Anton I của Sachsen

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Anton I của Sachsen
Chân dung bởi Carl Christian Vogel von Vogelstein (1827)
Quốc vương Sachsen
Tại vị5 tháng 5 năm 1827 – 6 tháng 6 năm 1836
(9 năm, 32 ngày)
Tiền nhiệmFriedrich August I Vua hoặc hoàng đế
Kế nhiệmFriedrich August II Vua hoặc hoàng đế
Thông tin chung
Sinh(1755-12-27)27 tháng 12 năm 1755
Dresden, Tuyển hầu xứ Sachsen, Đế quốc La Mã Thần thánh
Mất6 tháng 6 năm 1836(1836-06-06) (80 tuổi)
Dresden, Vương quốc Sachsen, Bang liên Đức
An tángThánh đường Dresden
Phối ngẫu
Hậu duệMaria Ludovika của Sachsen

Friedrich August của Sachsen
Maria Johanna của Sachsen

Maria Theresia của Sachsen
Tên đầy đủ
Tiếng Đức: Anton Clemens Theodor Maria Joseph Johann Evangelista Nepomuk Franz Xaver Aloys Januar [1]
Tiếng Anh: Anthony Clement Theodore Mary Joseph John the Evangelist Nepomuk Francis Xavier Aloysius Januarius
Vương tộcNhà Wettin
Thân phụFriedrich Christian I xứ Sachsen
Thân mẫuMaria Antonia xứ Bayern
Tôn giáoCông giáo La Mã

Anton I của Sachsen (tiếng Đức: Anton I. von Sachsen; 27 tháng 12 năm 1755 – 6 tháng 6 năm 1836) là Quốc vương Sachsen từ Vương tộc Wettin. Anton I được biết đến với cái tên Anton der Gütige [2] ("Anton Tốt bụng").[3]

Anton I là con trai thứ năm của Friedrich Christian I, Tuyển hầu tước xứ SachsenMaria Antonia xứ Bayern.

Trước khi lên ngôi[sửa | sửa mã nguồn]

Với rất ít cơ hội tham gia vào các hoạt động chính trị của Tuyển hầu quốc Sachsen hoặc nhận được bất kỳ vùng lãnh thổ nào từ người anh Friedrich August III, Anton đã sống một cách thầm lặng. Không có Tuyển hầu tước Sachsen kể từ Johann Georg I trao tước vị cho những người con trai thứ của mình.

Trong những năm đầu tiên dưới triều đại của anh trai với tư cách là Tuyển hầu, Anton đứng thứ ba trong hàng ngũ thừa kế. Với cái chết của người anh trai thứ ba là Joseph (25 tháng 3 năm 1763) và của người anh thứ hai là Karl (8 tháng 9 năm 1781), Anton trở thành người thừa kế hàng đầu. Nguyên nhân là do Tuyển hầu phu nhân Amalie chỉ sinh được một người con gái khỏe mạnh.

Dì của Anton, Maria Josepha của Ba Lan và Sachsen, Trữ phi nước Pháp, muốn gả con gái Marie Zéphyrine của Pháp cho Anton tuy nhiên kế hoạc đã thất bại vì Marie Zéphyrine đã qua đời vào năm 1755. Một ứng cử viên người Pháp khác là em gái của Marie Zéphyrine, Marie Clotide của Pháp (sau này là Vương hậu Sardegna) nhưng không thành.

Tại Torino, vào ngày 29 tháng 9 năm 1781 (ủy nhiệm) và một lần nữa ở Dresden vào ngày 24 tháng 10 năm 1781 (trực tiếp), Anton kết hôn với Maria Carolina của Sardegna, con gái của Vittorio Amadeo III của SardegnaMaría Antonia Fernanda của Tây Ban Nha. Maria Carolina qua đời chỉ sau một năm chung sống vào ngày 28 tháng 12 năm 1782 vì bệnh đậu mùa và hai vợ chồng không có con với nhau.

Tại Firenze, vào ngày 8 tháng 9 năm 1787 (ủy nhiệm) và một lần nữa ở Dresden vào ngày 18 tháng 10 năm 1787 (trực tiếp), Anton tái hôn với Nữ Đại vương công Maria Theresia Josepha của Áo (Maria Theresia Josepha Charlotte Johanna), con gái của Đại Công tước Leopold I xứ Toscana (sau này là Hoàng đế Leopold II của Thánh chế La Mã) và María Luisa của Tây Ban Nha. Vở opera Don Giovanni của Mozart ban đầu được dự định trình diễn để vinh danh cô dâu của Anton trong chuyến thăm Praha vào ngày 14 tháng 10 năm 1787, khi Maria Theresia Josepha di chuyển từ Viên sang Dresden để dự buổi lễ mừng, và các bản librettos đã được in ra, trong đó đều có tên của cả Anton và Maria Theresia Josepha. Tuy nhiên, buổi ra mắt không thể được sắp xếp kịp thời nên vở opera Đám cưới của Figaro đã được thay thế theo lệnh cấp tốc của người bác bên nội của cô dâu là Hoàng đế Joseph II của Thánh chế La Mã. Nhiều người tham dự cho rằng việc lựa chọn Cuộc hôn nhân của Figaro là không phù hợp đối với một tân nương, và Nữ Đại vương công Maria Theresia đã rời nhà hát opera sớm mà không xem hết buổi trình diễn tác phẩm. Mozart đã than phiền về những âm mưu xoay quanh sự cố này trong một bức thư gửi cho bạn là Gottfried von Jacquin, được viết trong khoảng thời gian từ ngày 15 tháng 10 đến ngày 25 tháng 10 năm 1787. Anton đã có mặt tại Praha vào tháng 9 năm 1791 để tham dự buổi biểu diễn đầu tiên vở opera La clemenza di Tito của Mozart, được viết như một phần của lễ đăng quang của cha vợ Anton là Hoàng đế Leopold II của Thánh chế La Mã với tư cách là Quốc vương Bohemia.

