Uzuki (tàu khu trục Nhật) (1925)

Tàu khu trục Nhật Bản Uzuki, tháng 8 năm 1925
Lịch sử
Nhật Bản
Tên gọi Tàu khu trục số 25
Xưởng đóng tàu Xưởng đóng tàu Ishikawajima
Đặt lườn 11 tháng 1 năm 1924
Hạ thủy 15 tháng 10 năm 1925
Hoạt động 14 tháng 9 năm 1926
Đổi tên Tàu khu trục số 25 thành Uzuki: 1 tháng 8 năm 1928
Xóa đăng bạ 10 tháng 1 năm 1945
Số phận Bị đánh chìm ngày 12 tháng 12 năm 1944 gần Cebu 11°03′B 124°23′Đ / 11,05°B 124,383°Đ / 11.050; 124.383
Đặc điểm khái quát
Lớp tàu Lớp tàu khu trục Mutsuki
Trọng tải choán nước
  • 1.315 tấn (tiêu chuẩn);
  • 1.445 tấn (đầy tải)
Chiều dài
  • 97,54 m (320 ft) mực nước
  • 102,72 m (337 ft) chung
Sườn ngang 9,16 m (30 ft)
Mớn nước 2,96 m (9 ft 8 in)
Động cơ đẩy
  • 2 × Turbine hơi nước Kampon
  • 4 × nồi hơi ống nước Ro-Gō Kampon
  • 2 × trục
  • công suất 38.500 mã lực (28,7 MW)
Tốc độ 69 km/h (37,25 knot)
Tầm xa
  • 6.700 km ở tốc độ 26 km/h
  • (3.600 hải lý ở tốc độ 14 knot)
Thủy thủ đoàn 154
Vũ khí

Uzuki (tiếng Nhật: 卯月) là một tàu khu trục hạng nhất thuộc lớp Mutsuki của Hải quân Đế quốc Nhật Bản, bao gồm mười hai chiếc được chế tạo sau Chiến tranh Thế giới thứ nhất. Được xem là tiên tiến vào lúc đó, những con tàu này đã phục vụ như những tàu khu trục hàng đầu của Nhật trong những năm 1930, nhưng được xem là đã lạc hậu vào lúc Chiến tranh Thái Bình Dương nổ ra;[1] dù sao lớp Mutsuki vẫn được giữ lại ở tuyến đầu nhờ tầm xa hoạt động và kiểu ngư lôi mạnh mẽ mà chúng được trang bị.[2] Uzuki đã tham gia nhiều hoạt động khác nhau cho đến khi bị tàu phóng lôi Mỹ đánh chìm gần Cebu vào tháng 12 năm 1944.

Thiết kế và chế tạo[sửa | sửa mã nguồn]

Việc chế tạo lớp tàu khu trục Mutsuki được chấp thuận như một phần của chương trình phát triển Hải quân Đế quốc Nhật Bản sau khi Hiệp ước Hải quân Washington có hiệu lực, và chúng được đặt hàng trong năm tài chính 1923.[3] Lớp tàu này là một phiên bản nối tiếp và cải biến dựa trên các lớp tàu khu trục lớp MinekazeKamikaze trước đó, vốn chia sẻ nhiều đặc tính thiết kế chung.[4] Uzuki được đặt lườn tại Xưởng đóng tàu IshikawajimaTokyo vào ngày 11 tháng 1 năm 1924, được hạ thủy vào ngày 15 tháng 10 năm 1925 và được đưa ra hoạt động vào ngày 14 tháng 9 năm 1926.[5] Thoạt tiên chỉ được gọi đơn giản là "Tàu khu trục số 25" (第二十五号駆逐艦, Dai-25-Gō Kuchikukan), nó được đổi tên thành Uzuki vào ngày 1 tháng 8 năm 1928.

Lịch sử hoạt động[sửa | sửa mã nguồn]

Vào cuối những năm 1930, Uzuki tham gia các hoạt động trong cuộc Chiến tranh Trung-Nhật, hỗ trợ việc đổ bộ lực lượng Nhật Bản lên miền Trung và miền Nam Trung Quốc, và trong việc xâm chiếm Đông Dương vào năm 1940.

Vào lúc xảy ra cuộc tấn công Trân Châu Cảng, Uzuki nằm trong thành phần Đội khu trục 23 thuộc Hải đội Tàu sân bay 2 trong thành phần Không hạm đội 1 Hải quân Đế quốc Nhật Bản, và được bố trí từ Hahajima thuộc quần đảo Ogasawara như một phần của lực lượng Nhật Bản chiếm đóng Guam. Nó quay trở lại Truk vào đầu tháng 1 năm 1942 để tham gia lực lượng đổ bộ lên Kavieng, New Ireland vào ngày 23 tháng 1, rồi quay trở về Truk một tháng sau đó.[6] Trong tháng 3, Uzuki hỗ trợ cho việc đổ bộ lực lượng Nhật Bản lên khu vực phía Bắc quần đảo Solomon, Laequần đảo Admiralty.[7]

Uzuki được tái bố trí về Hạm đội 4 Hải quân Đế quốc Nhật Bản vào ngày 10 tháng 4. Trong Trận chiến biển Coral ngày 7-8 tháng 5 năm 1942, Uzuki được phân công hộ tống tàu chở dầu Hoyo Maru tại khu vực đảo Shortland, và quay trở về Xưởng hải quân Sasebo để tái trang bị vào ngày 28 tháng 5. Đến cuối tháng 6, Uzuki đặt căn cứ tại Truk, được phân công hộ tống các đoàn tàu vận tải chuyển các đội xây dựng sân bay từ Truk đến BougainvilleGuadalcanal, và tuần tra chung quanh Rabaul. Trong cuộc tấn công đảo Buka ngày 21-22 tháng 7, Uzuki bị máy bay Đồng Minh bắn phá, làm tổn thất 16 thành viên thủy thủ đoàn. Vào ngày 11 tháng 8, Uzuki khởi hành từ Rabaul để cứu những người còn sống sót của chiếc tàu tuần dương Kako. Vào cuối tháng 8, trong khi thực hiện một chuyến đi vận chuyển "Tốc hành Tokyo" đến Guadalcanal, Uzuki bị hư hại do những quả bom ném suýt trúng trong một cuộc tấn công bởi máy bay ném bom B-17 Flying Fortress của Không lực Mỹ, và bị buộc phải rút lui ngang qua Rabaul, Truk và Saipan trở về Sasebo để sửa chữa vào ngày 14 tháng 9.

