Wikipedia:Bài viết chọn lọc/2017/10

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
2005 2006 2007 2008 2009 2010 2011 2012 2013 2014
2015 2016 2017 2018 2019 2020 2021 2022 2023 2024
Bài viết chọn lọc
tháng 10 năm 2017
Tháng
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12

Thần thoại Hy Lạp

Athena và Héc-quyn.

Thần thoại Hy Lạp là tập hợp những huyền thoạitruyền thuyết của người Hy Lạp cổ đại liên quan đến các vị thần, các anh hùng, bản chất của thế giới, và nguồn gốc cũng như ý nghĩa của các tín ngưỡng, nghi lễ tôn giáo họ. Chúng là một phần của tôn giáo Hy Lạp cổ đại và nay là bộ phận của một tôn giáo hiện đại lưu hành ở Hy Lạp và trên thế giới gọi là Hellenismos. Các học giả hiện đại tham khảo và nghiên cứu các truyện thần thoại này để rọi sáng vào các thể chế tôn giáo, chính trị Hy Lạp cổ đại, nền văn minh của họ cũng như để tìm hiểu về bản thân sự hình thành huyền thoại. Thần thoại Hy Lạp được thể hiện rõ ràng trong tập hợp đồ sộ những truyện kể, và trong các tác phẩm nghệ thuật tượng trưng Hy Lạp, chẳng hạn các tranh vẽ trên bình gốm và các đồ tế lễ. Truyện kể thần thoại Hy Lạp đã cố gắng giải thích nguồn gốc của thế giới, kể tỉ mỉ về cuộc đời và các cuộc phiêu lưu của một tập hợp đa dạng những vị thần, nữ thần, anh hùng và những sinh vật thần thoại. Những truyện kể này lúc đầu được truyền miệng bằng thơ ca; ngày nay các thần thoại Hy Lạp chủ yếu được biết thông qua các tác phẩm văn học Hy Lạp. Những tư liệu văn học Hy Lạp lâu đời nhất được biết, như hai anh hùng ca IliadOdýsseia của Hómēros, tập trung vào các sự kiện liên quan tới Cuộc chiến thành Troia. Thần thoại Hy Lạp đã có một ảnh hưởng bao trùm trên văn hóa, văn học, nghệ thuật phương Tây và vẫn duy trì như một phần của di sản và ngôn ngữ phương Tây. [ Đọc tiếp ]

Đế quốc Parthia

Đế quốc Parthia hay còn được gọi là Đế quốc Arsaces (247 TCN – 224 CN) là một quốc gia của người Iran ở Trung Đông, có nền chính trị và quân sự phát triển mạnh, và là đối thủ đáng gờm của Đế quốc La Mã trên miền đất này. Đế quốc này do vua Arsaces I sáng lập, gắn liền với nhà Arsaces có nguồn gốc từ Parthia (đại khái ở tây bộ Khurasan, thuộc miền đông bắc Iran). Sau đó là một satrap (tỉnh) trong cuộc nổi loạn chống lại đế chế Seleukos. Mithridates I của Parthia (cai trị: 171-138 TCN) đã mở rộng đế chế bằng cách chiếm lấy vùng Media và Lưỡng Hà từ vương quốc Seleukos. Vào thời kì đỉnh cao, Đế quốc Parthia trải dài từ phía bắc của sông Euphrates, nay là phía đông Thổ Nhĩ Kỳ, tới phía đông Iran. Đế quốc này nằm án ngữ trên con đường tơ lụa nối liền Đế chế La Mã ở lưu vực Địa Trung Hải với nhà Hán ở Trung Quốc, và vì thế nó nhanh chóng trở thành một trung tâm thương mại và mậu dịch. Là triều đại lấn chiếm đất và kế tục nhà Seleukos cùng với một số diadochi (sứ quân của Macedonia - Hy Lạp) khác, các vị vua Parthia, khác với các diadochi, đã trở thành triều đại bản xứ của dân Iran, mặc dù họ yêu thích nền văn minh Hy Lạp đến mức tự nhận là philhellenes (bạn của những người Hy Lạp) trên những đồng tiền mà họ ban hành. Các nhà vua triều đại Arsaces đã sử dụng danh hiệu là "Vua của các vua", như một tuyên bố là người thừa kế thực sự đế chế Achaemenes, là triều đại đầu tiên của người Ba Tư được biết đến trong lịch sử. [ Đọc tiếp ]