Hai vợ chồng có với nhau bốn người con, ba gái và một trai, nhưng không người con nào có thể sống đến hai tuổi:

  1. Maria Ludovika Auguste Fredericka Therese Franziska Johanna Aloysia Nepomucena Ignatia Anna Josepha Xaveria Franziska de Paula Barbara (Dresden, 14 tháng 3 năm 1795 – Dresden, 25 tháng 4 năm 1796)
  2. Friedrich August (sinh và mất tại Dresden, 5 tháng 4 năm 1796)
  3. Maria Johanna Ludovica Anna Amalia Nepomucena Aloysia Ignatia Xaveria Josepha Franziska de Chantal Eva Apollonia Magdalena Crescentia Vincentia (Dresden, 5 tháng 4 năm 1798 – Dresden, 30 tháng 10 năm 1799)
  4. Maria Theresia (sinh và mất tại Dresden, 15 tháng 10 năm 1799)

Trong khoảng thời gian này, Bà Tuyển hầu Amalie sinh một ra một đứa trẻ chết lưu lần cuối cùng vào năm 1799. Sau đó, Anton được coi như sẽ kế vị Tuyển hầu quốc Sachsen mà được nâng lên thành vương quốc vào năm 1806.

Quốc vương Sachsen[sửa | sửa mã nguồn]

Huy chương giới thiệu Hiến pháp năm 1831. Mặt sau thể hiện phần đầu của Quốc vương Anton và Đồng Nhiếp chính Friedrich August.
Huân chương Thiếc của hiến pháp mới, mặt sau.

Anton kế vị anh trai Friedrich August I trở thành Quốc vương Sachsen sau cái chết của anh trai vào ngày 5 tháng 5 năm 1827. Tân vương 71 tuổi hoàn toàn thiếu kinh nghiệm trong chính quyền và do đó không có ý định khởi xướng những thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại và đối nội của mình.

Các nhà ngoại giao Phổ đã thảo luận về việc trao tỉnh Rhineland của Phổ (người ở đây chủ yếu là tín hữu Công giáo) cho Anton I (một người Công giáo) để đổi lấy Vương quốc Sachsen chủ yếu theo Luther vào năm 1827, nhưng những cuộc đàm phán này không mang lại kết quả gì.[4]

Sau Cách mạng Tháng Bảy ở Pháp năm 1830, tình trạng hỗn loạn ở Sachsen xảy ra vào mùa thu, chủ yếu nhằm chống lại Hiến pháp cũ. Vì vậy, vào ngày 13 tháng 9, bên nội các đã cách chức Bá tước Detlev von Einsiedel, tiếp theo là Bernhard von Lindenau. Vì người dân mong muốn có một nhiếp chính trẻ tuổi hơn nên Aton I đã đồng ý bổ nhiệm cháu trai Friedrich August trở thành Đồng Vương tử Nhiếp chính (Prinz-Mitregenten). Một hiến pháp mới đã được thông qua vào năm 1831 và có hiệu lực vào ngày 4 tháng 9 cùng năm Với hiến pháp mới, Sachsen đã trở thành một Vương quốc theo chế độ quân chủ lập hiến và có được cơ quan lập pháp lưỡng viện và chính phủ nội các chịu trách nhiệm, thay thế các địa chủ phong kiến cũ. Hiến pháp có tính bảo thủ hơn so với các hiến pháp khác hiện có ở Liên minh Đức lúc bấy giờ. Tuy nhiên, hiến pháp có hiệu lực ở Sachsen cho đến năm 1918.[5] Quốc vương vẫn nắm giữ quyền lực tối cao nhưng bị ràng buộc bởi Công việc Chính phủ và phải hợp tác với các Bộ trưởng và các quyết định của cuộc họp của cả hai Viện (de: Kammern der Ständeversammlung ). Việc Sachsen gia nhập Liên minh quan thuế Đức Zollverein vào năm 1833 đã giúp thương mại, công nghiệp và giao thông phát triển hơn nữa.

Với việc không có nam duệ, Anton I được cháu trai là Friedrich August II kế vị.

Gia phả[sửa | sửa mã nguồn]

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ Holborn, p. 24
  2. ^ Quinger p. 35
  3. ^ "The Kings of Saxony Lưu trữ 14 tháng 5 2007 tại Wayback Machine". Accessed 27 January 2007.
  4. ^ Freitag, p. 216
  5. ^ James K. Pollock & Homer Thomas, Germany in Power and Eclipse D. Van Nostrand Co.: New York, 1952, p. 510.
  6. ^ Genealogie ascendante jusqu'au quatrieme degre inclusivement de tous les Rois et Princes de maisons souveraines de l'Europe actuellement vivans [Genealogy up to the fourth degree inclusive of all the Kings and Princes of sovereign houses of Europe currently living] (bằng tiếng Pháp). Bourdeaux: Frederic Guillaume Birnstiel. 1768. tr. 99.

Nguồn tài liệu[sửa | sửa mã nguồn]

Anton I của Sachsen
Sinh: 27 tháng 12, năm 1755 Mất: 6 tháng 6, năm 1836
Tước hiệu
Tiền nhiệm
Friedrich August I
Quốc vương Sachsen
1827 – 1836
Kế nhiệm
Friedrich August II