Bước tới nội dung

Tạ Quang Bạo

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Nhà điêu khắc
Tạ Quang Bạo
Thông tin cá nhân
Sinh
Tên khai sinh
Tạ Quang Bạo
Ngày sinh
1941 (82–83 tuổi)
Quốc tịch Việt Nam
Đảng pháiĐảng Cộng sản Việt Nam
Nghề nghiệp
Lĩnh vựcĐiêu khắc
Giải thưởng
Giải thưởng Nhà nước 2001
Văn học Nghệ thuật
Giải thưởng Hồ Chí Minh 2017
Văn học Nghệ thuật

Tạ Quang Bạo (sinh năm 1941, quê quán huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa) là nhà điêu khắc Việt Nam, được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật (2001) và Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật (2017).

Tiểu sử và sự nghiệp[sửa | sửa mã nguồn]

Từ năm 1959 đến 1963 ông theo học trường Trung cấp Mỹ thuật Công nghiệp. Sau khi tốt nghiệp, ông được phân công về công tác tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam khi ấy mới được thành lập. Năm 1966, ông được cơ quan cử đi học tại khoa Điêu khắc trường Cao đẳng Mỹ thuật Công nghiệp, đào tạo nghệ sỹ tạo hình có trình độ đại học. Vào thời kỳ đó, nhà trường đi sơ tán tại làng Vát, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Hà Bắc (nay là tỉnh Bắc Giang). Sau khi tốt nghiệp, ông trở về tiếp tục công tác tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.[1]

Năm 1971, Tạ Quang Bạo nhập ngũ, sau đó ông đi vào chiến trường Khu V, làm họa sỹ của Đoàn văn công Khu V, Tạp chí Quân khu. Cho dù chiến trường ác liệt, gian khổ và thiếu thốn, ông vẫn hăng say hoạt động sáng tác phục vụ Đoàn văn công, vừa ghi chép thực tế qua các ký họa và suy nghĩ để xây dựng những tác phẩm điêu khắc trong tương lai, đặc biệt là hình tượng về những bà mẹ, những chiến sỹ giải phóng đã làm nên những chiến công lịch sử. Cũng tại chiến trường Khu V, năm 1974, ông được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam).

Năm 1975, đất nước thống nhất, ông đã được Bộ Tư lệnh Quân khu V giao sáng tác mẫu “Tượng đài Chiến thắng” và xây dựng tại Bảo tàng Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Đà Nẵng với chất liệu xi măng và chiều cao 12m. Có thể nói vào thời kì đó, đây là một tượng đài có kích thước lớn mà trước đây chưa được thực hiện. Tiếp đó, ông sáng tác và xây dựng tượng đài “Nam, nữ dân quân xã Cảnh Thụy, Bắc Giang” có chiều cao 3m với chất liệu bê tông cốt thép, là một loại chất liệu phổ biến được sử dụng để xây dựng tượng đài trong thời kì này.

Năm 1976, Tạ Quang Bạo chuyển về Xưởng Mỹ thuật Quân đội và được bổ nhiệm làm phó giám đốc Xưởng. Năm 1985, Xưởng Mỹ thuật Quân đội giải thể, ông chuyển về làm họa sỹ trưởng tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (1985 - 1992) và về hưu vào năm 1995.

Từ sau năm 1975 đến nay, Tạ Quang Bạo dành nhiều thời gian cho sáng tác, tượng đài của ông có mặt ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước với các chất liệu bê tông, đá, đồng. Có thể kể tới các tác phẩm như: Tượng đài “Chiến thắng Sông Lô”, chất liệu bê tông, cột biểu tượng cao 21m, nhóm tượng cao 7m, năm 1987, đặt tại Núi Đồn, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ; Tượng đài và phù điêu “Tưởng niệm Noọng Nhai”, chất liệu bê tông, cao 4,5m, năm 1999, đặt tại xã Thanh Xương, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên; Tượng đài “Ngời sáng Quê hương” tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9, chất liệu bê tông, tượng cao 7,3m, bệ tượng cao 7,2m, năm 1997, đặt tại Km số 6, Quốc lộ 9, phường 4, thị xã Đông Hà, tỉnh Quảng Trị; Tượng đài “Chiến thắng Quế Sơn”, chất liệu Bê tông, cao 11,2m, đặt tại xã Cấm Dơi, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam; Tượng đài “Chiến thắng Nha Trang”, chất liệu bê tông, tượng cao 6m, bệ cao 10m, năm 2004, đặt tại Công viên 2 tháng 4, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa… và rất nhiều công trình tượng đài nữa.[1]