Uzuki được phân về Hạm đội 8 Hải quân Đế quốc Nhật Bản vào ngày 1 tháng 12 năm 1942, và đã hộ tống tàu sân bay Chuyo từ Yokosuka đến Truk, cùng một đoàn tàu vận tải từ Truk đến Rabaul vào cuối năm. Tuy nhiên, tại Rabaul vào ngày 25 tháng 12 Uzuki chịu đựng hư hại nặng khi va chạm với chiếc tàu vận tải Nankai Maru bị trúng ngư lôi, và phải được các tàu khu trục AriakeUrakaze kéo về Rabaul để sửa chữa khẩn cấp. Trong khi ở tại Rabaul, nó lại bị hư hại trong một cuộc không kích vào ngày 5 tháng 1 năm 1943. Tàu khu trục Suzukaze đã kéo Uzuki đến Truk để tiếp tục sửa chữa, và từ đây Uzuki quay trở về Sasebo bằng chính động lực của mình, đến nơi vào ngày 3 tháng 7. Khi công việc sửa chữa hoàn tất vào giữa tháng 10, Uzuki quay trở lại Truk và hộ tống các tàu tuần dương KisoTama, cả hai chất đầy binh lính, đi đến Rabaul. Vào ngày 23-24 tháng 10, Uzuki đi đến vịnh Jacquinot thuộc New Britain để cứu vớt những người còn sống sót của con tàu chị em Mochizuki. Uzuki tiếp tục các chuyến đi vận chuyển "Tốc hành Tokyo" trong suốt khu vực quần đảo Solomon cho đến cuối tháng 11. Vào ngày 24-25 tháng 11, Uzuki đối đầu các tàu khu trục Hải quân Mỹ trong trận chiến mũi St. George trong khi lực lượng Nhật Bản triệt thoái khỏi Buka, nhưng không bị hư hại. Trong tháng 12, Uzuki được phân công hộ tống các tàu chở dầu đi lại giữa Rabaul, Truk và Palau.

Vào tháng 1 năm 1944, Uzuki hộ tống chiếc tàu tuần dương Nagara quay trở về Nhật Bản. Sau khi được tái trang bị tại Xưởng hải quân Sasebo, Uzuki hộ tống đoàn vàn vận tải chuyển binh lính từ Yokosuka đến Palau, Yap, Saipan và Truk cho đến cuối tháng 6. Trong Trận chiến biển Philippine ngày 19-20 tháng 6, Uzuki nằm trong thành phần Lực lượng Tiếp tế thứ hai. Vào ngày 20 tháng 6, nó cứu vớt thủy thủ đoàn của chiếc tàu vận tải Genyo Maru, rồi đánh chìm con tàu đã bị hư hại này bằng hải pháo. Đến ngày 18 tháng 7, được phân về Hạm đội Liên hợp, Uzuki tiếp tục hộ tống các đoàn tàu vận tải từ Kure đến ManilaSingapore cho đến giữa tháng 11; và vào ngày 20 tháng 11, nó được phân về Hạm đội 5 Hải quân Đế quốc Nhật Bản.

Vào ngày 12 tháng 12, trong khi hộ tống một đoàn tàu vận tải chuyển binh lính từ Manila đến Ormoc, Uzuki trúng phải ngư lôi phóng từ các tàu tuần tra-phóng lôi PT boat PT-490PT-492. Chiếc tàu khu trục nổ tung và chìm với tổn thất toàn bộ nhân sự trên tàu, ở vị trí cách 80 km (50 dặm) về phía Đông Bắc Cebu, ở tọa độ 11°03′B 124°23′Đ / 11,05°B 124,383°Đ / 11.050; 124.383.[5]

Uzuki được rút khỏi danh sách Đăng bạ Hải quân vào ngày 10 tháng 1 năm 1945.[8]

Danh sách thuyền trưởng[sửa | sửa mã nguồn]

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Jones, Daniel H. (2003). “IJN Minekaze, Kamikaze and Mutsuki class Destroyers”. Ship Modeler's Mailing List (SMML).
  2. ^ Evans. Kaigun: Strategy, Tactics, and Technology in the Imperial Japanese Navy
  3. ^ Globalsecurity.org, IJN Mutsuki class destroyers
  4. ^ Howarth, The Fighting Ships of the Rising Sun.
  5. ^ a b Nishidah, Hiroshi (2002). “Mutsuki class 1st class destroyers”. Materials of the Imperial Japanese Navy. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 7 năm 2012. Truy cập ngày 22 tháng 8 năm 2010.
  6. ^ Morison. The Rising Sun in the Pacific 1931 - tháng 4 năm 1942.
  7. ^ Dull. A Battle History of the Imperial Japanese Navy
  8. ^ Nevitt, Allyn D. (1997). “IJN Minatsuki: Tabular Record of Movement”. Long Lancers. Combinedfleet.com.[liên kết hỏng]

Thư mục[sửa | sửa mã nguồn]

Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]