Cẩm Xuyên

Cẩm Xuyên
Huyện
Huyện Cẩm Xuyên
Biểu trưng
UBND huyện Cẩm Xuyên
Hành chính
Quốc gia Việt Nam
VùngBắc Trung Bộ
TỉnhHà Tĩnh
Huyện lỵthị trấn Cẩm Xuyên
Phân chia hành chính2 thị trấn, 21
Địa lý
Tọa độ: 18°15′01″B 106°00′05″Đ / 18,250206°B 106,001261°Đ / 18.250206; 106.001261
MapBản đồ huyện Cẩm Xuyên
Cẩm Xuyên trên bản đồ Việt Nam
Cẩm Xuyên
Cẩm Xuyên
Vị trí huyện Cẩm Xuyên trên bản đồ Việt Nam
Diện tích639,28 km²
Dân số (1/4/2019)
Tổng cộng149.313 người
Mật độ234 người/km²
Khác
Mã hành chính446[1]
Biển số xe38-X1
Websitecamxuyen.hatinh.gov.vn

Cẩm Xuyên là một huyện ven biển thuộc tỉnh Hà Tĩnh, Việt Nam.

Vị trí địa lý[sửa | sửa mã nguồn]

Huyện Cẩm Xuyên nằm ở phía đông nam của tỉnh Hà Tĩnh, có vị trí địa lý:

Trên bản đồ tỉnh Hà Tĩnh, Cẩm Xuyên nằm về phía đông nam của tỉnh, phía đông giáp huyện Kỳ Anh và biển Đông, phía bắc giáp thành phố Hà Tĩnh và huyện Thạch Hà, phía tây giáp huyện Hương Khê, phía nam giáp huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình.

- Điểm cực Nam là 18002'18'' vĩ Bắc, mốc là núi Cù Han, đỉnh cao 400m, thuộc xã Cẩm Thịnh, giáp giới với xã Kỳ Thượng (huyện Kỳ Anh) và 2 xã Hương Hoá, Kim Hoá (huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình).

- Điểm cực Bắc là 18020'51'' vĩ Bắc, mốc giới là điểm tiếp giáp giữa xóm Bắc Hoà (xã Cẩm Hoà) với biển Đông và xóm Đông Bàn (xã Thạch Văn, Thạch Hà).

- Điểm cực Tây là 105051'17'' kinh Đông, mốc giới là núi My Ôn, đỉnh cao 238m thuộc xã Cẩm Mỹ, giáp với 2 xã Hương Trạch và Lộc Yên (huyện Hương Khê).

- Điểm cực Đông trên đất liền là 106009'13'' kinh Đông, mốc giới là núi Ba Cội, đỉnh cao 400m, thuộc thôn Bắc Lĩnh (xã Cẩm Lĩnh), giáp với biển Đông và thôn Trung Kiên (xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh).

Tổng diện tích tự nhiên của huyện Cẩm Xuyên là 639,28 km², là huyện có diện tích lớn thứ ba trong số 13 đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc tỉnh Hà Tĩnh, xếp sau các huyện Hương Khê (1241 km²) và Hương Sơn (950 km²).

Dân số toàn huyện tính đến ngày 01/4/2019 là 149.313 người (74.982 nam, 74.331 nữ với 14.087 dân cư thành thị và 135.226 dân cư nông thôn; 9,1% dân số theo đạo Thiên Chúa.

Công an huyện Cẩm Xuyên

Đây cũng là địa phương có dự án Đường cao tốc Hàm Nghi – Vũng Áng đi qua đang được xây dựng.

Hành chính[sửa | sửa mã nguồn]

Huyện Cẩm Xuyên có 23 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm 2 thị trấn: Cẩm Xuyên (huyện lỵ), Thiên Cầm và 21 xã: Cẩm Bình, Cẩm Duệ, Cẩm Dương, Cẩm Hà, Cẩm Hưng, Cẩm Lạc, Cẩm Lĩnh, Cẩm Lộc, Cẩm Minh, Cẩm Mỹ, Cẩm Nhượng, Cẩm Quan, Cẩm Quang, Cẩm Sơn, Cẩm Thạch, Cẩm Thành, Cẩm Thịnh, Cẩm Trung, Cẩm Vịnh, Nam Phúc Thăng, Yên Hòa.

