Bão Talim (2023)

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Bão số 1 (Bão Talim)
Bão nhiệt đới dữ dội (Thang JMA)
Bão cấp 2 (SSHWS/NWS)
Bão Talim đạt cực gây gió giật cấp 16 tại một số địa điểm
Hình thành13 tháng 7 năm 2023
Tan18 tháng 7 năm 2023
Sức gió mạnh nhấtDuy trì liên tục trong 10 phút:
110 km/h (70 mph)
Duy trì liên tục trong 1 phút:
155 km/h (100 mph)
Giật:
Quan trắc tại đảo Phóng Kê:195 km/h (120 mph)
Áp suất thấp nhất970 mbar (hPa); 28.64 inHg
Số người chết4 người chết
Thiệt hại$364 triệu (USD 2023)
Vùng ảnh hưởngPhlippines, Trung Quốc và Việt Nam
Một phần của Mùa bão Tây Bắc Thái Bình Dương 2023

Bão Talim (tên tiếng Anh: Severe Tropical Storm Talim [tạm dịch là bão nhiệt đới dữ dội Talim], Việt Nam gọi là bão số 1) là một cơn bão mạnh trên biển Đông, ảnh hưởng đến Philippines, Việt Nam và Trung Quốc. Đây là cơn bão thứ tư được đặt tên trong mùa bão Tây Bắc Thái Bình Dương 2023 và là cơn bão đầu tiên trên biển Đông trong năm. Talim hình thành từ hình thái áp thấp gió mùa yếu ở phía Đông Philippines trước khi trở thành bão nhiệt đới khi vượt qua đảo Luzon và vào vùng biển phía Đông Bắc Biển Đông. Cơn bão đổ bộ vào Trung Quốc 2 lần, trong đó bão đổ bộ lần đầu tiên vào thành phố Trạm Giang nằm trên bán đảo Lôi Châu thuộc tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) với sức gió cấp 13 theo ước tính của khí tượng Trung Quốc. Bão nhanh chóng suy yếu khi di chuyển sâu trên đất liền và tan vào ngày 18 tháng 7. Về thiệt hại do ảnh hưởng của bão, có tổng cộng 4 người chết (1 người ở Việt Nam do ảnh hưởng gián tiếp, 2 người ở Philippines và 1 người ở Trung Quốc). Tổng thiệt hại tài sản do bão là 364 triệu USD ở cả 3 quốc gia bị ảnh hưởng.

Lịch sử khí tượng[sửa | sửa mã nguồn]

