Bước tới nội dung

Sonata cho Dương cầm số 2 (Chopin)

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Sonata cho Dương cầm số 2
của nhạc sĩ Frédéric Chopin
Chân dung Chopin bằng màu nước bởi Maria Wodzińska, 1836
Tên khácFuneral March
GiọngSi giáng thứ
Opus35
Thể loạiSonata cho Dương cầm
Sáng tác vào1837–1839
Xuất bản1840
Thời lượngKhoảng 21-25 phút
Số chương4

Bản Sonata cho Dương cầm số 2 cung Si giáng thứ, Op. 35, là một bản sonata cho Dương cầm gồm bốn chương của nhà soạn nhạc người Ba Lan Frédéric Chopin. Chopin hoàn thành tác phẩm khi ông sinh sống tại dinh thự của George Sand ở thành phố Nohant, cách khoảng 250km về phía nam Paris, một năm trước khi nó được xuất bản vào năm 1840. Là bản sonata đầu tiên trong ba bản sonata trưởng thành của nhà soạn nhạc (hai bản còn lại là Sonata cho Dương cầm số 3 cung Si thứ, Op. 58 và bản Sonata cho Dương cầm và Cello cung Sol thứ, Op. 65), tác phẩm được coi là một trong những bản sonata cho Dương cầm hay nhất của nền văn học nhạc cổ điển.

Chương thứ ba của bản sonata là hành khúc tang lễ nổi tiếng của Chopin(tiếng Pháp: Marche funèbre; tiếng Ba Lan: Marsz żałobny) được sáng tác ít nhất hai năm trước phần còn lại của tác phẩm và bản thân nó là một trong những sáng tác nổi tiếng nhất của Chopin. Bản Sonata cho piano số 2 mang những ám chỉ và hồi tưởng về âm nhạc của Johann Sebastian Bach và của Ludwig van Beethoven; bản Sonata cho Duơng cầm số 12 của Beethoven cũng chứa phần hành khúc tang lễ ở chương III. Một màn trình diễn điển hình của bản này mất khoảng 21 đến 25 phút, tùy thuộc vào việc có lặp lại phần trình bày của chương đầu tiên hay không.

Mặc dù bản Sonata cho Duơng cầm số 2 ngay lập tức trở nên phổ biến với công chúng, giới phê bình ban đầu còn nhiều nghi ngờ. Robert Schumann, cùng với một số nhà phê bình khác, cho rằng tác phẩm yếu kém về mặt cấu trúc và Chopin "chưa thể xử lý hoàn toàn hình thức sonata", một lời chỉ trích không trường tồn. Tác phẩm đã được nhiều nghệ sĩ piano ghi âm lại và thường xuyên được biểu diễn trong các buổi hòa nhạc và các cuộc thi piano. Bản hành khúc tang lễ được cải biên nhiều lần và đã được biểu diễn tại các đám tang trên khắp thế giới (kể cả của Chopin), từ đó trở thành một nguyên mẫu gợi nhớ đến cái chết.

Bối cảnh lịch sử

[sửa | sửa mã nguồn]

Bản Sonata cho Dương cầm số 2 được viết trong thời gian nhạc sonata đang mất đi vị thế thống trị của nó. Trong khi các bản sonata của BeethovenMozart chiếm một phần đáng kể trong số các tác phẩm mà họ sáng tác, điều này không còn áp dụng đối với các thế hệ nhà soạn nhạc tiếp theo: Franz Liszt chỉ viết một bản sonata trong số hàng chục tác phẩm cho các nhạc cụ của ông, Robert Schumann viết 7 bản (8 nếu bao gồm bản Fantasie cung Đô trưởng, Op. 17), còn Felix Mendelssohn chỉ viết 13 bản. Bên cạnh bản Sonata cho Dương cầm số 2, Chopin chỉ viết 3 bản sonata khác: Sonata cho Dương cầm cung Đô thứ (Op. posth. 4), viết năm 18 tuổi; Sonata cho Dương cầm số 3 cung Si thứ (Op. 58); và Sonata cho Dương cầm và Cello cung Sol thứ (Op. 65). [1]

Nguồn gốc sáng tác của bản Sonata cho Dương cầm số 2, được coi là bản sonata trưởng thành[ghi chú 1] dành cho Duơng cầm đầu tiên mà Chopin viết, [2] tập trung vào chương III (Marche funèbre, tạm dịch là Hành khúc tang lễ), một bản hành khúc tang lễ mà nhiều học giả cho rằng được viết vào năm 1837.[2][3] Jeffrey Kallberg tin rằng việc này là do một bản thảo có chữ ký của tám ô nhịp nhạc ở cung Rê giáng trưởng đánh dấu Lento cantabile (tạm dịch: hát chậm rãi), dường như được viết như một món quà dành cho một người nhận giấu tên. Bản thảo đề ngày 28 tháng 11 năm 1837 sau này trở thành một phần của phần Trio trong Marche funèbre. Tuy nhiên, Kallberg gợi ý rằng bản thảo này có thể là phần mở đầu cho một chương chậm rãi khác đang được viết trước đó thay vì là một phần của Marche funèbre. Ông viết rằng "sẽ bất thường nếu Chopin tặng một bản thảo mà nếu nó không chứa toàn bộ tác phẩm, thì ít nhất đừng trích dẫn phần đầu của nó", như hầu hết các bản thảo trình bày khác của ông đều làm. Ông cũng gợi ý rằng bản Marche funèbre dành cho bốn tay của Julian Fontana có thể được liên kết với một bản sonata dành cho dương cầm bốn tay bị bỏ rơi mà Chopin đã viết vào năm 1835, ban đầu được xuất bản với tên Op. 28 (thay vào đó được sử dụng cho 24 bản Prelude, Op. 28), do đó làm tăng khả năng rằng chương này có thể bắt đầu từ năm 1835 thay vì năm 1837 vốn được công nhận rộng rãi.[4]

