽ diễn ra những hoạt động hưởng ứng khởi động và chào mừng Festival Huế 2010 phong phú, sôi nổi và hấp dẫn.

Festival Huế 2010 quy tụ các chương trình biểu diễn nghệ thuật tiêu biểu của Việt Nam, đặc biệt là nghệ thuật cung đình Huế và đặc trưng tiêu biểu của những vùng văn hóa ở Việt Nam; các chương trình nghệ thuật mang đậm sắc thái văn hóa của 5 châu lục đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới (Pháp - đối tác chính, Achentina, Anh, Ấn Độ, Bỉ, Campuchia, Đan Mạch, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Israel, Italia, Lào, Mông Cổ, Mêhicô, Nga, Nhật Bản, Thái Lan, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Sĩ, Cộng Hoà Trung Phi, Trung Quốc, Úc, ...).

Festival Huế 2010 sẽ tiếp tục tái hiện lại các lễ hội cung đình độc đáo của cố đô Huế với quy mô, chất lượng và hình thức thể hiện hấp dẫn, quy tụ sự tham gia của đông đảo lực lượng nghệ sĩ, diễn viên và công chúng như lễ Tế Giao, Đêm Hoàng Cung, Khám phá Huyền thoại Sông Hương. Nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long và sự kiện chúa Nguyễn Phúc Lan chọn Kim Long làm thủ phủ, Festival sẽ xây dựng chương trình sân khấu hoá “Hành trình mở cõi về phương Nam” và tái hiện nghệ thuật “Cuộc thao diễn thuỷ binh dưới thời chúa Nguyễn Phúc Lan”… Bên cạnh đó còn có Lễ hội Áo dài độc đáo với không gian và thiết kế đầy màu sắc, sang trọng và đậm đà nét Huế.

Chương trình “Đêm Phương Đông” phô diễn vẻ đẹp lộng lẫy và sắc thái độc đáo của trang phục các dân tộc Châu Á. “Đám cưới truyền thống Huế” gắn với các hoạt động ẩm thực phục vụ du khách. Ngày hội ẩm thực “món chay xứ Huế”… Từ kinh đô Huế huyền ảo đến các vùng phụ cận, từ những đền đài, cung điện, lăng tẩm đến những phố cổ và làng nghề xứ Huế sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, du lịch, lễ hội đa dạng.

Để tạo không khí sôi động, làm vệ tinh cho các hoạt động chính của Festival Huế 2010 còn có các chương trình xã hội hóa như: Festival dành cho thiếu nhi “Những khối vuông mùa hạ”, festival thơ Huế, triển lãm tranh sơn mài “Tự sự cố đô”, triển lãm mỹ thuật “Từ cố đô Thăng Long đến cố đô Huế”, hội thảo “Khoa học với đời sống cộng đồng”….

Đến với Huế, tham dự Festival 2010, du khách còn được khám phá nghệ thuật sống đa dạng của cố đô Huế, khám phá các tuyến du lịch cộng đồng, du lịch đầm phá đầy kỳ thú: “Một ngày, một đêm, một cuộc phiêu lưu”, “Tam Giang, Nắng và Gió”…Hành hương về những ngôi chùa Huế nổi tiếng, được đắm mình trong các lễ hội truyền thống, lễ hội dân gian, thăm các lăng mộ huyền bí của các đời vua, những địa điểm thơ mộng, thưởng thức những món ăn đậm đà xứ Huế. Trên dòng sông Hương thơ mộng thưởng thức những làn điệu ca Huế man mác. Festival Huế 2010 hứa hẹn một mùa lễ hội với nhiều nét mới, đặc sắc, ấn tượng và hấp dẫn đối với du khách gần xa./.

Festival Huế 2014[sửa | sửa mã nguồn]

Diễn ra trong 9 ngày (từ 12-20/4) tại tỉnh Thừa Thiên-Huế, Festival Huế 2014 với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển” đã kết thúc bằng buổi lễ bế mạc hoành tráng vào tối 20/4 tại công viên cầu Gia Hội.

Trong buổi họp báo ngày 21/4 tại thành phố Huế, BTC Festival Huế 2014 công bố, đây là lễ hội lớn nhất Việt Nam, thu hút hơn 2,4 triệu lượt người tham dự, trong đó có hơn 230.000 lượt khách lưu trú tại các khách sạn, nhà nghỉ (tăng 25% so với Festival Huế 2012), hơn 100.000 khách quốc tế là công dân đến từ 121 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đến với Huế.

Cũng trong buổi họp báo, BTC đã cùng các phóng viên nhìn lại 9 ngày hành trình của Festival Huế với hàng trăm hoạt động đặc sắc. Bên cạnh đó là những thiếu sót mà BTC cần phải khắc phục để có thể tổ chức một kỳ Festival tốt hơn.

