Nguyễn Xuân Khánh
Nguyễn Xuân Khánh | |
---|---|
Sinh | 1933 Cổ Nhuế, Hà Nội |
Mất | 12 tháng 6, 2021 Hà Nội | (87–88 tuổi)
Bút danh | Đào Nguyễn |
Nghề nghiệp | Nhà văn, Dịch giả |
Quốc tịch | Việt Nam |
Dân tộc | Kinh |
Tư cách công dân | Việt Nam |
Thể loại | Văn xuôi |
Chủ đề | Truyện ngắn, tiểu thuyết, dịch |
Trào lưu | Hiện đại |
Tác phẩm nổi bật | Hồ Quý Ly, Chuyện ngõ nghèo, Mẫu thượng ngàn,... |
Nguyễn Xuân Khánh (1933 - 2021) là một nhà văn, dịch giả Việt Nam.
Thân thế sự nghiệp
[sửa | sửa mã nguồn]Nguyễn Xuân Khánh sinh năm 1933 tại làng Cổ Nhuế, Hà Nội. Ông đỗ Tú tài Toán, học Đại học Y khoa Hà Nội cho đến hết năm 1952 thì ra vùng tự do tham gia bộ đội. Trong khoảng mười năm, ông ở một đơn vị pháo binh, rồi dạy văn hoá tại Trường Sĩ quan Lục quân trước khi chuyển về làm việc tại tạp chí Văn nghệ Quân đội. Từ 1966, ông là phóng viên báo Thiếu niên Tiền phong trước khi về hưu non vào năm 1973. Ông qua đời chiều 12/6 vì tuổi già, thọ 88 tuổi.
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã từng mất tích trên văn đàn gần 30 năm, sau một biến cố. Trong suốt những năm đó, ông Khánh sống chật vật vì không được viết, không được in và không có thu nhập. Ông chỉ có một khe cửa hẹp là dịch Anh - Việt cho Viện Thông tin. Một người bạn là ông Phạm Toàn mang bản tiếng Anh tới, ông cùng nhà thơ Trần Dần và dịch giả Dương Tường xoay trần ra dịch. Đó là những bản dịch khó vì đòi hỏi cả ngoại ngữ lẫn chuyên môn sâu, những chuyên môn không phải y và toán như ông đã từng được học.
Tiểu thuyết "Hoang tưởng trắng" viết năm 1974 nhưng đến năm 1985 mới được in ở NXB Đà Nẵng dưới cái tên "Miền hoang tưởng" và bút danh Đào Nguyễn. Mãi đến năm 2015, tức 30 năm sau, tác phẩm mới ấn bản lần thứ hai với tên gốc là "Hoang tưởng trắng", lấy tên thật của tác giả.
Cuốn sách " Chuyện ngõ nghèo" được hoàn thành vào Tết 1980, đúng giai đoạn khó khăn nhất của kinh tế Việt Nam, và nó được ấn bản sau đúng 30 năm hoàn thành bản thảo.
Tác phẩm
[sửa | sửa mã nguồn]- Rừng sâu (tập truyện ngắn, 1963)
- George Sand – nhà văn của tình yêu (biên khảo, 1994)
- Miền hoang tưởng (tiểu thuyết, 1990)
- Hồ Quý Ly (tiểu thuyết, 2000)
- Hai đứa trẻ và con chó Mèo xóm núi (tập truyện ngắn, 2002)
- Mưa quê (tập truyện ngắn, 2003)
- Trư Cuồng (tiểu thuyết, 2005)
- Mẫu thượng ngàn (tiểu thuyết, 2006)
- Đội gạo lên chùa (tiểu thuyết, 2011)
- Chuyện ngõ nghèo (tiểu thuyết. 2016)
Các tác phẩm dịch thuật nổi tiếng của ông như:
- Những quả vàng (tiểu thuyết của Nathalie Sarraute, Nhà xuất bản Phụ nữ, Hà Nội, 1996)
- Chuông nguyện cầu cho kẻ đã khuất (tiểu thuyết của Taha Ben Jelloun, Trung tâm Văn hóa - Văn minh Pháp và Nhà xuất bản Phụ nữ, Hà Nội, 1998)
- Bảy ngày trên khinh khí cầu (Jules Verne, Nhà xuất bản Kim Đồng, Hà Nội, 1998)
- Hoàng hậu Sicile (tiểu thuyết của Pamela Schoenewaldt, Nhà xuất bản Kim Đồng, Hà Nội, 1999)
- Tâm lý học đám đông (tiểu luận của Gustave le Bon, Nhà xuất bản Tri thức, Hà Nội, 2006)
- Sự hình thành biểu tượng ở trẻ nhỏ (Jean Piaget)....
Giải thưởng
[sửa | sửa mã nguồn]- Giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam 1998 - 2000 với tiểu thuyết Hồ Quý Ly
- Giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội 2001 với tiểu thuyết Hồ Quý Ly
- Giải thưởng Thăng Long của UBND TP, Hà Nội 2002 với tiểu thuyết Hồ Quý Ly
- Giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội 2006 với tiểu thuyết Mẫu thượng ngàn
- Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam 2011 với tiểu thuyết "Đội gạo lên chùa"
- Giải thưởng Thành tựu văn học trọn đời của Hội Nhà văn Hà Nội.
Qua đời
[sửa | sửa mã nguồn]Ông qua đời vào ngày 12 tháng 6 năm 2021, hưởng thọ 88 tuổi.[1]
Chú thích
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ Thanh Hiệp (13 tháng 6 năm 2021). “Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh qua đời”. Người Lao Động. Truy cập 27 tháng 9 năm 2021.