Bước tới nội dung

Bích Liên

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Nghệ sĩ ưu tú
Bích Liên
Thông tin cá nhân
Sinh
Tên khai sinh
Nguyễn Bích Liên
Ngày sinh
14 tháng 7, 1944 (80 tuổi)
Nơi sinh
Thường Tín, Hà Đông, Liên bang Đông Dương
Quốc tịch Việt Nam
Nghề nghiệpCa sĩ
Gia đình
Chồng
Hoàng My
Lĩnh vựcNhạc thính phòng
Danh hiệuNghệ sĩ ưu tú (1984)
Sự nghiệp âm nhạc
Đào tạoNhạc viện Hà Nội
Dòng nhạc
Ca khúc
  • Cô gái mở đường
  • Bài ca năm tấn
  • Người là niềm tin tất thắng
  • Nổi lửa lên em

Bích Liên (sinh 14 tháng 7 năm 1944) là một ca sĩ nhạc đỏ người Việt Nam, hoạt động chủ yếu trong giai đoạn Chiến tranh Việt Nam. Vào năm 1984, bà đã được nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú đợt đầu tiên.

Tiểu sử

[sửa | sửa mã nguồn]

Bích Liên, tên đầy đủ là Nguyễn Bích Liên, sinh ngày 14 tháng 7 năm 1944 tại Phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông cũ (nay thuộc thành phố Hà Nội).[1] Nguyên quán của bà ở huyện Thuận Thành, Bắc Ninh.[2] Ngay từ khi mới 14 tuổi, bà đã tham gia vào "Đội Sơn ca" do Đoàn Ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam thành lập, bên cạnh Thanh Huyền.[3] Sau khi nhập học và tốt nghiệp khoa thanh nhạc Nhạc viện Hà Nội, bà công tác tại Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam.[1]

Trong những năm Chiến tranh Việt Nam, Bích Liên đã trình diễn nhiều ca khúc cách mạng gây được ấn tượng sâu sắc với người nghe cả ở Việt Nam lẫn quốc tế.[1] Ngoài là ca sĩ nổi bật nhất hoạt động trong Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, bà còn được mệnh danh là "chim sơn ca" của Đài Tiếng nói Việt Nam[4] qua hàng trăm bài nhạc phát trên đài.[2] Bích Liên cũng thường xuyên xuất hiện tại nơi chiến trường để hát những bài hát mới cho binh sĩ nghe.[2][5] Các nhạc phẩm nổi bật mà bà từng thể hiện trong giai đoạn này gồm "Tiếng hát giữa rừng Pác Bó" của Nguyễn Tài Tuệ (1959),[6][7][8] "Bài ca năm tấn" của Nguyễn Văn Tý (1967),[9][10] "Chào anh giải phóng quân, chào mùa xuân đại thắng" của Hoàng Vân (1968),[1][11][12] "Tình ca Tây Bắc" của Bùi Đức Hạnh (1957),[4][13] v.v..

Bích Liên đã được nhiều nhạc sĩ "chọn mặt gửi vàng" làm người đầu tiên hát các sáng tác của mình.[4] Bà là ca sĩ đầu thể hiện thành công bài "Biết ơn chị Võ Thị Sáu" của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn năm 1958.[14] Năm 1967, bà đã trình bày ca khúc "Nổi lửa lên em" do nhạc sĩ Huy Du viết, lần đầu qua Đài Tiếng nói Việt Nam và được khán giả cả nước yêu thích, giúp bài hát sau này nằm trong những nhạc phẩm để đời của cố nhạc sĩ.[4][15] Vào tháng 9 năm 1969, sau khi Hồ Chí Minh qua đời, bà được đích thân nhạc sĩ Chu Minh đến tận nhà để mời hát bài "Người là niềm tin tất thắng" ông vừa sáng tác, mà đã được chọn làm ca khúc phát trong lễ truy điệu Hồ Chí Minh trên sóng phát thanh quốc gia. Trong khi hát, bà bật khóc nức nở vì không nén được cảm xúc và phải có Chu Minh bên cạnh động viên để giúp hoàn thành nốt nhiệm vụ.[4][16] Bích Liên sau đó cũng thể hiện bài hát trong đêm trình diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội cùng tháng; tiết mục của bà thành công đến mức khán giả vỗ tay mãi và yêu cầu nữ ca sĩ hát lại một lần nữa.[17][18]

Bích Liên đã kết hôn với nghệ sĩ piano Hoàng My và có với nhau một người con gái. Năm 1984, nữ ca sĩ cùng chồng được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú đợt I.[1][2] Từ 1975, bà ly hôn chồng và di cư vào Nam, sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng như làm hội viên của Hội Nhạc sĩ thành phố.[1][19] Sau khoảng 20 năm hoạt động âm nhạc, bà đã chuyển ngành và không còn tiếp tục sự nghiệp ca hát; điều này lý giải vì sao Bích Liên không được xét duyệt lên danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân như các ca sĩ cùng thời khác do chưa đủ thời gian theo tiêu chuẩn.[4]