Với số lượng tượng đài đã được xây dựng, Tạ Quang Bạo là tác giả có năng lực sáng tạo trong những đề tài có tính hoành tráng. Phần lớn là những quần thể với nhiều nhóm tượng và phù điêu có quy mô lớn, hình khối khoẻ khoắn với những mảng khối lớn, phát triển đa chiều, có tính khái quát. Tạo được một phong cách riêng, có giá trị nghệ thuật cao, hài hòa với cảnh quan môi trường. Các tượng đài của ông sáng tác hầu hết có chung đề tài về Chiến tranh Cách mạng và Lực lượng Vũ trang, hình tượng những người chiến sỹ, nhân dân trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Các tượng đài đều được giới chuyên môn đánh giá cao, nhiều tượng đài xuất sắc, có tính nhân văn, ý nghĩa giáo dục, có tác động tốt đối với công chúng và cảnh quan môi trường. Có thể nói, ông là một trong số ít những nhà điêu khắc sáng tác và xây dựng được nhiều tượng đài nhất ở Việt Nam.[2]

Cùng với tác phẩm điêu khắc ngoài trời, nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo còn sáng tác hàng trăm tác phẩm điêu khắc, tượng tròn với các chất liệu thạch cao, gỗ, đất nung, đồng, đá... tham gia nhiều Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc, Triển lãm 10 năm Điêu khắc toàn quốc, Triển lãm Mỹ thuật về đề tài Lực lượng Vũ trang và Chiến tranh Cách mạng. Bên cạnh đó ông cũng rất thành công với những sáng tác trong mảng đề tài về quê hương, gia đình, tình yêu…

Ngoài sáng tác, ông còn tham gia nhiều hoạt động xã hội. Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Mỹ thuật Việt Nam lần thứ II tại Hà Nội năm 1983, Nhà Điêu khắc Tạ Quang Bạo đã được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Hội Mỹ thuật Việt Nam khóa II (1983 - 1989), làm Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật chuyên ngành Điêu khắc khóa V (1999 - 2004) và khóa VI (2004 - 2009). Trong cương vị Hội đồng Nghệ thuật chuyên ngành Điêu khắc, ông đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Điêu khắc hiện đại Việt Nam trong thời kì đổi mới.

Với những đóng góp của mình trong suốt quá trình hoạt động sáng tạo nghệ thuật, năm 2001 ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật cho các tác phẩm: “Tình hữu nghị Việt - Lào”; Tượng đài “Nghĩa trang Buôn Mê Thuột”; Tượng đài “Chiến thắng Xuân Trạch” (Thu Đông 1947 - Vĩnh Phúc); Tượng đài “Chiến thắng Nha Trang”. Năm 2017, ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật cho hai tác phẩm “Tượng đài Chiến thắng Quế Sơn” ở Quảng Nam và “Tượng đài Chiến thắng sông Lô” ở Phú Thọ. Ông là nghệ sỹ tạo hình đầu tiên thuộc thế hệ Kháng chiến chống Mỹ cứu nước được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật.[3]

Các tác phẩm nổi bật[sửa | sửa mã nguồn]

  • Tượng đài “Chiến thắng Sông Lô”, chất liệu bê tông, cột biểu tượng cao 21m, nhóm tượng cao 7m, năm 1987, đặt tại Núi Đồn, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ.
  • Tượng đài và phù điêu “Tưởng niệm Noọng Nhai”, chất liệu bê tông, cao 4,5m, năm 1999, đặt tại xã Thanh Xương, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.
  • Tượng đài “Ngời sáng Quê hương” tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9, chất liệu bê tông, tượng cao 7,3m, bệ tượng cao 7,2m, năm 1997, đặt tại Km số 6, Quốc lộ 9, phường 4, thị xã Đông Hà, tỉnh Quảng Trị.
  • Tượng đài “Chiến thắng Quế Sơn”, chất liệu Bê tông, cao 11,2m, đặt tại xã Cấm Dơi, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam.
  • Tượng đài “Chiến thắng Nha Trang”, chất liệu bê tông, tượng cao 6m, bệ cao 10m, năm 2004, đặt tại Công viên 2 tháng 4, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
  • Tượng đài “Tình hữu nghị Việt - Lào” (buộc chỉ cổ tay) - cao 3m.
  • Tượng đài “Nghĩa trang Buôn Mê Thuột” - cao 7m.
  • Tượng đài “Chiến thắng Xuân Trạch” (Thu Đông 1947 - Vĩnh Phúc) - Bê tông - cao 16m - 1996.
  • Tượng đài “Chiến thắng Nha Trang” - Tổng hợp - 1996.

Giải thưởng[sửa | sửa mã nguồn]

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ a b “Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo”. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Truy cập ngày 10 tháng 6 năm 2024.
  2. ^ “Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo: Gần nửa thế kỷ bền bỉ sáng tạo nghệ thuật”. Công an nhân dân. Truy cập ngày 10 tháng 6 năm 2024.
  3. ^ “Nhà điêu khắc với những con mắt tượng đài”. Nhân Dân. Truy cập ngày 10 tháng 6 năm 2024.