Trường Cộng đồng Mỹ tại Sài Gòn

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Tòa nhà Stanvac ở Sài Gòn, mới được xây dựng vào năm 1955 và là trụ sở tạm thời cho ACS.

Trường Cộng đồng Mỹ tại Sài Gòn được thành lập vào năm 1954 nhằm cung cấp trường học kiểu Mỹ cho con cái phụ thuộc của người Mỹ làm việc cho các tổ chức chính phủ Hoa Kỳ tại Sài Gòn, Việt Nam Cộng hòa (nay là một phần của Thành phố Hồ Chí Minh, nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam). Một số tổ chức đó bao gồm Đại sứ quán Hoa Kỳ, Phái bộ Viện trợ Hoa Kỳ (USOM), Sở Thông tin Hoa Kỳ (USIS) và Đoàn Cố vấn Viện trợ Quân sự Mỹ (MAAG). Trường cũng nhận ghi danh con cái phụ thuộc của các công ty tư nhân Mỹ đang hoạt động tại Sài Gòn, cũng như một số gia đình ngoại giao không phải người Mỹ. Một số trẻ em người Việt Nam cũng theo học tại ngôi trường này. Trường phát triển nhanh chóng khi sự can dự của Mỹ vào chiến tranh Việt Nam leo thang, nhưng đã bị đóng cửa vĩnh viễn vào tháng 2 năm 1965 khi tất cả những người phụ thuộc của nhân viên chính phủ Mỹ được Tổng thống Lyndon Johnson ra lệnh rời khỏi Việt Nam.

Tổng quan về lịch sử trường[sửa | sửa mã nguồn]

Trường Cộng đồng Mỹ (ACS) tại Sài Gòn được thành lập vào năm 1954, cung cấp việc đi học cho con cái người phụ thuộc của nhân viên chính phủ và quân nhân Mỹ đóng quân ở đó.[1] Năm 1957, trường được mở rộng để bao gồm cả học sinh trung học và tiếp tục phát triển nhanh chóng khi nhiều nhân viên cố vấn quân sự và chính phủ Mỹ chuyển sang Nam Việt Nam.

Theo lệnh của Tổng thống Lyndon Johnson, những người phụ thuộc của phái đoàn ngoại giao, viện trợ và quân nhân Mỹ được lệnh rời khỏi Việt Nam vào tháng 2 năm 1965. Việc di tản những người phụ thuộc là vấn đề được chính quyền quan tâm trong suốt hơn một năm trời. Một số người phụ thuộc dường như rời đi trên những chiếc máy bay chở khách được gửi đến Sài Gòn sau khi điều động lực lượng thủy quân lục chiến đến Đà Nẵng là nơi triển khai cả một tiểu đoàn phòng không HAWK hòng bảo vệ các căn cứ không quân của Mỹ gần đó.[2] Mất phần lớn số lượng học sinh ghi danh, cũng như hầu hết các nhân viên giảng dạy (nhiều người trong số họ là những người vợ phụ thuộc ở Hoa Kỳ có chứng chỉ giảng dạy), trường học buộc phải đóng cửa.

Số người phụ thuộc Mỹ làm việc cho các công ty tư nhân ở Việt Nam không theo lệnh của Tổng thống, và vì vậy việc giáo dục của những người chọn ở lại Sài Gòn về sau do một số trường tư thục lập ra ở Sài Gòn cung cấp từ sau cuộc di tản. Một trong những ngôi trường này mang tên “Phoenix Study Group”, có học sinh theo như lời mô tả là “con cái của các nhà ngoại giao, doanh nhân giàu có và thường dân Mỹ”.[3] Ngôi trường tiếp theo này vẫn tồn tại cho đến khi Việt Nam Cộng hòa sụp đổ vào ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Hình thức giảng dạy[sửa | sửa mã nguồn]

Các giáo viên tại ACS, phần lớn là vợ của các nhân viên chính phủ Hoa Kỳ đóng tại Sài Gòn. Họ sở hữu chứng chỉ giảng dạy hoặc bằng cấp từ các tổ chức giáo dục của Mỹ. Việc hướng dẫn bằng tiếng Pháp do những công dân Pháp địa phương có trình độ lo liệu. Các lớp tiểu học được dạy bằng phương pháp Calvert. Trong vài năm đầu tiên, việc giảng dạy ở trường trung học thông qua tài liệu khóa học tương ứng do phân hiệu trường trung học của Đại học California phân loại. Do đó, các giáo viên trung học thường đóng vai trò trợ giảng hơn là giảng bài cho học sinh. Nhưng đến năm học 1962–1963, ACS đã phát triển thành một trường trung học dự bị đại học với tiêu chuẩn học tập cao. Các chương trình kiểm tra cho thấy học sinh trung học ACS có trình độ cao hơn 20% so với học sinh cùng thời ở các trường thuộc tiểu bang.[4]

