Thanh Điền (nghệ sĩ cải lương)

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
(Đổi hướng từ Thanh Điền (nghệ sĩ))
Nghệ sĩ Nhân dân
Thanh Điền
Thông tin cá nhân
Sinh
Tên khai sinh
Nguyễn Thanh Điền hoặc Nguyễn Ngọc Chiếu
Ngày sinh
15 tháng 7, 1945 (78 tuổi)
Nơi sinh
Vị Thanh, Hậu Giang, Liên bang Đông Dương
Giới tínhnam
Quốc tịch Việt Nam
Nghề nghiệp
  • Diễn viên sân khấu
  • Đạo diễn sân khấu
  • Nhiếp ảnh gia
Gia đình
Bố mẹ
Nguyễn Thành Long
Nguyễn Thị Tâm
Hôn nhân
Bùi Thị Huệ (cưới 1975–2021)
Lĩnh vựcCải lương
Danh hiệuNghệ sĩ ưu tú (1993)
Nghệ sĩ nhân dân (2023)
Sự nghiệp sân khấu
Thành viên của
  • Hoa Phượng
  • Kim Chung 2
  • Xuân Liên Hoa
  • Sài Gòn 1, 2, 3
Vai diễnHuyện Trìa trong Ngao Sò Ốc Hến
Website

Thanh Điền (sinh ngày 15 tháng 7 năm 1945) là nghệ sĩ cải lương, diễn viên điện ảnh, đạo diễn sân khấu, nhiếp ảnh gia người Việt Nam. Ông được Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu túNghệ sĩ nhân dân. Ngoài ra ông còn được biết đến là chồng của nghệ sĩ cải lương nổi tiếng Thanh Kim Huệ.

Tiểu sử[sửa | sửa mã nguồn]

Ông tên thật là Nguyễn Thanh Điền, còn có tên là Nguyễn Ngọc Chiếu, sinh năm 1945 tại Vị Thanh, tỉnh Chương Thiện (nay là tỉnh Hậu Giang), trong gia đình có 9 anh em[1]. Tuy cha ông, ông Nguyễn Thành Long, là nghệ sĩ đờn ca tài tử, thân mẫu, bà Nguyễn Thị Tâm, là võ sư, đều không muốn con cái theo nghiệp của 2 người, nhưng lại có nhiều ảnh hưởng đến sự nghiệp của con[2]. Về sau, trong gia đình có ba người con theo nghề hát, ngoài Thanh Điền còn có 2 em gái Hà Mỹ Liên (tên thật là Nguyễn Thị Thu Hà), Hà Mỹ Xuân (tên thật là Nguyễn Thị Xuân).[1][3]

Sinh ra và lớn lên trong thời gian chiến tranh, gia đình ông thường xuyên phải chạy loạn nhiều nơi trước khi định cư hẳn ở Long Xuyên.

Bước đầu sự nghiệp[sửa | sửa mã nguồn]

Tuy bị song thân ngăn cản, nhưng ảnh hưởng của 2 người lại giúp cho ông sớm có sự đam mê cũng như những tố chất nghề diễn. Khi gia đình định cư tại Long Xuyên, ông trốn gia đình học nghề từ danh ca Ngọc Ẩn, người được mệnh danh là "Đệ nhất danh ca miền Tây" lúc đó. Năm 1959, ông bắt đầu bước vào nghề diễn khi mới 12 tuổi.[1]

Trong nghiệp diễn của mình, ông học hỏi nhiều nghệ sĩ nổi tiếng thời bấy giờ như Trường Xuân, Hoàng Giang, Việt Hùng, Minh Chí, Hữu Phước, Hùng Minh, Diệp Lang... Ông dần có được tên tuổi khi giữ vai trò kép độc mùi qua nhiều đoàn lớn như Hương Mùa Thu, Hoa Thế Hệ, Sao Ngàn Phương, Kim Chung v.v... qua các vở: Nhất kiếm bá vương (vai Tống Từ Ly), Chiều thu sầu ly biệt (vai Hắc Vạn), Kiếp nào có yêu nhau (vai Thành Cát Tư Hãn) v.v...

