Truyền thuyết đô thị Nhật Bản

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Truyền thuyết đô thị Nhật Bản (日本の都市伝説? Nihon no toshi densetsu) là những câu chuyện được lưu truyền trong dân gian Nhật Bản và được cho là có thật. Những truyền thuyết đô thị này thường liên quan đến các thực thể hay những sinh vật huyền bí đã gặp hoặc tấn công con người nhưng thuật ngữ này cũng bao gồm những tin đồn phi siêu nhiên phổ biến trong văn hóa đại chúng. Truyền thuyết đô thị trước đây hiếm khi liên quan đến các yêu quái mà thay vào đó là Nhật ma, thường được biết đến với tên gọi chính thức là yūrei. Truyền thuyết đô thị Nhật Bản hiện đại thường lấy bối cảnh ở các trường học hay các thành phố trong đó một số câu chuyện mang tính cảnh báo.

Truyền thuyết tự nhiên[sửa | sửa mã nguồn]

Vụ cháy Cửa hàng bách hóa Shirokiya năm 1932.

Vụ hỏa hoạn cửa hàng bách hóa Shirokiya năm 1932[sửa | sửa mã nguồn]

Vào ngày 16 tháng 12 năm 1932 tại Tokyo, Nhật Bản đã xảy ra một vụ hỏa hoạn tại cửa hàng bách hóa Shirokiya khiến 14 người không may tử vong.[1] Trong lúc ngọn lửa bùng phát, những nhân viên nữ của cửa hàng bách hóa đang mặc trên mình bộ Kimono đã phải tháo chạy lên tầng thượng của tòa nhà 8 tầng.[1] Một tin đồn sau đó đã lan rộng cho rằng một số nhân viên nữ của cửa hàng này đã từ chối nhảy xuống lưới an toàn của những lính cứu hỏa dưới mặt đất. Theo truyền thống Nhật Bản, hầu như phụ nữ đều không mặc quần lót khi đang mặc kimono trên người và họ sợ rằng khi nhảy xuống thì tà áo sẽ bị tốc lên khiến họ bị lộ phần bên trong nên họ đã không nhảy xuống và dẫn đến việc những người phụ nữ này đã tử vong ngay sau đó.[2][3] Tin tức này đã thu hút sự chú ý từ các nước xa xôi như châu Âu. Người ta cho rằng sau vụ hỏa hoạn kia, ban quản lý cửa hàng đã yêu cầu những nhân viên của cửa hàng mặc quần lót cùng với kimono và xu hướng đó giờ đây dần trở nên phổ biến trên toàn Nhật Bản.[2][3]

Trái ngược với suy nghĩ này, Inoue Shoichi, giáo sư về phong tụckiến trúc tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế về Nghiên cứu Nhật Bản cho rằng hầu hết những người trong vụ hỏa hoạn đều đã được cứu bởi lính cứu hỏa và theo ông câu chuyện về những người phụ nữ kia là bịa đặt.[4] Tuy nhiên, câu chuyện này phổ biến trong rất nhiều các tập sách tham khảo trong đó có một cuốn sách do chính Cơ quan phòng cháy chữa cháy của Nhật Bản phát hành.[1] Mặt khác, người ta cũng cho rằng vụ cháy của hàng bách hóa này là chất xúc tác cho việc thay đổi trang phục truyền thống của Nhật Bản với việc mặc quần lót theo kiểu phương Tây mặc dù không có bằng chứng hay nghiên cứu nào chỉ ra điều này là đúng hay sai.[5]

Bộ đếm giờ của Sony[sửa | sửa mã nguồn]

Đã có một tin đồn lưu truyền rằng tập đoàn Sony đã cài trong các thiết bị điện tử của mình một bộ đếm giờ khiến chúng nhanh chóng hỏng hóc sau khi hết hạn bảo hành, việc này được nhiều người biết đến như là một "hình thức lỗi thời bất hợp pháp".[6][7]

Một thuật ngữ được gọi là "Sony Timer" được lưu truyền trên mạng ý nói đến thiết bị mà Sony đã cài vào trong máy khách hàng.[6][7] Tại cuộc họp hội đồng cổ đông thường niên năm 2007, ông Chubachi Ryoji, chủ tịch khi đó của Sony đã chia sẻ rằng ông biết đến câu chuyện được lưu truyền này.[8] Tính đến nay, câu chuyện về máy đếm giờ và hình thức lỗi thời bất hợp pháp này của Sony chưa bao giờ được xác nhận.

