Bước tới nội dung

Mường Và

Đây là một phiên bản cũ của trang này, do TuanminhBot (thảo luận | đóng góp) sửa đổi vào lúc 05:25, ngày 31 tháng 5 năm 2017 (→‎top: replaced: 8 loại → tám loại using AWB). Địa chỉ URL hiện tại là một liên kết vĩnh viễn đến phiên bản này của trang, có thể khác biệt rất nhiều so với phiên bản hiện hành.

Mường Và
Xã Mường Và
Hành chính
Quốc gia Việt Nam
TỉnhSơn La
HuyệnSốp Cộp
Địa lý
Tọa độ: 20°50′41″B 103°36′27″Đ / 20,84472°B 103,6075°Đ / 20.84472; 103.60750
Mường Và trên bản đồ Việt Nam
Mường Và
Mường Và
Vị trí xã Mường Và trên bản đồ Việt Nam
Diện tích281,4 km²
Dân số (1999)
Tổng cộng7389 người
Mật độ26 người/km²
Khác
Mã hành chính4243

Mường Và là một thuộc huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La, Việt Nam.

Điều kiện tự nhiên:

Mường Và là xã vùng cao, biên giới, nằm ở phía Nam của huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La. Phía Bắc giáp xã Sốp Cộp, phía Nam giáp xã Mường Lạn, phía Tây giáp xã Nậm Lạnh; có đường biên giới dài 17 km, giáp với huyện Viêng Thoong, huyện Mường Ét của nước cộng hoà dân chủ nhân dân Lào.

Đặc điểm địa hình xã Mường Và phức tạp, chia cắt mạnh bởi các dãy núi cao, hệ thống các khe, suối. Độ cao trung bình khoảng 1.260 m so với mực nước biển, địa hình dốc dần theo hướng Đông Bắc sang Tây Nam xen kẽ giữa các dãy núi là những phiêng bãi bằng phẳng. Địa hình được chia thành 2 dạng chính: dạng địa hình núi cao và dốc chiếm khoảng 95% diện tích tự nhiên của xã. Dạng địa hình bằng phẳng phân bố dọc theo suối Nặm Ca từ bản Sổm Pói đến Hin Cáp và suối Nặm Sủ từ bản Nà Vèn đến Nà Mòn, có độ cao trung bình 750 m, chiếm khoảng 5% diện tích tự nhiên.

Hệ thống suối trên địa bàn xã Mường Và phân bố dày đặc, gồm có 2 suối chính là Nặm Ca, Nặm Sủ chạy dọc theo địa bàn xã. Suối Nặm Ca có chiều dài 34 km, bắt nguồn từ Pha Thóng tới bản Sổm Pói. Suối Nặm Sủ dài 12 km, bắt nguồn từ bản Tặc Tè tới bản Nà Vèn và đổ vào suối Nặm Ca. Cùng với hai con suối chính, trên địa bàn còn có 25 suối nhỏ, như huổi Một, huổi Ban, huổi Lầu, huổi Pá Khoang, huổi Có, huổi Niếng…

Tài nguyên đất được phân thành tám loại chính: Đất phù sa, đất đỏ vàng trên đá sét, đất vàng nhạt trên đá cát, đất đỏ vàng biến đổi, đất mùn nâu đỏ, đất mùn vàng đỏ trên đá sét, đất mùn vàng nhạt trên đá cát, đất thung lũng do sản phẩm dốc tụ.

Tổng diện tích tự nhiên xã Mường Và năm 2006 là 27.762,2 ha. Trong đó, nhóm đất nông nghiệp có 10.398,27 ha, chiếm 37,45% tổng diện tích tự nhiên. Nhóm đất phi nông nghiệp có 157,77ha, chiếm 0,57 tổng diện tích tự nhiên. Nhóm đất chưa sử dụng còn 17.206,16 ha, chiếm 61,98% tổng diện tích tự nhiên.

Hệ thống giao thông kém phát triển. Duy nhất có tuyến đường từ trung tâm huyện qua địa bàn xã đến xã Mường Lạn. Hệ thống giao thông liên bản chủ yếu là đường đất, đi lại khó khăn về mùa mưa.

Địa danh hành chính:

Cũng như ở các vùng dân tộc Thái, trước năm 1945 địa giới hành chính và tổ chức xã hội ở Mường Và diễn biến khá phức tạp, gồm có Mường, Lộng, Quén, Chiềng, bản. Mường Và trước năm 1945 là một Lộng thuộc tổng Sốp Cộp - Mường Thanh (tỉnh Điện Biên).