Đường đi bão Talim năm 2023

Vào ngày 12 tháng 7, một vùng áp thấp được ghi nhận ngoài khơi bờ biển Aurora, Philippines. Cục Khí tượng Nhật Bản (JMA sau đó đã công nhận vùng áp thấp đó là áp thấp nhiệt đới. PAGASA sau đó đặt tên cho hệ thống này là Dodong vì áp thấp nhiệt đới nằm trong vùng giám sát của Philippines (PAR).[1]  Áp thấp nhiệt đới sau đó đổ bộ lần đầu tiên vào Dinapigue, Aurora thuộc đảo Luzon vào lúc 00:30 sáng ngày 14 tháng 7 theo giờ địa phương. Sau khi hệ thống vượt qua đảo Luzon thì Trung tâm Cảnh báo bão Liên hợp (JTWC) sau đó cũng công nhận áp thấp đó là áp thấp nhiệt đới.[2] Vào lúc 00:00 UTC ngày 15, Trung tâm Khí tượng Quốc gia Trung Quốc (NMC) cho rằng áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão với sức gió cấp 8.[3] Vào thời điểm 06:00 UTC, trước khi ra khỏi vùng PAR, JMA và Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia (NCHMF) sau đó cho rằng áp thấp mạnh lên thành bão nhiệt đới và JMA đặt tên cho hệ thống là Talim, đây cũng là tên quốc tế của bão. NCHMF gọi đây là bão số 1.[4][5][6] Hệ thống này có trung tâm hoàn lưu mực thấp (LLCC) rộng với đối lưu sâu tồn tại ở vùng ngoại vi phía Tây và phía Nam.[7] Talim tiếp tục mạnh lên ở Biển Đông, sau đó mạnh lên thành bão nhiệt đới dữ dội khi nó di chuyển về phía Tây trong môi trường thuận lợi với dòng phân kì hướng xích đạo và nhiệt độ nước biển trên bề mặt nước biển ấm, bù đắp cho gió đứt mạnh gây bất lợi cho sự mạnh lên của bão.[8] JTWC cho rằng Talim đạt sức gió cực đại là 85 kt (155 km/h) tương đương bão (cuồng phong) cấp 2 khi bão ở vùng biển Bắc Biển Đông, phía Nam tỉnh Quảng Đông và (Trung Quôc).[9] Khi bão ở trên vùng biển gần bờ biển tỉnh Quảng Đông, SAR (một vệ tinh radar khẩu độ tổng hợp của NOAA) ghi nhận sức gió duy trì 1 phút là 93 kt (172 km/h).[10] NMC và NCHMF cho rằng bão mạnh từ cấp 12 trở lên (tức là từ 118 km/h trở lên).[3][11] Nhưng JMA lại cho rằng tốc độ gió của bão khi mạnh nhất chỉ là 60 kt (110 km/h).[12] Talim đổ bộ lần thứ hai vào Trạm Giang thuộc tỉnh Quảng Đông với sức gió duy trì 135 km/h (38 m/s, cấp 13) vào ngày 17 tháng 7.[13] Talim sau đó tiếp tục đổ bộ lần thứ 3 vào thành phố Bắc Hải với sức gió cấp 10 vào ngày 18.[3] Khi di chuyển sâu hơn vào đất liền, Talim suy yếu và tan dần.[12] Ngay sau khi đổ bộ vào Bắc Hải, JTWC đã phát tin cuối cùng về bão[14] trước khi nó tan hoàn toàn vào ngày hôm sau.[12]

Ảnh hưởng của bão[sửa | sửa mã nguồn]

Philippines[sửa | sửa mã nguồn]

Bão Talim đã làm gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh trên khắp Philippines và mang theo lượng mưa lớn và gió giật trên khắp quốc gia khi nó đến gần đảo Luzon.[15] Học sinh ở các lớp học ở ba thành phố và ở Cagayan được cho nghỉ học khi cơn bão đi qua Luzon.[16] Thiệt hại về nông nghiệp được NDRRMC ước tính là ₱199 triệu, với thiệt hại về cơ sở hạ tầng ước tính là ₱100 triệu. NDRRMC ước tính tổng thiệt hại tài sản ít nhất là ₱299 triệu (5,75 triệu đô la Mỹ) do Talim.[17] Nhìn chung, cơn bão đã khiến 2 người thiệt mạng tại Philippines.[18]

Trung Quốc[sửa | sửa mã nguồn]

Hình ảnh vệ tinh vòng lặp bão Talim trong quá trình ảnh hưởng và đổ bộ vào Trung Quốc

Công tác phòng chống[sửa | sửa mã nguồn]

