Bước tới nội dung

Kênh Thoại Hà

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
(Đổi hướng từ Kênh Đông Xuyên)
Kênh Thoại Hà
Kênh Thoại Hà đoạn chảy qua thị trấn Núi Sập
Thông tin chung
Tên cũRạch Đông Xuyên
Tên khácKênh Tam Khê, Kênh Đông Xuyên, Đông Xuyên Cảng đạo
DạngKênh đào
Phong cáchCông trình thoát lũ đầu tiên
Quốc gia Việt Nam
Chủ đầu tưThoại Ngọc hầu (Nhà Nguyễn)
Xây dựng
Khởi côngNăm 1818
Hoàn thànhNăm 1818
Kích thước
Kích thước
  • Chiều dài: 31,744 km
  • Chiều rộng: 51,2 m

Kênh Thoại Hà (chữ Hán: 瑞河)[1] còn có các tên: kênh Tam Khê, kênh Đông Xuyên hay Đông Xuyên Cảng đạo, nối rạch Long Xuyên (có khi gọi là sông, tên cũ là rạch Đông Xuyên, thuộc tỉnh An Giang) với hệ thống thủy đạo ở Rạch Giá (Kiên Giang)[2]. Đây là một công trình thoát lũ đầu tiên của nhà Nguyễnđồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam.

Nguyên do

[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 1817, khi Thoại Ngọc Hầu về trấn thủ trấn Vĩnh Thanh, thấy việc giao thông thương mại ở vùng đất này gặp nhiều khó khăn, mọi trao đổi hàng hóa thời bấy giờ giữa miền duyên hải Hà Tiên, Rạch Giá (nay đều thuộc tỉnh Kiên Giang) đều phải đi vòng đường biển thật bất tiện. Và cũng nhận thấy cần phải khơi nguồn để tháo bớt một phần nước lụt của sông Hậu ra biển Rạch Giá. Vì hai lẽ đó, ông đã nghĩ ngay đến việc phải đào một con kênh.

Đào kênh

[sửa | sửa mã nguồn]

Kênh khởi công vào đầu năm 1818, nối rạch Long Xuyên ở Tam Khê [3] với hệ thống thủy đạo ở Rạch Giá [4], huy động khoảng 1.500 nhân công. Nhờ đào theo lạch nước cũ nên công việc khá thuận lợi, một tháng đã hoàn thành với bề rộng 20 tầm (51,2 m), chiều dài 12.410 tầm (31, 744 km)[5].

Trích văn bia Thoại Sơn:

Mùa thu năm Đinh Sửu (1817), lão thần kính, được vua trao ấn phù giữ trấn Vĩnh Thanh, mùa xuân năm Mậu Dần (1818) vâng chỉ đốc suất đào kênh Đông Xuyên.
Từ ngày thụ mệnh vua, sớm khuya kính sợ, đốn cây rậm, bới bùn lầy, đào kênh dài đến 12.410 tầm, trải qua một tháng thì xong việc, nghiễm nhiên trở thành ra một sông to, luôn luôn ghe thuyền qua lại tiện lợi...[6]

Kênh đào xong, ông được vua Gia Long khen ngợi và cho phép lấy ông lấy tên mình để đặt tên cho con kênh mới đào là Thoại Hà và núi Sập là Thoại Sơn.

Để đánh dấu một công trình nhiều ý nghĩa này, Thoại Ngọc Hầu cho soạn một bài văn khắc vào bia đá. Đầu bia chạm to hai chữ Thoại Sơn[7]. Năm Minh Mạng thứ ba (1822), ông long trọng làm lễ dựng bia tại miếu thờ Sơn thần (nay là ngôi đình thờ ông làm Thành hoàng) bên triền núi Sập.

Trong tư liệu cũ

[sửa | sửa mã nguồn]
Vị trí Tam Khê ngày nay. Đây là chỗ khởi đào kênh Thoại Hà.

Sách Đại Nam nhất thống chí chép:

Núi Thoại Sơn ở cách huyện Tây Xuyên 71 dặm về phía nam, cao 20 trượng, chu vi 11 dặm rưỡi, tục gọi là núi Lấp [8], có khe Hương chảy vào phía tây đổ vào sông Thoại Hà (tục gọi là rạch Ba Rạch)... Năm Gia Long thứ 17, trấn thủ Vĩnh Thanh là Nguyễn Văn Thoại sửa sang sông Thoại Hà, công việc xong, vẽ bản đồ dâng lên, nhà vua thấy bờ đông bắc sông có núi Lấp, cho đổi tên là Thoại Sơn để nâng cao công lao của Nguyễn Văn Thoại, Thoại dựng đền thờ ở chân núi và lập bia, khắc hai chữ lớn "Thoại Sơn".[9]

Sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức mô tả:

Thoại Hà tục gọi là Ba Rách, rộng 8 tầm, sâu 14 thước ta, cách trấn về phía tây 214 dặm. Ở bờ phía tây 4 dặm rưỡi đến ngã ba sông, hợp với sông Cần Đăng; qua tây nam 59 dặm đến cửa sông Lạc Dục; từ đấy đi về nam 57 dặm rưỡi đến ngòi nhỏ Song Giang, bùn ứ, cây cỏ ngăn lấp, thuyền bè không đi được. Tháng 11 niên hiệu Gia Long thứ 16 (1817), vua sai Trấn thủ trấn Vĩnh Thanh là Thoại Ngọc Hầu điều dân Việt và dân Thổ 1.500 người, cấp cho gạo tiền để đốn chặt cây cối, đào vét cho thông, bề ngang sông là 12 tầm, sâu 4 thước ta, trong 1 tháng thì xong, ăn thông với thủy đạo Kiên Giang, nhân dân Việt, Thổ đi lại đều tiện lợi. Vua ban tên là Thoại Hà để ghi nhớ công của người bề tôi.[10]

Lợi ích

[sửa | sửa mã nguồn]
Nơi kênh Thoại Hà nối với hệ thống thủy đạo ở Rạch Giá.

Đến hôm nay, kênh vẫn còn có giá trị lớn về các mặt trị thủy, giao thông, thương mại, nông nghiệp và kênh cũng đã làm thay đổi bộ mặt thôn xóm ở hai bên bờ. Tất cả, thể hiện sức lao động sáng tạo xây dựng đất nước của nhân dân Việt và chính sách coi trọng thủy lợi để phát triển nhiều mặt của triều Nguyễn.

Trong Nam Kỳ phong tục diễn ca (1909) của Nguyễn Liên Phong, có đoạn thơ nói về con kênh này như sau:

Đời Gia Long thập thất niên,
Ông Bảo hộ Thoại phụng truyền chỉ sai.
Đào kinh Lạc Dục[11] rất dài,
Ngang qua núi Sập trong ngoài giao thông.
Rồi vừa một tháng nhơn công,
Giáp vô Rạch Giá thương nông đều nhờ.

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Vì sao "Thụy" đọc là "Thoại", GS. Nguyễn Văn Hầu giải thích: Miền Bắc, chữ 瑞 đọc là "Thụy", ngoài ra chữ "Thụy" còn là quốc quý thời nhà Nguyễn nên kiêng cữ (tr. 36). Tương tự, "Thụy Sơn" đọc là "Thoại Sơn".
  2. ^ Xem vị trí ở đây: [1][liên kết hỏng].
  3. ^ Người Khmer gọi nơi này Ba Rạch (hay Ba Lạch, Ba Rách. Từ "Ba" dịch là "Tam", "Rạch" dịch là "Khê"), tức Prêk Kramuõ sa, nghĩa là "sông sáp trắng nay tên quen dùng là Ba Dầu hoặc Ba Bần, thuộc xã Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang.
  4. ^ Vàm kênh Thoại Hà ở gần bến phà nhỏ của phường Vĩnh Thông ngày nay. Xem vị trí ở đây: [2] Lưu trữ 2013-10-04 tại Wayback Machine
  5. ^ Các con số quy đổi ghi theo sách Kỷ lục An Giang 2009 (Nhà xuất bản Thông Tấn, 2009, tr. 36). Xem thêm "Lịch sử hình thành vùng đất và con người Thoại Sơn" trên Cổng thông tin điện tử của huyện Thoại Sơn truy cập ngày 6 tháng 2 năm 2013 [3].
  6. ^ Bản dịch in trong Thoại Ngọc Hầu và những cuộc khai phá miền Hậu Giang, tr.371-372.
  7. ^ Bia Thoại Sơn có chiều cao 3 m, ngang 1,2 m, bề dày 0,2 m, mặt bia chạm đúng 629 chữ Hán, đang được bảo quản tốt trong Đình thờ Thoại Ngọc Hầu, tức miếu Sơn thần xưa tại triền núi Sập.
  8. ^ "Núi Lấp" hay "núi Sập" đều là tên tục gọi. Sách Quốc sử tạp lục của Nguyễn Thiệu Lâu viết là "núi Lạp" (Nhà xuất bản Cà Mau, 1994, tr. 122).
  9. ^ Viện sử học phiên dịch và chú giải, Đại Nam nhất thống chí (tập 5). Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2006, tr. 195.
  10. ^ Gia Định thành thông chí (bản điện tử: [4] Lưu trữ 2009-05-27 tại Wayback Machine).
  11. ^ Nguyễn Liên Phong gọi kênh Thoại Hà là kênh Lạc Dục là sai, vì Lạc Dục chỉ là một nhánh của Tam Khê (theo Nguyễn Hữu Hiệp, Kinh Thoại Hà và những điều ngộ nhận, sách Nam Bộ xưa và nay, Nhà xuất bản TP.HCM, tr.99).

Sách tham khảo chính

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Nguyễn Văn Hầu,Thoại Ngọc Hầu và những cuộc khai phá miền Hậu Giang, Nhà xuất bản Hương Sen, Sài Gòn, không ghi năm xuất bản.
  • Nhiều người soạn, Địa chí An Giang (tập 1). UBND tỉnh An Giang tổ chức biên soạn và ấn hành, 2003.
  • Nhiều tác giả, Kỷ yếu Hội thảo khoa học danh nhân Thoại Ngọc Hầu do Hội khoa học Lịch sử Việt Nam, UBND tỉnh An Giang và UBND thành phố Đà Nẵng phối hợp tổ chức và ấn hành năm 2009.

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]