Một thời gian sau khi hoàn thành bản Hành khúc tang lễ, Chopin sáng tác các chương khác và ông hoàn thành bản sonata vào năm 1839. Trong một bức thư ngày 8 tháng 8 năm 1839 gửi cho Julian Fontana, Chopin viết rằng:

Ở đây tôi đang viết bản Sonata cung Si giáng thứ sẽ chứa bản March (Hành khúc) mà anh đã biết. Có một bản Allegro, sau đó là một bản Scherzo cung Mi giáng thứ, rồi đến phần Hành khúc và một bản Finale ngắn khoảng ba trang giấy của tôi. Bàn tay trái và tay phải cùng nhau tán gẫu trên quãng tám đồng âm sau phần Hành khúc ... Cha tôi đã viết thư để nói rằng bản sonata cũ của tôi [cung Đô thứ, Op. 4] đã bị Tobias Haslinger xuất bản[ghi chú 2] và các nhà phê bình Đức đang khen ngợi nó. Bao gồm cả những bản trong tay anh, giờ tôi đã có sáu bản thảo.[5]

Việc Haslinger phổ biến trái phép bản sonata cung Đô thứ đầu tiên của Chopin (thậm chí còn khắc tác phẩm và để nó lưu hành, trái với mong muốn của nhà soạn nhạc) có thể đã làm gia tăng sức ép khiến Chopin phải xuất bản một bản sonata cho Duơng cầm, điều này có thể giải thích lý do Chopin viết thêm các chương khác cho phần Marche funèbre để tạo thành một bản sonata.[3] Tác phẩm được hoàn thành vào mùa hè năm 1839 tại Nohant (gần Châteauroux), Pháp,[6] và xuất bản vào tháng 5 năm 1840 tại London, LeipzigParis. [7] Tác phẩm không được đề tặng cho ai.[6]

Phân tích

[sửa | sửa mã nguồn]

Bản sonata bao gồm bốn chương:

  1. Grave – Doppio movimento (Si giáng thứSi giáng trưởng)
  2. Scherzo (Mi giáng thứ với phần trio và kết viết bằng cung Sol giáng trưởng)
  3. Marche funèbre: Lento (Si giáng thứ với phần trio cung Rê giáng trưởng)
  4. Finale: Presto (Si giáng thứ)

I. Grave – Doppio movimento

[sửa | sửa mã nguồn]

5–7 phút [ghi chú 3]

Ấn bản Breitkopf & Härtel do Johannes Brahms biên tập (1878). Phiên bản này thiếu dấu hiệu lặp lại ngược ở Doppio movimento và do đó chỉ ra rằng phần trình bày nên được lặp lại từ đoạn Grave.

Chương đầu tiên được viết dưới dạng sonata đã tùy biến [ghi chú 4] trong cung Si giáng thứ với số chỉ nhịp 2
2
. Nó mở đầu bằng phần giới thiệu với bốn ô nhịp cung Rê giáng trưởng (âm trưởng tương đối) [8] được viết ở nhịp độ Grave, sau đó nhịp độ thay đổi thành Doppio movimento, [ghi chú 5] khóa nhạc trở về khóa chủ âm và một hình đệm âm trầm rùng rợn được giới thiệu[7]; sau bốn ô nhịp, chủ đề chính (hay còn gọi là chủ đề thứ nhất) bắt đầu. Chủ đề chính, được viết ở nhịp độ agitato, được theo sau bởi chủ đề thứ hai, ở cung Rê giáng trưởng, được đánh dấu là pianosostenuto. Khi bắt đầu phần phát triển, tất cả các chủ đề được giới thiệu trong phần trình bày quay trở lại. [ghi chú 6]Về sau trong phần phát triển, một giai điệu dường như mới, nhưng thực chất chỉ là thể đảo của một phần trong chủ đề thứ hai, được giới thiệu. Ở cao trào của phần phát triển, Chopin kết hợp ba yếu tố cùng một lúc: mô típ từ phần giới thiệu Grave và chủ đề đầu tiên lần lượt ở âm trầm và âm bổng, với nốt móc chùm ba ở giữa.[10] Trong phần tái hiện, chủ đề chính không xuất hiện trở lại, có thể dựa trên dạng sonata nhị phân cũ hơn, thường thấy ở các bản sonata cho bàn phím của Domenico Scarlatti.[11] Thay vào đó, chỉ có chủ đề thứ hai trữ tình trở lại ở giọng Si giáng trưởng (âm trưởng song song). Chương I kết thúc bằng một đoạn stretto kéo dài 12 ô nhịp[7] tạo thành một coda gồm 12 ô nhịp, kết thúc bằng ba hợp âm Si giáng trưởng được đánh dấu fff (fortississimo, nghĩa là rất mạnh).