Cơ quan Khí tượng Trung Quốc (CMA) đã phát cảnh báo bão màu cam vì dự báo cho thấy cơn bão ​​sẽ mang theo gió giật và mưa lớn đến một số vùng ở miền Nam Trung Quốc. Vào ngày 17 tháng 7, lúc 00:40 UTC, Đài Thiên văn Hồng Kông (HKO) đã đưa ra cảnh báo Tín hiệu số 8 khi Talim tiếp cận thành phố và bắt đầu gây gió mạnh.[19]  Sân bay Kim Loan Châu Hải ở Quảng Đông đã hủy 43 chuyến bay đến và 36 chuyến bay đi, sân bay quốc tế Mỹ Lan Hải Khẩusân bay Bác Ngao Quỳnh Hải đã hủy tất cả các chuyến bay. Đường sắt cao tốc và tàu ngoại ô ở Hải Nam cũng đã tạm dừng khai thác.[20] Dự báo cho thấy tổng lượng mưa do bão có thể lên tới 250–300 mm ở các khu vực của đảo Hải Nam, miền Nam Quảng Đông và phía Đông Nam tỉnh Quảng Tây.[21] Trước khi cơn bão đổ bộ, tại Quảng Đông chính quyền đã ra lệnh sơ tán ít nhất 1.000 cư dân ở Vân Phù, hơn 66.000 tàu thuyền vào cảng đã thực hiện biện pháp phòng chống bão, hơn 200.000 người đã được di dời vào sâu trong đất liền.[22] Cấp độ báo động khẩn cấp do bão tại Quảng Đông là cấp II, riêng tại Trạm Giang đã nâng cấp độ ứng phó bão lên cấp I vào sáng ngày 17.[23] Trên đảo Hải Nam, các dịch vụ tàu hoả đã tạm dừng đình chỉ và các trường học, cửa hàng cũng như nhiều cơ sở giải trí đã bị đóng cửa do người dân địa phương được khuyến cáo nên ở nhà trong thời gian bão gây ra tác động. Do ảnh hưởng của bão, sở giao dịch Hồng Kông ngừng giao dịch vào ngày 17 tháng 7. Các chuyến phà phà qua eo biển Quỳnh Châu đã tạm dừng khai thác vào ngày 16 tháng 7.[21] Cục Khí tượng Khu tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây đã nâng cấp độ ứng phó bão lên cấp II từ mức cấp III vào tối ngày 17.[24] Theo Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) thì các lớp học, hoạt động lao động, chuyến bay và hoạt động kinh doanh được cho tạm nghỉ để phòng tránh ảnh hưởng của bão.[25]

Tác động gió mạnh và mưa lớn[sửa | sửa mã nguồn]

Ảnh hưởng của bão tại đất liền và vùng biển gần bờ Trung Quốc, khu vực phía Bắc Biển Đông, vùng biển và vùng ven biển phía nam tỉnh Quảng Đông và bán đảo Lôi Châu có gió duy trì từ cấp 10 đến cấp 14 giật cấp 12 đến cấp 16. [26] Một trạm quan trắc khí tượng ở thị trấn Bohe thuộc quận Điện Bạch Thành phố Mậu Danh, tỉnh Quảng Đông nằm ở ven biển Đông quan trắc được tốc độ gió trung bình cao nhất là 40,5 m/s (146 km/h, cấp 13), gió giật 53,3 m/s (192 km/h, cấp 16).[13][26] Mặc dù trạm khí tượng tại đảo Phóng Kê cũng thuộc quận Điện Bạch quan trắc được sức gió trung bình cao nhất là 47,1 m/s (170 km/h, cấp 15) gió giật 54,1 m/s (195 km/h, cấp 16)[26], nhưng trong dữ liệu đường đi và cường độ bão đã hiệu chỉnh Cục Khí tượng Trung Quốc (CMA) chỉ ghi nhận sức gió cực đại của bão là 40 m/s (145 km/h, cấp 13).[27] Một số nơi ở phía Tây Quảng Đông và phía Nam đồng bằng Châu Giang có mưa lớn. Theo số liệu quan trắc từ 20 giờ ngày 15 đến 8 giờ ngày 18 tháng 7, lượng mưa tích lũy trung bình ghi nhận tại Quảng Đông là 73 mm, có 477 địa điểm có tổng lượng mưa từ 100–300 mm và một số nơi có tổng lượng mưa trên 300 mm.[26]