Lịch sử[sửa | sửa mã nguồn]

- Thời Hùng Vương (Thế kỷ thứ VII-258 TCN), nước Việt Thường Thị được chia làm 2 bộ là Việt Thường và Cửu Đức. Địa phận của bộ Việt Thường là vùng Nam Hà Tĩnh, trong đó có Cẩm Xuyên ngày nay.

- Thời Triệu Đà trị vì (208-111 TCN) và nhà Hán đô hộ (111 TCN-220), nước Nam Việt được chia làm 7 quận, quận Cửu Chân có 5 huyện, trong đó huyện Hàm Hoan nằm ở cực Nam. Vùng Cẩm Xuyên ngày nay thuộc huyện Hàm Hoan lúc đó.

- Thời Ngô (Tam Quốc, 220-280), Lưỡng Tấn (265-420) và các triều đại Tống, Tề, Lương (420-557), nước ta chia làm 6 quận, vùng Hà Tĩnh thuộc quận Cửu Đức với 8 huyện. Vùng nam Hà Tĩnh ứng với huyện Nam Lăng.

- Thời nhà Tuỳ đô hộ (581-618), nước ta bị chia làm 7 quận, trong đó quận Nhật Nam thuộc Nghệ An - Hà Tĩnh ngày nay. Huyện Việt Thường là một trong 8 huyện của quận Nhật Nam nằm phía Đông Nam Hà Tĩnh, đất Cẩm Xuyên lúc đó thuộc huyện Việt Thường.

- Thời nhà Đường đô hộ (618-905), nước ta chia thành 12 quận và 14 châu, trong đó vùng đất Nghệ -Tĩnh ngày nay là châu Hoan, đất Cẩm Xuyên vẫn thuộc huyện Việt Thường.

- Hơn một thế kỷ từ Họ Khúc (905-917), Nhà Ngô (939-967) đến Nhà Đinh (968-980) là thời kỳ chuyển giao lịch sử từ bị đô hộ sang độc lập, không có sử liệu về lịch sử hành chính nước ta.

- Thời Tiền Lê (Lê Đại Hành, 980-1009) diễn ra việc sắp xếp lại hành chính trong cả nước, riêng vùng Hà Tĩnh lúc đó có châu mới Thạch Hà, đất Cẩm Xuyên thuộc về châu Thạch Hà.

- Thời nhà Lý: Năm 1036, châu Hoan được đổi thành châu Nghệ An. Các đơn vị hành chính cấp dưới vẫn giữ nguyên.

- Thời nhà Trần: Năm 1242 châu Nghệ An đổi thành phủ Nghệ An với 5 châu trực thuộc. Vùng Nam Hà Tĩnh thuộc châu Nam Tĩnh, dưới có 4 huyện: Hà Hoàng, Bài Thạch, Hà Hoa và Kỳ La. Huyện Kỳ La có địa phận tương ứng với đất huyện Cẩm xuyên ngày nay (Kỳ La là tên gọi của vùng cửa Nhượng ngày xưa, lúc đầu người Việt cổ gọi là Kẻ La, khi người Hán tràn xuống gọi chệch thành Cơ La rồi đổi thành Kỳ La). Năm 1397, Nhà Trần đổi phủ Nghệ An thành trấn Lâm An, cho nhập hai huyện Hà Hoa với Kỳ La thành huyện Kỳ Hoa.

- Thời thuộc Minh (1407-1428), nhà Minh đổi nước ta thành quận Giao Chỉ, dưới quận có phủ, châu và huyện. Năm 1419, đặt phủ Hà Hoa gồm hai huyện Thạch Hà và Kỳ Hoa.

-Thời Hậu Lê (1428-1788): Nhà Hậu Lê không có những thay đổi lớn về hệ thống hành chính. Suốt từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVII đất Cẩm Xuyên vẫn thuộc huyện Kỳ Hoa, phủ Hà Hoa.

- Thời Nguyễn (1802-1945): Năm 1831 trấn Nghệ An được chia thành 2 tỉnh là Nghệ An và Hà Tĩnh. Năm 1837, huyện Kỳ Hoa được tách làm 2 huyện là Kỳ Hoa và Hoa Xuyên. Tên gọi Hoa Xuyên có lẽ được đặt do ghép tên của 2 tổng là Hoa Duệ và Lạc Xuyên (trong số 4 tổng) thuộc huyện này.