Khí quyển Sao Mộc

Khí quyển của Sao Mộc là bầu khí quyển hành tinh lớn nhất trong Hệ Mặt Trời. Nó chủ yếu cấu tạo từ phân tử hydroheli theo tỷ lệ tương tự như trong Mặt Trời, các hợp chất hóa học khác chỉ có mặt với một lượng nhỏ và bao gồm mêtan, amoniac, hydro sulfuanước. Mặc dù nước được cho là nằm sâu trong khí quyển, nồng độ đo được trực tiếp là rất thấp. Nồng độ nitơ, lưu huỳnh, và khí hiếm trong khí quyển Sao Mộc nhiều khoảng gấp ba lần so với Mặt Trời. Bầu khí quyển của Sao Mộc thiếu một ranh giới bên dưới rõ ràng và dần dần chuyển thành chất lỏng khi đi sâu vào trong hành tinh này. Từ độ cao thấp nhất cho đến đỉnh, bầu khí quyển được phân thành các tầng là tầng đối lưu, tầng bình lưu, tầng nhiệttầng ngoài. Mỗi tầng có đặc điểm gradien nhiệt độ riêng. Tầng thấp nhất, tầng đối lưu, có một hệ thống phức tạp gồm những đám mây và sương mù, bao gồm các lớp amoniac, amoni hydro sulfua và nước. Những đám mây amoniac ở trên cùng có thể được nhìn thấy ở bề mặt của Sao Mộc được phân bố trong khoảng một tá dải đới, chạy theo các vĩ tuyến song song với đường xích đạo, và được bao quanh bởi những dòng gió đới rất mạnh được gọi là các dòng tia. Khí quyển Sao Mộc cho thấy một loạt các hiện tượng sôi động luôn diễn ra, bao gồm sự bất ổn định của các dải mây, các luồng xoáy (xoáy thuậnxoáy nghịch), các cơn bão và sét. [ Đọc tiếp ]

Trận Dyrrhachium (1081)

Trận Dyrrhachium (ngày nay gần DurrësAlbania) là một trận đánh diễn ra vào ngày 18 tháng 10 năm 1081, giữa quân đội Đông La Mã do Hoàng đế Alexios I Komnenos chỉ huy và người Norman chỉ huy bởi Robert Guiscard, Công tước của Apulia và Calabria ở miền nam nước Ý. Trận đánh diễn ra ở bên ngoài thành phố Dyrrhachium (còn được gọi là Durazzo), thủ phủ của Đông La Mã ở tỉnh Illyria và kết thúc bằng một chiến thắng của người Norman. Sau khi người Norman thôn tính các tỉnh miền nam nước Ý của Đông La Mã, Hoàng đế Đông La Mã Mikhael VII Doukas đã hứa hôn con trai mình với con gái của Robert Guiscard. Khi giới quý tộc ở Constantinopolis lật đổ Mikhael, Robert đã coi đây là một cái cớ để tấn công Đông La Mã vào năm 1081. Quân Norman đã bao vây thành Dyrrhachium, nhưng hạm đội của ông ta đã bị người Venice đánh bại. Ngày 18 tháng 10, quân Norman đụng độ với quân đội Đông La Mã do đích thân hoàng đế Alexios I Komnenos chỉ huy ở bên ngoài thành phố. Cuộc chiến bắt đầu khi cánh hữu của quân Đông La Mã tràn sang tấn công cánh tả của quân Norman, khiến họ tan vỡ và tháo chạy. Lính đánh thuê Varangian đuổi theo truy kích nhưng dần tách ra khỏi lực lượng chính và bị tiêu diệt hoàn toàn. Ngay sau đó, các hiệp sĩ Norman đánh thẳng vào trung quân của Đông La Mã, làm đa phần quân Đông La Mã tháo chạy khỏi chiến trường. Sau chiến thắng này, người Norman chiếm thành Dirrhachyum và tiến sâu vào nội địa, giành quyền kiểm soát phần lớn MacedoniaThessaly. [ Đọc tiếp ]