Trong tiến trình phát triển, địa giới hành chính Lộng Mường Và, sau này là xã Mường Và từ sau năm 1945 có thay đổi. Năm 1953, huyện Sông Mã thành lập, gồm vùng Sốp Cộp, vùng Mường Lầm, vùng Mường Hung. Vùng Sốp Cộp, Mường Hung, Mường Lầm tách thành các xã với địa dư, dân số phù hợp.

Xã Mường và các xã Dồm Cang, Nặm Lạnh, Púng Bánh, Sam Kha Có thể đồng thời được thành lập1. Năm 2003, huyện Sốp Cộp thành lập, xã Mường Và thuộc huyện Sốp Cộp. Xã Mường Và năm 2010 có 27 bản: Sổm Pói, Nong Lanh, Nà Một, bản Hốc, bản Tông, Huổi Hùm, Nà Nghè, Huổi Vèn, Co Đứa, Huổi Pót, Pá Khoang, Mường Và, Nà Vèn, Hin Cáp, Huổi Ca, Pá Vai…

Điều kiện xã hội:

Vùng đất Mường Và hình thành từ lâu đời. Cho đến nay xã Mường Và có 27 bản trong đó 13 bản người Thái, sáu bản người Khơ Mú, 3 bản người Lào, và năm bản người Mông. Xã có bốn bản giáp biên với nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào là bản Pá Vai, bản Huổi Dương, bản Púng Pảng, bản Phá Thoóng. Tính đến năm 2010 Mường Và có 1844 hộ với 9147 nhân khẩu. Trong xã có 6 dân tộc anh em cùng sinh sống gồm: Thái, Lào, Mông, Kinh, Tày, Khơ Mú. Dân tộc thái có 1.111 hộ chiếm 60,26%, dân tộc Lào có 293 hộ chiếm 15,89%, dân tộc Khơ Mú có 234 hộ chiếm 12,69%, dân tộc Mông có 202 hộ chiếm 10,92 % còn lại là dân tộc Tày và dân tộc Kinh.  Các dân tộc ở Mường Và chủ yếu sống xen kẽ, chỉ có một số ít bản thuần tuý là dân tộc Lào hoặc dân tộc thái. Ở mỗi dân tộc đều có những nét rất riêng về đời sống vật chất và sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng, tinh thần.

Người thái ở Mường Và là dân tộc chiếm số đông nhất, sống tập trung thành từng bản. Họ sinh sống chủ yếu ở vùng thấp nơi có phiêng bãi bằng, gần suối, có ruộng nước. Đời sống  của đồng bào Thái trước đây chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, họ khá thuần thục về kỹ thuật khai khẩn đồng ruộng như: đắp phai, khơi mương, bắc máng hay làm guồng…Ngoài ra dân tộc Thái còn có kinh nghiệm trong việc làm nương rẫy, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nam giới thông thạo làm các công cụ, đan lát các đồ dùng trong gia đình, săn bắt thú trên rừng, đánh bắt cá dưới suối. Phụ nữ Thái chăm chỉ lao động, thạo nghề trồng bông, dệt vải, thêu thùa. Đồng bào Thái ở Mường Và còn có truyền thống lao động cần cù, sáng tạo, có tính cộng đồng cao, tính tình thật thà, chất phác, phóng khoáng, đặc biệt là rộng lượng, hiếu khách. Trong một gia đình thường có nhiều thế hệ cùng chung sống hoà thuận. Sự cố kết rất bền chặt trong bản, mường, trong dòng họ, mọi vui buồn luôn chia sẻ.

Về đời sống văn hoá tinh thần người Thái hết sức phong phú và có nét độc đáo riêng. Họ có chữ viết riêng, nền văn học dân gian của người thái rất phong phú phản ánh sâu sắc phong tục tập quán, về đời sống sản xuất, về tình yêu đôi lứa, tình cảm gia đình... như Xống trụ son sao, Quám tố mương, Khun lu - Nàng ủa... Các hoạt động văn hoá cộng đồng, tập thể như ca, múa. Vào ngày xuân, đầu năm mới, các lễ hội người Thái thường tổ chức các hoạt động văn hoá văn nghệ như múa xoè vòng, múa nón, múa khăn, múa sạp, hát thơ, thi nén còn, kéo co, đẩy gậy... Ngày nay các hoạt động văn hóa, văn nghệ được phát huy.