Sản xuất tại Hoa Kỳ[sửa | sửa mã nguồn]

Vào những năm 1960, khi nền kinh tế Nhật Bản đang lâm vào tình trạng khó khăn sau chiến tranh thế giới thứ hai do là nước bại trận. Có tin đồn cho rằng chính phủ Nhật lúc đó đã đổi tên một thành phố thành "Usa" để khi xuất khẩu hàng hóa,[9] các sản phẩm sẽ ghi trên nhãn mác là "MADE IN USA, JAPAN" để tạo ra một hiểu lầm rằng sản phẩm này đang được sản xuất tại Mỹ.[9] Tuy nhiên, điều này được cho là không chính xác do thành phố Usa, tỉnh Ōita, Nhật Bản đã có tên gọi như vậy trước cả khi chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra vì khu vực này đã gắn liền với đền Usa từ thế kỷ thứ 8[10] cũng như các sản phẩm khi xuất khẩu phải được dán nhãn theo tên quốc gia chứ không phải theo tên thành phố.[4] Một số người cho rằng cách ghi như vậy có thể chống lại sự kỳ thị rằng các sản phẩm sản xuất bởi Nhật vào thời điểm đó là kém chất lượng.[9]

Truyền thuyết siêu nhiên[sửa | sửa mã nguồn]

Akai heya ("Lời nguyền căn phòng đỏ")[sửa | sửa mã nguồn]

Akai heya (赤い部屋?) là một truyền thuyết đô thị được lan truyền từ thuở sơ khai của internet tại Nhật Bản. Truyền thuyết này kể rằng nếu ai đó nhìn thấy một quảng cáo màu đỏ được bật lên (quảng cáo pop-up) thì đó chính là dự báo cho cái chết của họ.[11] Có nhiều dị bản của truyền thuyết Akai heya[12] trong đó những truyền thuyết phổ biến nhất kể rằng trong khi duyệt web, nạn nhân sẽ nhận được một dòng chữ màu đen trên nền đỏ có nội dung "Bạn có thích?" (あ な た は 〜 好 き で す か??).[13][14][15] Nếu nạn nhân cô gắng đóng nó, một cửa sổ khác sẽ xuất hiện nhưng lần này là dòng chữ "Bạn có thích căn phòng màu đỏ không?" (あ な た は 赤 い 部屋 が 好 き で す か??).[13][14][15] Sau đó, màn hình sẽ chuyển hoàn toàn sang màu đỏ hiển thị một loạt cái tên và nạn nhân sẽ cảm giác được sự hiện diện bí ẩn của thứ gì đó sau lưng trước khi bất tỉnh và chết trong căn nhà với bức tường của căn phòng nhuốm máu đỏ.[13][14][15]

Truyền thuyết này trở nên nổi tiếng sau vụ án mạng Sasebo, một nữ sinh 11 tuổi (được truyền thông gọi là "cô gái A") đã sát hại một bạn cùng lớp 12 tuổi.[16] "Cô gái A" được cho là người hâm mộ loạt phim hoạt hình "Lời nguyền căn phòng đỏ", thứ được coi là nguồn gốc của truyền thuyết đô thị này.[17]

Quảng cáo Kleenex[sửa | sửa mã nguồn]

Vào những năm 1980, Kleenex đã phát hành ba quảng cáo dành cho thị trường Nhật Bản cho mặt hàng khăn giấy của họ. Đoạn quảng cáo có sự góp mặt của diễn viên Matsuzaka Keiko thủ vai một người phụ nữ mặc váy trắng và một đứa trẻ mặc đồ yêu tinh Nhật Bản ngồi trên đống rơm. Ca khúc nền cho đoạn quảng cáo của Kleenex là bài hát mang tên "Đó là một ngày đẹp trời" của Edward Barton và Jane.[18][19] Sau khi đoạn quảng cáo này được phát sóng, nhiều đơn thư đã được gửi đến các đài truyền hình và trụ sở của công ty Kleenex. Những khán giả đã xem đoạn quảng cáo cho rằng nó "không đáng tin cậy", một số người khác nhận ra bài hát được sử dụng làm nhạc nền của đoạn quảng cáo nghe tựa như một lời nguyền của Đức mặc dù lời của ca khúc hoàn toàn bằng tiếng Anh.[19] Không lâu sau khi đoạn quảng cáo này được phát sóng, đã có tin đồn về cái chết của những diễn viên và ekip thực hiện đoạn quảng cáo này[19] trong đó, diễn viên chính của đoạn quảng cáo, Matsuzaka Keiko, được đồn rằng cô đã qua đời, bị tâm thần hoặc mang thai một đứa bé quỷ.[20]

Hanako-san[sửa | sửa mã nguồn]