Năm 1969, ông tham gia đoàn hát Hoa Phượng của Bầu Trung. Trong một lần đi lưu diễn, đoàn gặp tai nạn lật ghe ở gần bến phà Vàm Cống. Ông đã dũng cảm cứu sống được nhiều người, trong đó có một cô đào non mới 14 tuổi tên Bùi Thị Huệ, người về sau trở thành bạn đời của ông.[4][5]

Duyên phận trăm năm[sửa | sửa mã nguồn]

Sau tai nạn lật ghe không lâu, đoàn Hoa Phượng tan rã. Ông cùng một số diễn viên còn lại của đoàn sang gia nhập đoàn Kim Chung 2 năm 1970. Năm 1974, ông thành lập gánh hát Xuân Liên Hoa[6]. Người bạn gái và bạn diễn cũ là Thanh Kim Huệ cũng theo về làm đào chánh. Ông bà thành hôn với nhau đầu năm 1975.[7]

Huyện Trìa (Thanh Điền) và Thị Hến (Thanh Kim Huệ) trong vở cải lương "Ngao Sò Ốc Hến", năm 1982.

Sau năm 1975, ông bà tiếp tục tham gia các đoàn cải lương Sài Gòn 2, 3, 1, Văn công Thành phố Hồ Chí Minh, Nhân dân Kiên Giang. Đặc biệt, với vai diễn Huyện Trìa (Thanh Điền) và Thị Hến (Thanh Kim Huệ) trong vở chuyển thể cải lương Ngao Sò Ốc Hến năm 1982[8], ông bà đã ghi danh những vai diễn đặc biệt nhất của lịch sử cải lương.[9]

Cũng trong thập niên 1980, ông trở thành một trong những thành viên nòng cốt của đoàn Cải lương Sài Gòn 1 và bắt đầu tham gia làm đạo diễn. Trong giai đoạn thoái trào của cải lương, ông bà còn mở tiệm nhiếp ảnh để sinh kế[4]. Dù vậy, ông bà vẫn chung thủy với nghệ thuật cải lương, mở rộng vai trò tác giả kịch bản (Thanh Kim Huệ) và đạo diễn (Thanh Điền). Ghi nhận công lao của ông bà, nhà nước Việt Nam đã phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú năm 1993. Trong Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 1990, ông được tặng Huy chương vàng với vở "Đêm trắng" (vai diễn Bác Hồ) và trong Hội diễn SKCNTQ 1995, ông lại được tặng Huy chương vàng với vở "Nước mắt đen". Tại Liên hoan truyền hình toàn quốc năm 2003, ông bà đều được tặng Huy chương vàng trong vở "Khúc ly hương" với vai trò diễn viên chính (Thanh Điền) và tác giả (Thanh Kim Huệ). Năm 2023, ông được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân.[10]

Gia đình[sửa | sửa mã nguồn]

Ông và nghệ sĩ Thanh Kim Huệ kết hôn vào dịp Tết năm 1975 và có với nhau 2 người con là Nguyễn Đăng Quang (con trai, sinh năm 1977) và Nguyễn Đức Hồng Loan (con gái, sinh năm 1986, đã mất vì lâm trọng bệnh). Năm 2021, bà qua đời sau nhiều năm mắc bệnh ung thư.

Phim đã tham gia[sửa | sửa mã nguồn]

Truyền hình[sửa | sửa mã nguồn]