Người Thái có phong tục, tập quán rất riêng. Việc cuới xin được tổ chức hết sức chặt chẽ, chu đáo từ thăm dò (Chóm) đến ăn hỏi (bay thăm), rồi lễ cưới ở nhà gái (đoong khửn) cuối cùng mới là lễ cuới đón dâu về nhà chồng (đoong lông). Vào đầu xuân người Thái còn tổ chức lễ xên bản, xên mường, xên hươn. Đây là những hoạt động tín ngưỡng thiêng liêng được đồng bào Thái gìn giữ lưu truyền từ ngàn đời nay.

Ở Mường Và, dân tộc Lào chiếm tỷ lệ cao so với dân số. Trong 27 bản có ba bản toàn bộ là dân tộc Lào: Mường Và, Nà Vèn và Nà Khoang. Đồng bào dân tộc Lào đã định cư, ổn định cuộc sống ở Mường Và hàng trăm năm nay. Họ sống ở vùng đất thấp, có phiêng bãi, có ruộng nước và tập trung thành bản. Đời sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, cũng như đồng bào Thái, họ khá thuần thục về kỹ thuật khai khẩn đồng ruộng. Người Lào có nhiều điệu dân vũ truyền thống, nổi tiếng là điệu xòe và lăm vông. Bộ nhạc cụ truyền thống của người Lào có trống, chiêng, khèn bè, sáo. Các trò chơi dân gian như ném còn, đánh quay, đánh cầu lông gà, đẩy gậy thường được tổ chức vào các dịp lễ hội đầu xuân. Đa số đàn ông dân tộc Lào đều giỏi nghề mộc, đan lát, chài lưới. Phụ nữ dân tộc Lào rất giỏi trồng dâu, trồng bông, nuôi tằm và dệt vải. Sản phẩm dệt của người Lào được đánh giá cao về chất liệu. Trang phục truyền thống của người Lào cũng khá độc đáo. Đàn ông mặc quần, áo màu đen, cổ tròn, có hai túi trước bụng, khăn trắng có thêu hoa văn ở góc hai đầu khăn. Phụ nữ Lào mặc váy ống chia thành hai loại. Loại thường ngày, nửa dưới màu đen, nửa trên có các đường sọc ngang nhỏ, nhiều màu sắc, áo cóm ngắn. Loại hội hè, gấu váy được thêu nhiều hoa văn hình quả trám hoặc hình con rồng cách điệu.

Người Lào ở Mường Lạn có các lễ hội như xên bản, xên mường, ăn tết khẩu hó, ăn tết nguyên đán như đồng bào người kinh. Lễ xên mường thường được tổ chức vào tháng 3 (âm lịch) hàng năm. Tuỳ theo từng bản có thể tổ chức to nhỏ khác nhau. Ở xã Mường Và có bản Mường Và là tổ chức to nhất. Lễ xên mường được tổ chức theo vòng 3 năm. Năm thứ nhất: 1 ngày, 1 đêm; năm thứ hai: 2 ngày, 2 đêm; năm thứ ba: 3 ngày, 3 đêm. Không gian lễ hội gồm hai phần: Tại nhà ông Chẩu sửa (chủ áo, người chủ trì lễ hội được truyền theo dòng họ) và khu rừng thiêng (Lộng căm) của bản. Đầu tiên là lễ phát mác (Chẩu sửa báo cho tổ tiên biết mường sẽ tổ chức xên mường) sau đó lễ cúng được bắt đầu tại nhà ông Chẩu sửa, cả bản dắt một con trâu, dâng chiếc áo - “linh vật” của Lễ hội (chiếc áo được cho là hồn cốt của Khăm Long, người đầu tiên đến khai phá bản Mường Và), và các đồ cúng tế khác  đánh chiêng trống đi đến Lộng căm (khu rừng thiêng), tại đây đã dựng sẵn một nhà sàn nhỏ để hàng năm bản cúng tế. Tại Lộng căm theo tục sẽ có người đóng giả hổ để đâm trâu trước khi tiến hành mổ trâu và làm các thủ tục cúng tế. Cả bản tổ chức ăn uống và chia thịt trâu theo hộ. Sau phần lễ sẽ đến phần hội (tổ chức vào ngày kiêng cuối cùng). Mọi người sẽ tổ chức các trò chơi dân gian như kéo co, ném còn, đánh cù, tó má lẹ… Có tục ném hạt thóc, hạt bông và nhảy múa, đánh trống, chiêng vào buổi sáng. Thời gian tổ chức Lễ hội cũng có tục cấm bản: Từ 18h tối ngày mổ trâu tế lễ: không đi làm ruộng, nương, không hát hò…người vào bản không được gây tiếng động mạnh (như xe máy, ô tô …)