Tại Quảng Tây nhiều nơi cũng ghi nhận gió mạnh và mưa to. Nhiều địa điểm ghi nhận gió giật mạnh từ cấp 8 trở lên, một số nơi ở phía Đông Nam có gió giật cấp 12-13, cao nhất lên tới 39,2 m/s (141 km/h, cấp 13) được ghi nhận tại một địa điểm tại Phòng Thành Cảng.[28][29] Về lượng mưa, có 12 thị trấn thuộc 4 huyện hoặc thành phố cấp địa khu ghi nhận tổng lượng mưa vượt 250 mm, cao nhất là 379,3 mm tại một địa điểm thuộc thành phố Ngọc Lâm (cấp địa khu).[28]

Trên đất liền đảo Hải Nam, gió giật phổ biến là từ cấp 7 đến cấp 9, gió giật mạnh nhất là 26,6 m/s (96 km/h, cấp 10) ghi nhận tại một thị trấn thuộc huyện Trừng Mại. Lượng mưa ghi nhận từ tối ngày 15 tháng 7 đến chiều ngày 18 tháng 7 nhiều nơi vượt 100 mm, có nơi vượt trên 200 mm. Những nơi mưa to nhất tập trung chủ yếu ở phía Bắc và phía Tây hòn đảo.[30]

Ngoài ra tại Hồng Kông nhiều trạm ghi nhận gió mạnh, tín hiệu bão số 8 cũng đã được ban hành tại Hồng Kông.[31] Ngong Ping (vùng cao nguyên) là nơi ghi nhận gió duy trì mạnh nhất tại Hồng Kông, với tốc độ gió duy trì trong 60 phút tối đa là 107 km/h (cấp 11), giật tới 140 km/h (cấp 13).[32] Đại Mạo Sơn cũng ghi nhận gió duy trì 60 phút tối đa 92 km/h (cấp 10), giật tối đa lên tới 143 km/h (cấp 13).[32]

Thiệt hại về người và tài sản[sửa | sửa mã nguồn]

Tại Trung Quốc có 1 người tử vong ở Giang Tô do đi xe đạp điện trong đường hầm dù đã có cảnh báo đường hầm ngập nước.[33] Tổng thiệt hại tài sản do ảnh hưởng của bão Talim lên tới 2,61 tỷ Nhân dân tệ (358 triệu USD).[34][35]

Việt Nam[sửa | sửa mã nguồn]

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đã phát "tin bão khẩn cấp" khi bão ở vùng biển phía Bắc Biển Đông và dự báo bão sẽ gây ra gió mạnh tại nhiều nơi ở vùng ven biển miền Bắc, một số nơi có gió mạnh từ cấp 8 trở lên.[36][37] Một chuyên gia thuộc Trung tâm Dự báo KTTV cho biết bão số 1 có thể là cơn bão mạnh nhất ảnh hưởng đến Bắc Bộ trong vài năm gần đây.[38] Thủ tướng Chính phủ đã ban hành công điện gửi nhiều tỉnh thành về việc tập trung ứng phó bão số 1.[39] Tuy nhiên bão đã không đổ bộ vào đất liền Việt Nam mà đổ bộ vào phía Nam Quảng Tây và suy yếu dần.[40] Tác động gió mạnh không như dự báo ban đầu. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 1 tại Việt Nam, tại đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), Hòn Dáu (Hải Phòng) và Mẫu Sơn (Lạng Sơn) ghi nhận gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9-10; Đầm Hà (Quảng Ninh) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7; Cửa Ông và Móng Cái (Quảng Ninh), Phù Liễn (Hải Phòng) gió giật mạnh cấp 6; Cô Tô (Quảng Ninh) gió giật mạnh cấp 7.[41] Tại Việt Nam, bão Talim làm 214 vị trí ven sông bị sạt lở (dài gần 5 km), gần 2 km bờ bao bị vỡ, 132 căn nhà và 3 trại giống bị sập và gây thiệt hại kinh tế hơn 20,7 tỷ đồng.[42] Bão làm một du khách tử vong do ảnh hưởng gián tiếp của bão gây ra dông lốc làm sập mái che.[43]

Xem thêm[sửa | sửa mã nguồn]

  • Bão Rammasun (2014), sức gió duy trì trong 2 phút là 260 km/h theo CMA, là cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào Trung Quốc.
  • Bão Sanba (2023), cơn bão cùng năm yếu hơn nhưng thiệt hại gây ra nặng nề hơn.