Festival Huế 2014: Ấn tượng và đa sắc màu văn hóa[sửa | sửa mã nguồn]

Giữ gìn bản sắc nhưng luôn luôn mới, phát huy nghệ thuật truyền thống gắn liền giới thiệu tinh hoa của nghệ thuật đương đại, Festival Huế 2014 được đánh giá là ấn tượng, quy mô hoành tráng nhất từ trước đến nay khi có sự tham gia của 2.600 nghệ sỹ đến từ 43 đoàn nghệ thuật quốc tế và 23 đoàn nghệ thuật trong nước.

Các hoạt động của Festival được diễn ra ở khắp mọi nơi: trên đường phố Huế, các sân khấu ở Đại Nội, Cung An Định và các sân khấu cộng đồng ở khắp mọi vùng của tỉnh; chương trình cũng mang nhiều ý nghĩa xã hội khi các hoạt động biểu diễn giao lưu đặc biệt dành cho thiếu nhi, cho bệnh nhân trong bệnh viện, cho trẻ khuyết tật, về với nông dân, đến với công nhân...

Điển hình như Lễ khai mạc Festival, Lễ hội Áo dài, Đêm Hoàng cung, Đêm Phương Đông đều nhận được nhiều phản hồi khá tốt của du khách với sự hoành tráng và tỉ mỉ. Hay đêm tôn vinh ca Huế - "Âm sắc hương Bình" được diễn ra tại Nghinh Lương Đình cũng đã thu hút hàng nghìn khán giả đến xem.

“Đã có những nhận định cho rằng, Festival Huế 2014 lãng phí, bội thực hoạt động, song nhìn lại con số đoàn nghệ thuật tham gia, những giá trị về kinh tế, văn hóa, đối ngoại mang lại… thì hiệu quả của Festival Huế là không cần bàn cãi. Festival Huế đang “lãi” lớn về mặt chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa”

Ông Ngô Hòa, Trưởng BTC Festival Huế 2014

Cùng với đó, nhiều chương trình văn hóa nghệ thuật diễn ra ngoài trời, quảng diễn đường phố “Di sản và sắc màu văn hóa” trong khuôn khổ “Giao lưu văn hóa Đông Á - Mỹ Latinh” cũng đã nhận được sự quan tâm của nhiều khán giả trong mỗi buổi trình diễn.

Theo báo cáo của BTC, các lễ hội ”Hương xưa làng cổ - Phong Hải biển nhớ” thu hút 50.000 lượt du khách, ”Chợ quê ngày hội” là 45.000 lượt, Liên hoan ẩm thực quốc tế có 40.000 lượt, ”Liên hoan Diều những cánh bay Việt Nam” 10.000 lượt... cùng với các hoạt động triển lãm, các giải thi đấu thể thao, âm nhạc/múa đến Hội nghị Bộ trưởng phụ trách văn hóa nghệ thuật các nước ASEAN+3… đã mang cho Festival Huế 2014 một không gian rực rỡ sắc màu, khắc họa đậm nét một vùng di sản và thể hiện rõ sự giao lưu văn hóa với các quốc gia trên thế giới.

Phát biểu tại buổi họp báo tổng kết, ông Ngô Hòa – Trưởng BTC Festival Huế 2014, khẳng định: “Đến thời điểm này, chúng ta vui mừng khẳng định rằng, Festival Huế lần thứ 8 - 2014 đã thành công tốt đẹp, được đánh giá là một Festival ấn tượng, thân thiện, an toàn và đầy tính nhân văn, là Festival thành công nhất từ trước đến nay”.

Rất nhiều du khách lần đầu đến với Huế cũng bị ấn tượng bởi quy mô và cách thức tổ chức các hoạt động. Anh Travis, quốc tịch Australia cho biết: “Rất tình cờ, tôi và các bạn đến Huế đúng dịp Festival. Tôi thấy Festival diễn ra với rất nhiều hoạt động thú vị, ở đường phố nào cũng nhìn thấy những băng rôn, áp phích. Các chương trình đường phố diễu hành rất sôi động”.

Vẫn còn nhiều thiếu sót[sửa | sửa mã nguồn]

Tuy nhiên, với một Festival có quy mô lớn, thời gian dài, lại diễn ra trên một không gian rộng nên Festival Huế 2014 không thể tránh khỏi những thiếu sót, khiến nhiều du khách đến với Huế không hài lòng.

Điển hình như tình trạng tăng giá phòng bất thường, ép giá, hủy đặt phòng tại một số khách sạn nhỏ đã gây nhiều khó khăn cho du khách.