Tết khẩu hó (tết cơm gói) của dân tộc Lào được tổ chức vào giữa tháng 8 âm lịch hàng năm. Ngày tết Khẩu hó các gia đình thường chuẩn bị mâm cơm để cúng ông bà tổ tiên. Nhà nào có nhiều ông bà đã mất thì chuẩn bị nhiều mâm cơm cúng. Trong mâm cơn thường có các loại hoa quả do bào con trồng hoặc các loại quả ăn được hái ngoài rừng về, đặc biệt là các gói cơm. Các gói cơm được chuẩn bị rất cầu kì gồm cơm nếp ngon, các loại thịt gà, thịt vịt, cá, ếnh, nhái, dế, nhộng ong đã được nấu, nướng chín gói bằng lá rong. Tết khẩu hó là dịp để đồng bào dân tộc Lào thể hiện lòng biết ớn, nhớ đến ông bà tổ tiên. Đây cũng là dịp để họ mời anh em bạn bè gần xa đến tham gia đình vui chơi, uống rượu.

Ngoài dân tộc Thái, dân tộc Lào ở Mường Và còn có dân tộc Mông. Địa bàn cư trú của người Mông thường ở núi cao, nơi có nhiều đất để trồng lúa nương, ngô, sắn… Đời sống kinh tế chủ yếu là lâm - nông nghiệp và còn mang tính tự cung tự cấp. Ngoài trồng trọt đồng bào Mông còn chăn nuôi trâu, bò, dê, lợn, gà, làm nghề thủ công như đan nát, làm đồ gia dụng, làm giấy, làm đồ trang sức bằng bạc, đặc biệt là nghề rèn nông cụ đã đạt đến trình độ cao trong tôi luyện sắt. Ngày nay, nghề rèn hầu như không còn

Phụ nữ Mông thường giỏi may mặc. Quần áo của người Mông chủ yếu may bằng vải tự dệt, đậm đà tính cách tộc người trong tạo hình và trang trí với kỹ thuật đa dạng. Chỉ với 4 màu chủ đạo xanh, đỏ, trắng, vàng của chỉ tơ tằm mà họa tiết của trang phục đã tỏa ra muôn sắc màu, tạo cảm giác trầm ấm. Trang phục của phụ nữ Mông có họa tiết hoa văn đẹp từ khăn đội đầu đến xà cạp quấn chân. Cách bố cục và họa tiết trên trang phục còn thể hiện sức sống, bản lĩnh của người Mông trước thiên nhiên…Trang phục nam thường mặc áo cánh ngắn ngang hoặc dưới thắt lưng, thân hẹp, ống tay hơi rộng. Áo nam có hai loại: năm thân và bốn thân. Quần nam giới là loại chân què ống rất rộng so với các tộc trong khu vực. Đầu thường chít khăn, có nhóm đội mũ xung quanh có đính những hình tròn bạc chạm khắc hoa văn.

Người Mông có đời sống tinh thần phong phú đa dạng về phong tục tập quán, tôn giáo tín ngưỡng và văn hoá nghệ thuật. Dân tộc Mông còn có nhiều phong tục tập quán mang đậm tính nhân văn, trong đó đặc sắc nhất là những tục lệ về cưới xin, những tục lệ như "bắt vợ", "ăn hỏi", "buộc chỉ cổ tay" là những di sản lớn nhất về tinh thần mà ông cha từ xưa truyền lại; ngoài ra còn có những tục lệ với những ràng buộc khắt khe song bên trong đó đều chứa đựng những yếu tố rất tình người, được xử lý linh hoạt trên cơ sở đoàn kết yêu thương. Đó chính là nhân lõi để gìn giữ sự gắn bó của cộng đồng và bảo lưu các giá trị văn hoá độc đáo của người Mông.

Người Khơ Mú ở Mường Và còn có tên gọi khác là người xá. Cũng như người Thái, người Lào, người Khơ Mú sống tập trung thành từng bản, ở vùng thấp, sinh sống chủ yếu bằng làm nương rẫy, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Cây trồng có lúa ngô bầu bí, đỗ và các loại cây có củ. Ngoài ra dân tộc Khơ Mú còn làm nghề rèn, mộc, dệt vải.