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ “#1 for Tropical Depression” (PDF). PAGASA. 13 tháng 7 năm 2023. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 14 tháng 7 năm 2023. Truy cập ngày 13 tháng 7 năm 2023. Alt URL
  2. ^ “Prognostic Reasoning for Tropical Depression 04W (Four) Warning No. 1”. Joint Typhoon Warning Center. 14 tháng 7 năm 2023. Bản gốc lưu trữ ngày 14 tháng 7 năm 2023. Truy cập ngày 14 tháng 7 năm 2023.
  3. ^ a b c “名称:TALIM 编号:2304 发报中心:BABJ”. Mạng lưới Thời tiết Trung Quốc. Truy cập ngày 17 tháng 1 năm 2024. Liên kết ngoài trong |website= (trợ giúp)
  4. ^ “#11 for Tropical Storm” (PDF). PAGASA. 15 tháng 7 năm 2023. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 14 tháng 7 năm 2023. Truy cập ngày 15 tháng 7 năm 2023. Alt URL
  5. ^ “WTPQ30 RJTD 150600”. Japan Meteorological Agency. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 7 năm 2023. Truy cập ngày 15 tháng 7 năm 2023.
  6. ^ “Bão số 1 có thể rất mạnh, hướng về vịnh Bắc Bộ”. Báo điện tử Tiền Phong. 15 tháng 7 năm 2023. Truy cập ngày 17 tháng 1 năm 2024.
  7. ^ “Prognostic Reasoning for Tropical Storm 04W (Talim) Warning No. 17”. Joint Typhoon Warning Center. 15 tháng 7 năm 2023. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 7 năm 2023. Truy cập ngày 15 tháng 7 năm 2023.
  8. ^ “Prognostic Reasoning for Typhoon 04W (Talim) Warning No. 10”. Joint Typhoon Warning Center. 16 tháng 7 năm 2023. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 7 năm 2023. Truy cập ngày 16 tháng 7 năm 2023.
  9. ^ “JTWC Best Track on Typhoon Talim (04W)”. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 7 năm 2023. Truy cập ngày 2 tháng 8 năm 2023.
  10. ^ SAR: WP042023/Talim.
  11. ^ “Tin bão mới nhất: Bão số 1 Talim đang đạt cực đại, giật cấp 15”. laodong.vn. Truy cập ngày 17 tháng 7 năm 2023.
  12. ^ a b c “RSMC TROPICAL CYCLONE BEST TRACK//NAME 2304 TALIM (2304)”. Bản gốc lưu trữ ngày 25 tháng 10 năm 2023. Truy cập ngày 26 tháng 10 năm 2023.
  13. ^ a b “台风"泰利"先后登陆广东广西 预计19日起减弱消散” [Bão Talim đổ bộ vào Quảng Đông, Quảng Tây và dự kiến sẽ yếu dần và tan đi vào ngày 19]. 人民日报 [Nhân Dân nhật báo] (bằng tiếng Trung). Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 12 năm 2023. Truy cập ngày 17 tháng 1 năm 2024.
  14. ^ "Cảnh báo số 15 về bão Talim". Trung tâm Cảnh báo Bão Liên hợp (JTWC). Xuất bản ngày 18 tháng 7 năm 2023. Bản gốc lưu trữ ngày 18 tháng 7 năm 2023.
  15. ^ Relativo, James. 'Dodong' intensifies into tropical storm; habagat to bring gusty conditions”. Philstar.com. Lưu trữ bản gốc ngày 16 tháng 7 năm 2023. Truy cập ngày 15 tháng 7 năm 2023.
  16. ^ Daguno-Bersamina, Kristine. “Walang Pasok: Class suspensions on July 14 due to 'Dodong'. Philstar.com. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 7 năm 2023. Truy cập ngày 15 tháng 7 năm 2023.
  17. ^ “Situation Report No. 8 for the Combined Effects of Southwest Monsoon and TC DODONG (2023)” (PDF). National Disaster Risk Reduction and Management Council. 21 tháng 7 năm 2023. Truy cập ngày 21 tháng 7 năm 2023.[liên kết hỏng]