Các dịch vụ ăn uống, giữ xe cũng tăng giá một cách bừa bãi khi thấy lượng khách đổ về xem Festival ngày một đông. Điển hình là nhiều bãi xe đã tăng giá vé từ 5.000 đồng theo qui định của BTC lên thành 10.000 - 20.000 đồng. Ngoài ra, vệ sinh an toàn thực phẩm cũng là điều đáng nói khi số lượng các quầy hàng rong tăng một cách đáng kể tại những điểm diễn ra sự kiện, cùng với đó là tình trạng rác rưởi đầy đường sau những lễ hội chính.

Đồng thời, với gần 100 chương trình nghệ thuật và 170 suất diễn, nhiều chương trình tại Festival Huế được các du khách cho rằng khá chồng chéo, rất khó để có thể đi xem hết các sự kiện. Theo quan sát của phóng viên VOV online, nhiều hoạt động chỉ đông đúc vào ngày đầu mà không còn hấp dẫn vào ngày sau. Điển hình như "Chợ quê ngày hội" hay "Hương xưa làng cổ - Phong Hải biển nhớ" tổ chức khá rời rạc và thiếu bản sắc.

Giải thích về điều này, ông Ngô Hòa cho biết: "Sự kiện diễn ra liên tục, chồng chéo để cho người dân có cơ hội lựa chọn sự kiện phù hợp, nếu không đi được ngày đầu thì có thể đi ngày sau. Riêng các hoạt động triển lãm, “Chợ quê ngày hội”, “Hương xưa làng cổ” nghiêng nhiều về phần tái hiện, phô diễn các hình thức của ngày xưa nên không thể có sự đổi mới. Còn việc rác rưởi, BTC đã cố gắng huy động lực lượng giữ gìn vệ sinh nhưng chủ yếu là do ý thức của người dân".

Ngoài ra, dù có hơn 300 tình nguyện viên tại các điểm diễn ra sự kiện nhưng đến 70% là tham gia lần đầu tiên, không có nhiều kinh nghiệm ứng xử với du khách quốc tế, cũng như không nắm được hết các thông tin về địa điểm và thời gian diễn ra các sự kiện.

Một vấn đề được các nhà báo quan tâm trong buổi họp báo tổng kết là sự đầu tư, chọn lọc các đoàn nghệ thuật quốc tế cũng như trong nước trình diễn trong Festival Huế 2014. Nhiều đoàn thiếu chuyên nghiệp dẫn đến một số chương trình diễn ra “luộm thuộm”, thiếu đầu tư đúng mức và chỉ mang tính chất “hoạt động đường phố”.

BTC Festival Huế 2014 đã thừa nhận rằng không đủ lực lượng để trải đều các hoạt động: "Lực lượng tình nguyện viên hầu hết là sinh viên, không có nhiều kinh nghiệm. Các đoàn đến tham dự Festival phải đăng ký các tiết mục biểu diễn với BTC. Chúng tôi đã có loại bỏ một số tiết mục có yếu tố không phù hợp nhưng do các đoàn quá đông nên cũng để xảy ra nhiều sai sót".

Những điều trên ít nhiều đã ảnh hưởng đến Festival Huế 2014, để lại những ấn tượng không tốt về Huế trong lòng du khách. Hy vọng những vướng mắc trên sẽ được giải quyết trong những kỳ Festival tới, để Huế xứng danh là thành phố du lịch, thành phố Festival của ASEAN./.

Festival Huế 2016[sửa | sửa mã nguồn]

Chương trình nghệ thuật kéo dài hơn 60 phút với 13 tiết mục nghệ thuật có nội dung xuyên suốt: Huế mãi đẹp và thơ. Vì vậy, nhiều tiết mục mang âm hưởng, bàng bạc chất Huế, kể cả đến từ miền Bắc, miền Nam hay từ Israel, Nhật Bản… cũng để tôn thêm trầm tích cho Huế.

Mở đầu là tiết mục Âm sắc hội cố đô với hoạt cảnh những lưu dân người Việt mở cõi đất phương Nam từ hàng trăm năm trước. Kế đến là các tiết mục của Huế như Trầm tích thơ Huế, Lục triệt hoa Mã Đăng, Dòng sông ai đã đặt tên…

Một số đoàn nghệ thuật cũng góp mặt trong lễ khai mạc, như Đoàn múa Hallelujah của Israel, Đoàn múa Amurskie Zori của Nga, Đoàn múa truyền thống Takamine Hisae của Nhật Bản…

Kết thúc là màn pháo hoa tầm cao diễn ra trong 15 phút, rực rỡ bầu trời cố đô.

Ông Nguyễn Văn Cao - chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết mục đích của festival là quảng bá văn hóa Việt Nam và văn hóa Huế, là nơi gặp gỡ giao lưu các vùng văn hóa tiêu biểu của VN và các nền văn hoá thế giới, qua đó tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống cũng như những giá trị đích thực của văn hoá đương đại, đồng thời khẳng định văn hoá là cầu nối giữa các quốc gia.