Năm 1841, Minh Mạng vì kỵ húy đã cho đổi Kỳ Hoa thành Kỳ Anh và Hoa Xuyên thành Cẩm Xuyên. Cũng năm này phủ Hà Hoa đổi thành phủ Hà Thanh gồm 3 huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà.

Các đơn vị hành chính cấp dưới:

Huyện Cẩm Xuyên khi mới thành lập có 4 tổng là Hoa Duệ (Mỹ Duệ), Lạc Xuyên, Thổ Ngõa và Vân Tán.

Tổng Hoa Duệ có các xã: Hoa Duệ, Hương Duệ, Quan Duệ, Hương Cần,  Tam Lộng, Thạch Lâu, Vịnh Lại và vạn A Mè.

  Tổng Vân Tán có các xã: Vân Tán, Nhược Thạch, Quyết Nhược, Thạch Khê Thượng, Thạch Khê Trung, Thạch Khê Hạ, Vân Phong, Cẩm Bào, Hải An,    Hoa Hương, Kỳ La, trại Tuấn Nghĩa và phường Giang Phái.

Tổng Thổ Ngõa có các xã:  Ngoã Cầu, Thổ Ngoã,  Phượng Hoàng.

Tổng Lạc Xuyên có các xã:  Dư Lạc, Lạc Xuyên, Hoá Dục, Nhượng Bạn, Tư Dung.                                                                                

Sau Cách mạng Tháng Tám (1945) huyện Cẩm Xuyên chia làm 15 xã: Cẩm Vân, Đại Thành, Hà Huy Tập, Mỹ Duệ, Nam Dương, Nam Lạc, Ngũ Phúc, Nguyễn Đình Liện, Nhượng Bạn, Quang Huy, Tam Quan, Thạch Lâu, Trung Lạc, Vĩnh Lại, Yên Hòa.

Năm 1954 huyện Cẩm Xuyên lại chia làm 27 xã với chữ đầu là "Cẩm": Cẩm Bình, Cẩm Duệ, Cẩm Dương, Cẩm Hà, Cẩm Hoà, Cẩm Huy, Cẩm Hưng, Cẩm Lạc, Cẩm Lĩnh, Cẩm Long, Cẩm Lộc, Cẩm Minh, Cẩm Mỹ, Cẩm Nam, Cẩm Nhượng, Cẩm Phúc, Cẩm Quan, Cẩm Quang, Cẩm Sơn, Cẩm Thạch, Cẩm Thành, Cẩm Thăng, Cẩm Tiến, Cẩm Trung, Cẩm Thịnh, Cẩm Vịnh, Cẩm Yên.

Từ năm 2020 huyện Cẩm Xuyên có 2 thị trấn: Thị trấn Cẩm Xuyên, Thị trấn Thiên Cầm và 21 xã: Cẩm Bình, Cẩm Duệ, Cẩm Dương, Cẩm Hà, Cẩm Hưng, Cẩm Lạc, Cẩm Lĩnh, Cẩm Lộc, Cẩm Minh, Cẩm Mỹ, Cẩm Nhượng, Cẩm Quan, Cẩm Quang, Cẩm Sơn, Cẩm Thạch, Cẩm Thành, Cẩm Trung, Cẩm Thịnh, Cẩm Vịnh, Nam Phúc Thăng, Yên Hòa.

Một số thay đổi đơn vị hành chính cấp dưới của Huyện Cẩm Xuyên như sau:

Ngày 17 tháng 5 năm 1986, thành lập thị trấn Cẩm Xuyên trên cơ sở 91,5 ha diện tích tự nhiên với 130 nhân khẩu của xã Cẩm Tiến; 52 ha diện tích tự nhiên với 130 nhân khẩu của xã Cẩm Quan và 3.783 nhân khẩu là cán bộ, công nhân viên Nhà nước.

Ngày 19 tháng 11 năm 1997, sáp nhập xã Cẩm Tiến vào thị trấn Cẩm Xuyên.

Ngày 3 tháng 10 năm 2003, thành lập thị trấn Thiên Cầm trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của xã Cẩm Long.

Ngày 21 tháng 11 năm 2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 819/NQ-UBTVQH14 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Hà Tĩnh (nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2020)[2]. Theo đó:

  • Sáp nhập ba xã Cẩm Nam, Cẩm Phúc, Cẩm Thăng thành xã Nam Phúc Thăng
  • Sáp nhập xã Cẩm Yên và xã Cẩm Hòa thành xã Yên Hòa
  • Sáp nhập xã Cẩm Huy vào thị trấn Cẩm Xuyên.