Lặp lại phần trình bày

[sửa | sửa mã nguồn]

Khi bản sonata được xuất bản vào năm 1840 tại ba thành phố Paris, LeipzigLondon, [12] các ấn bản ở London và Paris cho thấy sự lặp lại phần trình bày ngay từ phần Grave ở đầu chưong. Tuy nhiên, trong ấn bản Leipzig, phần cần lặp lại bắt đầu từ đoạn Doppio Movimento. Mặc dù ấn bản do Breitkopf & Härtel xuất bản (được biên tập bởi Franz Liszt, Carl Reinecke và Johannes Brahms) cho thấy sự lặp lại tương tự như các ấn bản đầu tiên ở London và Paris, nhưng hầu hết các ấn phẩm thế kỷ XX đều giống với ấn phẩm Leipzig về vấn đề này. Charles Rosen, nghệ sĩ dương cầm và nhà văn về âm nhạc, lập luận rằng việc lặp lại phần trình bày theo cách của ấn bản Leipzig là một lỗi sai nghiêm trọng, nói rằng đó là điều "không thể về mặt âm nhạc" vì nó làm gián đoạn nhịp Rê giáng trưởng (ở đoạn kết của phần trình bày) bằng hình đệm Si giáng thứ.[13] Đồng quan điểm, nhà phân tích âm nhạc Edward T. Cone gọi việc lặp lại Doppio movimento là điều "vô lý ". Tuy nhiên, Anatole Leikin ủng hộ việc loại trừ đoạn Grave ra khỏi phần cần lặp lại, trích dẫn một phần rằng ấn bản hoàn chỉnh năm 1880 của Karol Mikuli về Chopin có dấu lặp lại sau phần Grave trong chương đầu tiên của bản sonata. Karol Mikuli là học trò của Chopin từ năm 1844 đến năm 1848 và cũng đã quan sát những bài học mà Chopin dạy cho các học trò khác - bao gồm cả khi bản sonata này được dạy - và ông có những ghi chép rất tỉ mỉ. [14]

Hầu hết các bản ghi âm cho mục đích thương mại không lặp lại phần Grave cùng với phần trình bày, bao gồm những bản ghi âm của nhạc sĩ Martha Argerich, Vladimir Ashkenazy, Stefan Askenase, Arturo Benedetti Michelangeli, Rafał Blechacz, Nelson Freire, Andrei Gavrilov, Hélène Grimaud, Peter Jablonski, Wilhelm Kempff, Nikita Magaloff, Murray Perahia, Maurizio Pollini (ghi âm năm 1985) và Yuja Wang. Tuy nhiên, bản ghi âm năm 2008 của Pollini và bản ghi âm của Uchida Mitsuko, cùng một số bản khác, bắt đầu lặp lại từ phần Grave. Những bản ghi âm khác, bao gồm những bản của Daniel Barenboim, Cho Seong-Jin, Vladimir Horowitz, Julius Katchen, Evgeny Kissin, Garrick Ohlsson, Ivo Pogorelić, Sergei Rachmaninoff, Arthur RubinsteinKhatia Buniatishvili, hầu như không lặp lại phần trình bày.

II. Scherzo

[sửa | sửa mã nguồn]

6–7 phút

Mở đầu phần Scherzo

Chương II là một bản scherzo ở cung Mi giáng thứ với số chỉ nhịp 3
4
và không có chỉ dẫn nhịp độ. Leikin gợi ý rằng điều này có thể được lý giải bằng những điểm ơng đồng gần gũi giữa chương này và phần kết thúc của chương I, bao gồm cả sự phổ biến của các quãng tám và hợp âm lặp lại trong cả hai chương cũng như các cụm từ nhịp giống hệt nhau. Do đó, việc không có chỉ dẫn nhịp độ có thể gợi ý rằng không có nhịp độ mới mà thay vào đó chỉ là sự thay đổi ký hiệu (từ bộ ba sang mét ba). [15]

Chương này được viết ở dạng scherzo-trio-scherzo thông thường [16] với phần Trio viết bằng cung Sol giáng trưởng. Sức mạnh nhịp nhàng và sự năng động bùng nổ của phần scherzo, cũng như sự nhấn mạnh dữ dội của nó vào các hợp âm và quãng tám lặp đi lặp lại, khiến nó giống các chương scherzo truyền thống của Beethoven. Tuy nhiên, không giống như những bản scherzo của Beethoven, vốn là những bản minuet đã được thay đổi, bản scherzo này có nhiều đặc điểm rõ ràng về nhịp điệu khiến nó trở thành một bản mazurka biến đổi.[11] Phần Trio, được đánh dấu nhịp điệu là Più lento, giống như một bài hát với giai điệu đơn giản và gợi cảm. [17] Theo sau sự trở lại của scherzo là phần coda,[7] thể hiện sự tái hiện cô đọng của phần Trio [18] và từ đó tác phẩm kết thúc ở âm trưởng tương đối. Ngoài chuơng này, một số tác phẩm khác của Chopin có đoạn kết ở gam trưởng tương đối bao gồm Scherzo số 2 cung Si giáng thứ (Op. 31) và Fantaisie cung Fa thứ (Op. 49).