Ông Phạm Bình Minh - uỷ viên Bộ chính trị, Phó thủ tướng Chính phủ đánh giá: Đối với quốc tế, Festival Huế đã trở thành "một biểu tượng của hội nhập quốc tế về văn hóa của Việt Nam" và là nơi nhiều nước, nhiều tổ chức và nhà hoạt động văn hóa các nước hướng đến để giới thiệu về mình, tổ chức, đất nước và nền văn hóa của mình.

Theo ông: “Festival Huế đã trở thành một thành tố quan trọng của các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội không chỉ của tỉnh Thừa Thiên - Huế mà mà còn của cả nước, đóng góp trực tiếp và gián tiếp vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và thực thi các chính sách của Nhà nước về việc bảo tồn và phát huy các di sản, các giá trị truyền thống của Việt Nam".

Festival Huế 2016 có chủ đề 710 năm Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế - Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển diễn ra đến hết ngày 4-5, là nơi trình diễn của 36 đoàn nghệ thuật, trong đó có 23 đoàn đến từ 17 nước trên thế giới.

Có hơn 50 hoạt động văn hóa nghệ thuật; không gian chính của lễ hội ở hai bờ sông Hương, trong Hoàng thành Huế, cung An Định và nhiều làng quê ven đô của Huế.

Festival Huế 2018[sửa | sửa mã nguồn]

Với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển - Huế 1 điểm đến 5 di sản”, Festival Huế lần thứ 10 diễn ra từ ngày 27/4 đến ngày 2/5, qui tụ những chương trình nghệ thuật đặc sắc, đại diện và mang dấu ấn của những vùng văn hoá khác nhau trên thế giới.

Trong đó, nhấn mạnh về tinh hoa văn hóa nghệ thuật Việt Nam, đặc biệt là 5 di sản văn hóa đã được UNESCO công nhận gồm: Quần thể di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình Huế, Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn, Thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế. Đây là nguồn tài nguyên văn hóa đa dạng, mang bản sắc đặc trưng để giới thiệu với công chúng và bạn bè quốc tế.

Trong 6 ngày diễn ra Festival Huế 2018, gần 2.000 nghệ sĩ của các nhà hát, đoàn nghệ thuật trong nước và nghệ sĩ đến từ 19 nước trên thế giới tham gia biểu diễn 38 chương trình nghệ thuật, lễ hội tại các sân khấu trung tâm thành phố và các huyện.

Nhiều lễ hội, chương trình nghệ thuật có chất lượng cao, quy mô lớn, độc đáo, hoành tráng sẽ diễn ra như:

Lễ Khai mạc: 20h00 ngày 27/4/2018 tại Quảng trường Ngọ Môn;

Lễ Tế Giao: 03h00 ngày 27/4/2018 tại Đàn Nam Giao;

Chương trình nghệ thuật Văn hiến Kinh kỳ”: 19h15 - 21h15 ngày 28/4 & 30/4/2018 tại Đại Nội Huế;

Yến tiệc Hoàng Cung: 19h30 các ngày 27, 28, 29, 30/4 & 1, 2/5/2018 tại Duyệt Thị Đường – Đại Nội;

Lễ hội Đường phố “Sắc màu văn hóa”: 16h các ngày 28, 29, 30/4 & 1/5/2018 trên các tuyến phố chính:

  Ngày 28/4: Khai mạc tại Cung An Định - Hùng Vương - Đống Đa - Lý Thường Kiệt;

   Ngày 29/4: Trung tâm Văn hóa TP - Trần Hưng Đạo - Phan Đăng Lưu;

   Ngày 30/4: Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh - Hùng Vương - Trung tâm Dịch vụ Du lịch Festival;

   Ngày 1/5: Cửa Hòa Bình - Đặng Thái Thân - Đoàn Thị Điểm - Mai Thúc Loan - Đinh Tiên Hoàng - Sân Hàm Nghi

Liên hoan Hát văn, hát Chầu văn toàn quốc năm 2018: từ 19h các ngày 26 - 29/4/2018 tại Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh;

Chương trình Âm nhạc Trịnh Công Sơn: 19h00 - 21h ngày 28/4/2018 tại Phu Văn Lâu;

Chương trình nghệ thuật “Âm vọng sông Hương”: 20h ngày 29/4/2018 tại Ngã ba sông Đông Ba - Công viên Trịnh Công Sơn;

Chương trình nghệ thuật “Tỏa sáng niềm tin”: 20h00 ngày 01/5/2018 tại Công viên Cầu Dã Viên;

Lễ Bế mạc: 20h ngày 02/5/2018 tại Quảng trường Ngọ Môn./.

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

Trong bài viết này chúng tôi có tham khảo nhiều thông tin từ: Khai mạc Festival Huế 2016: Huế mãi đẹp và thơ trên tuoitre.vn

Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]