Thảo luận:Thành Tân Sở

Nội dung trang không được hỗ trợ ở ngôn ngữ khác.
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Dự án Lịch sử Việt Nam
Trang này được thực hiện với sự phối hợp của các thành viên thuộc dự án Lịch sử Việt Nam, một dự án hợp tác giữa các thành viên nhằm nâng cao chất lượng các bài viết về Lịch sử Việt Nam. Nếu bạn muốn tham gia, xin hãy đến thăm trang của dự án! Bạn cũng có thể ghé qua trang thảo luận để trao đổi hoặc đề xuất ý kiến.
Sơ khaiBài viết sơ khai.
ThấpBài viết được đánh giá ít quan trọng.

Nội dung không nguồn chuyển từ bài Tân Sở: ---Hungda (thảo luận) 14:09, ngày 25 tháng 11 năm 2012 (UTC)[trả lời]

Tân Sở thuộc vùng Cùa gồm 2 xã Cam ChínhCam Nghĩa của huyện Cam Lộ ngày nay, cách thị xã Quảng Trị 30km về hướng Tây Nam, Tân Sở nằm trên một quả đồi thấp, phía Nam có núi Voi Mẹp cao 1.701m, Tây Nam có động 303, động Nam, Tây Bắc có đồi 241, Chính Bắc có động Chóp Bụt, Đông Bắc có đèo Cùa án ngữ. Tân Sở được bốn bề che chắn bởi núi đồi chập chùng, hiểm trở bao quanh, biệt lập và kín đáo rất lý tưởng để xây dựng thành lũy. Hơn nữa Tân Sở có lối thông qua Lào và ra Bắc theo hai lối thượng đạo: một là dọc theo phía Đông dãy Trường Sơn, hai là đi qua Lao Bảo, Khe Sanh theo phía Tây Trường Sơn. Vua Hàm Nghi từng theo lối Tây Trường Sơn để ra Quảng Bình, Hà Tĩnh.

Vào năm 1858, khi người Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam, nhà Nguyễn đã từng bước nhượng bộ và đầu hàng. Trước nguy cơ mất nước, Thượng thư bộ binh Tôn Thất Thuyết và quan phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường cùng phái chủ chiến của triều đình đã tiến hành xây dựng khẩn trương khu căn cứ Tân Sở tại vùng Cùa núi non hiểm trở (thuộc làng Mai Đàn, xã Cam Chính hiện nay).

Căn cứ được bắt đầu xây dựng từ năm 1883 và được hoàn thành vào năm 1886. Thành Tân Sở được xây theo cấu trúc chữ nhật dài 548m, rộng 418m, với tổng diện tích là 22,9ha. Thành ngoại có 4 cửa tiền, hậu, tả, hữu, đắp bằng đất, phía ngoài có hàng rào cọc nhọn và hệ thống hào bao quanh. Xung quanh thành, mỗi phía trồng bốn hàng tre chen dày, đan kín. Bờ tre ngoài cùng cách bờ tre thứ hai 21m, bờ tre thứ hai cách bờ tre thứ ba 13m, bờ tre thứ ba cách bờ tre thứ tư 5m. Giữa các bờ tre là tường thành đắp bằng đất nện chặt. Ở bốn góc thành có bốn giếng nước sâu 20m.

Bên trong thành ngoại có nhà cửa, trại lính, kho hậu cần, bãi tập trận của voi, ngựa. Tiếp đó là thành nội được xây vững chắc và ở giữa là nơi làm việc của vua quan. Sau sự kiện binh biến đêm 23/5/1885 tại kinh thành Huế, phái chủ chiến tiến hành đánh úp giặc Pháp nhưng thất bại. Vua Hàm Nghi cùng các quan đại thần của phái chủ chiến và đoàn tùy tùng phụ xa giá ra Tân Sở. Tại đây, ngày 13/7/1885, thay mặt vua Hàm Nghi, Tôn Thất Thuyết đã ban hịch Cần Vương kêu gọi nhân dân phụng sự vua đánh giặc Pháp. Từ đó, Tân Sở trở thành trung tâm lãnh đạo kháng chiến của phong trào Cần Vương.

Trong những ngày đóng tại Tân Sở, vua Hàm Nghi và quần thần binh lính cũng dựa vào người dân Tà Ôi, Vân Kiều để di chuyển lên hướng Tây. A Xóc, A Chuẩn, Tà Hác, động Voi Mẹp, Núi Trống, Khe Thác Trịch, động Tù Moái... là những nơi mà nhà vua từng đặt chân đến. Ngày trước, người Pháp từng gọi đèo Cùa là đèo Súng đại bác (Col des Canons) vì họ tìm thấy trên đèo có nhiều súng thần công của quân đội Hàm Nghi bỏ lại. Cũng trong thời gian này, vua Hàm Nghi từng được người dân (Kinh, Thượng) hết lòng che chở như ông Nguyễn Vạn ở xóm Cây Đa (Cam Chính), rồi xóm Động ở làng Bảng Sơn là những nơi đã đón rước nhà vua. Quảng Trị là vùng đất tự hào vì được cùng chung lưng đấu cật với phong trào Cần Vương và vua Hàm Nghi.

