Cao Tiêu

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Cao Tiêu
Thông tin cá nhân
Sinh
Tên khai sinh
Hoàng Ngọc Tiêu
Ngày sinh
16 tháng 10, 1930
Nơi sinh
Kiến Xương
Mất14 tháng 2, 2012
Giới tínhnam
Nghề nghiệpnhà thơ, nhà văn

Cao Tiêu (16 tháng 10 năm 1930 – 14 tháng 2 năm 2012), tên thật là Hoàng Ngọc Tiêu, một nhà vănnhà thơ Việt Nam.[1] Ông cũng là một sĩ quan cao cấp trong Quân lực Việt Nam Cộng hòa, cấp bậc Đại tá,[2] từng giữ chức Cục trưởng Cục Tâm lý chiến thuộc Tổng cục Chiến tranh Chính trị.[3]

Thân thế[sửa | sửa mã nguồn]

Ông sinh ngày 16 tháng 10 năm 1930 (có tư liệu ghi năm sinh 1929[4]) tại Dưỡng Thông, Kiến Xương, Thái Bình. Xuất thân trong một gia đình Nho học trung lưu khá giả, thuở nhỏ, ông được cho theo học Tiểu học tại Kiến Xương. Khi lên Trung học, ông được gia đình cho ra học ở Thị xã Thái Bình và sau đó lên Hà Nội. Năm 1950, ông tốt nghiệp Trung học Phổ thông chương trình Pháp tại Hà Nội với văn bằng Tú tài toàn phần (Part II).

Sự nghiệp sĩ quan chính trị[sửa | sửa mã nguồn]

Đầu tháng 1 năm 1951, ông nhập ngũ Quân đội Quốc gia Việt Nam, theo học sĩ quan khóa 4 Lý Thường Kiệt tại trường Võ bị Liên quân Đà Lạt. Sau khi tốt nghiệp với cấp bậc Thiếu úy hiện dịch, ông được điều chuyển về một Tiểu đoàn Bộ binh Việt Nam, phục vụ ở ban Tâm lý chiến của đơn vị, hoạt động tại các tỉnh thuộc vùng đồng bằng Bắc phần. Sau khi Hiệp định Genève được ký kết, trung tuần tháng 7 năm 1954, ông cùng đơn vị di chuyển vào Nam. Đầu tháng 8 cùng năm, ông được chuyển về Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Quốc gia phục vụ ở Ban Tác động Tinh thần.

Khi chính thể Đệ Nhất Cộng hòa thành lập, ông tiếp tục phục vụ trong Quân đội Việt Nam Cộng hòa và được thăng cấp Trung úy tại nhiệm. Ngày Quốc khánh Đệ nhất Cộng hòa 26 tháng 10 năm 1959, ông được thăng cấp Đại úy làm Trưởng ban Nhân viên Phòng 5 tại Bộ Tổng Tham mưu.[a]

Sau Đảo chính Việt Nam Cộng hòa 1963, ông được thăng cấp Thiếu tá giữ chức vụ Phó Phòng 5 Bộ Tổng Tham mưu. Năm 1965, Nha Chiến tranh Tâm lý được đổi thành Tổng cục Chiến tranh Chính trị, ông chuyển sang phục vụ tại Bộ chỉ huy Tổng cục. Cùng năm, ông được thăng cấp Trung tá, giữ chức vụ Cục phó Cục Tâm lý chiến.

Ngày 19 tháng 6 năm 1968, ông được thăng cấp Đại tá và được bổ nhiệm chức vụ Cục trưởng Cục Tâm lý chiến, trực thuộc Tổng cục Chiến tranh Chính trị.[5] Ông giữ chức vụ này cho đến cuối tháng 4 năm 1975.

Hoạt động văn hóa[sửa | sửa mã nguồn]

Trong thời gian công tác tại Cục Tâm lý chiến, ông còn được cử làm Chủ nhiệm Nguyệt san Tiền Phong và Bán Nguyệt san Chiến sĩ Cộng hòa.[b] Năm 1970 ông đoạt giải Văn học Nghệ thuật của Việt Nam Cộng hòa với tác phẩm Hoa trăng. Tác phẩm này đã được Vũ Văn Tuynh phổ nhạc và Bội Ngọc phát hành cùng năm.[6] Năm 1974 ông là thành viên giám khảo môn thơ của giải thưởng Văn học Nghệ thuật.

