Trần Xuân Bách (khoa học gia)

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Đây là một phiên bản cũ của trang này, do 141.161.133.217 (thảo luận) sửa đổi vào lúc 14:22, ngày 30 tháng 4 năm 2023 (Bạn MTRIProd nực cười thật. Tôi thêm liên kết đến các bài wiki khác, đồng thời đặt bản Cần dẫn nguồn cho những câu/đoạn không có chú thích. Bài có nhiều đoạn rõ ràng không đúng văn phong bách khoa, rõ ràng viết theo kiểu báo chí. Nếu bạn không đồng tình thì cứ gỡ bản mẫu xuống, tại sao phải lùi hết sửa đổi của tôi? Đã lùi lại sửa đổi 69935979 của MTRIProd (thảo luận)). Địa chỉ URL hiện tại là một liên kết vĩnh viễn đến phiên bản này của trang, có thể khác biệt rất nhiều so với phiên bản hiện hành.

Trần Xuân Bách (sinh ngày 5 tháng 10 năm 1984 tại Hà Nội[1]) là Phó Giáo sư Tiến sĩ (PGS.TS), giảng viên Trường Đại học Y Hà Nội, đồng thời là một chuyên gia nghiên cứu về Y học dự phòngY tế công cộng.[2]

Sự nghiệp

Năm 2016, Trần Xuân Bách là nhà khoa học được phong hàm Phó Giáo sư trẻ nhất Việt Nam ở tuổi 32. Sau đó, năm 35 tuổi anh được bổ nhiệm làm Giáo sư Kiêm nhiệm (Adjunct Professor) của Đại học Johns Hopkins (Mỹ).[3] Năm 2019, anh được Tạp chí PLoS Biologyliệt kê trong danh sách 100.000 nhà khoa học hàng đầu thế giới và là một trong ba nhà khoa học từ Việt Nam nằm trong danh sách này.[2]

Hiện PGS.TS Trần Xuân Bách tham gia giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu sinh và học viên của nhiều trường đại học trong và ngoài nước, là chuyên gia tư vấn cho các tổ chức quốc tế và mạng lưới nghiên cứu về các vấn đề như Kinh tế Y tế, Chính sách Y tế, Hệ thống Y tế, Kiểm soát bệnh dịch và sức khỏe toàn cầu, Công nghệ Y tế và Y tế số.[4] Năm 2018, anh được bầu làm Ủy viên Ban lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học trẻ toàn cầu (Global Young Academy) trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Leopoldina (Đức).

Anh cũng được bầu là Ủy viên Ban chấp hành TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (2017-2022), Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam (2019-2024) và là Phó chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam (2017-2020 và 2020-2025). Trong đó, anh tích cực thúc đẩy nghiên cứu y học và thực hành lâm sàng dựa trên bằng chứng trong hệ thống chăm sóc sức khỏe của Việt Nam.[5] Bên cạnh đó, anh dành nhiều nỗ lực góp phần xây dựng Mạng lưới Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu (một sáng kiến của TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) nhằm kết nối, bồi dưỡng và quy tụ nhiều trí thức trẻ người Việt đang sống và làm việc ở nhiều nước trên thế giới, tham gia chuyển giao tri thức, kinh nghiệm, góp phần giải quyết các vấn đề cấp thiết của Việt Nam về Khoa học, Công nghệ, Giáo dục và Y tế. Thông qua mạng lưới, hàng chục nhóm nghiên cứu đã được thành lập, hàng trăm đề xuất, sáng kiến đã được mạng lưới làm cầu nối đưa tới các nhà lãnh đạo quốc gia.[cần dẫn nguồn]

Học vấn

Từ khi còn là học sinh chuyên Toán - Tin Trường THPT Chuyên KHTN, ĐHQG Hà Nội (khóa 1999-2002), Trần Xuân Bách đã lựa chọn và say mê với lĩnh vực Y tế công cộng. Tốt nghiệp Thủ khoa Trường Đại học Y tế công cộng năm 2006, anh trở thành giảng viên của Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng, Trường Đại học Y Hà Nội (từ 2006 đến nay).[cần dẫn nguồn]

Sau đó, Trần Xuân Bách hoàn thành chương trình Tiến sĩ tại Đại học Alberta, Canada sau 2 năm học với tất cả các điểm tuyệt đối và bảo vệ xuất sắc luận án với chủ đề: "Chi phí - hiệu quả của kết hợp điều trị kháng virus và điều trị duy trì methadone cho các bệnh nhân HIV/AIDS nghiện chất dạng thuốc phiện". Trở về Việt Nam sớm hơn thời hạn và nuôi ước mơ truyền cảm hứng, anh đã dẫn dắt và chắp cánh tình yêu nghiên cứu Y học cho các sinh viên, nghiên cứu viên trẻ trong nước.[4]