III. Marche funèbre: Lento

[sửa | sửa mã nguồn]

8–9 phút

Phần mở đầu của Marche funèbre

Chương III, có tựa đề Marche funèbre, là "sự kết hợp rõ ràng giữa diễu hành tang lễ và Trio kiểu đồng quê".[19] Chương này được viết ở cung Si giáng thứ với số chỉ nhịp 4
4
, còn phần Trio thì viết bằng âm trưởng tương đối Rê giáng. Ký hiệu nhịp độ Lento không được thêm vào cho đến khi bản sonata được xuất bản vào năm 1840.[20] Chương này mở đầu bằng giai điệu chỉ bao gồm hợp âm Si giáng lặp lại trong gần ba ô nhịp kèm theo các hợp âm Si giáng (không có hợp âm thứ ba) và Sol giáng thứ xen kẽ vang lên như hồi chuông tang lễ. Chủ đề du dương này cũng được dùng làm xương sống cho chủ đề chính của chương Scherzo trước đó và là một phần của coda của chương mở đầu.[18] Giai điệu theo sau âm Si giáng lặp đi lặp lại, như Alan Walker ghi chú, là "một bước lùi nghiêm ngặt" về chủ đề chính của chương đầu tiên.[21] Phần Trio của chương, viết ở âm tương đối, bao gồm một giai điệu thanh thản giống như giai điệu về đêm [22] đi kèm với nốt móc đơn ở tay trái.

Chương Marche funèbre cho đến nay được coi là là một trong những sáng tác nổi tiếng nhất của Chopin[23] và đã trở thành một nguyên mẫu gợi đến cái chết. Nó đã được biên soạn rộng rãi cho các nhạc cụ khác, đặc biệt là cho dàn nhạc giao hưởng. [24][25] Bản phối khí đầu tiên của chương này được thực hiện bởi Napoléon Henri Reber và nó được biểu diễn bên mộ trong lễ chôn cất Chopin vào ngày 30 tháng 10 năm 1849 tại Nghĩa trang Père Lachaise ở Paris.[26] Nhạc trưởng người Anh Henry Wood đã viết hai bản hòa tấu dựa trên Marche funèbre, bản đầu tiên được chơi tại The Proms (BBC) bốn lần từ năm 1895 đến năm 1904.[27] Trong ngày 17 tháng 8, đêm đầu tiên của The Proms năm 1907, Wood đã chỉ huy biểu diễn một phiên bản mới mà ông đã viết về cái chết của nghệ sĩ vĩ cầm nổi tiếng Joseph Joachim hai ngày trước đó. [28] Năm 1933, Sir Edward Elgar đã chuyển biên bản Marche funèbre cho một dàn nhạc giao hưởng đầy đủ; nó được biểu diễn lần đầu tiên tại buổi hòa nhạc tưởng niệm chính ông vào năm sau đó. Nó cũng đã được chuyển soạn cho dàn nhạc lớn bởi nhạc trưởng Leopold Stokowski; phiên bản này được ghi âm lại lần đầu bởi Matthias Bamert.

Mặc dù chương này được xuất bản với tên gốc là Marche funèbre, Chopin đã rút ngắn tựa đề của nó thành Marche khi sửa lại ấn bản đầu tiên ở Paris. [20][29] Ngoài ra, bất cứ khi nào Chopin viết về chưong này trong các bức thư của mình, ông đều gọi nó là một bản "hành khúc" thay cho "hành khúc tang lễ". [ghi chú 7] Kallberg tin rằng việc Chopin loại bỏ tính từ funèbre có thể bắt nguồn từ việc ông coi thường các từ ngữ dùng để mô tả tác phẩm mà ông viết. [31] Sau khi nhà xuất bản Wessel & Stapleton ở London tự ý bổ sung tựa đề vào các tác phẩm của Chopin, như việc gọi bản Scherzo số 1 cung Si thứ (Op. 20) là The Infernal Banquet (tạm dịch: Bữa tiệc vô gian), nhà soạn nhạc, trong một bức thư gửi Fontana vào ngày 9 tháng 10 năm 1841, đã viết:

