Út Hiền

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Út Hiền
Thông tin cá nhân
Sinh
Tên khai sinh
Lê Minh Khánh
Ngày sinh
1940
Nơi sinh
Thành phố Hồ Chí Minh
Mất
Ngày mất
1986 (45–46 tuổi)
Nơi mất
Thành phố Hồ Chí Minh
Giới tínhnam
Quốc tịchViệt Nam
Nghề nghiệpDiễn viên
Lĩnh vựcCải lương

Út Hiền (1940–1986) là một nghệ sĩ cải lương.

Tiểu sử[sửa | sửa mã nguồn]

Ông tên thật là Lê Minh Khánh, sinh năm 1940, quê ở Gò Vấp, cha mất sớm, mẹ buôn bán nhỏ. Trong gia đình không có ai theo nghề ca hát.

Lúc còn học văn hóa, ông học ca tân nhạcvọng cổ theo đài phát thanh. Thấy ông có giọng ca tốt, một bà bạn của má ông khuyên má ông cho ông đi học ca cổ nhạc. Nhạc sĩ Út Trong đặt nghệ danh cho ông là Út Hiền vì tính của ông rất hiền lành, ăn nói nhỏ nhẹ. Nhạc sĩ Út Trong giới thiệu Út Hiền cho đoàn hát Thanh Minh vì lúc ấy danh ca Út Trà Ôn tách ra lập đoàn hát Kim Thanh – Út Trà Ôn. Giọng ca của Út Hiền thật là trong, êm như nhung tơ, cùng một kỷ thuật ca và giọng ca của Hữu Phước.

Khởi đầu từ đoàn hát Thanh Minh[sửa | sửa mã nguồn]

Sau khi ông Út Trà Ôn rời đoàn hát Thanh Minh thì danh ca vọng cổ còn lại chỉ có Năm Nghĩa, Minh Tấn, Út Bạch Lan, Thu Ba nên bà bầu Thơ chiêu mộ những giọng ca trẻ như Út Hiền, Út Hậu, Quang Nhiều và nữ diễn viên Mỹ Hiền.

Các diễn viên trẻ Út Hiền, Út Hậu, Quang Nhiều được ký hợp đồng hai chục ngàn đồng mỗi người và được cho hát vai kép nhì nhưng có ca nhiều câu vọng cổ trong các tuồng Núi liễu sông bằng, Lửa hờn, Thiên thần trên thiết mã.

Sau suất diễn đầu tiên, báo chí kịch trường nhiệt liệt ngợi khen ba giọng ca trẻ với những lời quảng cáo đao to búa lớn như: Danh ca trẻ Út Hậu, truyền nhân đích thực của vua vọng cổ Út Trà Ôn; danh ca Út Hiện, giọng ca êm dịu như nhung như tơ; Quang Nhiều, lối ca với làn hơi sung mãn, nghệ thuật luyến láy tuyệt vời.

Bà bầu Thơ và ông bầu Nghĩa chưa kịp vui mừng vì hai ông bà đã khám phá và giới thiệu với khán giả những giọng ca vàng thì khi đoàn hát chưa kịp tập vở tuồng kế tiếp, cả ba nghệ sĩ trẻ Út Hiền, Út Hậu, Quang Nhiều thối lại 20 ngàn tiền hợp đồng và bồi thường đúng theo giao kèo là trả thêm cho bà Bầu Thơ mỗi người 20 ngàn đồng nữa. Chỉ mới một tháng mà bà Bầu Thơ lời được 60 ngàn; bà không ham nhưng muốn giữ lại các diễn viên đó thì bà phải trả cho Bầu Long, mỗi diễn viên 120 ngàn đồng vì Bầu Long Kim Chung đã ký cho họ mỗi người 60 ngàn đồng.

Gia nhập đoàn hát Kim Chung 1[sửa | sửa mã nguồn]

Nghệ sĩ Út Hiền hát ở đoàn Kim Chung 1, hát thường trực tại rạp Aristo ở đường Lê Lai. Nghệ sĩ Út Hậu và Quang Nhiều hát cho đoàn Kim Chung 2 ở rạp Olympic trên đường Hồng Thập Tự.

Các ký giả kịch trường Sài Gòn giận Bầu Long mua đào bán kép trắng trợn nên họ không viết bài phê bình tuồng tích và đào kép của hai gánh hát Kim Chung. Do đó các nghệ sĩ cộng tác với đoàn hát Kim Chung trong thời gian này chịu nhiều thiệt thòi vì không được quảng bá nhiều trên các trang kịch trường. Chỉ biết qua sân khấu Kim Chung, nghệ sĩ Út Hiền vẫn hát vai kép nhì, sau kép Thanh Hải, nhưng Út Hiền, Thanh Hải và Út Hậu được hãng dĩa Hoành Sơn của ông Ba Bản mời thu thanh nhiều bài vọng cổ do soạn giả Thu An sáng tác. Nhờ vậy mà giọng ca của Út Hiền, Thanh Hải, Út Hậu được rèn luyện thêm và được thính giả ái mộ.

Năm 1963, nghệ sĩ Út Hiền rời đoàn Kim Chung và gia nhập đoàn hát Thủ Đô Ba Bản. Nhưng ở đoàn Thủ Đô Ba Bản lúc đó có hai danh ca Út Trà Ôn và Thanh Hải nên Út Hiền cũng chỉ nổi danh được trong địa hạt đĩa nhựa chớ về sân khấu, ông còn nhỏ và chưa có kinh nghiệm diễn xuất dù giọng ca của Út Hiền đã được rất nhiều khán giả và ký giả ái mộ.