Anh tập trung nghiên cứu các vấn đề Kinh tế Y tế và Chính sách Y tế. Anh cho biết, lý do chọn hướng đề tài này bởi nhận thấy vai trò của Kinh tế Y tế ngày càng cần thiết trong quá trình vận hành hệ thống y tế, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang trải qua nhiều sự chuyển đổi cùng một lúc về kinh tế - xã hội, mô hình bệnh tật với các thách thức mới về sức khỏe toàn cầu, cơ chế tài chính và viện trợ quốc tế.[6]

Năm 2013, tại Hội nghị quốc tế của Hiệp hội AIDS quốc tế (IAS) tại Malaysia, Trần Xuân Bách là một trong 4 tiến sĩ được Françoise Barré-Sinoussi trao học bổng nghiên cứu của IAS để tiếp tục sự nghiệp nghiên cứu của mình tại Đại học Johns Hopkins, nơi anh hoàn thành chương trình Sau Tiến sĩ và gắn bó làm việc đến bây giờ. Vừa giảng dạy ở Việt Nam, vừa tham gia kiêm nhiệm tại Mỹ, Trần Xuân Bách, cũng là người được bổ nhiệm bậc Giáo sư kiêm nhiệm (Adjunct Professor) trẻ nhất trong lĩnh vực Y tế công cộng của Đại học Johns Hopkins.[3][cần dẫn nguồn] Trên website của Đại học Johns Hopkins đã công bố thông tin này và giới thiệu PGS.TS Trần Xuân Bách là người có nhiều kinh nghiệm về các vấn đề phát triển và y tế toàn cầu.[cần dẫn nguồn] Với vai trò là Phó trưởng Bộ môn Kinh tế y tế, Viện Đào tạo Y tế dự phòng (ĐH Y Hà Nội), các nghiên cứu của Trần Xuân Bách tập trung vào tính chi phí và hiệu quả của can thiệp y tế, các ứng dụng của trí tuệ nhân tạo trong y học, y học hành vi và sức khỏe tâm thần, phòng chống HIV/AIDS.[3]

Năm 2014, Trần Xuân Bách được chọn là Lãnh đạo trẻ về Y tế khu vực Châu Á của Hội đồng các Viện hàn lâm quốc tế (IAP).[cần dẫn nguồn] Năm 2015, anh tham gia giảng dạy Chương trình Lãnh đạo trẻ về Y tế thế giới của Viện Hàn lâm Y học New York và Hội đồng các Viện hàn lâm quốc tế (IAP); Chủ trì phiên họp về Lãnh đạo Y tế công cộng tương lai tại Hội nghị thượng đỉnh Y tế thế giới tại Berlin, Đức.[1] Anh cũng đại diện các lãnh đạo trẻ về Y tế thế giới của IAP tham dự Đại Hội đồng Y tế thế giới của Liên Hợp Quốc tại Geneva, Thụy Sỹ.[1]

Giải thưởng

Năm 2022: Phó giáo sư Trần Xuân Bách được trao Giải thưởng nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) cùng với Giáo sư Zheng Ruimin, Giám đốc Khoa Chăm sóc sức khỏe phụ nữ của Trung tâm Sức khỏe Phụ nữ và Trẻ em Quốc gia Trung Quốc và Giáo sư Jaime Galvez Tan - Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Philippines, Nguyên Phó Hiệu trưởng của Đại học Philippines Manila, Nguyên Giám đốc Viện Nghiên cứu Sức khỏe Philippines, Chủ tịch Quỹ Health Futures, trong khuôn khổ Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC (WEF) và Đối thoại Chính sách Cấp cao về Phụ nữ và Kinh tế (HLPDWE) APEC diễn ra ngày 7/9/2022, tại Thái Lan.[cần dẫn nguồn]

Đồng thời, Phó giáo sư Trần Xuân Bách cũng được Research.com (Microsoft) ghi nhận là nhà khoa học xếp thứ 1 trong lịch vực Y học của Việt Nam thông qua chỉ số D-index (chỉ số tác động h-index theo từng lĩnh vực) cùng với 10 nhà khoa học lĩnh vực khác từ Việt Nam.[cần dẫn nguồn]