Hanako-san hay Toire no Hanako-san (トイレのはなこさん?) là truyền thuyết đô thị kể về linh hồn của một cô gái trẻ có tên Hanako, người luôn ám ảnh phòng tắm trường học.[21][22] Toire no Hanako-san có nhiều dị bản trong đó có một dị bản nói về Hanako-san là một hồn ma của một cô gái đã tự sát trong một cuộc không kích của địch trong Thế chiến thứ hai.[23][24] Cô được cho là đã tự sát do thường xuyên bị bắt nạt và ghét bỏ bởi các học sinh và một số người khác.[23][21] Nơi cô đã kết thúc cuộc đời mình tại nhà vệ sinh trường.[21] Tin đồn về Hanako-san đã trở nên phổ biến và được nhiều người chú ý ở các trường tiểu học trên khắp Nhật Bản, nơi mà trẻ em thách thức các bạn học của mình triệu hồi Hanako-san.[23]

Lời nguyền công viên Inokashira[sửa | sửa mã nguồn]

Trong công viên Inokashira thuộc tỉnh Tokyo, Nhật Bản có một đền thờ thần Benzaiten và một hồ nước có tên Inokashira Pond, nơi du khách có thể thuê thuyền chèo.[25][26] Có một truyền thuyết kể rằng nếu có cặp đôi cùng nhau đi trên con thuyền thì mối quan hệ giữa họ sẽ sớm kết thúc.[27] Trong một dị bản khác của truyền thuyết, những cặp đôi hạnh phúc khi đi trên con thuyền sẽ bị nguyền rủa bởi thần Benzaiten và cặp đôi đó sẽ sớm chia tay.[25][26]

Kokkuri[sửa | sửa mã nguồn]

Kokkuri (こっくり, 狐狗狸?) hay Kokkuri-san (こっくりさん?) là trò chơi Nhật Bản phổ biến trong thời Minh Trị.[22] Cách thức trò chơi này tương tự như cách chơi cầu cơ.[28] Người chơi khi chơi Kokkuri sẽ viết các kí tự trong bảng chữ cái Hiragana và đặt tay họ lên đồng xu trước khi hỏi Kokkuri-san một điều gì đó. Đây là một trò chơi tương đối phổ biến ở các trường trung học Nhật Bản.[29]

Truyền thuyết đô thị của trò chơi kể rằng Kokkuri-san chỉ cho người chơi biết trước ngày mất của họ nhưng một số người khác lại nói rằng bạn có thể hỏi Kokkuri-san bất cứ điều gì nhưng khi kết thúc người chơi phải tạm biệt Kokkuri-san trước khi rời bàn hoặc loại bỏ các đồ dùng liên quan đến trò chơi này trong một khoảng thời gian nhất định.[30] Một số cách loại bỏ có thể được nêu ra như tiêu hết số tiền xu mà người chơi đã sử dụng trong trò chơi hoặc với bút lông thì dùng hết mực trong bút để viết chữ Hiragana.[30]

Aka Manto ("Áo choàng đỏ")[sửa | sửa mã nguồn]

Aka Manto (赤マント?) được miêu tả là một linh hồn nam với chiếc áo choàng đỏ và mặt nạ che kín mặt. Người ta kể rằng Aka Manto thường ám các phòng tắm công cộng hay các phòng tắm trong trường học trong đó hầu hết là gian cuối của phòng tắm nữ cuối cùng.[31] Theo truyền thuyết, những người sử dụng toilet trong buồng tắm sẽ được Aka Manto yêu cầu chọn giữa giấy đỏ hoặc giấy xanh (đôi lúc, các tùy chọn có thể là áo choàng màu đỏ hoặc xanh thay vì giấy).[24][32] Nếu người được đưa ra yêu cầu chọn màu đỏ thì sẽ dẫn đến lột da hay những đường rách nghiêm trọng và nếu chọn màu xanh thì sẽ bị bóp cổ hoặc tất cả máu trong nạn nhân sẽ bị rút ra khỏi cơ thể của họ. Nếu người được yêu cầu lựa chọn cố tình lựa chọn một màu khác không nằm trong hai màu trên thì sẽ bị kéo xuống âm phủ hoặc địa ngục.[23][33] Trong một số trường hợp, chọn màu vàng sẽ khiến họ bị đẩy vào nhà vệ sinh.[34][23][35][33] Có một phương pháp để có thể sống sót được nhiều người nhắc tới đó là bỏ qua yêu cầu của linh hồn nam hoặc chạy thật nhanh ra khỏi phòng tắm. Nếu kết hợp cả hai phương pháp như đã nêu trên thì khả năng cao người đó có thể sống sót.[34]

Lời nguyền của Colonel Sanders[sửa | sửa mã nguồn]