Giờ nhắc đến [Christian Rudolf Wessel], ông ta là một kẻ ngu ngốc và bịp bợm ... Nếu ông ta thua lỗ từ các tác phẩm của tôi thì chắc chắn là do những cái tên ngớ ngẩn mà ông ta đã đặt cho chúng, bất chấp việc tôi phản đổi và những lần tôi cãi vã liên tục với [Frederic Stapleton]. Anh cũng có thể nói với ông ấy rằng nếu tôi nghe theo tiếng nói của lương tâm mình thì tôi sẽ không gửi cho ông ta bất kỳ bản nhạc nào nữa sau những tiêu đề đó.[ghi chú 8]

— [32]

Vào năm 1826, một thập kỷ trước khi ông viết chương này, Chopin đã sáng tác một bản Hành khúc tang lễ cung Đô thứ khác, được xuất bản sau khi ông mất với tên gọi là Op. 72 số 2.[33]

IV. Finale: Presto

[sửa | sửa mã nguồn]

1–2 phút

Mở đầu chương IV

Phần finale ngắn, được viết ở nhịp độ Presto với số chỉ nhịp 2
2
, là một bản perpetuum mobile (tạm dịch: chuyển động vĩnh viễn) ở dạng nhị phân "tương đối đơn giản" [ghi chú 9] bao gồm các quãng tám đồng âm được chơi với nhịp sotto voce e legato (nghĩa là thì thầm và liền mạch, tương tự bản Prelude cung Mi giáng thứ, Op. 28 số. 14) và không chứa một nốt nghỉ hay hợp âm nào cho tới những ô nhịp cuối cùng với quãng tám âm trầm Si giáng đột ngột và hợp âm Si giáng thứ để kết thúc toàn bộ bản nhạc. Trong chương này, "một chủ nghĩa sắc độ phức tạp được thể hiện bằng sự hòa âm ngụ ý ba và bốn phần hoàn toàn bằng một dòng đơn âm đôi"; [34] tương tự, năm ô nhịp mở đầu của bản Fugue cung La thứ của JS Bach (BWV 543) ngụ ý sự hòa âm bốn phần thông qua một dòng đơn âm duy nhất. [35] Garrick Ohlsson nhận xét chương này là một thứ "phi thường, bởi vì đây là một chương kỳ lạ nhất mà ông từng viết trong cuộc đời mình, một thứ gì đó thực sự hướng đến thế kỷ XX và chủ nghĩa hậu lãng mạn và sự vô điệu tính".[36] Ngoài ra, Leikin nói rằng phần kết "có lẽ là tác phẩm bí ẩn nhất mà Chopin từng viết",[21]Anton Rubinstein được cho là đã nhận xét chuơng IV là "cơn gió hú quanh các bia mộ".[37]

Chopin, thường xuyên viết các chỉ dẫn cho pedal, không viết bất cứ chỉ dẫn gì cho phần kết ngoại trừ ở ô nhịp cuối cùng. Mặc dù Moritz Rosenthal (một học trò của Liszt và Mikuli) nói rằng không nên sử dụng pedal khi chơi chương này ngoại trừ ở ô nhịp cuối cùng, Rosen tin rằng "tác động của gió lên các ngôi mộ", như Anton Rubinstein đã mô tả, "thường đạt được khi nhấn mạnh pedal". [34]

Motif from the prelude of Bach's Cello Suite No. 6 in D major
Một mô-típ lặp lại thừong xuyên trong Prelude của Tổ khúc Cello số 6 cung Rê trưởng của Bach, BWV 1012
Part of the main theme of the first movement of Chopin's Piano Sonata No. 2
Chủ đề chính trong chương I của Sonata cho Dương cầm số 2 bởi Chopin

Bản Sonata cho Dương cầm số 2 có ám chỉ đến phần Prelude trong Tổ khúc cello số 6 cung Rê trưởng, BWV 1012 của Bach. Một mô-típ được lặp lại thường xuyên trong Prelude của Bach rất giống với chủ đề chính của chương I trong bản sonata của Chopin; hơn nữa, tương tự như phần Finale của bản sonata, phần Prelude đầu là một bản perpetuum mobile với bốn nhóm bộ ba nốt móc đơn trong mỗi ô nhịp. [38] Ngoài ra, trong chương IV, Chopin đã mượn từ Bach khả năng tạo phức điệu chỉ với một dòng đơn âm bằng các rải hợp âm: ở một số khía cạnh, ông thậm chí còn tiến xa hơn Bach về mặt này.[39] Ngoài ra, phác thảo cho bản sonata của Chopin bám sát trực tiếp bản Sonata cho Dương cầm số 12 cung La giáng trưởng, Op. 26 của Beethoven, một bản sonata với bốn chương và chứa một chương Marcia funèbre chậm rãi: giống bản sonata của Chopin, phần hành khúc tang lễ chậm rãi được theo sau bằng một phần scherzo nhanh ở chương II. [2] Chopin thường được coi là nhà soạn nhạc thời kỳ Lãng mạn ít chịu sự ảnh hưởng của Beethoven nhất; [40] tuy nhiên, Op. 26 của Beethoven được cho là bản sonata của Beethoven mà Chopin yêu thích; ông đã chơi và dạy nó nhiều hơn bất kỳ bản sonata Beethoven nào khác. [2]

Đón nhận và di sản

[sửa | sửa mã nguồn]