Về mặt quân sự, binh pháp và cả dịch học thì việc xây dựng thành lũy Tân Sở và đặt đại bản doanh cho kinh đô kháng chiến trong điều kiện và hoàn cảnh lịch sử bấy giờ thật là lý tưởng. Theo L.M Delvanx (xem Le Camp de Tân Sở, tập san Đô thành hiếu cổ số 1, 1942) thì “Người chọn địa điểm có lẽ là Nguyễn Văn Tường (trong cuộc kinh đô quật khởi là Phụ chính đại thần), vì ông đã từng 5 năm liền phụ trách Nha Sơn phòng Cam Lộ, và biết rõ mọi nẻo ngách cùng này”. Thật ra, dưới thời Tự Đức, sau khi Pháp xâm lược nước ta, Nguyễn Văn Tường đã có những bản tấu về vị trí quan trọng của Tân Sở. Năm Tự Đức thứ 29 (1876) từ Nha kinh lý ở Đông Mão, đã cho đổi thành Sơn phòng Nha quản hạt phủ Cam Lộ. Năm Quý Mùi (1884) đã chuẩn bị cho Tân Sở: Sơn phòng của Quảng Trị có thể làm hậu lộ cho kinh đô... Nối liền với chỗ đất cũ là ở trên địa phận xã Bảng Sơn... địa thế rộng rãi, có thể chứa được một khu kiến trúc lớn di về đây. Vua chuẩn y. Đến lúc ấy bèn chuẩn cho đắp thành, đào hào, xây cất nha sự, kho súng, nhà lính, các tòa kỳ đài, pháo đài... (Đại Nam thực lục chính biên, tập 36, Nhà xuất bản KHXH 1976). Điều này cho thấy Tân Sở là một cứ điểm quan trọng trong tính toán việc “hậu lộ” của triều đình nhà Nguyễn.

Sau đêm 22.5 và sáng 23.5 âm lịch, tức ngày 4 – 5.7.1885, ngày kinh đô quật khởi vua Hàm NghiTôn Thất Thuyết cùng đoàn tùy tùng theo đường La Chữ lên Văn Xá rồi xa giá ra Quảng Trị vào ngày 24.5 âm lịch. Vua đã qua đêm tại hành dinh Quảng Trị. Có giả thuyết cho rằng: Vào rạng sáng 25.5 âm lịch vua Hàm Nghi ra Dụ Cần Vương, rồi tiếp tục lên Tân Sở. Tuy nhiên theo Quốc Sử quán triều Nguyễn thì Chiếu Cần Vương được phát đi vào ngày 2.6 âm lịch tức ngày 23.7.1885 từ Tân Sở.

Mặc dù chỉ lên ngôi vỏn vẹn hơn 11 tháng, nhưng Vua Hàm Nghi là linh hồn của cuộc kháng chiến. Căn cứ Tân Sở là nơi ghi dấu mốc son lịch sử của Vua Hàm Nghi và triều đình kháng chiến, ghi nhận sự vùng dậy cuối cùng của giai cấp phong kiến trong việc lãnh đạo nhân dân chống ngoại xâm. Di tích Tân Sở đã được Bộ VHTT xếp hạng quốc gia theo Quyết định số 65/QĐ-VHTT ngày 16/1/1995.

Sau khi Vua Hàm Nghi và lực lượng phái chủ chiến rút lui khỏi thành Tân Sở, thực dân Pháp tiến hành bao vây, đốt phá và hủy diệt căn cứ này. Đến khi thực dân Pháp rút lui, đế quốc Mỹ tiếp quản khu vực, đã san ủi vùng Cùa, trong đó có Tân Sở, biến nơi đây thành căn cứ quân sự của chúng. Đến nay, dấu tích thành Tân Sở chẳng còn để lại chút gì, chỉ còn lờ mờ vài bụi tre bảo vệ thành và bên cạnh đó là làng tái định cư Cồn Trung mới hình thành.

Hiện nay, thành Tân sở chỉ còn lại trong trí nhớ của những cụ già và người dân ở xã Cam Chính. Một dấu tích thành xưa oai hùng với cả một “công trường kháng chiến” huy động hàng vạn dân phu, lính tráng nay đã bị bỏ rơi, quên lãng.

Hiện tại, UBND huyện Cam Lộ đã quy hoạch 5 ha đất thuộc địa phận thành Tân Sở ngày xưa để chuẩn bị cho việc phục dựng, bảo vệ và tôn tạo di tích Tân Sở sau này. UBND huyện Cam Lộ đề nghị đưa di tích Tân Sở vào danh mục di tích thuộc tỉnh quản lý và đưa vào danh mục đầu tư theo chương trình mục tiêu cấp quốc gia giai đoạn 2 để thuận lợi cho việc tôn tạo, tránh tình trạng hoang phế di tích.