Lời nguyền của Colonel Sanders (カーネルサンダースの呪い Kāneru Sandāsu no Noroi?) được cho là do đội bóng chày Hanshin Tigers tạo nên và cũng là lý do giải thích cho thành tích tệ hại của họ trong suốt Giải vô địch Nhật Bản nhiều năm sau đó. Vào năm 1985, những người hâm mộ của đội bóng đã ăn mừng chiến thắng đầu tiên và duy nhất của đội họ trong loạt trận đấu.[36] Sự phấn khích của những cổ động viên đã dẫn đến việc bức tượng Harland Sanders, người sáng lập và là linh vật của chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh nổi tiếng KFC, bị ném xuống sông Dōtonbori.[37] Trong nhiều năm sau đó, đội bóng chày Hanshin Tigers đã không thể dành được chức vô địch thêm bất cứ lần nào và người hâm mộ của đội bóng tin rằng mọi thứ sẽ không như vậy nữa nếu bức tượng Harland Sanders đó được phục hồi.[38] Truyền thuyết đô thị này được cho là có bản chất tương tự với một lời nguyền khác trong thể thao mang tên "Lời nguyền của Bambino".[37]

Gozu ("Đầu bò")[sửa | sửa mã nguồn]

Gozu (牛頭?) là truyền thuyết đô thị Nhật Bản kể về câu chuyện hư cấu có tên "đầu bò". Truyền thuyết này được mô tả rằng nó đem đến cho người đọc chúng một cảm giác ám ảnh đến kinh hoàng, sợ hãi và run rẩy dữ dội trong nhiều ngày trước khi chết. Câu chuyện đầu đủ của truyền thuyết này được chia làm nhiều phần và khi đọc riêng lẻ sẽ không gây chết người nhưng vẫn mang lại một nỗi đau sâu thẳm cho người đã đọc hoặc nghe câu chuyện.[39][40]

Gozu được nhiều người đồn đại và tin rằng nó là một tác phẩm chưa được xuất bản của nhà văn người Nhật, Komatsu Sakyo, tuy nhiên không có một bằng chứng xác đáng nào được đưa ra để chứng minh cho giả thuyết trên. Có một câu chuyện của Ukraina mang tên "Cow's Head" kể về một người phụ nữ đã nhận được may mắn sau khi cho một con bò ăn và ở lại vào một buổi đêm.[41] Trong một câu chuyện khác, ông Shorai Somin, một người nghèo nhưng mang trong mình tấm lòng nhân ái đã nhận được may mắn khi cứu một khách du lịch Gozu Tennō (牛頭天王?), người đang tìm kiếm một chỗ nghỉ qua đêm.[42]

Jinmenken ("Chó mặt người")[sửa | sửa mã nguồn]

Jinmenken (人面犬?) là những con chó có khuôn mặt người được cho là sẽ xuất hiện vào ban đêm ở các khu đô thị tại Nhật Bản.[43] Chúng được miêu tả rằng có thể chạy ở trên đường với tốc độ cực cao đến mức vượt qua cả những chiếc ôtô rồi sau đó quay đầu lại nhìn người lái xe bằng khuôn mặt người của mình.[43][44] Trong một số câu chuyện với hầu hết được trình bày dưới dạng hài kịch thì bất kì ai cũng có thể gặp những Jinmenken đang lục thùng rác và chúng sẽ chúng ngước lên nhìn rồi nói điều gì đó tựa như (人面犬? Để tôi yên).[43] Lời giải thích hợp lý nhất cho sự tồn tại những Jinmenken là những thí nghiệm di truyền hay hồn ma của một người bị ôtô đâm khi đang dắt chó đi dạo.[43]

Khái niệm về những chú chó có khuôn mặt người bắt nguồn từ sớm nhất là vào những năm 1810 khi một "chú chó mặt người" được cho là đã được trưng bày tại một misemono[45][43] và dần phổ biến hơn trong giới những người lướt sóng trước khi lan rộng thành một khái niệm hiện đại vào đầu năm 1989.[43] Những Jinmenken vẫn thường xuất hiện trên nhiều các phương tiện truyền thông khác nhau. Một con chó có khuôn mặt người đã xuất hiện trong bộ phim Mỹ ra mắt năm 1978 Invasion of the Body Snatchers,[46] hay trong loạt animetrò chơi điện tử Yo-kai Watch.[46]

Kunekune ("Cơ thể uốn éo")[sửa | sửa mã nguồn]

