Bến Nghé
Bước tới điều hướng
Bước tới tìm kiếm

Bản đồ Gia Định năm 1815 do Trần Văn Học vẽ
Bến Nghé là một địa danh tại vùng đất Sài Gòn – Gia Định xưa. Địa danh Bến Nghé xuất hiện khá sớm, ban đầu là tên của một bến nước, sau chỉ một con sông, cuối cùng dùng để chỉ một địa phương (vùng trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay).
Trong các sách chữ Nho, Bến Nghé được dịch là Ngưu Tân hay Ngưu Chữ; sông Bến Nghé là Ngưu Giang (Ngưu: trâu; Tân hay Chữ: bến; Giang: sông). Và có một thời, mỗi khi người ta nói "Đồng Nai - Bến Nghé" tức là nói đến cả vùng đất Nam Bộ.[1]
Để giải thích cái tên Bến Nghé, hiện có hai thuyết:
- Theo phó bảng Nguyễn Văn Siêu trong cuốn Phương Đình dư địa chí (1900) thì: tục truyền sông này nhiều cá sấu, từng đàn đuổi nhau kêu gầm như tiếng trâu rống, cho nên gọi tên như thế (nghé tức trâu con). Sách Đại Nam nhất thống chí, phần tỉnh Gia Định, cũng chép tương tự.
- Theo học giả Trương Vĩnh Ký: Bến Nghé có nguồn gốc từ tiếng Khmer: Kompong: bến, Kon Krabei: con trâu. (Le Cisbassac, tr. 192). Nhà địa danh học Lê Trung Hoa cũng đồng ý rằng: Bến Nghé là cái bến mà "người ta thường cho trâu, bò ra tắm" vì có nhiều địa danh cấu tạo bằng "bến + tên thú" như: rạch Bến Nghé (Nhà Bè), rạch Bến Tượng (Sông Bé)...Cho nên Bến Nghé có lúc còn được gọi là Bến Trâu như trong bài "Gia Định thất thủ vịnh": Tàu khói chạy mây tuôn sông mấy khúc, lờ lạt Bến Trâu" [2].
Ngày nay, tên gọi Bến Nghé được đặt cho:
- Phường Bến Nghé, phường trung tâm Quận 1 và là nơi đặt các cơ quan hành chính của Thành phố Hồ Chí Minh
- Rạch Bến Nghé: con rạch chảy qua trung tâm thành phố, tạo thành ranh giới tự nhiên giữa Quận 1 với Quận 4.
Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]
- ^ Theo Website Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh [1][liên kết hỏng]
- ^ Lê Trung Hoa, Địa danh Thành phố Hồ Chí Minh. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1991, trang 62.
Xem thêm[sửa | sửa mã nguồn]
- Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh
- Sài Gòn (định hướng)
- Gia Định
- Bến Thành
- Sơn Nam, Bến Nghé xưa. Nhà xuất bản Trẻ, 1997.
- Vương Hồng Sển, Sài Gòn năm xưa.
- Nguyễn Dược - Trung Hải, Sổ tay địa danh Việt Nam. Nhà xuất bản Giáo dục, 2008.
- Bản đồ Thành phố Hồ Chí Minh. Nhà xuất bản Hồng Đức, tháng 7 năm 2007.
- Vương Hồng Sển, Tự vị tiếng nói Miền Nam. Nhà xuất bản Trẻ, 1999.