Mặc dù bản Sonata cho Duơng cầm số 2 nhanh chóng trở nên phổ biến với công chúng, nhưng ban đầu nó lại làm các nhà phê bình bối rối; họ cho rằng nó thiếu tính liên kết và thống nhất, đồng thời nhận xét rằng Chopin chưa thể làm chủ được hình thức sonata. [2] Phần lớn các đánh giá phê phán trong thế kỷ sau khi tác phẩm được xuất bản đều mang tính tiêu cực, nhưng các nhà phê bình vẫn rất ca ngợi một số khía cạnh của bản sonata.[41] Bản sonata này, cùng với hai bản sonata hoàn thiện khác của Chopin, được trình diễn rất lẻ tẻ ở Ba Lan và các nước châu Âu khác trước năm 1900. Trái lại, bản Marche funèbre thì thường xuyên được biểu diễn cho cả piano và trong các bản chuyển biên. Mãi đến đầu thế kỷ XX, các bản sonata của ông mới được biểu diễn thường xuyên hơn.[42] Các bài bình luận gần đây cho rằng các quan điểm về cấu trúc yếu kém của tác phẩm và việc Chopin chưa làm chủ được hình thức sonata đang dần phai nhạt và giờ nó được coi là một trong những bản sonata hay nhất dành cho Dương cầm.[2] Tác phẩm hiện nay tiếp tục được biểu diễn thường xuyên trong các chương trình hòa nhạc và các cuộc thi âm nhạc cổ điển, đặc biệt là Cuộc thi piano quốc tế Chopin .

Bài phê bình nổi bật đầu tiên đến từ Robert Schumann vào năm 1841. [ghi chú 10] Ông mô tả bản sonata là "bốn đứa con điên rồ nhất của [Chopin] dưới cùng một mái nhà" và nhận thấy tựa đề "Sonata" thất thường và hơi tự phụ. [2][43] Ông cũng nhận xét rằng "có gì đó ghê hãi" về phần Marche funèbre, và "nếu thay nó bằng một phần Adagio, có lẽ ở giọng Rê giáng trưởng, sẽ cho kết quả đẹp hơn nhiều".[44] Hơn nữa, phần Finale đã gây xôn xao với Schumann và trong các giới nhạc sĩ khác. Schumann nói rằng chương này "có vẻ giống một sự nhạo báng hơn là một bài nhạc",[44] trong khi Felix Mendelssohn được cho là "ghét cay ghét đắng nó".[45]James Huneker thì nhận xét rằng bốn chương của bản sonata "không có sức sống chung", và tác phẩm thì "giống một chuỗi các bản ballade và scherzo hơn là một sonata." Bất chấp những nhận xét này, ông gọi hai chương cuối là "kiệt tác" và viết rằng chương cuối "không có gì để so sánh cùng". [46] Tương tự, nhà văn James Cuthbert Hadden đã viết rằng "bốn chương, nếu lắng nghe riêng biệt thì đều đáng ngưỡng mộ, nhưng khi gộp lại thì chúng có rất ít chủ đề chung hay các mối liên hệ khác," và ông cũng đồng tình với mô tả của Schumann về bản sonata như là sự gắn kết của "bốn đứa con điên rồ nhất của Chopin".[47] Nhà phê bình Henry Bidou thì nói rằng tác phẩm "không mạch lạc lắm" và cho rằng "Schumann đã chỉ ra khiếm khuyết trong bố cục của nó".[48]

Bất chấp những phản ứng tiêu cực dành cho tác phẩm, sự đón nhận của chương Marche funèbre nhìn chung là tích cực, và theo lời viết của Hadden vào năm 1903, tác phẩm đã được "phổ biến rất nhiều". Franz Liszt, một người bạn của Chopin, nhận xét rằng Marche funèbre "có sự ngọt ngào sâu sắc đến mức chúng ta khó có thể coi nó thuộc về thế gian",[49] còn Charles Willeby đã viết rằng cho đến nay đây là "chương đẹp nhất và nhất quán nhất" trong tác phẩm.[50] Mặc dù Hadden chỉ trích cả bản sonata, nhưng ông cho quan điểm rằng Marche funèbre "thực sự là chương hay nhất trong bản Sonata".[47] Riêng bản Marche funèbre tiếp tục là một trong những sáng tác của Chopin được yêu thích nhất trong thời gian dài và còn được biểu diễn tại các đám tang trên khắp thế giới. Ngoài tang lễ của Chopin, nó còn được biểu diễn tại tang lễ cấp nhà nước của John F. Kennedy,[51] Sir Winston Churchill, Margaret Thatcher, Nữ hoàng Elizabeth II, [52] và tang lễ của các nhà lãnh đạo Liên Xô bao gồm Leonid Brezhnev, Yury Andropov, Konstantin ChernenkoJosef Broz Tito. Chương này cũng được biểu diễn tại quốc tang của tổng thống Ba Lan Lech Kaczyński,[53] tổng thống Đài Loan Tưởng Giới Thạch và hai tổng thống Ai Cập Anwar SadatHosni Mubarak.