Sự phát triển và địa điểm của trường[sửa | sửa mã nguồn]

Nhà dạy học[sửa | sửa mã nguồn]

Trường này khởi đầu tại nhà của vợ một nhân viên chính phủ Hoa Kỳ ở Sài Gòn vào năm 1954 (năm quân đội Pháp gặp thất bại trong trận Điện Biên Phủ). Học sinh đều là trẻ em ở độ tuổi tiểu học.[5]

Khu cư xá Norodom[sửa | sửa mã nguồn]

Người vợ thứ hai của nhân viên phụ thuộc sớm tham gia công tác dạy học sinh tiểu học. Lớp học sinh thứ hai này quy tụ tại một tòa nhà nhỏ trong Khu cư xá Norodom (một trong một số cơ sở của chính phủ Mỹ đặt tại Sài Gòn), nằm gần Dinh Độc Lập. Năm học tiếp theo, hai tòa nhà dạng lều Quonset được dựng lên trong khu này, và số học sinh tiểu học học tại nhà đã dọn vào ở cùng những ngôi nhà có sẵn trong Khu cư xá Norodom. Ngay sau đó, gần cuối năm 1955, một trong những nhà lều Quonset bị thiêu rụi, và hầu hết sách vở của học sinh bị thiêu hủy. Trong khi nhà lều được xây dựng lại cho năm học 1956–1957 (một nhà lều Quonset bổ sung và lớn hơn cũng được dựng lên), trường tạm thời chuyển đến tòa nhà Stanvac mới xây, nơi đặt trụ sở cho tài sản của một công ty dầu mỏ thuộc sở hữu của Hà Lan ở Sài Gòn. Khi việc xây dựng lại trong Khu cư xá Norodom hoàn tất, sự mở rộng này đã tạo điều kiện cho việc thành lập một trường trung học dành cho trẻ em phụ thuộc người Mỹ ở Sài Gòn. Khu cư xá Norodom sau này trở thành địa điểm của Đại sứ quán Hoa Kỳ nhiều tầng mới được khai trương vào năm 1967.

Tân Sơn Hòa[sửa | sửa mã nguồn]

Tòa nhà Đại sứ quán Hoa Kỳ, được xây dựng trên địa điểm của Khu cư xá Norodom cũ như trong hình này sau cuộc tấn công trong Tết Mậu Thân vào tháng 1 năm 1968.
Trường Cộng đồng Mỹ tại Sài Gòn, khoảng năm 1960.

Trong năm học 1958–1959 trường dời khỏi Khu cư xá Norodom đến tòa nhà kiên cố mới được xây dựng gần Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất ở Sài Gòn, tại địa chỉ đường số 10 Tân Sơn Hòa (địa chỉ ngày nay là 247 đường Hoàng Văn Thụ). Không gian bổ sung tại địa điểm mới này nhanh chóng được đưa vào sử dụng khi trường tiếp tục mở rộng, tuyển sinh những học sinh ở độ tuổi trung học trước đây từng được gửi đến các trường nội trú tư thục ở nơi khác (bao gồm cả Philippines). Vào đầu năm học 1959–1960, số học sinh đăng ký vào trường trung học là 28 học sinh, như đã ghi trong cuốn niên giám đầu tiên của trường (có tên là The Gecko) vào năm đó.[6] Năm học tiếp theo, 1960–1961, số lượng học sinh trung học trong niên giám thứ hai cho thấy số học sinh trung học đã tăng gấp đôi lên ít nhất là 56 em.[7] Khi mở cửa cho năm học 1958–1959, trường có 5 dãy phòng học. Trong năm học 1962–1963, một cánh 2 tầng đã được thêm vào.

Tháng 2 năm 1965, trường này bị đóng cửa vĩnh viễn khi Tổng thống Lyndon Johnson ra lệnh sơ tán hết những người phụ thuộc chính phủ và quân nhân Mỹ rời khỏi Việt Nam. Các bản tin đương thời về cuộc sơ tán đó cho biết số học sinh ghi danh vào trường (cả cấp trung học và tiểu học) là 750 em.[8] Một dãy nhà bổ sung đã hoàn thành vào cuối tuần trước nhưng chẳng bao giờ có bất kỳ học sinh nào của ACS dùng đến.[9]

Việc sử dụng các tòa nhà ACS sau này[sửa | sửa mã nguồn]

Bảo tàng Quân khu 7, khoảng năm 2004, do Tucker Smallwood chụp.