Năm Phim Vai diễn
1996 Biển động ngày hè
1997 Đất phương Nam Thầy Giáo Bảy
2000 Bến sông trăng
2006 Nhịp đập trái tim Ông Lâm
Cái bóng bên chồng Ông Ẩn
2007 Gọi giấc mơ về Ông Hoàng
2008 Một ngày không có em Ông Trung
Truy tìm dấu vết Ông Vinh
2009 Ra giêng ai cưới em? Ông Công Tôn Chí
Ngõ vắng Ông Hải
2010 Vũ điệu tình yêu Ông Đại
Vị yêu Ông Hoàng Sơn
30 ngày làm cha Ông Minh
2011 Về đất thăng long Vua Lê Hoàng
Theo dấu hương xưa Ông Lê Hoàng Bảo
Lặng lẽ yêu em Ông Khang
Không phải tôi Ông Trịnh Cát
Chân tình Ông Công
Khi tình yêu lên tiếng Ông Vĩnh Thụy
Anh và em Ba Kim Anh
2012 Tình mẹ
Trở về 2 Ông Ba
Chuyện xứ dừa Ông Năng
Hoa nắng Ông Hưng
Lạc mất linh hồn Ông Long
Tiếng tơ đồng Ông Tùng
Giấc mơ cỏ may Ông Danh
2013 Sóng gió làng nghề
Ánh ban mai Ông Công
Cạm bẫy thị thành Ông Dương
Hương bưởi Ông Sỹ
2014 Trả giá Ông Đại
Cha và con gái Ông Bình
Ảo vọng Giáo Sư Trịnh
Gỡ rối tơ lòng Ba Thầy Tân
Bằng chứng vô hình Thành Phát
2015 Khi em đã lớn Ông Quyền
Bản sao nguy hiểm Ông Đoàn Thái
Ải mỹ nhân Hội Đồng Thanh
Bác Ba Phi kén dâu Bác Ba Phi
Mặt nạ thiên thần Ông Thịnh
Khúc tương tư Ông Biện
2016 Ác thú vô hình
2017 Trần trung kỳ án Văn Tả
Yêu là phải liều Ông Sáu Hên
2018 Lộc lạ đầu xuân
Đảo ngọc tình yêu Ông Tấn
Bên kia sông Tám Nghĩa
Lần đầu làm mẹ Ông Hai Nhân
Cõi mộng Ông Ba Đạt
2020 Người đẹp làng hoa Ông Tư Kiểng
Người tình bố già Bảy Kiệt
Đò xuôi vạn lý Hội Đồng Siêu
2021 Chống lại số phận Ông Bân
2022 Lớp học đại ca Ông Vượng
Hồng nhan Ông Khang
Mặt trời khuyết Ông Chính
Tạp Hoá Năm Châu Ông Châu
2023 Ăn tết miệt vườn Ông Định

Điện ảnh[sửa | sửa mã nguồn]

Năm Phim Vai diễn Đạo diễn
2015 Cầu vồng không sắc Ông Ngoại Nguyễn Quang Tuyến
2017 Chơi thì chịu Ông Được Nguyễn Lâm

Dẫn chương trình[sửa | sửa mã nguồn]

  • TV Champion (VTC9)

Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ a b c Trúc Quỳnh, "Nghệ sĩ ưu tú Thanh Điền", Tạp chí HTV.
  2. ^ Ái Minh, "Đôi nghệ sĩ Thanh Điền - Thanh Kim Huệ: Khi đời ta có nhau", Tạp chí HTV.
  3. ^ Diễn viên đóng vai Trưng Nhị bên cạnh Nghệ sĩ ưu tú Thanh Nga vai Trưng Trắc trong vở "Tiếng trống Mê Linh".
  4. ^ a b Nghệ sĩ ưu tú Thanh Điền - Nghệ sĩ ưu tú Thanh Kim Huệ: Đồng vợ đồng chồng...
  5. ^ Thanh Kim Huệ: Ông xã "tán" tôi từ năm tôi… 14 tuổi!
  6. ^ Hai chữ Xuân Liên ghép từ nghệ danh của 2 em gái ông là Hà Mỹ Liên và Hà Mỹ Xuân.
  7. ^ Nguyễn Phương, "Nghệ sĩ Thanh Kim Huệ".
  8. ^ Do nghệ sĩ Năm Châu chuyển thể và nghệ sĩ Ba Vân làm đạo diễn.
  9. ^ Một số thành viên tham gia vở diễn này về sau cũng được nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu cao quý như Nguyễn Thành Châu (tác giả chuyển thể, Nghệ sĩ Nhân dân), Lê Long Vân (đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân), Trường Xuân (Bói Ngao, Nghệ sĩ ưu tú), Nam Hùng (Thầy Đề, Nghệ sĩ ưu tú), Tô Kim Hồng (Bà Huyện, Nghệ sĩ ưu tú).
  10. ^ Nguyễn Tấn Vinh - BTĐKT (27 tháng 10 năm 2023). “Quyết định của Chủ tịch nước về việc phong tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước "Nghệ sĩ Nhân dân", "Nghệ sĩ ưu tú". Sở Nội vụ tỉnh Bình Đình. Truy cập ngày 1 tháng 11 năm 2023.

Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]