Bản sonata, chủ yếu là phần Marche funèbre, có ảnh hưởng đến nhiều tác phẩm cổ điển và phi cổ điển được biên soạn về sau. Chương thứ hai trong tác phẩm Embryons desséchés cuả nhà soạn nhạc Erik Satie, có tựa đề "of an Edriophthalma" , sử dụng một biến thể của chủ đề thứ hai trong Marche funèbre. Satie gắn tên "Citation de la célèbre mazurka de SCHUBERT" ("trích dẫn từ mazurka nổi tiếng của Schubert") cho nó, nhưng tác phẩm như trên không tồn tại.[54] Ngoài ra, Marche funèbre còn được lấy làm mẫu cho một số tác phẩm nhạc jazz, bao gồm " Black and Tan Fantasy " của Duke Ellington,[55] và chủ đề từ Marche funèbre đã được nhạc sĩ nhạc dance điện tử người Canada deadmau5 sử dụng trong bài hát " Ghosts 'n' Stuff " của anh. [56] Đô vật chuyên nghiệp The Undertaker trích dẫn phần mở đầu của Hành khúc cho chủ đề vào sân khấu của mình. Bản sonata này cũng đã ảnh hưởng đến Sonata cho Duơng cầm số 2 (Op. 36) của Sergei Rachmaninoff, cũng viết bằng giọng Si giáng thứ. Trong khi giải thích với bạn bè lý do ông quyết định soạn một phiên bản năm 1931 mới, Rachmaninoff nói rằng: "Tôi xem lại những tác phẩm đầu tay của mình và thấy có rất nhiều thứ thừa thãi. Ngay cả trong bản sonata này cũng có quá nhiều giọng chuyển động đồng thời và nó quá dài. Bản Sonata của Chopin kéo dài 19 phút và nó đã trình bày được mọi thứ cần thiết”.[57]

Các ấn bản và bản ghi âm có sẵn

[sửa | sửa mã nguồn]

Có nhiều ấn bản của bản Sonata cho Dương cầm số 2 được đánh giá cao, nổi bật nhất là các ấn bản của G. Henle Verlag,[58] biên tập bởi Ignacy Jan Paderewski,[59] và ấn bản Chopin National được biên tập bởi Jan Ekier.[60] Tác phẩm đã được biểu diễn và ghi âm lại rộng rãi. Hai trong số những bản ghi âm thương mại sớm nhất của tác phẩm được thực hiện bởi Percy Grainger vào năm 1928 và Sergei Rachmaninoff vào năm 1930. [61][62] Các bản ghi âm thương mại cũng được thực hiện bởi một số nghệ sĩ Duơng cầm như Alfred Cortot, Daniel Barenboim, Alexander Braillowsky, Samson François, Emil Gilels, Vladimir Horowitz, William Kapell, Wilhelm Kempff, Evgeny Kissin, George Li, Murray Perahia, Ivo Pogorelić, Antonio Pompa-Baldi., Arthur Rubinstein, Uchida Mitsuko, Khatia Buniatishvili và những nhà vô địch trong Cuộc thi Piano Quốc tế Chopin như Martha Argerich, Yulianna Avdeeva, Seong-Jin Cho, Maurizio Pollini, Adam Harasiewicz, Lý Vân ĐịchGarrick Ohlsson.[63]

  1. ^ Là những tác phẩn được viết khi nhà soạn nhạc đã trưởng thành về mặt âm nhạc.
  2. ^ Op. 4 thực ra không được xuất bản cho đến sau khi Chopin qua đời, nhưng tác phẩm đã được đúc khắc và bắt đầu lưu hành.[3]
  3. ^ 5 phút nếu không lặp lại phần trình bày; 7 phút nếu lặp lại theo tổng phổ
  4. ^ Gọi là tùy biến bởi vì trong phần tái hiện, Chopin không lặp lại chủ đề chính
  5. ^ Từ Walker (2018), tr. 470: – "tốc độ nhanh gấp đôi phần trước" — dùng làm chỉ dẫn trong âm nhạc
  6. ^ Ba ô nhịp đầu tiên (106–108) lấy từ chủ đề chính; ô nhịp sau (109) từ chủ đề thứ hai; ô nhịp sau nữa từ chủ đề giới thiệu Grave, và cứ tiếp tục như thế.[9]
  7. ^ Ngoài bức thư ngày 8 tháng 8 năm 1839 cho Fontana như trên, Chopin còn gọi chương III là "hành khúc" trong một bức thư giử gia đình ông vào ngày 8 tháng 6 năm 1847[30]
  8. ^ Phần dịch dựa vào một phần trong Walker (2018), tr. 363
  9. ^ Cấu trúc, đặc biệt là các yếu tố hòa âm, của chương IV được miêu tả chi tiết trong Rosen (1995), tr. 294-298
  10. ^ Toàn văn lời phê bình của Schumann được viết trong Oshry (1999), tr. 88–90