Kunekune (くねくね?) là một truyền thuyết đô thị liên quan đến những vật thể được nhìn thấy trên những cánh đồng lúa hoặc lúa mạch vào những ngày trời nóng nực. Kunekune được những người nhìn thấy mô tả nó tựa như một dải giấy hay một mảnh vải dài mảnh mai màu trắng đang lắc lư như thể hòa mình vào gió. Theo truyền thuyết, bất cứ ai cố gắng nhìn nó sẽ trở nên điên dại và nếu một người nào đó cố tình chạm vào chúng thì sẽ chết. Nhiều người cho rằng truyền thuyết này có thể được dựa trên những câu chuyện ma địa phương về những bù nhìn ở cánh đồng lúa trong bầu trời đêm và chúng trở nên sống động khi ai đó bắt gặp nó quá nhiều lần. Các cuộc đối mặt của con người với Kunekune có thể chỉ là cách hiểu sai về một bù nhìn đang lắc lư nhẹ trong gió[47][48] hay các cống bấc được sử dụng để thoát nước từ bên trong mặt đất để củng cố nền đất yếu.[49]

Kuchisake-onna ("Người phụ nữ bị rạch miệng")[sửa | sửa mã nguồn]

Kuchisake-onna (口裂け女?) là truyền thuyết đô thị kể về một người phụ nữ có miệng bị cắt. Cô là onryō, một linh thần báo thù và cô đã che một phần khuôn mặt của mình bằng mặt nạ hoặc vật dụng khác và mang theo một số vật sắc nhọn.[50] Truyền thuyết phổ biến nhất về Kuchisake-onna kể rằng cô ấy sẽ hỏi những nạn nhân rằng họ có nghĩ rằng cô hấp dẫn không.[51] Nếu nạn nhân trả lời là "không" hoặc hét lên, cô sẽ giết họ bằng vũ khí của mình và nếu nạn nhân nói "có", cô ấy sẽ cắt khóe miệng họ đến tai[52][53] sao cho giống sự biến dạng của mình.[51] Nếu người được Kuchisake-onna hỏi may mắn chạy thoát được, họ cũng sẽ sớm bị giết bởi cô ấy. Để có thể sống sót nếu không may gặp Kuchisake-onna, người ta cho rằng có thể thoát khỏi cô bằng cách khiến cô bối rối hoặc nói rằng cô có ngoại hình "trung bình", đánh lạc hướng cô bằng "kẹo cứng" (giống bekko ame của Nhật Bản) hay nói từ "pomade" ba lần.[52][54] Một số nguồn tin cho rằng cô bị rạch miệng vì lừa dối người chồng Samurai của mình và chính chồng là người đã cắt miệng cô ấy trước khi cô tự sát không lâu sau đó.[51][50]

Teke Teke(người phụ nữ mất chân)[sửa | sửa mã nguồn]

Teke Teke (テケテケ?) là một truyền thuyết đô thị kể về có một cô gái trẻ hoặc nữ sinh đã không may ngã trên đường ray tàu hỏa rồi bị một đoàn tàu chạy cán qua người.[55] Cô là một onryō và cô thường xuyên ẩn nấp ở các khu đô thị và ga xe lửa vào ban đêm để tìm những nạn nhân tiềm năng. Nếu gặp một nạn nhân như vậy, cô ấy sẽ đuổi theo và cắt đôi họ bằng lưỡi hái hoặc bằng một vũ khí nào đó.[56]

Theo một số dị bản của truyền thuyết Teke Teke, linh hồn được xác định là Reiko Kashima, người được cho là đã không may qua đời sau khi một đoàn tàu cán qua chân lìa khỏi cơ thể.[55] Theo đó, hồn ma không chân của cô lảng vảng trong những nhà tắm và hỏi những người trong đó có biết chân cô ấy ở đâu không. Nếu một người được cô hỏi trả lời mà câu trả lời đó không đủ sức thuyết phục cô hay khiến cô chấp nhận thì người đó sẽ bị cô xé hoặc cắt đi đôi chân của mình.[24] Một người có thể thoát khỏi Kashima bằng cách bảo chân cô đang ở trên đường cao tốc Meishin[24][57] hoặc đáp lại cô ấy bằng cụm từ "kamen shinin ma" có nghĩa "mặt nạ quỷ chết".[31][24]

Xem thêm[sửa | sửa mã nguồn]