Truyền thống văn hóa[sửa | sửa mã nguồn]

Các vị Khoa bảng đất Cẩm Xuyên:

Các vị đỗ đại khoa.

1. Dương Chấp Trung (1414-1469), người xã Sài Xuyên nay là xã Cẩm Minh,  đỗ Hoàng giáp khoa Mậu Thìn (1448) lúc 34 tuổi. Làm quan đến chức Tả thị lang. Đền thờ ông tại xã Cẩm Minh đã được tại thiết và xếp hạng Di tích LS-VH cấp tỉnh năm 2017.

2. Lê Tự (1466- ?), người thôn Lai Trung, xã Ngõa Kiều, tổng Thổ Ngõa, nay là xã Cẩm Thịnh, đỗ Tiến sĩ khoa Kỷ Mùi (1499) lúc 34 tuổi, làm quan đến chức Thượng thư. Ông có công tổ chức khai khẩn hàng trăm mẫu ruộng rồi sung làm công điền.

3. Biện Hoành  (?)  người xã Hoa Duệ, nay là xã Cẩm Duệ, đỗ Đệ Nhị giáp (Hoàng giáp) khoa Giáp Dần (1554), làm quan đến chức Hiến sát sứ Thuận Hoá.

4. Lê Phúc Nhạc (1553-?), người xã Dư Lạc, nay là xã Cẩm Lạc, đỗ Nhất giáp khoa Đinh Sửu (1577) lúc 25 tuổi, làm quan đến Hữu thị lang bộ Lễ.

Các vị đỗ Hương khoa:

2      vị đỗ Hương cống Thời Lê

1. Hoàng Công Minh, người thôn Lỗ Khê, nay là xã Cẩm Nam (không rõ khoa thi), làm quan đến chức Sơn phòng sứ.

2. Hà Huy Kiểu, người thôn Kim Nặc, nay là xã Cẩm Hưng (đỗ khoa thi năm Kỷ Hợi-1779), Triều liệt đại phu, Lễ khoa cấp sự trung, tước Tử.

12 vị đỗ Cử nhân thời Nguyễn:

1. Nguyễn Xuân Cảnh người thôn Yên Ốc, xã Quyết Nhược nay thuộc xã Cẩm Bình, đỗ Cử nhân khoa Ất Dậu (1825) làm quan Phủ thừa phủ Thừa Thiên.

2. Nguyễn Xuân Thức, người thôn Yên Ốc, nay thuộc xã Cẩm Bình, đỗ Cử nhân khoa Tân Mão (1831) làm quan với hàm Thị độc.

3. Hà Huy Nhiếp, người xã Thổ Ngoạ, nay là xã Cẩm Hưng, đỗ Cử nhân khoa Quý Mão (1843), làm quan đến Tri huyện.

4. Đỗ Đình Hiệu  (sau đổi là Đỗ Đình Vĩnh) người xã Thổ Ngõa, nay là xã Cẩm Hưng, đỗ Cử nhân khoa Bính Ngọ (1846) làm Chủ sự.

5. Hà Huy Phẩm, người xã Thổ Ngoạ,  nay là xã Cẩm Hưng, đỗ Cử nhân khoa Mậu Ngọ (1858) làm Đốc học.

6. Hoàng Lý, người tổng Vân Tán (không rõ làng), đỗ Cử nhân khoa Đinh Mão (1867).

7. Bùi Suyền, người xã Mỹ Duệ nay là xã Cẩm Duệ, đỗ Cử nhân khoa Mậu Thìn (1868).

8. Bùi Đạt, người làng Quy Vinh, thuộc xã Cẩm Duệ ngày nay, đỗ Cử nhân khoa Kỷ Mão (1879).

9. Võ Phương Trứ, người xã Mỹ Duệ, nay là xã Cẩm Duệ, đỗ Cử nhân khoa Đinh Dậu năm Thành Thái thứ 9 (1897) lúc 27 tuổi. Làm Biên tu Quốc sử quán.

10. Hà Huy Đỉnh, người xã Thổ Ngoạ, nay là xã Cẩm Hưng, đỗ Cử nhân khoa Quý Mão (1903) lúc đã 63 tuổi.

11. Đỗ Văn Bính, người làng Khả Luật, nay là xã Cẩm Hưng, đỗ Cử nhân khoa Nhâm Tí (1912) lúc 39 tuổi.

