Bước tới nội dung

Hình Phước Liên

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Nhạc sĩ
Hình Phước Liên
Thông tin cá nhân
Sinh19 tháng 1, 1954 (70 tuổi)
Giới tínhnam
Quốc tịch Việt Nam
Nghề nghiệpNhạc sĩ
Gia đình
Anh chị em
Hình Phước Long (anh)
Sự nghiệp âm nhạc
Nghệ danhKhánh Hải
Dòng nhạcNhạc cách mạng
Ca khúcChú bò nhỏ và bác tàu lửa
Cô giáo em là hoa Ê-pang
Lấp lánh Cam Ranh
Giải thưởngGiải nhất Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2000
Giải thưởng
Giải thưởng Nhà nước 2022
Văn học Nghệ thuật

Hình Phước Liên (Khánh Hải) sinh ngày 19 tháng 1 năm 1954 tại Khánh Hòanhạc sĩ Việt Nam, được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật vào năm 2022.

Tiểu sử và sự nghiệp[1][sửa | sửa mã nguồn]

Hình Phước Liên sinh ra và lớn lên ở làng Hà Liên (phường Ninh Hà, thị xã Ninh Hòa), từ bé đã đam mê âm nhạc cùng người anh của mình (nhạc sĩ Hình Phước Long). Vào độ tuổi 15 - 16 tuổi, khi biết chơi ghi-ta, măng-đô-lin, hai anh em đã tập viết nhạc.

Năm 1975, đất nước thống nhất, chàng thanh niên Hình Phước Liên tham gia đội văn nghệ quần chúng của Phòng Thông tin - Văn hóa huyện Khánh Ninh (nay là thị xã Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh). Ngay từ những ngày đầu, anh đã trở thành hạt nhân của phong trào văn hóa văn nghệ địa phương với sáng tác thơ ca, hò vè, ca khúc để tuyên truyền mọi người chung tay xây dựng quê hương. Năm 1976, người nhạc sĩ trẻ này đã đoạt giải nhì cuộc thi sáng tác của tỉnh Phú Khánh với ca khúc Khánh Ninh đẹp tình ta.

Những năm sau đó, Hình Phước Liên cho ra đời nhiều ca khúc khá nổi tiếng như: Đường làng năm ấy, Bài ca người lính đảo, Nhắn đất liền, Chú bê vàng và chàng lính đảo, Cây đàn ghi-ta của Lorca. Đặc biệt, Hình Phước Liên rất thành công với các ca khúc về thiếu nhi như: Cô giáo em là hoa Êban, Ngôi nhà của chúng ta, Năm 2000 của chúng em (một trong 50 bài hát về thiếu nhi hay nhất thế kỷ XX), Chú bò nhỏ và bác tàu lửa (Giải nhất Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2000), Em bé Hiroshima...

Bên cạnh sáng tác ca khúc, Hình Phước Liên còn có nhiều đóng góp trên lĩnh vực nghiên cứu văn hóa dân gian, nhất là lễ hội cầu ngư, tục thờ bà Ponagar, lễ bỏ mả và lễ ăn đầu lúa mới của đồng bào Raglai... Năm 2012, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận 3 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia trên địa bàn Khánh Hòa. Trong đó, lễ bỏ mả của người Raglai, lễ hội cầu ngư do nhạc sĩ Hình Phước Liên viết bài nghiên cứu và viết hồ sơ. Lễ hội cầu ngư đã được ông theo đuổi trong một thời gian dài từ luận văn tốt nghiệp Đại học Văn hóa đến công trình nghiên cứu cấp bộ. Lễ bỏ mả của người Raglai cũng là một công trình nghiên cứu đầy tâm huyết của ông. Trước khi viết hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, năm 2009, ông đã làm đề tài nghiên cứu khoa học về lễ bỏ mả. Không chỉ tập trung ghi lại các tập tục của người Raglai, Hình Phước Liên còn chú ý đến sự giao lưu, tiếp biến của văn hóa Raglai với các nền văn hóa xung quanh...

Năm 2022, ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật.[2]

Các tác phẩm chính[sửa | sửa mã nguồn]

  • Khánh Ninh đẹp tình ta
  • Đường làng năm ấy
  • Bài ca người lính đảo
  • Nhắn đất liền
  • Chú bê vàng và chàng lính đảo
  • Cây đàn ghi-ta của Lorca
  • Cô giáo em là hoa Êban
  • Ngôi nhà của chúng ta
  • Năm 2000 của chúng em
  • Chú bò nhỏ và bác tàu lửa
  • Em bé Hiroshima...

Vinh danh[sửa | sửa mã nguồn]

  • Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2022.

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ “Nhạc sĩ Hình Phước Liên: Chưa hết ngọn lửa đam mê”. Báo Khánh Hòa. Truy cập ngày 23 tháng 6 năm 2024.
  2. ^ “87 tác giả, đồng tác giả được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2022”. TTXVN. Truy cập ngày 26 tháng 5 năm 2024.

Xem thêm[sửa | sửa mã nguồn]