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ a b c Tokyo Fire Department. “デパート火災余話” [Câu chuyện về vụ cháy cửa hàng bách hóa]. tfd.metro.tokyo.lg.jp (bằng tiếng Nhật). Lưu trữ bản gốc ngày 16 tháng 11 năm 2019. Truy cập ngày 19 tháng 2 năm 2022.
  2. ^ a b Richie, Donald (2006). Japanese Portraits: Pictures of Different People [Chân dung Nhật Bản: Hình ảnh của những con người khác nhau]. Tuttle Publishing. tr. 85. ISBN 978-0-8048-3772-9. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 5 năm 2021. Truy cập ngày 14 tháng 2 năm 2022.
  3. ^ a b Dalby, Liza Crihfield (1983). Geisha. University of California Press. tr. 318. ISBN 978-0-520-04742-6. shirokiya.
  4. ^ a b Hery (19 tháng 4 năm 2012). “Leyendas urbanas Japón” [Truyền thuyết đô thị Nhật Bản]. marcianosmx.com. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 3 năm 2021. Truy cập ngày 20 tháng 2 năm 2022.
  5. ^ Shōichi, Inoue (2002). パンツが見える。: 羞恥心の現代史 パンツが見える。: 羞恥心の現代史 [Mọi người có thể nhìn thấy quần lót của tôi: Lịch sử xấu hổ] (bằng tiếng Nhật). Asahi shimbun. ISBN 978-4-02-259800-4. Bản gốc lưu trữ ngày 14 tháng 2 năm 2022. Truy cập ngày 14 tháng 2 năm 2022.
  6. ^ a b Skipworth, Hunter (22 tháng 1 năm 2010). “The myth of the Sony 'kill switch' [Truyền thuyết về 'công tắc hủy diệt' của Sony]. The Daily Telegraph. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 11 năm 2020. Truy cập ngày 25 tháng 10 năm 2018.
  7. ^ a b “What's "Sony Timer"? That Appears on Internet so Frequently Nowadays” ["Bộ hẹn giờ Sony" là gì? Tại sao điều đó giờ đây vẫn rất phổ biến trên Internet]. en.j-cast.com. 1 tháng 9 năm 2006. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 11 năm 2016. Truy cập ngày 25 tháng 10 năm 2018.
  8. ^ AV Watch. “ソニー、定時株主総会を開催。「利益を伴う成長へ」 「ソニータイマーという言葉は認識している」中鉢社長” [Sony tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên. "Hướng tới tăng trưởng với lợi nhuận" "Tôi biết thuật ngữ Sony timer" - Chủ tịch Nakabachi]. watch.impress.co.jp. Bản gốc lưu trữ ngày 26 tháng 6 năm 2007. Truy cập 26 tháng 6 năm 2007.
  9. ^ a b c “Made in USA” [Sản xuất tại Hoa Kỳ]. Snopes. 16 tháng 1 năm 2007. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 2 năm 2022. Truy cập ngày 6 tháng 3 năm 2012.
  10. ^ Ponsonby-Fane, Richard. (1962). Studies in Shinto and Shrines, p. 195.
  11. ^ “The Terrifying RED ROOM Curse That AimsTo Kill Netizens” [Lời nguyền kinh hoàng CĂN PHÒNG ĐỎ và việc giết chết cư dân mạng]. Medium (bằng tiếng Anh). 9 tháng 4 năm 2017. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 2 năm 2022. Truy cập ngày 6 tháng 2 năm 2022.
  12. ^ “Encyclopaedia Of The Impossible: The Red Room Curse” [Bách khoa toàn thư về những điều không thể tưởng tượng nổi: Lời nguyền căn phòng đỏ.]. The Ghost In My Machine (bằng tiếng Anh). 27 tháng 3 năm 2019. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 2 năm 2022. Truy cập ngày 6 tháng 2 năm 2022.
  13. ^ a b c “The Red Room” [Căn phòng đỏ]. scaryforkids.com. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 2 năm 2022. Truy cập ngày 6 tháng 2 năm 2022.
  14. ^ a b c “「あなたは好きでしたか?」2020年で消える?かもしれない都市伝説『赤い部屋』” ["Bạn có thích không" 「あなたは好きでしたか?」- Lời nguyền này có biến mất vào năm 2020? Căn phòng đỏ, một truyền thuyết đô thị có thể biến mất vào năm 2020?]. リアルライブ (bằng tiếng Nhật). Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 2 năm 2022. Truy cập ngày 6 tháng 2 năm 2022.
  15. ^ a b c Baggett, Aaron (11 tháng 8 năm 2021). “7 Terrifying Japanese Urban Legends Based on True Stories” [7 truyền thuyết đô thị Nhật Bản kinh hoàng dựa trên những câu chuyện có thật]. GaijinPot (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 2 năm 2022. Truy cập ngày 6 tháng 2 năm 2022.
