Wikipedia:Bài viết chọn lọc/2016/01

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
2005 2006 2007 2008 2009 2010 2011 2012 2013 2014
2015 2016 2017 2018 2019 2020 2021 2022 2023 2024
Bài viết chọn lọc
tháng 1 năm 2016
Tháng
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12

"We Are the World" là một ca khúc và đĩa đơn từ thiện do siêu nhóm nhạc USA for Africa thu âm năm 1985. Ca khúc do Michael JacksonLionel Richie sáng tác và được Quincy Jones cùng Michael Omartian sản xuất cho album We Are the World. Với doanh số bán trên 20 triệu bản, đây là một trong số gần 30 đĩa đơn mọi thời đại bán được trên 10 triệu bản trên toàn cầu. Sau dự án "Do They Know It's Christmas?" của siêu nhóm nhạc Band Aid ở Anh, nhạc sĩ và nhà hoạt động xã hội Harry Belafonte nảy ra ý tưởng làm một đĩa đơn từ thiện của Mỹ để hỗ trợ công tác giảm thiểu nạn đói ở châu Phi. Ông, cùng với nhà gây quỹ Ken Kragen, là những người đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ý tưởng này trở thành hiện thực. Hai người sau đó đã liên hệ với một số nhạc sĩ và cuối cùng giao cho Jackson và Richie sáng tác ca khúc này. "We Are the World" nhận được nhiều giải thưởng—bao gồm ba giải Grammy, một giải thưởng Âm nhạc Mỹ và một giải Sự lựa chọn của Công chúng. [ Đọc tiếp ]

Tiến hóa

Trong sinh học, tiến hóa là sự thay đổi đặc tính di truyền của một quần thể sinh học qua những thế hệ nối tiếp nhau. Các quá trình tiến hóa làm nảy sinh sự đa dạng ở mọi mức độ tổ chức sinh học bao gồm loài, các cá thể sinh vật và cả các phân tử như ADNprotein. Sự sống trên Trái Đất khởi nguồn và sau đó tiến hóa từ một tổ tiên chung từ khoảng 3,8 tỷ năm trước. Sự tiến hóa thành loài mới và sự phân nhánh sự sống lặp lại có thể suy luận ra từ tập hợp những đặc tính sinh hóa và hình thái học chung, hay những chuỗi ADN chung. Những nét tương đồng này giống nhau hơn giữa những loài có tổ tiên chung gần gũi nhau hơn, và có thể dùng để tái dựng lịch sử tiến hóa từ những loài hiện tồn và những dấu vết hóa thạch. Hình ảnh về sự đa dạng sinh học trên hành tinh ngày nay hình thành từ cả sự hình thành loài và sự tuyệt chủng. Charles DarwinAlfred Wallace là những người đầu tiên hệ thống hóa những luận cứ khoa học cho lý thuyết tiến hóa theo con đường chọn lọc tự nhiên. [ Đọc tiếp ]

Nhật thực

Ảnh chụp khi diễn ra nhật thực toàn phần ngày 11 tháng 8 năm 1999.

Nhật thực xảy ra khi Mặt Trăng đi qua giữa Trái ĐấtMặt Trời và quan sát từ Trái Đất, lúc đó Mặt Trăng che khuất hoàn toàn hay một phần Mặt Trời. Điều này chỉ có thể xảy ra tại thời điểm sóc trăng non khi nhìn từ Trái Đất, lúc Mặt Trời bị Mặt Trăng che khuất và bóng của Mặt Trăng phủ lên Trái Đất. Trong lúc nhật thực toàn phần, đĩa Mặt Trời bị che khuất hoàn toàn. Với nhật thực một phần hoặc hình khuyên, đĩa Mặt Trời chỉ bị che khuất một phần. Nếu Mặt Trăng có quỹ đạo tròn hoàn hảo, gần hơn Trái Đất một chút, và trong cùng mặt phẳng quỹ đạo, sẽ có nhật thực toàn phần xảy ra mỗi lần trong một tháng. Tuy nhiên, quỹ đạo của Mặt Trăng nghiêng hơn 5° so với mặt phẳng quỹ đạo của Trái Đất quanh Mặt Trời, do vậy bóng của Mặt Trăng lúc trăng non thường không chiếu lên Trái Đất. Để hiện tượng nhật thực cũng như nguyệt thực xảy ra, Mặt Trăng phải đi qua mặt phẳng quỹ đạo của Trái Đất. Hơn nữa, quỹ đạo của Mặt Trăng có hình elip, và nó thường ở đủ xa Trái Đất khiến cho kích cỡ biểu kiến của nó không đủ lớn để che khuất hoàn toàn Mặt Trời lúc nhật thực. [ Đọc tiếp ]