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Leikin (1994), tr. 176
  2. ^ a b c d e f g Leikin (1994), tr. 177
  3. ^ a b c Petty (1999), tr. 284
  4. ^ Kallberg (2001), tr. 4-8
  5. ^ Hedley (1962), tr. 180-182
  6. ^ a b “Sonata in B flat minor, Op. 35”. The Fryderyk Chopin Institute. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 8 năm 2024. Truy cập ngày 3 tháng 8 năm 2024.
  7. ^ a b c d Jonson (1905), tr. 124
  8. ^ Leikin (2001), tr. 570
  9. ^ Leikin (1994), tr. 186
  10. ^ Walker (2018), tr. 473
  11. ^ a b Leikin (1994), tr. 187
  12. ^ Rosen (1995), tr. 279
  13. ^ Rosen (1995), tr. 280
  14. ^ Leikin (2001), tr. 581
  15. ^ Leikin (1994), tr. 187–188
  16. ^ Leikin (1994), tr. 189
  17. ^ Huneker (1900), tr. 297
  18. ^ a b Leikin (1994), tr. 190
  19. ^ Boczkowska (2012), tr. 217
  20. ^ a b Ekier (2013), tr. 79
  21. ^ a b Leikin (1994), tr. 191
  22. ^ Jonson (1905), tr. 125
  23. ^ Huneker (1895). tr. xiii
  24. ^ Xem tại Oleksiak (2005)
  25. ^ Xem tại Kramer (2001)
  26. ^ Kramer (2001), tr. 97
  27. ^ BBC Proms Archives. Retrieved 21 October 2014
  28. ^ Music Web International. Retrieved 21 October 2014
  29. ^ Kallberg (2001), tr. 12
  30. ^ Hedley (1962), tr. 289
  31. ^ Kallberg (2001), tr. 14
  32. ^ Hedley (1962), tr. 208-09
  33. ^ The Fryderyk Chopin Institute. “Funeral March in C minor, [Op. 72] (WN 9)”. chopin.nifc.pl. Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 8 năm 2024. Truy cập ngày 2 tháng 8 năm 2024.
  34. ^ a b Rosen (1995), tr. 298
  35. ^ Rosen (1995), tr. 290
  36. ^ “Episode 44: Chopin's Unruly Children”. radiochopin.org. Truy cập ngày 13 tháng 7 năm 2018.
  37. ^ Thompson, Damian. “Courage, not madness, is the mark of genius”. The Daily Telegraph. Bản gốc lưu trữ ngày 27 tháng 10 năm 2013.
  38. ^ Leikin (1994), tr. 191-192
  39. ^ Rosen (1995), tr. 301
  40. ^ Petty (1999), tr. 281
  41. ^ Oshry (1999), tr. 19-20
  42. ^ Chechlińska (1994), tr. 230
  43. ^ Petty (1999), tr. 285
  44. ^ a b Oshry (1999), tr. 89
  45. ^ Walker (2018), tr. 478
  46. ^ Huneker (1900), tr. 295-296
  47. ^ a b Hadden (1903)
  48. ^ Oshry (1999), tr. 26
  49. ^ Liszt (1863), tr. 26
  50. ^ Willeby (1892), tr. 225
  51. ^ John F. Kennedy Presidential Library. Retrieved 1 April 2016
  52. ^ “How music moved a nation at Queen Elizabeth II's funeral in Westminster Abbey and beyond”. Classic FM (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 20 tháng 9 năm 2022.
  53. ^ “Grieving Poles line streets as president's body comes home”. The Sydney Morning Herald. 12 tháng 4 năm 2010. Truy cập ngày 27 tháng 7 năm 2020.
  54. ^ Potter (2016), tr. 109-111
  55. ^ Metzer (1997), tr. 139-140
  56. ^ McCutcheon (2008), tr. 168
  57. ^ Alfred and Katherine Swan, Rachmaninoff. Personal Reminiscences (Part I), in: The Musical Quarterly, January 1944, tr. 8
  58. ^ Zimmermann, Ewald (biên tập). “G. Henle Publishers | Frédéric Chopin | Piano Sonata b flat minor op. 35”. G. Henle Verlag. ISMN 979-0-2018-0289-3. Truy cập ngày 1 tháng 8 năm 2024.
  59. ^ Chopin, Frederic (1 tháng 1 năm 2013). Paderewski, Ignacy Jan (biên tập). Sonatas: Chopin Complete Works Vol. VI (bằng tiếng Anh). Warsaw: PWM Edition. ISBN 978-1540097217.
  60. ^ Ekier, Jan biên tập (2013). Sonatas, Op. 35 & 58. ISBN 9781480390782.
  61. ^ Gramophone (1 tháng 1 năm 2015). “Percy Grainger - a tribute”. Gramophone. Truy cập ngày 6 tháng 7 năm 2018.
  62. ^ Sergei Rachmaninoff, piano (1930), CHOPIN: Sonata in B-flat Minor, truy cập ngày 8 tháng 7 năm 2018
  63. ^ “Piano Sonata No. 2 in B flat… | Details | AllMusic”. AllMusic. Truy cập ngày 15 tháng 8 năm 2018.

Thư mục

[sửa | sửa mã nguồn]

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]