Phong tục cưới xin, ma chay của người Khơ Mú có nhiều nét giống người Thái và người Lào. Ðám cưới được tiến hành qua các khâu dạm hỏi, ở rể, lễ cưới ở bên nhà vợ và lễ đón dâu... Trai gái được tự do tìm hiểu nhưng quyền quyết định do bố mẹ, đặc biệt là ông cậu. Người Khơ Mú ăn tết nguyên đán như người kinh. Ngoài ra họ còn có lế ăn Khẩu mấu (Mừng cơm mới) tổ chức vào tháng 9 khi kết thúc vụ hè thu, kết thúc vụ lúa nương. Lễ ăn Khẩu mấu được tổ chức theo theo hộ gia đình. Tuỳ theo điều kiện mà tổ chức to nhỏ khác nhau. Đây là dịp để họ mời bố mẹ, bạn bè uống rượu, chung vui. Thường lễ ăn Khẩu mấu kéo dài 1 ngày. Lễ "Củ phứa, Củ măn" (lễ ăn khoai sọ, khoai lang…) cũng là nét văn hoá đặc sắc của người Khơ Mú. Sau khi thu vụ mùa các gia đình đồng bào dân tộc Khơ Mú mổ gà, vịt, lợn, dê ăn mừng. Họ mời anh em bạn bè đến ăn cơm, uống rượu. Trong bản các gia đình tổ chức lần lượt luôn phiên nhau. Để thêm vui có thể 2-3 gia đình kết hợp tổ chức trong một ngày.

Người Khơ Mú có nhiều nét văn hoá đẹp. Nhảy xoè Khơ Mú rất sinh động, phong phú. Về nhạc cụ, ngoài  trống chiêng còn có tăng bu, hưn mạy, pí lót, cọng linh. Dân ca Khơ Mú có đồng dao, hát du, hát giao duyên, hát trữ tình.

Người Kinh và người Tày ở Mường Và có số dân ít, sông xen kẽ với dân tộc Thái, Khơ Mú và Lào. Chủ yếu là người Kinh từ các tỉnh lên xây dựng kinh tế mới. Ở Mường Và người Kinh cư trú chủ yếu ở ven trục đường chính, sinh sống xen kẽ với các dân tộc bản địa. Người Kinh ở Mường Và chủ yếu buôn bán hàng tạp hóa, phục vụ nhu cầu của nhân dân địa phương. Tuy đến sinh sống muộn hơn, nhưng các hộ gia đình người Kinh đã nhanh chóng hòa nhập trong lao động sản xuất, giao lưu văn hóa, đoàn kết, hòa đồng, hòa nhập cùng xây dựng Mường Và - quê hương thứ hai của họ ngày càng giàu đẹp.

Bản Mường Và đất rộng, người đông nhất, nên tên bản được chọn làm tên xã. Là địa bàn biên giới, tiếp giáp với 2 huyện Viêng Thoong và Mường Ét của nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào. Đồng bào hai bên biên giới từ lâu đã có quan hệ láng giềng, thân thiện và trở thành truyền thống quý báu. Ngày nay truyền thống đó ngày càng được củng cố vững chắc.

Trong quá trình phát triển, nhân dân Mường Và đã chung lưng khai phá, tạo dựng nên một vùng đất có đồng ruộng lúa tươi tốt, những triền đồi bạt ngàn ngô, sắn; với những sinh hoạt văn hoá mang đậm chất nhân văn của dân tộc Thái, Lào, Mông, Khơ Mú…Đặc biệt trong thời kỳ mới, mặc dù âm mưu, thủ đoạn phá hoại nhiều mặt của các thế lực thù địch diễn biến phức tạp, đời sống kinh tế của nhân dân còn nhiều khó khă nhưng dưới sự lãnh đạo, hướng dẫn của Đảng bộ, Chính quyền và các tổ chức đoàn thể quần chúng, nhân dân Mường Và đã góp phần cùng với các vùng lân cận thực hiện tốt nhiệm vụ giữ vững an ninh biên giới của Tổ quốc, xây dựng quê hương Mường Và ngày càng phát triển.

1 Nhóm biên soạn chưa tìm được quyết định thành lập xã, sẽ được khai thác bổ sung sau.

Chú thích

Tham khảo

Bản mẫu:Danh sách xã, thị trấn thuộc huyện Sốp Cộp