  18. ^ Hilda Austria. "2 die during ‘habagat,’ TD Dodong onslaught in Pangasinan". Philippines New Agency. 17 tháng 7 năm 2023. Bản gốc lưu trữ ngày 18 tháng 1 năm 2024.
  19. ^ “Typhoon Talim disrupts lives in Hong Kong”. chinadailyhk (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 25 tháng 2 năm 2024.
  20. ^ Lee, Liz (17 tháng 7 năm 2023). “Typhoon Talim expected to smash into China late Monday”. The Japan Times (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 25 tháng 2 năm 2024.
  21. ^ a b “South China Sea: Typhoon Talim tracking northwestward toward southwestern Guangdong Province as of July 17 /update 3”. South China Sea: Typhoon Talim tracking northwestward toward southwestern Guangdong Province as of July 17 /update 3 | Crisis24 (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 25 tháng 2 năm 2024.
  22. ^ “台风"泰利"登陆广东湛江-新华网” [Bão Talim đổ bộ vào Trạm Giang]. Xinhuanews (bằng tiếng Trung). Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 7 năm 2023. Truy cập ngày 17 tháng 4 năm 2024.
  23. ^ “现场直击|台风"泰利"防抗一线-新华网” [Tường thuật trực tiếp về công tác phòng chống bão Talim]. Xinhuanews (bằng tiếng Trung). Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 7 năm 2023. Truy cập ngày 17 tháng 4 năm 2024.
  24. ^ “台风"泰利"在广西沿海再次登陆-新华网” [Bão Talim đổ bộ vào Quảng Tây]. Xinhuanet (bằng tiếng Trung). 18 tháng 7 năm 2023. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 17 tháng 4 năm 2024.
  25. ^ “Typhoon Talim forecast to hit southern China late Monday”. CNA (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 25 tháng 2 năm 2024.
  26. ^ a b c d “台风渐远 18日广东大部仍有明显降雨” [Bão đang di chuyển và vẫn sẽ có lượng mưa đáng kể ở hầu hết các khu vực của Quảng Đông vào ngày 18]. Mạng lưới Thời tiết Quốc gia (bằng tiếng Trung). 18 tháng 7 năm 2023. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 1 năm 2024. Truy cập 15 tháng 1 năm 2024.
  27. ^ “CH2023BST.txt”. CMA Tropical Cyclone Data Center. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 3 năm 2024. Truy cập ngày 28 tháng 3 năm 2024.
  28. ^ a b "泰利"消散"三伏天"又回来了”. Xinhuanet. 20 tháng 7 năm 2023. Lưu trữ bản gốc 18 tháng 4 năm 2024. Truy cập 18 tháng 4 năm 2024.
  29. ^ “MEMBER REPORT [China] - ESCAP/WMO Typhoon Committee 18th Integrated Workshop [Báo cáo thành viên Uỷ ban Bão-Trung Quốc]” (PDF) (bằng tiếng Anh). 28 tháng 11 năm 2023. Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 17 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 17 tháng 4 năm 2024.
  30. ^ "泰利"已于18日夜间在越南减弱消散 未来三天全岛多阵性降雨局地大到暴雨” [“Talim” đã suy yếu và tan ở Việt Nam trong đêm 18. Trong 3 ngày tới, trên đảo sẽ có nhiều đợt mưa rào, có nơi mưa to đến mưa rất to]. Cục Khí tượng Hải Nam (bằng tiếng Trung). 19 tháng 7 năm 2023. Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 7 năm 2023. Truy cập ngày 31 tháng 3 năm 2024.
  31. ^ “Report on Typhoon Talim (2304)”. www.hko.gov.hk (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 20 tháng 1 năm 2024. Truy cập ngày 20 tháng 1 năm 2024.