Viện thông tin khoa học (ISI) đơn vị nghiên cứu lớn nhất thế giới về chỉ mục khoa học của Tập đoàn Clarivate Analytics (Hoa Kỳ) cũng ghi nhận PGS.TS. Trần Xuân Bách là nhà khoa học duy nhất từ Việt Nam trong số các nhà khoa học có ảnh hưởng nhiều nhất trên toàn thế giới năm 2022 được thể hiện thông qua các công bố khoa học được xếp hạng trong 1% trích dẫn hàng đầu theo từng lĩnh vực.[7][8]

Năm 2020: Phó giáo sư Trần Xuân Bách là một trong hai người được trao Giải thưởng Noam Chomsky Ngôi sao Tỏa sáng về Thành tựu trong nghiên cứu. Đây cũng là lần đầu tiên một nhà khoa học của Việt Nam nhận được giải thưởng Noam Chomsky. Buổi lễ trao giải Noam Chomsky năm 2020 được tổ chức tại trụ sở của Hiệp hội các nhà nghiên cứu hàn lâm liên quốc gia (STAR) tại Hoa Kỳ ngày 8/12.[cần dẫn nguồn]

Năm 2017: Trần Xuân Bách được trao Giải thưởng Khởi đầu sự nghiệp, tiêu biểu cho các Tiến sỹ Y tế công cộng trong suốt 10 năm đào tạo tại Đại học Alberta, Canada. Trước đó, Anh được trao giải thưởng INSIGHT dành cho Nghiên cứu Tiến sĩ xuất sắc nhất tại Hội nghị Khoa học Y tế công cộng – Đại học Alberta, Canada năm 2010 và Giải thưởng Alberta Innovates - Health Solutions, Canada năm 2012 với học bổng để thực hiện các nghiên cứu y tế.[1]

Trần Xuân Bách cũng đã được ghi nhận và vinh danh qua các Giải thưởng và Danh hiệu như: Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu (2016), Công dân Thủ đô Ưu tú (2017), Thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu (2017). Thành tích này là xứng đáng cho những nỗ lực không biết mệt mỏi của chàng trai trẻ trong nhiều năm.[6]

Ngoài ra, Trần Xuân Bách cũng giành được nhiều giải thưởng đáng chú ý trong lĩnh vực y tế công cộng như:[1]

- Giải thưởng Khoa học - Công nghệ Thanh niên Quả Cầu Vàng năm 2018.

- Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2017.

- Thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2016.

- Giải thưởng Nghiên cứu Quốc tế về Lâm sàng và Dự Phòng của Trung tâm nghiên cứu AIDS, Đại học Johns Hopkins, Hoa Kỳ, năm 2015.

- Giải thưởng INSIGHT dành cho Nghiên cứu Tiến sỹ xuất sắc nhất tại Hội nghị Khoa học Y tế công cộng, Đại học Alberta, Canada năm 2010.

- Giải thưởng của Alberta Innovates - Health Solutions, Canada, 2012.

- Được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao "Huy chương Tuổi trẻ Sáng tạo" năm 2004.

- Được Quỹ Sáng tạo Kỹ thuật VIFOTEC trao "Giải thưởng Sáng tạo kỹ thuật VIFOTEC", Giải Nhì, năm 2004.

- 03 Bằng khen của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cho Giải thưởng tại Hội nghị Khoa học Công nghệ Tuổi trẻ các trường Đại học Y – Dược Việt Nam: Giải Xuất sắc (2004), Giải Ba (2012), Giải Nhì (2016).

- 03 Giải thưởng Đặng Văn Ngữ: của Trường Đại học Y Hà Nội: Giải Nhất (2013), Giải Nhì (2015), và Giải cho tác giả có nhiều bài báo nhất (2012).

- Thư khen của Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội dành cho "Giảng viên được nhiều sinh viên bình chọn" năm học 2014-2015.

- 02 Giải thưởng tại Hội nghị Khoa học Công nghệ Tuổi trẻ Trường Đại học Y Hà Nội: Giải Nhì (2003), Giải Ba (2011).

- Được Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội trao tặng Bằng khen Thủ khoa Xuất sắc tốt nghiệp các trường Đại học năm 2006.

- Được Đoàn TNCS Hồ Chí Minh TP. Hà Nội trao tặng "Giải thưởng Sao tháng Giêng" năm 2005.

- Được Hội Sinh viên Thành phố Hà Nội trao tặng danh hiệu "Sinh viên tiêu biểu thủ đô" năm 2005.

- Được Bộ Giáo dục & Đào tạo trao Bằng khen cho Giải Nhì, Giải thưởng Sinh viên Nghiên cứu khoa học của Bộ năm 2004.

- Hướng dẫn các nhóm nghiên cứu là cán bộ, học viên, sinh viên thực hiện hơn 50 đề tài tham dự các Giải thưởng nghiên cứu khoa học và đạt 22 giải thưởng các cấp.

