Wikipedia:Bài viết chọn lọc/2016/10

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
2005 2006 2007 2008 2009 2010 2011 2012 2013 2014
2015 2016 2017 2018 2019 2020 2021 2022 2023 2024
Bài viết chọn lọc
tháng 10 năm 2016
Tháng
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12

Ó cá

Ó cá (tên khoa học Pandion haliaetus) là một loài chim săn mồi kiếm ăn ban ngày. Loài chim này có kích thước lớn với chiều dài hơn 60 cm (24 in) và sải cánh 180 cm (71 in). Đặc điểm dễ nhận biết là vùng lưng và phía sau đầu có màu nâu xám, cánh và xung quanh mắt có màu đen. Ó cá sống trong nhiều kiểu môi trường khác nhau, làm tổ ở bất cứ nơi nào gần vực nước cung cấp đủ thức ăn cho chúng. Nó được tìm thấy trên tất cả các lục địa trừ Nam Cực, riêng ở Nam Mỹ nó chỉ xuất hiện ở dạng di cư không sinh sản. Được IUCN xếp vào nhóm ít quan tâm, loài này có diện phân bố rộng lớn, chỉ tính riêng châu Phi và châu Mỹ là 9.670.000 km2, và có số cá thể trên toàn cầu ước tính khoảng 460.000 con. Như tên gọi của nó, thức ăn của nó hầu như chỉ là cá. Nó có các đặc điểm vật lý và hành vi rất đặc biệt giúp chúng có thể săn và bắt con mồi. Do các đặc điểm độc đáo này, nên nó được phân loại vào một chi riêng, chi Pandion duy nhất của họ Pandionidae. Có 4 phân loài được công nhận trên thế giới. Mặc dù có xu hướng làm tổ gần các khu vực có nước, nhưng chúng không phải là một loài đại bàng biển. Ó cá là loài chim biểu tượng của tỉnh bang Nova Scotia, Canada và tỉnh Södermanland, Thụy Điển. [ Đọc tiếp ]

Cộng hòa Indonesia

Quốc kỳ Indonesia

Cộng hòa Indonesia là một quốc gia nằm trên hai lục địa ở Đông Nam ÁChâu Đại Dương. Indonesia gồm 17.508 hòn đảo, và với dân số ước tính khoảng 237 triệu người, đứng thứ tư trên thế giới về dân số. Indonesia là quốc gia có số dân theo Hồi giáo đông nhất thế giới; tuy nhiên trong Hiến pháp Indonesia không đề cập tới tôn giáo này. Indonesia là một quốc gia theo thể chế cộng hòa với một bộ máy lập pháp và tổng thống do dân bầu. Indonesia có chung biên giới trên đất liền với Papua New Guinea, Đông TimorMalaysia. Các nước láng giềng khác là Singapore, Philippines, Úc, và lãnh thổ Quần đảo Andaman và Nicobar của Ấn Độ. Thủ đô Jakarta cũng đồng thời là thành phố lớn nhất của quốc gia này. Các nhà buôn Hồi giáo đã đưa tới Đạo Hồi, và các cường quốc Châu Âu đã tranh giành để độc chiếm lĩnh vực thương mại trên các hòn đảo Hương liệu Maluku trong Thời đại khám phá. Sau ba thế kỷ rưỡi nằm dưới quyền cai trị của thực dân Hà Lan, Indonesia giành được độc lập sau Thế chiến thứ hai. Từ đó lịch sử Indonesia rơi vào cảnh biến động với các nguy cơ từ các thảm hoạ thiên nhiên, nạn tham nhũng và chia rẽ cũng như một quá trình dân chủ hóa, và các giai đoạn thay đổi kinh tế nhanh chóng. Dù có dân số lớn và nhiều vùng đông đúc, Indonesia vẫn có nhiều khu vực hoang vu và là quốc gia có mức độ đa dạng sinh học đứng hàng thứ hai thế giới. [ Đọc tiếp ]

Virus

Virus

Virus là một tác nhân truyền nhiễm chỉ nhân lên được khi ở bên trong tế bào sống của một sinh vật khác. Virus có thể xâm nhiễm vào tất cả các dạng sinh vật, từ động vật, thực vật cho tới vi khuẩnvi khuẩn cổ. Kể từ bài viết đầu tiên của Dmitri Ivanovsky năm 1892, mô tả về một dạng mầm bệnh không thuộc vi khuẩn mà lây nhiễm vào cây thuốc lá, và sự khám phá ra virus khảm thuốc lá của Martinus Beijerinck năm 1898, cho đến nay có khoảng 5.000 loại virus đã được miêu tả chi tiết, mặc dù vẫn còn có tới hàng triệu dạng virus khác nhau. Virus được tìm thấy ở hầu hết mọi hệ sinh thái trên Trái Đất và là dạng có số lượng nhiều nhất trong tất cả các thực thể sinh học. Khoa học nghiên cứu virus được biết với tên virus học (virology), một chuyên ngành phụ của vi sinh vật học. Các phần tử (hay hạt) virus (được gọi là virion) được tạo thành từ hai hoặc ba bộ phận. Hình dạng của virus có sự khác nhau, từ dạng xoắn ốc hay khối hai mươi mặt đều đơn giản cho tới những cấu trúc phức tạp hơn. Một virus có kích thước trung bình vào khoảng 1/100 kích cỡ trung bình của một vi khuẩn. Hầu hết virus đều quá nhỏ nên không thể quan sát trực tiếp dưới kính hiển vi quang học. Virus được công nhận là một dạng sống bởi một số nhà khoa học, do chúng có mang vật chất di truyền, có thể sinh sản và tiến hóa thông qua quá trình chọn lọc tự nhiên. [ Đọc tiếp ]

Kẽm

Các mảnh kẽm 99,995%

Kẽm là một nguyên tố kim loại lưỡng tính, kí hiệu là Zn và có số nguyên tử là 30. Nó là nguyên tố đầu tiên trong nhóm 12 của bảng tuần hoàn nguyên tố. Kẽm, trên một số phương diện, có tính chất hóa học giống với magiê, vì ion của chúng có bán kính giống nhau và có trạng thái ôxy hóa duy nhất ở điều kiện bình thường là +2. Kẽm là nguyên tố phổ biến thứ 24 trong lớp vỏ Trái Đất và có 5 đồng vị bền. Quặng kẽm phổ biến nhất là quặng sphalerit, một loại kẽm sulfua. Những mỏ khai thác lớn nhất nằm ở Úc, CanadaHoa Kỳ. Công nghệ sản xuất kẽm bao gồm tuyển nổi quặng, thiêu kết, và cuối cùng là chiết tách bằng dòng điện. Đồng thau là một hợp kim của đồng và kẽm đã bắt đầu được sử dụng muộn nhất từ thế kỷ 10 TCN tại Judea và thế kỷ 7 TCN tại Hy Lạp cổ đại. Mãi cho đến thế kỷ 12 thì kẽm nguyên chất mới được sản xuất quy mô lớn ở Ấn Độ, và đến cuối thế kỷ 16 thì người châu Âu mới biết đến kẽm kim loại. Các mỏ ở Rajasthan được khai thác từ thế kỷ 6 TCN. Cho đến nay, bằng chứng cổ xưa nhất về kẽm tinh khiết là từ Zawar ở Rajasthan vào khoảng thế kỷ 9, người ta dùng phương pháp chưng cất để tạo ra kẽm nguyên chất. Các nhà giả kim thuật đốt kẽm trong không khí để tạo thành một chất mà họ gọi là "len của nhà triết học" hay "tuyết trắng". [ Đọc tiếp ]