Đời tư[sửa | sửa mã nguồn]

Ông và vợ có tất cả 8 người con, trong đó người con thứ 6 là Hoàng Văn Tuyên sinh năm 1965. Cuối tháng 4, cũng như một số sĩ quan cao cấp của Việt Nam Cộng hòa, ông cùng gia đình di tản ra nước ngoài.[7] Sau đó, gia đình ông định cư tại quận Orange, Nam Tiểu bang California, Hoa Kỳ. Tại Hội chợ tết Sinh viên ở Nam California trong nhiều năm, khách du Xuân cũng được thưởng lãm những nét bút đẹp, những bài thơ hay của Thi sĩ Cao Tiêu khi ông khai bút đầu Xuân. Ngày 14 tháng 2 năm 2012, ông từ trần tại nơi định cư, hưởng thọ 82 tuổi.

Tác phẩm[sửa | sửa mã nguồn]

  • Quan niệm về Cái chết qua Thi ca và Triết lý (Tiểu luận, do nhà sách Khai Trí xuất bản năm 1970)[8]
  • Sứ trình (Bút ký, do nhà sách Nam Chi Tùng Thư xuất bản năm 1970)[9][10]
  • Đăng trình (Thi tập, do nhà sách Ngọc Nữ xuất bản năm 1971)[11][12]
  • Cao Tiêu Thi tuyển[c] (gồm các bài thơ chữ Hán do Cao Tiêu dịch sang tiếng Việt,[13] nhà sách Hoàng gia Huynh đệ xuất bản tại California năm 2002)

Ghi chú[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Cải danh từ Phòng Tác động Tinh thần
  2. ^ Hai Tạp chí là Cơ quan ngôn luận và tuyên truyền của Quân lực Việt Nam Cộng hòa do Tổng cục Chiến tranh Chính trị Chủ biên
  3. ^ Riêng tập Cao Tiêu thi tuyển gồm 232 bài nguyên tác Hán thi, do tác giả diễn giải, chú thích và dịch thơ

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Nguyễn Thanh Hoàng (1972). Tuần báo văn-nghệ Tiền phong, Số phát hành 639-655. Arlington, Texas: Nguyễn Thanh Hoàng. tr. 46.
  2. ^ Người dân muốn biết. Sài Gòn: Việt Nam thông tấn xã. 1972. tr. 103–108. OCLC 39504199.
  3. ^ Duyên Anh (1988). Saigon, ngày dài nhất. Los Alamitos, California: Xuân Thu. tr. 74. OCLC 18563808.
  4. ^ Võ Phiến (1992). Literature in South Vietnam, 1954-1975 (bằng tiếng Anh). Melbourne: Vietnamese Language & Culture Publications. tr. 216. ISBN 9780949292124.
  5. ^ Đặng Trần Huân (1995). Hành trình một Hát Ô. Los Angeles: Thời Luận. tr. 151. OCLC 645850509.
  6. ^ Who's who in Vietnam (bằng tiếng Anh). Sài Gòn: Vietnam Press Agency. 1972. tr. 423. OCLC 220481251.
  7. ^ Trọng Minh (1995). Vẻ vang dân Việt. Vũ Trọng Chất. tr. 323. OCLC 644073357.
  8. ^ Cao Tiêu (1970). Quan niệm về cái chết qua thi ca và triết lý: tiểu luận. Sài Gòn: Khai Trí. OCLC 644941665.
  9. ^ Cao Tiêu (1970). Sứ Trình: ký-sự một chuyến công-du Đài-Loan. Sài Gòn: Nam-Chí Tùng Thư. OCLC 551413955.
  10. ^ Trần Trọng Đăng Đàn (2000). Văn hóa, văn nghệ Nam Việt Nam, 1954-1975. Hà Nội: Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin. tr. 785. OCLC 960761555.
  11. ^ Bách khoa, Số phát hành 420-422. Sài Gòn: Tạp chí Bách khoa. 1975. tr. 123. OCLC 276878447.
  12. ^ National Union Catalog: A Cumulative Author List Representing Library of Congress Printed Cards and Titles Reported by Other American Libraries (bằng tiếng Anh). Mountain View, California: Library of Congress. 1978. tr. 346. OCLC 1015849263.
  13. ^ Viện văn học (2003). Tạp chí văn học, Số phát hành 5. Hà Nội: Viện văn học, Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam. tr. 163. OCLC 760400115.

Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]