12. Nguyễn Gia Hưởng người làng Yên Dưỡng, tổng Vân Tán, nay là xã Cẩm Yên, đỗ Cử nhân khoa Ất Mão (1915) lúc 25 tuổi.

Các vị Tạo sĩ

Cẩm Xuyên có 6 vị (Tiến sĩ võ khoa dưới Thời Lê), quê đều xã Hương Duệ, nay là xã Cẩm Thành.

1. Nguyễn Đình Thạch (đỗ khoa Quý Sửu -1733)

2. Nguyễn Đình Chữ (đỗ khoa Kỷ Mùi-1739)

3. Nguyễn Đình Quyền (đỗ khoa Qúy Hợi- 1743)

4. Nguyễn Đình Khanh (đỗ khoa Đinh Sửu-1757)

5. Nguyễn Đình Cẩn (đỗ khoa Kỷ Hợi-1779)

6. Nguyễn Cử Tướng (quan Cử, khoa thi Mậu Thân ?)

  • Chùa Yên Lạc: ở xã Cẩm Nhượng là một công trình kiến trúc nghệ thuật

(Đã được Bộ Văn hóa- thông tin cấp bằng chứng nhận "Di tích lịch sử, văn hóa" cấp Quốc gia số 3211/BT-QD (12/12/94))

Khu tưởng niệm TBT Hà Huy Tập.
  • Khu nghỉ mát Thiên Cầm
  • Hồ Kẻ Gỗ và khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ.
  • Công trình kiến trúc nghệ thuật quốc gia AM THÁP Cẩm Duệ (tại thôn quang trung Cẩm Duệ).
  • Đền Nguyễn Biên ở xã Cẩm Huy: Danh nhân lịch sử- Văn hóa thế kỷ 15.
  • Đền Lùm Sò (thôn Tân Hòa), đền Nha Quan (Tân Hòa), đền Pháp Hải (Hữu Hòa) Cẩm Hòa -Cẩm Xuyên- Hà Tĩnh
  • Ngoài ra các xã có rất nhiều đền chùa bị thu gom tượng phật, đập phá, triệt hạ sau cách mạng tháng 8 nhất là thời kỳ những năm 1960. Đây là thời kì nhầm lẫn tai hại giữa mê tín di đoan và đời sống tâm linh của những người cách mạng vì vậy ngày nay xứ này rất hiếm đền chùa.
  • Cầu Rác (Cẩm Trung), Cầu Họ (Cẩm Hưng), Cầu Na, Cầu Kho (Cẩm Thành) là những trận địa vô cùng ác liệt đã đi vào lịch sử của quân và dân Cẩm Xuyên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, để bảo vệ tuyến đường huyết mạch chi viện cho chiến trường miền Nam.
  • Đình Hát: thuộc xóm Yên Lạc, xã Cẩm Yên, ngày xưa là nơi tổ chức các buổi hát ví của làng và cũng là nơi tổ chức lễ cúng tế cầu an, sinh hoạt cộng đồng của làng Yên Dượng. Trong những 1930 - 1931 Pháp đã đóng đồn ở đây hòng đàn áp phong trào cách. Tại đây cũng là nơi tụ họp của các vị cách mạng tiền bối trong phong trào cách mạng ba mươi, ba mốt của nhân dân Cẩm Xuyên.
  • Giếng Vàng: thuộc xóm Gia Hội nay thuộc xã Cẩm Tiến (thị trấn Cẩm Xuyên). Giếng được đào dưới chân cồn cát trắng, nước giếng trước kia nỗi tiếng là tốt: trong suốt, không mùi, vị nhạt. Nước có tỷ trọng nhẹ, có thể pha vào rượi mà không cần phải lọc. Nơi đây trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ là một trận địa pháo cao xạ bảo vệ Cầu Họ, nhiều chiến sĩ bộ đội, dân quân đã anh dũng hy sinh tại đây, ngay trên sân gếng.

Lễ hội truyền thống[sửa | sửa mã nguồn]

Ở xã Cẩm Nhượng có các Lễ hội lớn tổ chức hàng năm như sau:

  • Hội Hạ Thủy
- Thời gian: Sau Tết Nguyên đán.
- Đặc điểm: Nhân dân trong vùng tổ chức lễ hạ thủy, cầu thần biển giúp cho ngư dân thuận buồm xuôi gió và hứa hẹn một mùa đánh bắt được nhiều tôm cá..
  • Hội đua thuyền

- Thời gian: Mồng 4 Tết nguyên đán và các ngày lễ lớn trong năm.