Trong vòng ba tháng kể từ khi những người phụ thuộc của chính phủ Hoa Kỳ rời Sài Gòn và đóng cửa Trường Cộng đồng Mỹ, các tòa nhà từng là ACS đã được chuyển đổi thành cơ sở y tế cho Bệnh viện dã chiến số 3 của Lục quân Mỹ.[10] Khu cư xá này đã trải qua quá trình mở rộng và bệnh viện này tiếp tục hoạt động như một cơ sở quân y chính cho đến năm 1973.

Khi quân đội Mỹ rời đi từ sau Hiệp định Hòa bình Paris năm 1973, cơ sở này trở thành một địa điểm mới dành cho Bệnh viện Cơ Đốc Phục Lâm Sài Gòn hiện có và vẫn như vậy cho đến khi Sài Gòn thất thủ vào tháng 4 năm 1975.[11]

Cơ sở vật chất hiện do Bảo tàng Lực lượng Vũ trang miền Đông Nam Bộ thuộc Quân khu 7 chiếm giữ.[12]

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Vietnam General Information Brochure. Commanding Officer, Headquarters Support Activity, Saigon. tháng 12 năm 1964. tr. 13.
  2. ^ “Summary Notes of the 546th Meeting of the National Security Council, February 7, 1965”. Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 31 tháng 3 năm 2013.
  3. ^ “Americans Study at Saigon School”. The New York Times. 1 tháng 10 năm 1967. tr. 5.
  4. ^ The Gecko. Saigon: American Community School. 1963. tr. 11.
  5. ^ The Gecko. Saigon: American Community School. 1960. tr. 6.
  6. ^ The Gecko. Saigon: American Community School. 1960. tr. 87.
  7. ^ The Gecko. Saigon: American Community School. 1961. tr. 20–43.
  8. ^ “Children Weep at Evacuation”. Oakland Tribune. Oakland, California. 8 tháng 2 năm 1965. tr. 1.
  9. ^ “Saigon School Closes”. Brazosport Facts. Freeport, Texas. 8 tháng 2 năm 1965. tr. 8.
  10. ^ Wettlaufer, John Nichols; Weigel, John W. (2005). Urology in the Vietnam War: Casualty Management and Lessons Learned (PDF). Washington, DC: The Borden Institute, U.S. Army Medical Department. tr. 11. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 26 tháng 8 năm 2012. Truy cập ngày 26 tháng 8 năm 2009.
  11. ^ Branson, Bruce. “Saigon Journal: The Last 15 Days” (PDF). Spectrum. 7 (3): 34–44. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 26 tháng 6 năm 2010. Truy cập ngày 26 tháng 8 năm 2009.
  12. ^ Website of a travel agency, “Travelfish.org”. Truy cập ngày 3 tháng 8 năm 2013.

Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]

  • Saigon Kids đóng vai trò như là cơ sở thông tin trung tâm cho một tổ chức cựu học sinh không chính thức có tên là "Saigon Kids", những người khi còn trẻ, trong giai đoạn 1954–1965, đã chia sẻ trải nghiệm đời sống và đi học cùng nhau tại thủ đô của Việt Nam Cộng hòa. Trang web này bao gồm một thư mục riêng của các cựu học sinh cũng như thông tin về các cuộc hội ngộ định kỳ.
  • Saigon Kids American Community School là một blog tích cực và được kiểm duyệt, nơi Saigon Kids (cũng như những bạn trẻ khác đã sống ở Sài Gòn trong những năm học tại Trường Cộng đồng Mỹ, chẳng hạn như các bạn người Pháp và Việt Nam) có thể chia sẻ những kỷ niệm về những năm học tại trường và cuộc sống ở Sài Gòn, cũng như tin tức về cuộc sống ngày nay của họ.
  • Thông tin về Bệnh viện Dã chiến số 3 Lục quân Mỹ chứa lịch sử của Bệnh viện Dã chiến số 3 Lục quân Mỹ và trình chiếu các bức ảnh do Thomas W. Johnson cung cấp, ông từng là phụ tá tuyên úy tại bệnh viện trong vài tháng đầu tiên ở Sài Gòn trong giai đoạn 1965–1966.