Thảm sát Katyn

Đài tưởng niệm Katyn-Kharkiv-Mednoye
Đài tưởng niệm Katyn-Kharkiv-Mednoye

Thảm sát Katyn là một cuộc thảm sát những người quốc gia Ba Lan do Bộ Dân ủy Nội vụ, cảnh sát mật Liên Xô, thực hiện vào tháng 4 và tháng 5 năm 1940. Vụ thảm sát khởi đầu từ đề xuất của L. P. Beriya hành quyết tất cả các sỹ quan Ba Lan, ngày 5 tháng 3 năm 1940. Tài liệu chính thức này đã được Bộ Chính trị, gồm cả lãnh đạo I. V. Stalin, ký và đóng dấu. Số lượng nạn nhân được ước tính khoảng 22.000 người, với con số thấp là 21.768 người. Các nạn nhân bị giết hại tại Rừng Katyn Nga, các trại tù KalininKharkiv và những nơi khác. Trong tổng số người bị giết hại, khoảng 8.000 là các sỹ quan Ba Lan bị bắt làm tù binh trong cuộc xâm chiếm Ba Lan của Liên Xô năm 1939, 6.000 người khác là các sỹ quan cảnh sát, số còn lại là những người thuộc giới trí thức Ba Lan bị bắt giữ vì bị coi là các "nhân viên tình báo, sen đầm, địa chủ, những kẻ phá hoại, chủ nhà máy, luật sư, viên chức và thầy tu." Các vụ hành quyết tù binh chiến tranh cùng thời điểm. Các vụ hành quyết khác xảy ra ở khá xa tại các trại StarobelskOstashkov, tại trụ sở NKVD ở Smolensk, và các nhà tù tại Kalinin (Tver), Kharkiv, Moscow, và các thành phố Liên xô khác. Các vụ hành quyết khác diễn ra ở nhiều địa điểm tại Belarus và Tây Ukraina, dựa trên các danh sách đặc biệt về tù binh Ba Lan, do NKVD chuẩn bị đặc biệt cho các vùng đó. [ Đọc tiếp ]

Giáo dục Việt Nam Cộng hòa

Mặt tiền Học viện Quốc gia Hành chánh.

Giáo dục Việt Nam Cộng hòa là nền giáo dục tại miền Nam Việt Nam dưới chính thể Việt Nam Cộng hòa. Triết lý giáo dục của Việt Nam Cộng hòa là nhân bản, dân tộc, và khai phóng. Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa nhấn mạnh quyền tự do giáo dục, và cho rằng "nền giáo dục cơ bản có tính cách cưỡng bách và miễn phí", "nền giáo dục đại học được tự trị", và "những người có khả năng mà không có phương tiện sẽ được nâng đỡ để theo đuổi học vấn". Hệ thống giáo dục Việt Nam Cộng hòa gồm tiểu học, trung học, và đại học, cùng với một mạng lưới các cơ sở giáo dục công lập, dân lập, và tư thục ở cả ba bậc học và hệ thống tổ chức quản trị từ trung ương cho tới địa phương. Ngay từ những ngày đầu hình thành nền Đệ nhất Cộng hòa, những người làm giáo dục ở miền Nam Việt Nam đã xây dựng được nền móng quan trọng cho nền giáo dục quốc gia, tìm ra câu trả lời cho những vấn đề giáo dục cốt yếu. Những vấn đề đó là: triết lý giáo dục, mục tiêu giáo dục, chương trình học, tài liệu giáo khoa và phương tiện học tập, vai trò của nhà giáo, cơ sở vật chất và trang thiết bị trường học, đánh giá kết quả học tập, và tổ chức quản trị. Nhìn chung, mô hình giáo dục ở miền Nam trong thập niên 1970 có khuynh hướng xa dần ảnh hưởng của giáo dục Pháp vốn chú trọng đào tạo một số ít phần tử ưu tú trong xã hội và có khuynh hướng thiên về lý thuyết, để chấp nhận mô hình giáo dục Hoa Kỳ có tính cách đại chúng và thực tiễn. Mặc dù tồn tại chỉ trong 20 năm (từ 1955 đến 1975), bị ảnh hưởng nặng nề bởi chiến tranh và những bất ổn chính trị thường xảy ra, phần thì ngân sách eo hẹp do phần lớn ngân sách quốc gia phải dành cho quốc phòng và nội vụ, nền giáo dục Việt Nam Cộng hòa đã phát triển vượt bậc, đáp ứng được nhu cầu gia tăng nhanh chóng của người dân. [ Đọc tiếp ]

Tương lai của Trái Đất

Minh họa dựa trên phỏng đoán về một Trái Đất bị thiêu rụi sau khi Mặt Trời trở thành sao khổng lồ đỏ trong 7 tỉ năm tới.

Tương lai của Trái Đất về mặt sinh học và địa chất có thể được ngoại suy dựa trên việc ước lượng những tác động trong dài hạn của một số yếu tố, bao gồm thành phần hóa học của bề mặt Trái Đất, tốc độ nguội đi ở bên trong của nó, những tương tác trọng lực với các vật thể khác trong hệ Mặt Trời, và sự tăng dần lên trong độ sáng của Mặt Trời. Nhân tố bất định trong phép ngoại suy này là ảnh hưởng liên tục của những công nghệ mà loài người phát minh ra, chẳng hạn như kỹ thuật khí hậu, có khả năng gây ra những thay đổi lớn tới Trái Đất. Sự kiện tuyệt chủng Holocen đang diễn ra là hậu quả của công nghệ và những tác động của nó có thể kéo dài tới năm triệu năm. Từ đó, công nghệ có khả năng sẽ dẫn đến sự tuyệt chủng của loài người, để hành tinh quay trở lại nhịp độ tiến hóa chậm hơn chỉ nhờ vào những quá trình tự nhiên diễn ra một cách lâu dài. Giữa những khoảng thời gian dài tới hàng trăm triệu năm, các sự kiện vũ trụ ngẫu nhiên có khả năng đe dọa tới sinh quyển của Trái Đất trên quy mô toàn cầu và thậm chí gây tuyệt chủng hàng loạt. Chúng bao gồm những sự va chạm với sao chổi hoặc tiểu hành tinh có bán kính từ 5–10 km (3,1–6,2 mi) trở lên, và một vụ nổ siêu tân tinh xảy ra trong vòng bán kính 100 năm ánh sáng tính từ Mặt Trời, được gọi là siêu tân tinh gần Trái Đất. Các sự kiện địa chất quy mô lớn khác thì dễ dự đoán hơn. [ Đọc tiếp ]