- Đặc điểm: Hội đua thuyền được tổ chức nhằm chọn ra những tay đua cừ khôi và rèn luyện sức khỏe cho dân vùng sông nước; đồng thời là truyền thống của nhân dân địa phương để cầu yên xóm làng.
  • Hội Nhượng bạn

- Thời gian: 30/6 âm lịch.

- Đặc điểm: Dựng đàn lễ ở bên sông, dâng hương, cầu khấn.

  • Cờ người: tổ chức từ 2 đến sáng mùng 5 tết, các thôn xóm chọn những trai thanh nữ tú, những người có hình thể đẹp đứng cầm quân cờ. Các tay cao cờ thách đấu với nhau, phần thưởng của các trận thắng là những tràng pháo tay hay những lời thán phục. Hội chơi cờ thường được tổ chức trên các bãi đất trống đẹp đẽ hay các sân rộng, người xem đông vui, hồ hỡi và cổ vũ nhiệt tình.

Đặc sản:

- Bánh tráng Đông Hà (Cẩm Hà) nổi tiếng với vị thơm ngon, dòn.Thôn Đông Hà (Cẩm Hà) là nơi làm bánh tráng nổi tiếng xưa nay.Bánh tráng kẹp cá ngần, chấm với nước mắm Cẩm Nhượng có hòa ít ớt bột, ăn kèm với rau kinh giới thì thật là ngon miệng và bổ dưỡng, chỉ ăn một lần là sau còn nhớ mãi.

- Rượu Cẩm Yên: loại rượu nếp có mùi thơm đặc biệt, vị cay nhưng khi nhấp lại cảm giác ngọt, trong suốt, hơi sánh (nên được gọi là rượu côộc tóc - gốc rạ). Rượu có nồng độ từ 40 - 60 độ, uống say nhưng khi tỉnh, người cảm thấy khoan khoái, dễ chịu. Rượu được nấu bằng thứ nếp đặc sản. Lúa nếp chỉ xay bóc vỏ trấu (gạo nếp lứt), nấu cơm bằng nước Giếng Ngoài (hay nước mưa), ủ men thuốc bắc gia truyền. Chọn ngày ủ men có thời tiết đẹp (không nóng quá cũng không lạnh quá). Rượu nấu để càng lâu uống càng thích. Rượu nếp Cẩm Yên mà nhắm với nham côộc chuối thì thật là tuyệt vời. 
- Khoai lang Mục Bài (xã Cẩm Hòa): loại khoai có củ to, vỏ màu tím, trồng trên đất cát, thu hoạch vào mùa hè. Khoai khi nấu chín thì rất bở và nhiều bột trắng, đặc biệt có mùi thơm hấp dẫn, vị bùi, ngọt và hơi béo. Khoai mà ăn cùng với cá trích tươi, cắn ngang con thì thật là thú vị. Nhiều người ăn khoai Mục Bài da dẻ trở nên hồng hào và tươi tắn. Ngày xưa loại khoai lang này là đặc sản tiến vua.

Giáo xứ[sửa | sửa mã nguồn]

  • Xứ Quèn Đông: thuộc xã Cẩm Lộc, là một xứ nổi tiếng về bình dân học vụ và tôn thờ Thiên Chúa.
  • Giáo xứ Ngô Xá thuộc xã Cẩm Quang là một xã có truyền thống đạo lâu đời, con người ở nơi đây giàu lòng yêu thương người, sống rất chân tình.
  • Giáo xứ Vạn Thành thuộc xã Cẩm Thạch.
  • Giáo xứ Nhượng Bạn thuộc xã Cẩm Nhượng.
  • Giáo xứ Vĩnh Phước thuộc xã Nam Phúc Thăng.
  • Giáo xứ Mỹ Hòa thuộc xã Yên Hòa.
  • Giáo xứ Lạc Sơn thuộc xã Cẩm Minh là một xã đang phát triển mạnh hiện nay.

Chú thích[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Tổng cục Thống kê
  2. ^ “Nghị quyết số 819/NQ-UBTVQH14 năm 2019 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Hà Tĩnh”.

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]