  32. ^ a b “Maximum gust peak speeds and maximum hourly mean winds with associated wind directions recorded at various stations when the tropical cyclone warning signals for Talim were in force”. Hong Kong Observatory. Lưu trữ bản gốc 20 tháng 1 năm 2024. Truy cập ngày 20 tháng 1 năm 2024.
  33. ^ Kong, Dimsumdaily Hong (17 tháng 7 năm 2023). “Torrential rain and flooding in China's Jiangsu Province leads to tragic death of woman due to the effects of Typhoon Talim”. Dimsum Daily (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 17 tháng 1 năm 2024.
  34. ^ “China's Unprecedented Economic Losses from Typhoons and Floods: A Detailed Analysis of July 2023”. Thời báo Bắc Kinh. 5 tháng 8 năm 2023. Truy cập ngày 27 tháng 2 năm 2024.
  35. ^ “China's July economic losses from disasters exceed January-June”. Reuters. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 8 năm 2023. Truy cập ngày 4 tháng 3 năm 2024.
  36. ^ Theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia (17 tháng 7 năm 2023). “Bão số 1 sẽ vào vùng ven biển tỉnh Quảng Ninh-Hải Phòng ngày 18/7”. Báo Nhân Dân điện tử. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 3 năm 2024. Truy cập ngày 4 tháng 3 năm 2024.
  37. ^ “Bão giật cấp 14 hướng vào vùng biển từ Quảng Ninh-Thái Bình”. Báo Nhân dân Điện tử. 16 tháng 7 năm 2023. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 3 năm 2024. Truy cập 17 tháng 4 năm 2024.
  38. ^ Nguyễn Huệ (16 tháng 7 năm 2023). “Chuyên gia: Bão số 1 có thể là cơn bão mạnh ảnh hưởng đến Bắc Bộ”. Báo điện tử VTC News. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 3 năm 2024. Truy cập ngày 4 tháng 3 năm 2024.
  39. ^ "Công văn số 646/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: V/v tập trung ứng phó bão số 1 và mưa lũ". Thủ tướng Chính phủ kí ngày 16 tháng 7 năm 2023.
  40. ^ Chí Tuệ (19 tháng 7 năm 2023). “Vì sao bão số 1 không đổ bộ vào Quảng Ninh - Hải Phòng như dự báo?”. Báo Tuổi trẻ Online. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 3 năm 2024. Truy cập ngày 4 tháng 3 năm 2024.
  41. ^ Chí Tuệ, Nguyễn Khánh (18 tháng 7 năm 2023). “Bão số 1 vẫn trên đất liền Trung Quốc, hoàn lưu bão gây mưa khá lớn”. Báo Tuổi trẻ Online. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 3 năm 2024. Truy cập 21 tháng 7 năm 2023.
  42. ^ “Thiên tai gây thiệt hại hơn 40 tỷ đồng ở Cà Mau, Sóc Trăng”. BÁO SÀI GÒN GIẢI PHÓNG. 23 tháng 7 năm 2023. Lưu trữ bản gốc ngày 29 tháng 11 năm 2023. Truy cập ngày 29 tháng 11 năm 2023.
  43. ^ Thanh Huyền, Chí Công, Khắc Tâm (18 tháng 7 năm 2023). “Bão số 1 làm sập mái che cầu cảng, 1 nữ du khách tử vong”. Báo Tuổi trẻ Online. Lưu trữ bản gốc ngày 29 tháng 11 năm 2023. Truy cập ngày 29 tháng 11 năm 2023.Quản lý CS1: nhiều tên: danh sách tác giả (liên kết)

Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]

  • Thông tin chung về bão Talim từ JMA..
  • Các ảnh liên quan đến bão Talim từ Wikimedia Commons.