Bước tới nội dung

Đỗ Hựu

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Đỗ Hựu
杜佑
Tên chữQuân Khanh
Thụy hiệuAn Giản
Thông tin cá nhân
Sinh
Ngày sinh
735
Nơi sinh
Kinh Triệu
Quê quán
Trường An
Mất
Thụy hiệu
An Giản
Ngày mất
23 tháng 12, 812
Nơi mất
Vạn Niên
An nghỉVạn Niên
Giới tínhnam
Gia quyến
Thân phụ
Du Xiwang
Hậu duệ
Du Shifang, Du Congyu, Du Mou, Du Xianxiang, Du Shaozi, Du Shisun
Chức quanTể tướng nhà Đường
Gia tộchọ Đỗ Kinh Triệu
Nghề nghiệpnhà sử học, chính khách
Quốc tịchnhà Đường
Thời kỳNhà Đường
Tác phẩmThông điển

Đỗ Hựu (chữ Hán: 杜佑, 735-812) là nhà sử học Trung Quốc, tác giả bộ sách Thông điển thời Đường.

Cuộc đời

[sửa | sửa mã nguồn]

Đỗ Hựu tự là Quân Khanh, người vùng Đỗ Khúc huyện Vạn Niên, phủ Kinh Triệu[1]. Ông xuất thân trong gia đình khoa bảng, nhiều đời làm quan.

Năm 753, khi 18 tuổi, Đỗ Hựu nhờ tập ấm của cha, bắt đầu làm quan, nhậm chức Tham quân quận Tế Nam.

Vào niên hiệu Đại Lịch (766-779), ông nhậm chức Lang trung ở Bộ Công, làm việc vận chuyển đường sông. Sau đó ông được triều đình cử làm Độ chi lang trung kiêm Hòa địch sứ, thực hiện việc thu mua lương thực; rồi làm Tiết độ sứ Hoài Nam.

Do có công, ông được cất nhắc làm quan trong triều đình trung ương. Năm 803 đời Đường Đức Tông, Đỗ Hựu được phong làm Kiểm hiệu tư đồ, Đồng trung thư môn hạ Bình chương sự.

Năm 804, Đường Đức Tông qua đời, Đường Thuận Tông lên ngôi. Ông được phong làm Tể tướng. Sang năm 806 thời Đường Hiến Tông, ông giữ chức Tư đồ, tước Kỳ quốc công.

Năm 812, ông qua đời, thọ 78 tuổi. Đường Hiến Tông truy tặng ông làm Thái phó, thụy là An Giản.

Tác phẩm

[sửa | sửa mã nguồn]

Bộ sách Thông điển được Đỗ Hựu biên soạn trong 35 năm, bắt đầu từ năm 766 và hoàn thành năm 801, trong thời gian ông làm Tiết độ sứ Hoài Nam[2], gồm có 200 quyển, chia thành 8 phần: Thực hóa, Tuyển cử, Quan chức, Lễ, nhạc, Binh hình, Châu quận và Biên phòng.

Thông điển bao quát thời gian từ thời thượng cổ đến Đường Huyền Tông, bao quát diện mạo đời sống xã hội, chính trị thời phong kiến Trung Quốc. Thông điển là tác phẩm sử học đầu tiên nghiên cứu về hệ thống pháp luật của triều đình[3]. Đây cũng là tác phẩm sử học đầu tiên đặt nội dung "Hóa thực" lên đầu sách[4]. Ông cũng chỉ ra rằng dân giàu thì nước mới mạnh, từng gia đình no đủ thì đất nước mới no đủ[5].

Ngoài ra, Đỗ Hựu còn thể hiện quan điểm lịch sử phát triển, dùng hiện thực lịch sử để phản bác quan điểm đảo ngược lịch sử. Đỗ Hựu coi trọng con người và đề cao vai trò của con người trong việc thay đổi cuộc sống, thay đổi xã hội chứ không tin vào thiên mệnh[5].

Cách viết sử của Đỗ Hựu sau này được Mã Đoan Lâm thời Nguyên kế tục với tác phẩm Văn hiến thông khảo.

Nhận định

[sửa | sửa mã nguồn]

Đỗ Hựu làm quan suốt hơn 50 năm dưới 6 đời vua nhà Đường: Huyền Tông, Túc Tông, Đại Tông, Đức Tông, Thuận Tông, Hiến Tông. Đỗ Hựu được đánh giá là vị quan có tài, đường hoạn lộ thuận lợi. Ông đã tiến cử Dương Viêm với triều đình, thi hành lưỡng thuế pháp. Tuy làm Tể tướng và có kinh nghiệm nhiều năm trên chính trường nhưng Đỗ Hựu vẫn luôn khiêm tốn học hỏi[6].

Đỗ Hựu sống trong thời kỳ Trung Quốc có nhiều biến động. Nhà Đường đang thịnh trị đã suy yếu qua loạn An Sử (756-763). Ông luôn có phản ứng tích cực và sáng suốt trước các biến cố lịch sử, nhận thức và nắm rõ sự biến đổi của thời đại[5].

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Nguyễn Thanh Hà (2009), Mười nhà sử học nổi tiếng Trung Quốc, Nhà xuất bản Văn hóa thông tin

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Nay thuộc trấn Đỗ Khúc, huyện Trường An, Tây An, tỉnh Thiểm Tây
  2. ^ Nguyễn Thanh Hà, sách đã dẫn, tr 57
  3. ^ Nguyễn Thanh Hà, sách đã dẫn, tr 58
  4. ^ Nguyễn Thanh Hà, sách đã dẫn, tr 59
  5. ^ a b c Nguyễn Thanh Hà, sách đã dẫn, tr 62
  6. ^ Nguyễn Thanh Hà, sách đã dẫn, tr 56