Wikipedia:Bài viết chọn lọc/2007/Tuần 45

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Họ Nguyễn bằng chữ Hán
Họ Nguyễn bằng chữ Hán

Tên người Việt Nam được các nhà nghiên cứu cho rằng bắt đầu có từ thế kỷ 2 trước Công Nguyên và càng ngày càng đa dạng hơn, có ý kiến khác cho rằng “sớm nhất Việt Nam có tên họ vào khoảng đầu Công Nguyên”.

Không có một nguyên tắc chung nào trong việc đặt tên, nhưng đối với tâm lý của người Việt Nam, việc đặt tên rất quan trọng vì mỗi cái tên gắn chặt với mỗi con người. Có thể căn cứ vào đặc điểm, giới tính, hoàn cảnh gia đình, dòng họ, quê hương, xã hội và cả ước vọng của chính bản thân để người đặt tên gửi gắm vào cái tên đó. Tên người Việt Nam ngoài chức năng để phân biệt người này với người khác ngoài ra, tên còn có chức năng thẩm mỹ nên thường được chọn lựa khá kỹ về mặt ngữ âm, ngữ nghĩa. Thông thường, họ tên người Việt được nói và viết theo thứ tự: Họ + Tên đệm + Tên chính.

Cá biệt có hơn cả 1000 người nam thuộc 9 dòng ở 3 thôn Cẩm Khê, Bối Khê, Cẩm Bối, xã Liên Khê, Khoái Châu, Hưng Yên đều bắt đầu bằng Họ đệm là Đỗ như Đỗ Tràng, Đỗ Văn, Đỗ Bá, Đỗ Quang, Đỗ Đình, Đỗ Trí, Đỗ Đắc, Đỗ Khoa, Đỗ Trọng. Chữ Đỗ ở đây không phải là họ mà chỉ là chữ đệm, còn họ chính là chữ thứ nhì như Tràng, Văn, Bá, Quang, Đình … trong khi con gái thì lại đặt tên có họ chính đứng đầu như người bình thường như Tràng Thị Xuân, Văn Thị Thu. Ngoài ra người Việt còn nhiều loại tên khác, có loại đã vĩnh viễn đi vào lịch sử, có loại mới xuất hiện khi Việt Nam tiếp xúc với văn hóa tây phương, có loại dành riêng cho một giai cấp hoặc tầng lớp xã hội nhất định.