Đánh giá

[sửa | sửa mã nguồn]

Bích Liên sở hữu chất giọng lirico soprano[20] nổi tiếng trong thời gian hoạt động âm nhạc,[11][21] với một giọng hát khỏe vang và trong sáng, âm vực rộng, phù hợp với tính chất của thể loại nhạc cách mạng. Chất giọng của nữ ca sĩ được đánh giá là dễ nhớ và để lại ấn tượng sâu trong thính giả.[2] Cũng vì vậy mà bà đã được liệt kê vào trong số những ca sĩ nhạc đỏ "lừng danh" nhất và hát hay nhất, bên cạnh các nghệ sĩ khác qua từng thời kỳ.[4][22]

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ a b c d e f “Bích Liên”. Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 12 năm 2022. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2022.
  2. ^ a b c d e Minh Lê 1995, tr. 254.
  3. ^ Tú Ngọc 2000, tr. 308.
  4. ^ a b c d e f g Đức Cần (2 tháng 2 năm 2021). “NSUT BÍCH LIÊN: Tiếng hát từ trái tim”. Hội Cựu chiến binh Thành phố Hồ Chí Minh. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 12 năm 2022. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2022.
  5. ^ “Nô-en trên trận địa”. Nhân Dân. 26 tháng 12 năm 1972.
  6. ^ Diệu Linh (12 tháng 2 năm 2022). “Nhớ Nguyễn Tài Tuệ, người nhạc sĩ "Xa khơi". vov2.vov.vn. Đài Tiếng nói Việt Nam. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 12 năm 2022. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2022.
  7. ^ Thanh Giang (11 tháng 2 năm 2022). “Nhạc sỹ Nguyễn Tài Tuệ dành cả đời tâm huyết với lao động nghệ thuật”. Báo Tin tức. Thông tấn xã Việt Nam. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 12 năm 2022. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2022.
  8. ^ Ngọc An (12 tháng 2 năm 2022). “Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ: Tôi yêu văn hóa dân tộc như máu thịt mình”. Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 12 năm 2022. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2022.
  9. ^ Nguyễn Tiến Bình (5 tháng 2 năm 2013). “Nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý với người và mảnh đất Hưng Yên”. Quê Hương. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 12 năm 2022. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2022.
  10. ^ Thôn ca (23 tháng 6 năm 2022). “Những giọng ca vàng trên sóng”. Công an nhân dân. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 12 năm 2022. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2022.
  11. ^ a b Nguyễn Đình San (7 tháng 2 năm 2018). “Binh chủng đặc biệt trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968”. Cổng thông tin điện tử tỉnh Cà Mau. Quân đội nhân dân cuối tuần. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 12 năm 2022. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2022.
  12. ^ Phương An (4 tháng 2 năm 2018). “Nhớ những giai điệu chiến thắng”. Nhân Dân. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 12 năm 2022. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2022.
  13. ^ “Tình ca Tây Bắc”. Hội Nhạc sĩ Việt Nam. 15 tháng 9 năm 2013. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 12 năm 2022. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2022.
  14. ^ Nguyệt Hà (17 tháng 7 năm 2014). “Con thuyền nhiều bến đỗ”. Công an nhân dân. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 12 năm 2022. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2022.
  15. ^ Nhiều tác giả 2000, tr. 51.
  16. ^ Đức Lâm (4 tháng 9 năm 2020). "Người sống trong muôn triệu trái tim". Trang tin điện tử Ban quản lý lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tạp chí Xây dựng Đảng. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 12 năm 2022. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2022.
  17. ^ Mai Thị Yến (18 tháng 5 năm 2011). “Hát về Người, lòng ta trong sáng hơn - Trường Đại Học Văn Hóa Nghệ Thuật Quân Đội”. vnq.edu.vn. Trường Đại học Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 12 năm 2022. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2022.
  18. ^ “Người là niềm tin tất thắng”. Công an nhân dân. 20 tháng 8 năm 2009. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 12 năm 2022. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2022.
  19. ^ “TP HỒ CHÍ MINH – Bích Liên”. Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 12 năm 2022. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2022.
  20. ^ Đức Long (12 tháng 3 năm 2018). “Ngọc Lan – Cánh hồng bạc mệnh của nhạc Việt”. Nhạc Xưa Thời Báo. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 12 năm 2022. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2022.
  21. ^ Dương Trang Hương (29 tháng 8 năm 2020). “Người là niềm tin tất thắng”. Báo Khánh Hòa. Lưu trữ bản gốc ngày 29 tháng 9 năm 2022. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2022.
  22. ^ “Những ca sĩ 'nhạc đỏ' lừng danh”. Báo Hà Tĩnh. Thể thao & Văn hóa. 14 tháng 12 năm 2015. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 12 năm 2022. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2022.

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]