  16. ^ “Girl says internet spat prompted slaying” [Cô gái nói rằng Internet đã thúc đẩy việc giết người]. www.chinadaily.com.cn. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 8 năm 2020. Truy cập ngày 6 tháng 2 năm 2022.
  17. ^ 殺害手口、参考の可能性 ネットの物語掲載サイト. Nagasaki Shimbun (bằng tiếng Nhật). 9 tháng 6 năm 2004. Bản gốc lưu trữ ngày 18 tháng 6 năm 2004. Truy cập ngày 6 tháng 2 năm 2022.
  18. ^ “Cursed Japanese Kleenex Commercial” [Quảng cáo của Kleenex Nhật Bản bị nguyền rủa]. Museum of Hoaxes. 1 tháng 10 năm 2007. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 4 năm 2021. Truy cập ngày 17 tháng 7 năm 2019.
  19. ^ a b c Jacobson, Molly McBride (5 tháng 10 năm 2016). “Watch a Cursed Japanese Kleenex Ad” [Xem quảng cáo Kleenex Nhật Bản bị nguyền rủa]. Atlas Obscura. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 7 năm 2019. Truy cập ngày 17 tháng 7 năm 2019.
  20. ^ “The cursed commercial… or not” [Đoạn quảng cáo đáng nguyền rủa… hay không]. Moroha 諸刃. Lưu trữ bản gốc ngày 16 tháng 2 năm 2022. Truy cập ngày 21 tháng 2 năm 2022.
  21. ^ a b c Meyer, Matthew (27 tháng 10 năm 2010). “A-Yokai-A-Day: Hanako-san (or "Hanako of the Toilet")” [A-Yokai-A-Day: Hanako-san (hay "Hanako of the Toilet")]. MatthewMeyer.net. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 4 năm 2019. Truy cập ngày 7 tháng 8 năm 2019.
  22. ^ a b Fitch, Laura (7 tháng 6 năm 2005). “Have you heard the one about..?: A look at some of Japan's more enduring urban legends” [Bạn đã từng nghe câu chuyện về .. ?: Nhìn lại một số truyền thuyết đô thị lâu đời của Nhật Bản]. The Japan Times. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 2 năm 2022. Truy cập ngày 8 tháng 8 năm 2019.
  23. ^ a b c d e Yoda & Alt 2013, tr. 237.
  24. ^ a b c d e Grundhauser, Eric (2 tháng 10 năm 2017). “Get to Know Your Japanese Bathroom Ghosts” [Tìm hiểu về ma trong phòng tắm Nhật Bản của bạn]. Atlas Obscura. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 12 năm 2019. Truy cập ngày 12 tháng 7 năm 2019.
  25. ^ a b “Inokashira Park Benzaiten Shrine” [Công viên Inokashira - Đền Benzaiten]. Atlas Obscura. Lưu trữ bản gốc ngày 16 tháng 2 năm 2022. Truy cập ngày 8 tháng 8 năm 2019.
  26. ^ a b “Tokyo facts: 40 trivia tidbits to wow your mind” [Sự thật về Tokyo: 40 mẩu tin đố vui khiến bạn phải trầm trồ]. Tạp chí Time Out. 25 tháng 8 năm 2011. Lưu trữ bản gốc ngày 16 tháng 2 năm 2022. Truy cập ngày 8 tháng 8 năm 2019.
  27. ^ “The curse of Inokashira Pond” [Lời nguyền của Inokashira Pond]. The Japan Times. 17 tháng 11 năm 2018. Lưu trữ bản gốc ngày 16 tháng 2 năm 2022. Truy cập ngày 8 tháng 8 năm 2019.
  28. ^ Kelly, Katy (28 tháng 9 năm 2019). “Ouija satchel lets you talk to a Shinto spirit while you shop” [Ouija satchel cho phép bạn nói chuyện với một thần Shinto khi bạn mua sắm]. Japan Today (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 16 tháng 2 năm 2022. Truy cập ngày 1 tháng 8 năm 2020.
  29. ^ “Obakemono | Page” [Obakemono | Trang]. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 6 năm 2011. Truy cập ngày 1 tháng 12 năm 2015.
  30. ^ a b Shishou. “Japanese Urban Legend: Kokkuri-san's voice” [Truyền thuyết đô thị Nhật Bản: Giọng nói của Kokkuri-san]. The Japanese Horror. Lưu trữ bản gốc ngày 16 tháng 2 năm 2022. Truy cập ngày 16 tháng 2 năm 2022.
  31. ^ a b Bathroom Readers' Institute 2017, tr. 390.
  32. ^ Joly 2012, tr. 55.
  33. ^ a b Bricken, Rob (19 tháng 7 năm 2016). “14 Terrifying Japanese Monsters, Myths And Spirits” [14 Quái vật, Thần thoại và Linh hồn đáng sợ của Nhật Bản]. Kotaku. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 8 năm 2019. Truy cập ngày 12 tháng 7 năm 2019.
  34. ^ a b “Aka Manto”. Yokai.com. 31 tháng 10 năm 2016. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 9 năm 2020. Truy cập ngày 12 tháng 7 năm 2019.