Vai chính đoàn hát Hương Mùa Thu[sửa | sửa mã nguồn]

Giọng ca của Út Hiền nghe rất mùi, êm dịu, sâu lắng. Những chữ hò vô vọng cổ, ông ca êm như tiếng ca vuốt nhuyễn cho thật nhỏ dần rồi mất hút trong không gian. Các chữ ca cuối câu vọng cổ với hơi ngân dài mênh mang. Bài ca vọng cổ được Út Hiền nghiên cứu kỹ, ca diễn đạt nội dung, gây cảm xúc cho người nghe. Soạn giả Thu An biết rõ khả năng ăn khách của giọng ca Út Hiền nên khi ông rời đoàn hát Thủ Đô Ba Bản, ông đã lập gánh hát Hương Mùa Thu với đào – kép chính là Ngọc Hương và Út Hiền.

Dưới bảng hiệu Hương Mùa Thu, hai nghệ sĩ Út Hiền và Ngọc Hương là một cặp diễn viên xứng đào xứng kép. Về sắc diện, cả hai đều đẹp sắc xảo dưới ánh đèn sân khấu, về giọng ca thì đó là một sự hòa hợp kỳ diệu: giọng ca của Ngọc Hương cao vút, một thứ giọng kim sang trọng hòa với giọng thổ của Út Hiền tạo nên cảm giác vừa êm dịu vừa trầm buồn sâu lắng. Khi xem đoàn hát Hương Mùa Thu, khán giả có thể bị mê hoặc vì hai giọng ca của Út Hiền và Ngọc Hương trên sân khấu.

Út Hiền đã hát qua các tuồng Lá của rừng xanh, Ảo ảnh Châu Bích Lệ, Cô gái sông Đà, Người anh khác mẹ, Con cò trắng, Gánh cỏ sông Hàn, Chuyến đò thương, Sài Gòn thác bạc, Tiếng còi sa mạc...

Đoàn hát Hương Mùa Thu thành lập từ năm 1964 đến năm 1975 mới tạm ngưng hát. Trong thời gian này có rất nhiều nghệ sĩ cộng tác với đoàn Hương Mùa Thu như Thanh Hải, Út Hiền, Minh Chí, Hà Bửu Tân, Hà Bửu Bửu, Hiếu Liêm, Thanh Liêm, Giang Châu, Minh Dịch, Hữu Lợi, các nữ diễn viên Ngọc Hương, Ngọc Lan, Kim Thủy, Ngọc Thủy, Kiều Lệ Thanh, Yến Nhung, Lệ Châu; hề Bảy Xê, hề Tẩu Tẩu, hề Minh. Chỉ có cặp đào kép chánh Út Hiền và Ngọc Hương chống đỡ cho bảng hiệu Hương Mùa Thu lâu nhất.

Tiếc vì đoàn Hương Mùa Thu chuyên đi lưu diễn ở miền Trung, có năm có đến 8 tháng hát ở miền Trung và nhiều tháng hát ở xa nên nghệ sĩ của đoàn Hương Mùa Thu ít được các ký giả kịch trường giới thiệu cho khán thính giả biết về tài năng của các diễn viên Hương Mùa Thu.

Đời sống[sửa | sửa mã nguồn]

Cuộc sống của nghệ sĩ Út Hiền đúng như cái tên Hiền đã được gán cho ông, ông không có gây nên tai tiếng gì, không cờ bạc, không hút xách, không trai gái đỉ bợm, chỉ có mỗi cái tật là ông nhậu rượu không bao giờ biết ngừng.

Sau năm 1975, giọng ca của ông không còn hay như hồi trước, dù kỹ thuật ca vẫn còn phong độ của một kép chánh tài danh.

Sau này, ông bị ung thư gan, hậu quả của những trận nhậu rượu không biết dừng lại trong thời niên thiếu. Ông mất ngày 16 tháng 6 năm 1986.

Các bài tân cổ, vọng cổ[sửa | sửa mã nguồn]

  • Âm thanh mùa xuân
  • Chuyện ngày xưa (Tân nhạc: Trúc Phương; cổ nhạc: Viễn Châu)
  • Cô hàng dừa Xiêm
  • Đã mấy mùa hoa
  • Đường xưa lối cũ
  • Gió lạnh đêm hè (Tân nhạc: Hồng Vân; cổ nhạc: Yên Sơn)
  • Hương đồng Đất Mũi
  • Kim Trọng biệt Thúy Kiều
  • Lính nghĩ gì
  • Ngày sau sẽ ra sao
  • Những đóm mắt hỏa châu

Các tuồng cải lương[sửa | sửa mã nguồn]

  • Bà chúa ăn mày (Tác giả: Thu An)
  • Bạch Liên Nương (Tác giả: Thu An)
  • Bụi mờ ải Nhạn (Tác giả: Hà TriềuHoa Phượng)
  • Chiều lạnh Tuyết Băng Sơn (Tác giả: Thu An)
  • Chuyện tình Hàn Mặc Tử (Tác giả: Viễn Châu – Thể Hà Vân)
  • Giọt máu chung tình (Tác giả: Viễn Châu – Thể Hà Vân)
  • Gươm ngũ đế (Tác giả: Thu An)
  • Khi hoa anh đào nở (Tác giả: Hà TriềuHoa Phượng)
  • Lá của rừng xanh (Tác giả: Thu An)
  • Lá sầu riêng (Kịch bản: Kim Cương; chuyển thể: Hà Triều)
  • Người khách lạ (Tác giả: Nguyên Thảo)
  • Nguyễn Thái Học
  • Phụng Nghi Đình (Tác giả: Viễn Châu)
  • Quân vương và thiếp (Tác giả: Viễn Châu)
  • San Hậu
  • Tráng sĩ Kinh Kha (Tác giả: Viễn Châu)

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]