Thành viên:Nguyenmy2302/Hàn Quốc Hùng

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Hàn Quốc Hùng là nghệ danh của một người đàn ông có tên Trịnh Minh Tâm. Vào năm 2011, cái tên Hàn Quốc Hùng đã trở nên nổi tiếng rộng rãi tại Việt Nam sau khi dòng chữ "Ca sĩ Hàn Quốc Hùng" xuất hiện trên khắp các công trình công cộng miền Nam Việt Nam. Sự việc đồng thời thu hút cả sự chú ý của người dân lẫn báo chí trong nước đưa tin lên dòng chính suốt nhiều tháng. Sự vụ chỉ kết thúc khi phía chính quyền vào cuộc và gây sức ép buộc người này phải xin lỗi trước công luận.

Xuất hiện[sửa | sửa mã nguồn]

Từ tháng 8 năm 2011, báo Tuổi Trẻ đã đưa tin về hiện tượng các dòng chữ "Ca sĩ Hàn Quốc Hùng", bên cạnh quảng cáo hút hầm cầu, có mặt trên các bức tường, nhà dân, cột điện, gầm cầu và cả cống thoát nước tại khu vực nội thành Thành phố Hồ Chí Minh.[1] Dòng chữ được vẽ lên bằng than hay bằng sơn xịt màu xanh dương, xanh lá cây.[2][3] Không dừng lại ở đây, "Ca sĩ Hàn Quốc Hùng" còn được ghi nhận có mặt tại Củ Chi, Tây Ninh, Đồng Nai, Vũng Tàu, tỉnh lộ 10 (từ Long An về Sài Gòn), Bến Cát và trên các tuyến đường về miền Tây, Xa lộ Hà Nội, Quốc lộ 1A,... thành công thu hút sự chú ý của người tham gia giao thông.[1]

Sự hiện diện tràn lan của Hàn Quốc Hùng đã dẫn đến sự bùng nổ thông tin trên Internet: nhiều cư dân mạng bắt đầu đặt ra câu hỏi về thân phận thật của "Ca sĩ Hàn Quốc Hùng" trên các trang diễn đàn, mạng xã hội. Theo ghi nhận từ Google, độ nổi tiếng của cái tên này đã tạo ra hơn 3,7 triệu kết quả trên công cụ tìm kiếm. Khi sự việc tạo được dư luận nhất định, người tự xưng là Hàn Quốc Hùng kia đã cho đăng tải một bài hát có tên "Biết làm sao" lên trang web âm nhạc và ra mặt tự bào chữa cho bản thân, cho rằng bê bối vẽ bậy trên tường là do antifan cố tình tạo ra.[2][4] Đáp lại điều này, nhiều người đã lên tiếng phê phán, công kích Hàn Quốc Hùng vì chiêu trò PR bẩn.[5] Họ lập hội nhóm phản đối trên mạng, kêu gọi các dịch vụ âm nhạc trực tuyến trong nước gỡ bỏ sáng tác của Hàn Quốc Hùng, đồng thời đánh động tới cơ quan chức năng để ngăn chặn hành vi vẽ bậy trên tiếp diễn.[1][2] Một số người xịt thêm chữ K bên cạnh từ "Hùng" để thể hiện sự bức xúc của mình.[2]

Bất chấp làn sóng chỉ trích lên mạnh, suốt nhiều tháng tiếp theo, các tờ báo chính thống tại Việt Nam vẫn tiếp tục báo cáo sự lan rộng của cái tên Hàn Quốc Hùng ra nhiều tuyến đường đông người qua lại trong Nam như Quốc lộ 13, Quốc lộ 51. Trong đó, đoạn từ cầu Bình Triệu đến thị xã Lái Thiêu (Bình Dương) của Quốc lộ 13 chứng kiến khoảng gần 40 dòng chữ "Ca sĩ Hàn Quốc Hùng" xuất hiện tại "bất cứ chỗ nào có không gian".[2][3] Sự việc sau đó đã được đưa tin chính thức lên sóng Đài Truyền hình quốc gia.[6]

Hệ quả[sửa | sửa mã nguồn]

Công an đã vào cuộc và truy tìm danh tính người đứng sau nghệ danh Hàn Quốc Hùng. Người này sau đó được tiết lộ tên thật là Trịnh Minh Tâm, đã thừa nhận việc chi ra 50 triệu đồng để thuê dịch vụ quảng cáo tên tuổi nhưng khẳng định "không ngờ họ làm quá lố". Cuối cùng, Trịnh Minh Tâm phải lên tiếng xin lỗi trước dư luận và cho người đi sơn lại các vết sơn trên. Anh cũng đổi nghệ danh thành Dương Chấn Huy để tránh sức ép từ công chúng.[5]

Sau khi sự việc lắng xuống, trang tin VietNamNet đã đưa vụ Hàn Quốc Hùng vào trong số những "thảm họa 'độc' của showbiz Việt".[4] Vụ việc cũng được dẫn lại như một trường hợp tiêu biểu của việc nghệ sĩ đi lên bằng tai tiếng, làm xấu mỹ quan môi trường.[6][7]

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ a b c Q.N (20 tháng 8 năm 2011). 'Ca sĩ' cạnh tranh khoan cắt bêtông”. Tuổi Trẻ. Truy cập ngày 16 tháng 2 năm 2024.
  2. ^ a b c d e “Dân mạng "nổi đóa" với "ca sĩ hút hầm cầu". An ninh Thủ đô. Bưu điện Việt Nam. 21 tháng 9 năm 2011. Truy cập ngày 16 tháng 2 năm 2024.
  3. ^ a b Nguyễn Tất Nhiên (11 tháng 11 năm 2011). “Cuộc đua danh tiếng: Công nghệ ảo - tiền thật”. Công an nhân dân. Truy cập ngày 16 tháng 2 năm 2024.
  4. ^ a b Lâm Anh (30 tháng 12 năm 2011). “Hết hồn với thảm họa 'độc' của showbiz Việt”. VietNamNet. Truy cập ngày 16 tháng 2 năm 2024.
  5. ^ a b Chi An (18 tháng 8 năm 2020). “Ca sĩ "cầu cống" Hàn Quốc Hùng: "Lột xác" không ngờ, đi buôn ô tô”. Dân Việt. Truy cập ngày 16 tháng 2 năm 2024.
  6. ^ a b Chiêu tự quảng cáo phản cảm của ca sĩ (phóng sự truyền hình). Điểm hẹn văn hóa: Đài Truyền hình Việt Nam. 2011.
  7. ^ Đông Phương (24 tháng 2 năm 2018). “Cần xử lý mạnh tay hành vi vẽ bậy nơi công cộng”. Pháp luật Việt Nam. Truy cập ngày 16 tháng 2 năm 2024.

Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]