  35. ^ Bathroom Readers' Institute 2017, tr. 391.
  36. ^ “Hanshin Tigers: History” [Hanshin Tigers: Lịch sử]. gol.com. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 2 năm 2021. Truy cập ngày 28 tháng 5 năm 2009.
  37. ^ a b White, Paul (21 tháng 8 năm 2003). “The Colonel's curse runs deep” [Lời nguyền của Đại tá]. USA Today. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 5 năm 2011. Truy cập ngày 26 tháng 2 năm 2020.
  38. ^ Blair, Gavin (27 tháng 3 năm 2009). “The curse of the colonel” [Lời nguyền của đại tá]. GlobalPost. Lưu trữ bản gốc ngày 24 tháng 9 năm 2015. Truy cập ngày 28 tháng 5 năm 2009.
  39. ^ Bingham 2015, tr. 49.
  40. ^ Griffin, Erika (12 tháng 1 năm 2011). “8 Scary Japanese Urban Legends” [8 truyền thuyết đô thị đáng sợ của Nhật Bản]. Cracked. Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 6 năm 2019. Truy cập ngày 17 tháng 7 năm 2019.
  41. ^ S.E. Schlosser. “Cow's Head: From Ghost Stories at Americanfolklore.net” [8 truyền thuyết đô thị đáng sợ của Nhật Bản]. American Folklore. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 8 năm 2011. Truy cập ngày 16 tháng 2 năm 2022.
  42. ^ Kyoto University Digital Library Rare Materials Exhibition. “Gion Goku-Tennō no engi”. Kyoto University Rare Materials Digital Archive. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 5 năm 2020. Truy cập ngày 16 tháng 2 năm 2022.
  43. ^ a b c d e f Foster 2015, tr. 226.
  44. ^ Cameron, Kim (21 tháng 12 năm 2015). “Feature: Monster Mondays - Jinmenken (Human-Faced Dog)” [Tính năng: Quái vật thứ hai - Jinmenken (Chó mặt người)]. Crunchyroll. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 5 năm 2021. Truy cập ngày 8 tháng 8 năm 2019.
  45. ^ Murakami 2000, tr. 195.
  46. ^ a b Foster 2015, tr. 226–227.
  47. ^ Freeman 2010, tr. 200.
  48. ^ Yamaguchi 2007, tr. 19–23.
  49. ^ “発表報文(メディア紹介・発表論文)” [Báo cáo (giới thiệu phương tiện, báo cáo trình bày)]. kinjogomu.jp. Kinjo Rubber Co., Ltd. 21 tháng 5 năm 2004. Lưu trữ bản gốc ngày 24 tháng 3 năm 2019. Truy cập ngày 22 tháng 4 năm 2018.
  50. ^ a b Yoda & Alt 2013, tr. 204–206.
  51. ^ a b c Meyer, Matthew (31 tháng 5 năm 2013). “Kuchisake onna” [Kuchisake-onna ("Người phụ nữ miệng có rãnh")]. Yokai.com. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 10 năm 2013. Truy cập ngày 8 tháng 8 năm 2019.
  52. ^ a b Philbrook, Scott (co-host); Burgess, Forrest (co-host); Meyer, Matthew (guest) (14 tháng 10 năm 2018). “Ep 121: Yokai Horrors of Japan” (Podcast). Astonishing Legends. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 10 năm 2018. Truy cập ngày 8 tháng 8 năm 2019.
  53. ^ Matchar, Emily (31 tháng 10 năm 2013). “Global Ghosts: 7 Tales of Specters From Around the World” [Chuyện ma trên thế giới: 7 câu chuyện về bóng ma từ khắp nơi trên trái đất.]. The Atlantic. Lưu trữ bản gốc ngày 31 tháng 10 năm 2013. Truy cập ngày 7 tháng 8 năm 2019.
  54. ^ Yoda & Alt 2013, tr. 206–207.
  55. ^ a b Meza-Martinez, Cecily; Demby, Gene (31 tháng 10 năm 2014). “The Creepiest Ghost And Monster Stories From Around The World” [Những câu chuyện về ma và quái vật rùng rợn trên khắp thế giới]. NPR. National Public Radio, Inc. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 9 năm 2020. Truy cập ngày 6 tháng 8 năm 2019.
  56. ^ de Vos 2012, tr. 170.
  57. ^ Bricken, Rob (19 tháng 7 năm 2016). “14 Terrifying Japanese Monsters, Myths And Spirits” [14 Quái vật, Thần thoại và Linh hồn đáng sợ của Nhật Bản]. Kotaku. G/O Media. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 8 năm 2019. Truy cập ngày 6 tháng 8 năm 2019.

Đọc thêm[sửa | sửa mã nguồn]

Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]