Genicanthus bellus

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Genicanthus bellus
Cá cái
Tình trạng bảo tồn
Phân loại khoa học
Giới (regnum)Animalia
Ngành (phylum)Chordata
Lớp (class)Actinopterygii
Bộ (ordo)Perciformes
Họ (familia)Pomacanthidae
Chi (genus)Genicanthus
Loài (species)G. bellus
Danh pháp hai phần
Genicanthus bellus
Randall, 1975

Genicanthus bellus là một loài cá biển thuộc chi Genicanthus trong họ Cá bướm gai. Loài này được mô tả lần đầu tiên vào năm 1975.

Từ nguyên[sửa | sửa mã nguồn]

Từ định danh của loài trong tiếng Latinh có nghĩa là "xinh đẹp", hàm ý đề cập đến việc loài này được cho là "sặc sỡ nhất trong tất cả các loài thuộc chi Genicanthus"[2].

Phạm vi phân bố và môi trường sống[sửa | sửa mã nguồn]

G. bellus có phạm vi phân bố tập trung ở Tây–Trung Thái Bình Dương, nhưng thưa thớt ở Đông Ấn Độ Dương (chỉ được biết đến tại quần đảo Cocos (Keeling)đảo Giáng Sinh thuộc Úc). Loài này được ghi nhận chủ yếu tại các đảo quốc, quần đảo trên Thái Bình Dương, là PhilippinesIndonesia; đảo Okinawa (Nhật Bản); Liên bang Micronesia; quần đảo Mariana (bao gồm cả Guam); quần đảo Marshall; Palau; giới hạn phía nam đến biển San Hô, TongaVanuatu; xa hơn ở phía đông là đảo Tahitiquần đảo Cook[1][3].

G. bellus sống gần các rạn san hôđá ngầmmặt trước rạn, có độ sâu khoảng từ 24 đến 110 m, nhưng thường được quan sát phổ biến ở độ sâu từ 50 m trở ra ngoài khơi[4].

Loài này có thể có phạm vi rộng rãi hơn hiện tại, nhưng không được phát hiện ở những vị trí khác do chúng sống ở độ sâu khá lớn để khám phá[1][4].

Mô tả[sửa | sửa mã nguồn]

G. bellus có chiều dài cơ thể tối đa được biết đến là 18 cm[4]. Chúng là một loài dị hình giới tính.

Cá cái và cá con có màu xanh lam xám nhạt. Vạch đen thứ nhất xuất hiện từ gáy băng xuống dưới, qua mắt. Dải đen thứ hai gần ngay phía sau vạch đen thứ nhất, kéo dọc theo toàn bộ vây lưng. Dải sọc đen thứ ba nằm xiên, kéo dài đến thùy vây đuôi dưới; thùy đuôi trên cũng có màu đen. Tất cả các sọc này được viền màu trắng hoặc màu lam nhạt. Bên dưới dải sọc đen thứ ba, đằng sau vây ngực có một vệt màu cô ban. Vây hậu môn có viền màu cam, và cũng không phải là hiếm thấy khi nhiều cá thể cái lại không có viền cam này. Vây lưng hầu hết là màu đen, nhưng những con cá cái trưởng thành có thể có màu cam. Môi trên của chúng có màu đen với đốm màu xanh lam ánh bạc[5].

Cá đực có thân màu be hoặc nâu xám nhạt. Thân có hai sọc ngang song song màu vàng tươi: sọc trên từ gáy, chạy dọc theo gốc của vây lưng và kết thúc ở cuống đuôi; sọc dưới từ phía sau nắp mang, băng thẳng và hợp với sọc trên ở cuống đuôi. Gốc vây ngực cũng có màu vàng. Vây đuôi trong mờ, phớt màu vàng cam nhạt; hai thùy đuôi vươn dài, có màu xanh lam sáng. Đầu lốm đốm các vệt màu vàng cam. Một vài cá thể đực có những đốm vàng cam, đặc biệt là ở vây đuôi, vây lưng và trên cuống đuôi[5].

Số gai ở vây lưng: 15; Số tia vây ở vây lưng: 15–16; Số gai ở vây hậu môn: 3; Số tia vây ở vây hậu môn: 16–17[3].

Sinh thái[sửa | sửa mã nguồn]

Thức ăn của G. bellus là các sinh vật phù du, bên cạnh đó, chúng cũng ăn cả tảo, những loài thuộc ngành động vật hình rêuphân ngành Sống đuôi[3]. G. bellus thường sống thành từng nhóm nhỏ (khoảng 3 đến 7 cá thể), gồm một con đực đứng đầu bầy cá cái trong hậu cung của nó. Khi con đực thống trị chết đi, con cá cái lớn nhất trong hậu cung sẽ dần thay đổi giới tính và hoàn toàn trở thành cá đực trong vòng 2–3 tuần sau đó[4].

G. bellus được ghi nhận là đã lai tạp với Genicanthus lamarck (tại đảo Bali, Indonesia[6]Philippines) và Genicanthus melanospilos (tại Philippines)[7].

G. bellus được xem là một loài cá cảnh có giá khá đắt vì chúng hiếm khi được đánh bắt do sống ở môi trường nước sâu[1].

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ a b c d R. Pyle; R. Myers; M. T. Craig (2010). Genicanthus bellus. Sách đỏ IUCN về các loài bị đe dọa. 2010: e.T165864A6151980. doi:10.2305/IUCN.UK.2010-4.RLTS.T165864A6151980.en. Truy cập ngày 12 tháng 5 năm 2021.Quản lý CS1: sử dụng tham số tác giả (liên kết)
  2. ^ Scharpf, C.; Lazara, K. J. (2021). “Order ACANTHURIFORMES (part 1)”. The ETYFish Project Fish Name Etymology Database. Truy cập ngày 12 tháng 5 năm 2021.
  3. ^ a b c Dianne J. Bray (2020). “Ornate Angelfish, Genicanthus bellus Randall 1975”. Fishes of Australia. Truy cập ngày 12 tháng 5 năm 2021.
  4. ^ a b c d Froese Rainer, và Daniel Pauly (chủ biên) (2021). Genicanthus bellus trong FishBase. Phiên bản tháng 2 2021.
  5. ^ a b Lemon TYK (15 tháng 7 năm 2015). “Bellissima bellus: The biology and hybridization of Genicanthus bellus”. Reef Builders. Truy cập ngày 12 tháng 5 năm 2021.
  6. ^ Lemon TYK (1 tháng 7 năm 2013). “Genicanthus bellus hybrid is a magnificent treasure from Bali”. Reef Builders. Truy cập ngày 12 tháng 5 năm 2021.
  7. ^ Yi-Kai Tea và cộng sự (2020). “Angels in disguise: sympatric hybridization in the marine angelfishes is widespread and occurs between deeply divergent lineages” (PDF). Proceedings of the Royal Society B: Biological Sciences. 287 (1932): 1–8. doi:10.1098/rspb.2020.1459.

Xem thêm[sửa | sửa mã nguồn]