Đánh giá

Trần Xuân Bách được ghi nhận có đóng góp và làm việc tích cực với các cơ quan của Liên Hợp Quốc, các tổ chức quốc tế và Chính phủ về các vấn đề phát triển và y tế toàn cầu ở Đông Nam Á.[cần dẫn nguồn] Phần lớn công việc của anh tập trung vào việc xác định các can thiệp hiệu quả về chi phí, đánh giá các công nghệ y tế và củng cố các hệ thống y tế, đặc biệt liên quan đến HIV / AIDS và các bệnh mới nổi trong khu vực.[4] Anh cũng là một nhà khoa học có uy tín và tâm huyết trong công tác phát triển thanh niên, truyền cảm hứng học tập và khát vọng vươn lên trong thanh niên Việt Nam. Là một người dành nhiều tâm huyết đi đến các vùng sâu, vùng xa, phòng chống dịch bệnh, nâng cao sức khỏe, hay các hoạt động Đoàn, Hội, phát triển cộng đồng, tập hợp đội ngũ trí thức trẻ Việt Nam, Trần Xuân Bách đã triển khai nhiều hoạt động tạo ra giá trị thiết thực và ý nghĩa lan tỏa rộng lớn.[cần dẫn nguồn]

Các công trình khoa học của Phó Giáo sư Trần Xuân Bách được đăng tải ở các tạp chí quốc tế uy tín, trong đó, anh đóng vai trò là tác giả chính, tác giả liên hệ hoặc chủ nhiệm đề tài/ dự án phần lớn các nghiên cứu của mình. Các công trình tiêu biểu trên các tạp chí lớn như các tạp chí Biên niên của Tổ chức Y tế thế giới, The Lancet, AIDS and Behavior, JMIR, Quality of life Research, Brain Behavior and Immunity, Journal of Global Health, và Safety Science.[cần dẫn nguồn] Anh cũng hướng dẫn rất nhiều học viên, sinh viên dấn thân vào hoạt động nghiên cứu khoa học từ rất trẻ, và sớm tiếp cận với các chuẩn mực quốc tế thể hiện ở các công bố quốc tế do chính các học trò của ông thực hiện.[cần dẫn nguồn]

Trong ngành Y tế, anh được ghi nhận với những nỗ lực hỗ trợ xây dựng các đơn vị nghiên cứu lâm sàng và sức khỏe cộng đồng, hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh và các cơ chế liên kết phối hợp quy mô lớn với chất lượng cao, thúc đẩy thực hành Y học thực chứng ở nhiều bệnh viện, viện nghiên cứu và Trường Đại học trong và ngoài nước.[cần dẫn nguồn]

Phát ngôn

PGS.TS. Trần Xuân Bách khẳng định "Khát vọng và tinh thần hành động không còn chỉ là những mong muốn hay lựa chọn, mà với thanh niên chúng tôi còn là một sứ mệnh, của một giai đoạn lịch sử. Trong khoa học, giá trị của phát kiến và quy luật thay thế thường nhanh chóng và khắc nghiệt, khát khao khám phá tri thức, vì thế, thiết yếu như nhu cầu sinh tồn!"[cần dẫn nguồn]

Tham khảo

  1. ^ a b c d e báo Dân Trí. “Tân PGS trẻ nhất Việt Nam: Khát khao truyền cảm hứng khám phá Y học”.
  2. ^ a b An Nhiên. “3 giáo sư Việt Nam vào tốp nhà khoa học hàng đầu thế giới”.
  3. ^ a b c báo Thanh Niên. “PGS - TS Trần Xuân Bách được bổ nhiệm giáo sư ĐH Johns Hopkins, Mỹ”.
  4. ^ a b c IAP. “Tran Xuan Bach - Institute for Preventive Medicine and Public Health, Medical University”. Bản gốc lưu trữ ngày 10 tháng 10 năm 2019.
  5. ^ VOV. “PGS trẻ Việt Nam được bổ nhiệm chức danh Giáo sư Đại học danh tiếng ở Mỹ”.
  6. ^ a b VTC. “Chuyện chưa biết về PGS trẻ nhất Việt Nam 2016”.
  7. ^ VietnamPlus (18 tháng 11 năm 2022). “Một nhà khoa học Việt Nam "lọt top" được trích dẫn nhiều trên thế giới | Y tế | Vietnam+ (VietnamPlus)”. VietnamPlus. Truy cập ngày 2 tháng 1 năm 2023.
  8. ^ “Highly Cited Researchers”. Clarivate (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 2 tháng 1 năm 2023.

Liên kết ngoài